Nghệ nhân Năm Tuyền giới thiệu BST áo dài ngũ thân tại Festival Huế 2024

Áo dài ngũ thân không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm của tôi với nghề may đã gắn bó suốt hơn 40 năm qua – nghệ nhân Năm Tuyền chia sẻ

Quang cảnh trình diễn bộ sưu tập áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội, thuộc Festival Huế 2024.

Quang cảnh trình diễn bộ sưu tập áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội, thuộc Festival Huế 2024.

Tham gia Lễ phát động Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2024 thuộc khuôn khổ Festival Huế 2024, nghệ nhân Năm Tuyền đã giới thiệu bộ sưu tập áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội. Đây là lần thứ ba nghệ nhân Năm Tuyền mang áo dài đến mảnh đất khai sinh ra quốc phục của người Việt.

Long Vân Khánh Hội còn là món quà đặc biệt. Bộ sưu tập kỷ niệm 280 năm ngày chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc áo dài trở thành trang phục chung của người Việt ở Đàng Trong; với tinh thần thống nhất về văn hóa của một đất nước văn hiến, hùng cường.

Các thiết kế thuộc BST Áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội.

Các thiết kế thuộc BST Áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội.

Bộ sưu tập áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội

Long Vân Khánh Hội thể hiện sự oai nghi của linh vật Rồng, và cả niềm hạnh phúc may mắn khi Rồng Mây hội tụ. Những áng mây, ngọn núi thơ mộng của cố đô được Nghệ nhân Năm Tuyền thể hiện khéo léo bằng những đường nét thêu máy cùng sự pha phối màu linh hoạt.

Những hoa văn màu sắc tuyệt vời đó vừa làm bật lên vẻ vui tươi vừa giữ được chất uy nghi của không khí lễ hội ở chốn cung đình. Các thiết kế cũng thật gần gũi, thân thiện với cuộc sống thường nhật. Trong bầu không khí ấm áp, vui tươi và tràn đầy năng lượng của mùa hạ năm Thìn ở mảnh đất kinh kỳ, bộ sưu tập càng thêm rực rỡ, xinh tươi và sống động.

Long Vân Khánh Hội còn mang theo họa tiết dòng sông đầy chất thơ in hình rặng núi, bầu trời vẽ lên những tà áo, thướt tha mà ảo diệu, “áo bay trên đường như mây xuống phố”.

Với chất liệu lụa, satin, taffeta cùng những sắc màu tự nhiên theo phong cách áo ngũ thân làm nền cho cảnh tượng núi non mây trời với linh vật rồng ẩn hiện, bộ sưu tập Long Vân Khánh Hội của nghệ nhân Năm Tuyền thực sự đã mang đến không khí ngày hội sang trọng và đầy khí chất về với Huế.

Áo dài ngũ thân giữ gìn văn hóa Việt

Ra đời từ vài thế kỷ trước, áo dài ngũ thân là kết tinh của văn hóa, nghệ thuật thủ công và lối sống của người Việt xưa. Khi âu phục gia nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, chiếc áo dài nam gần như biến mất hẳn khỏi đời sống thường nhật. Trong khoảng 50 năm trở lại đây, nhắc đến áo dài, người ta đều đề cập đến áo dài nữ. Kể cả trong các lễ hội, các chương trình tôn vinh áo dài, logo cũng là áo dài nữ dù ban đầu chiếc áo dài xuất phát từ áo dài nam.

Trong khi áo dài ngũ thân nữ có những bước phát triển rực rỡ sau cuộc cách tân của họa sĩ Cát Tường thì áo dài nam gần như biến mất khỏi sinh hoạt thường nhật kể từ sau năm 1945. Nếu có, áo ngũ thân nam chỉ hiện diện trên sân khấu biểu diễn hoặc các lễ tế tại đình chùa miếu mạo. Hình ảnh chiếc áo vì thế không được đẹp và cũng không gần gũi nữa.

Từ giữa những năm 2010, làn sóng cổ phục, trong đó có Áo dài ngũ thân trước sự tìm tòi khám phá của người trẻ dần trở nên phổ biến. Niềm tự hào về phục trang truyền thống của người trẻ cộng hưởng với sự lan tỏa của mạng xã hội đã đưa áo dài nam bước vào hành trình phục sinh thầm lặng mà mạnh mẽ.

Bộ sưu tập áo dài ngũ thân Long Vân Khánh Hội, nghệ nhân Năm Tuyền

Nghệ nhân Năm Tuyền hồi sinh tà áo dài ngũ thân

Là người tích cực tham gia công tác kết nối với các hoạt động văn hóa truyền thống, nhiều năm qua nghệ nhân Năm Tuyền luôn trăn trở trước sự mai một của văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa mặc. Cuộc hội ngộ với câu lạc bộ Đình Làng Việt và sau đó là với Tiến sĩ  Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế, người có nhiều đam mê với Áo dài ngũ thân trong Đề án Huế – Kinh đô Áo dài đã tiếp thêm động lực để ông dấn thân vào hành trình may Áo dài ngũ thân.

“Áo dài ngũ thân không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm của tôi với nghề may đã gắn bó suốt hơn 40 năm qua”, nghệ nhân Năm Tuyền chia sẻ.

Chân dung nghệ nhân Năm Tuyền.

Chân dung nghệ nhân Năm Tuyền.

Ông còn tiết lộ thêm, chính người trẻ là động lực thôi thúc ông. “Tôi được tiếp sức và truyền lửa từ tình yêu và lòng say mê đó của các bạn. Kiến thức, nghiên cứu của các bạn trẻ giúp tôi tiếp cận nhiều tư liệu quý và hiểu thêm về Áo dài ngũ thân”.

Trong nhiều năm qua, bằng trái tim nhiệt huyết dành cho Áo dài ngũ thân, nghệ nhân Năm Tuyền đã chuẩn hóa quy trình may, góp phần không nhỏ đưa chiếc áo này tiệm cận hơn với người trẻ, với đời sống đương đại.

Chuẩn hóa quy trình may áo dài ngũ thân

Nghệ nhân chia sẻ, dù đã thành thạo nghề may nhưng trước một sản phẩm mới lạ như Áo dài ngũ thân, mọi thứ trong quy trình phải được xây dựng lại từ đầu. Để có được quy trình này, bản thân Năm Tuyền đã đặt Áo ngũ thân từ khắp nhiều vùng trong cả nước. Ông mặc thử suốt một thời gian để “lắng nghe” chiếc áo.

Năm Tuyền nói, yếu tố đầu tiên ông quan tâm là áo dài ngũ thân phải thoải mái. Thứ hai là giá thành hợp lý. Muốn đạt được hai yếu tố này, nếu chỉ may thủ công, không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giá cả sẽ rất cao. Mà như vậy thì áo dài ngũ thân sẽ không thể tiếp cận được đông đảo người dùng.

Một thiết kế của áo dài ngũ thân Năm Tuyền.

Một thiết kế của áo dài ngũ thân Năm Tuyền.

“Tôi bắt đầu khảo sát, phân tích chỉ số cơ thể nhằm quy ra số kích cỡ quy chuẩn như Âu phục. Việc này giúp Áo dài ngũ thân có thể sản xuất đại trà, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đông đảo của khách hàng. Tiếp đến là chuẩn hóa quy trình sản xuất, bắt đầu từ người thợ”.

Hiện tại, Áo dài Năm Tuyền có thể may cùng nhiều chất liệu vải khác nhau. Áo cũng có thể giặt ủi thoải mái, ít hoặc không nhăn, tiện lợi cho việc mặc, gấp lại hay vận chuyển. Muốn chiếc áo ngũ thân đến gần hơn với đời sống hiện đại, theo nghệ nhân Năm Tuyền, các cuộc phát động phong trào thôi là chưa đủ. Bản thân chiếc áo cũng cần mang lại cảm giác tiện dụng, thoải mái để sau mỗi lần mặc, người mặc càng thêm yêu và tự hào, muốn mặc thêm nhiều lần.

ÁO DÀI VÀ CỔ PHỤC VIỆT:

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm