Netflix áp đảo các nền tảng xem phim trực tuyến nội địa của Hàn Quốc, số phận các ứng dụng ở Việt Nam ra sao?

Nội dung xuất xứ Hàn Quốc (K-Content) ngày một thành công trên nền tảng Netflix. Nhưng đến cả tin vui cũng có mặt trái.

KRHero_GLOBAL-2

Các nội dung Hàn (K-Content) ngày một ăn nên làm ra trên Hàn Quốc. Chính việc này khiến các nhà làm phim nội địa đổ xô đến Netflix, đẩy các nền tảng khác vào thế khó. Ảnh: Netflix

Công ty Ampere Analysis vừa công bố báo cáo về các loại hình nội dung trên Netflix. Theo đó, phim ảnh và gameshow Hàn Quốc xếp thứ hai toàn cầu về tổng thời lượng xem, chiếm khoảng 9%, chỉ đứng sau phim Mỹ và vượt xa các đối thủ như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Anh Quốc.

Đây có phải là tín hiệu đáng mừng với Hàn Quốc? Chắc chắn.

Thông qua những bộ phim được theo dõi toàn cầu như vậy, Hàn Quốc đang đưa cuộc diễu hành văn hóa của mình đi thật xa, thật bền, tiếp tục củng cố cho quyền lực mềm cho đất nước, dùng phim ảnh bổ trợ cho sự phát triển của các ngành khác như du lịch, ẩm thực.

Song, với các chuyên gia trong làng phim ảnh Hàn, đằng sau thành công của phim Hàn Quốc trên Netflix là một viễn cảnh đầy bất ổn cho các nền tảng phát hành và đài nội địa.

Không thể phủ nhận những lợi ích của Netflix

Các bộ phim hay thường được phân phối độc quyền chỉ qua một kênh. Về lâu dài, cách phân phối phim này gây khó chịu cho khán giả. Khi mỗi nền tảng có một series hay, độc quyền, điều đó đồng nghĩa với việc khán giả phải mua gói thành viên VIP ở nhiều nền tảng streaming phim khác nhau, rất tốn kém về chi phí. Điều đó dẫn đến suy nghĩ nếu tất cả những bộ phim yêu thích đều có trên chung một nền tảng thì sẽ tiện lợi hơn hẳn.

Netflix, với khả năng tiếp cận rất nhiều thị trường khác nhau, có lượng khán giả không lồ, đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu trong phân phối phim. Đặc biệt với các công ty sản xuất phim Hàn Quốc, việc hợp tác cùng Netflix sẽ giúp họ vượt khỏi biên giới quốc gia chỉ khoảng 51 triệu dân, tiếp cận 301 triệu khán giả toàn cầu của nền tảng chiếu phim trực tuyến này.

bzvn-netflix-han-quoc

Tastefully Yours sẽ được phát hành song song trên Genie TV lẫn Netflix – trường hợp vô cùng cá biệt. Ảnh: Netflix

Dần dần, nhiều công ty không còn để tâm đến các nền tảng chiếu phim nội địa. Công ty KT, từ trước đến nay vẫn phân phối độc quyền qua “sân nhà” Genie TV cùng tập đoàn, xác nhận sẽ đưa phim Tastefully Yours có Kang Ha Neul và Go Min Si lên Netflix chiếu song song với Genie TV. Họ lấy lý do vì muốn “nâng cao khả năng tiếp cận của khán giả với bộ phim”.

Như vậy, khán giả chỉ cần mua gói thành viên trên Netflix là đủ. Thật sự tiết kiệm và đầy đủ tiện lợi.

bzvn-netflix-nac-thang-len-thien-duong

Netflix trình chiếu lại các phim cũ như Nấc thang lên thiên đường (2003). Ảnh: SBS

Nhiều bộ phim cũ từng chỉ chiếu trên truyền hình bây giờ cũng có thể được tái khai thác. Cụ thể như Nấc thang lên thiên đường (2003). Suốt một thời gian dài, khán giả Hàn rất khó tìm nguồn để xem, nếu không phải nguồn lậu. Bây giờ, phim cũng đang được phát hành trở lại trên Netflix.

Việc Netflix phân phối cho phép chính khán giả Hàn có dịp ôn lại các tác phẩm hay, vừa tiếp tục lan tỏa làn sóng Hallyu đến các khán giả quốc tế.

bzvn-netflix-crime-scene-zero

Crime Scence Zero kết thúc trên đài truyền hình vào năm 2017, được hồi sinh bởi nền tảng trực tuyến nội địa TVING vào năm 2024, rồi sau đó cũng vụt vào tay Netflix trong năm 2025. Ảnh: Netflix

Thêm vào đó, Netflix hiện đang hồi sinh những chương trình thực tế được yêu thích nhưng đã kết thúc ở đài trung ương. Chương trình HK Coin (còn gọi là Beat Coin, 2022-2024) thành công của KBS sẽ lên Netflix với cái tên mới Screwballs, lôi kéo được hết tài năng diễn viên lẫn sản xuất cũ. Tương tự, JTBC cũng để show truyền hình ăn khách Crime Scene (2014-2017 và một mùa ngắn vào năm 2024 trên TVING) vào tay Netflix với tên mới Crime Scene Zero, ra mắt năm 2025.

Xét về phía các nhà làm phim, Netflix cũng là một lựa chọn tốt. Bogota: City of The Lost, phim điện ảnh của Song Joong Ki thất bại thảm hại ở phòng vé, cũng đã có màn gỡ gạc khi phát hành trên nền tảng trực tuyến này. Netflix cho phép họ tiếp cận với nguồn vốn khổng lồ và hiện thực hoá những dự án khó thành vì vấn đề chi phí.

Nhưng các nền tảng nội địa phải làm sao khi các nhà làm phim đều muốn “bán con” cho Netflix?

poster-nguoi-hung-yeu-duoi-weak-hero-class-2

Poster phim Weak Hero Class phần 2, phát hành bởi Netflix. Ảnh: Netflix

Sau COVID-19, chi phí sản xuất tăng vọt, trong khi các đài cáp và nền tảng nội địa không còn đủ tiềm lực để đầu tư mạnh tay. Một bộ phim dù được khen ngợi như Người Hùng Yếu Đuối (Weak Hero Class 1, phát hành 2022 trên Wavve) vẫn không thể thu đủ lợi nhuận để làm phần 2. Kết quả, phần tiếp theo dự kiến phát hành vào năm 2025 sẽ do Netflix đầu tư và phân phối độc quyền. Netflix có thể tài trợ 100% kinh phí sản xuất, chỉ cần nhà làm phim chịu dán nhãn Netflix Original.

Gã khổng lồ với logo đỏ và chiếc ví tiền dày cộp sẵn sàng thu mua những nội dung bị đánh giá thấp ở các nền tảng khác vì rủi ro không thành công ít ảnh hưởng đến họ hơn. Theo báo cáo của Ampere Analysis, một nửa những tác phẩm Hàn nằm trong top 100 của Netflix được dán nhãn Netflix Original, và còn nhiều nhiều nữa những tác phẩm xếp hàng để được Netflix phân phối.

poster phim Trái tim bị chôn vùi (Buried Hearts)

Trái Tim Chôn Vùi (Buried Hearts). Ảnh: SBS

Cán cân kinh doanh giữa các kênh phát hành từ đó có lợi thế nghiêng hẳn về Netflix, bất cân xứng đến mức các bên khác, đáng chú ý là nền tảng nội địa Hàn, gần như chấp nhận thua cuộc. Thế chân vạc vững chắc của ba đài SBS, KBS, MBC đang bị đe dọa khi tệp khán giả ngày một thu nhỏ. Mới đây nhất, bộ phim Trái Tim Chôn Vui (Buried Hearts) của đài SBS đạt mức rating 15% đã được xem là kỳ tích, dù trước đây, phim chiếu đài trung ương mà rating 10% thì bị xem là thất bại.

Tiềm lực của Netflix hay các nền tảng phát trực tuyến quốc tế lớn tới nỗi có thể khiến những diễn viên hàng đầu Hàn Quốc, vốn chỉ đóng phim điện ảnh từ trước đến nay, cũng chịu quay lại đóng phim nhiều tập sau hàng thập kỷ.

bzvn-culinary-class-wars-netflix

Netflix thường xuyên cho ra mắt các chương trình giải trí mới, cạnh tranh cân sức với những show lâu đời của đài truyền hình. Ảnh: Netflix

Tương tự với mảng truyền hình thực tế. Netflix liên tục tung ra các chương trình có format mới lạ như Culinary Class Wars khai thác đề tài thi đấu ẩm thực, Single Inferno với thông điệp hẹn hò hợp thị hiếu giới trẻ. Còn các đài trung ương xứ Hàn vẫn phụ thuộc vào các chương trình lâu năm như I Live Alone, Radio Star. Những chương trình này vẫn có sức hút nhất định, nhưng những chương trình mới cũng nhanh chóng cạnh tranh một chín, một mười.

Ông Jeon Jin soo, Giám đốc mảng giải trí MBC, cho biết: “Chi phí sản xuất của Culinary Class Wars có thể gấp khoảng 100 lần chi phí chúng tôi bỏ ra cho một tập chương trình thực tế”. Điều đó có nghĩa là khoảng cách về quy mô kinh tế giữa Netflix và các đài truyền hình đã quá lớn.

Dần dần, khi tất cả đổ về một chỗ, làng phim Hàn sẽ có sự xuất hiện của một doanh nghiệp độc tài thâu tóm toàn bộ quyền lực. Netflix ngày một thu hút nhiều những bộ phim hay với lợi nhuận tốt, để lại những tác phẩm ít ỏi cho nhà đài, mà tác phẩm ít, chất lượng thấp, thì khán giả sẽ dần bất tín với kênh truyền hình. Ngược lại, kẻ giàu netflix lại càng giàu có hơn, Khi đó, những nền tảng nội địa như TVING, Wavve… sẽ gặp khó khăn để sống sót.

Nếu bị xóa sổ, Hàn Quốc sẽ không có cho mình một nền tảng streaming nội địa nào. Trong lịch sử của một nền kinh tế trọng các thương hiệu nội địa và tự hào khi thương hiệu nội địa vươn tầm thế giới như SAMSUNG, LG… Hàn Quốc chẳng lẽ lại thua ở khía cạnh giải trí, văn hóa?

Hai nền tảng nội địa lớn của Hàn, TVING và Wavve, trước sự bành trướng của Netflix, đã lên kế hoạch sáp nhập từ cuối năm 2023 để dồn tiềm lực kinh tế để cạnh tranh được với gã khổng lồ. Thương vụ hiện đang đi vào những bước cuối cùng.

TVING phân phối các chương trình từ đài cáp tvN và JTBC, hai đài mà thời gian gần đây, cụ thể là từ đầu 2020, cũng có tiềm lực rất lớn với nhiều bộ phim hit. Wavve, có sự hậu thuẫn từ ba đài trung ương KBS, MBC và SBS. Đây có thể là hy vọng duy nhất và khả thi nhất ở hiện tại.

bzvn-thi-truong-ott-han-quoc-thang-8-2023-final-fixed

Thống kê vào tháng 8/2023. Có thể thấy, nếu sáp nhập TVING và WAVVE, họ vẫn thua Netflix về tổng người sử dụng lẫn giờ xem, nhưng chí ít sẽ có tiềm lực lớn hơn so với hiện tại. Ảnh: Korea Export-Import Bank Overseas Economic Research Institute

Việt Nam có gặp tình trạng giống Hàn Quốc?

Netflix thâm nhập thị trường Việt Nam vào khoảng năm 2021. Họ có các nỗ lực quảng bá phim trên khắp cái nền tảng mạng xã hội và truyền thông với kho nội dung dành riêng cho thị trường này như các diễn viên gửi lời chào đến khán giả Việt… Tuy nhiên, đến khoảng đầu năm 2024, các kênh truyền thông của Netflix Vietnam đã ngừng hoạt động, dù bạn vẫn có thể tìm kiếm các kênh đó trên Internet.

Đạo diễn Hàm Trần từ bộ Tiệm Ăn Của Quỷ, series Việt đầu tiên được phát toàn cầu trên Netflix, chia sẻ với chúng tôi trong một buổi trò chuyện rằng ở Đông Nam Á, Netflix hiện đang tập trung đầu tư cho thị trường Indonesia. Vì vậy mà các nền tảng nội địa như VieON, Galaxy Play, FPT Play, Danet, My K+… hiện vẫn có chỗ đứng trong thị trường việt.

Đặc biệt, theo số liệu tính đến tháng 9/2024, VieON hiện đang là “market leader” – nền tảng OTT dẫn đầu thị trường Việt. Nhưng các nền tảng OTT nội địa khác không nên chủ quan. Theo sát VieON là iQiYi từ Trung Quốc, với lượng người dùng lớn hơn Galaxy Play và FPT Play.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm