
Nữ diễn viên Phạm Băng Băng là tín đồ của mặt nạ giấy. Ảnh: Instagram @bingbing_fan
Từ lâu, mặt nạ giấy đã trở thành “vật bất ly thân” của nhiều tín đồ làm đẹp nhờ sự tiện lợi và khả năng chăm sóc da tức thì. Với thiết kế ôm sát khuôn mặt cùng tinh chất dưỡng da đậm đặc, mặt nạ giấy giúp cấp ẩm, làm dịu và nuôi dưỡng làn da chỉ sau 15–20 phút. Nhờ đóng gói riêng lẻ, dễ dàng mang theo, đây là giải pháp lý tưởng cho người bận rộn nhưng vẫn muốn duy trì làn da căng mịn.
Dù được khuyên chỉ sử dụng 1–2 lần/tuần, thế nhưng không ít người vẫn đắp mặt nạ giấy hàng ngày với hy vọng làn da đạt hiệu quả tối đa. Điển hình là Phạm Băng Băng, cô được biết đến với danh xưng Nữ hoàng mặt nạ vì thường xuyên dùng mặt nạ giấy. Cô cho biết sử dụng hai chiếc mỗi ngày và đắp mặt nạ giấy khi không làm việc để làm mới và chăm sóc làn da. Nữ diễn viên còn tiết lộ, cô từng sử dụng hơn 700 chiếc trong một năm.
Vậy khi chúng ta đem mặt nạ giấy và chăm sóc da như sữa rửa mặt, serum, kem dưỡng ẩm, retinol… lên “bàn cân”, quy trình nào hiệu quả hơn? Và mặt nạ giấy có rẻ hơn các sản phẩm chăm sóc da? Hãy thử tính nhẩm về chi phí, nếu trung bình một chiếc mặt nạ có giá 50.000–150.000 đồng, việc dùng mỗi ngày sẽ tốn hơn 18–55 triệu đồng mỗi năm. Liệu mặt nạ giấy có xứng đáng với chi phí đó?
Nguồn gốc và sự phát triển của mặt nạ giấy

Ảnh: Instagram @innisfreeofficial
Mặt nạ giấy được sử dụng từ hàng nghìn năm trước. Hàn Quốc cổ đại tiếp cận với mặt nạ bằng cách ngâm vật liệu giống như gạc trong dưỡng chất tự chế rồi đắp lên mặt. Đây là thế hệ mặt nạ giấy đầu tiên. Tại Nhật Bản, các geisha dùng vải thấm chiết xuất hoa để làm da mịn màng. Thời đại Victoria, phụ nữ châu Âu đắp lên mặt những lát thịt bò hoặc thịt bê sống mỏng trước khi đi ngủ để “làm mờ” nếp nhăn.
Sau đó, nhà sáng tạo chăm sóc da người Mỹ Madame Rowley đã phát minh ra mặt nạ Toilet Mask (còn gọi là Face Glove). Toilet Mask được đăng ký nhãn hiệu vào năm 1875, là một trong những mặt nạ đầu tiên bán trên thị trường. Đầu thế kỷ 20, mặt nạ công nghệ cao đầu tiên – Vienna Youth Mask của Elizabeth Arden – cung cấp độc quyền tại Salon ở New York của bà.
Cuối thế kỷ 20, mặt nạ tại nhà trở nên phổ biến với các công ty như Avon và Mary Kay, cung cấp giải pháp rửa sạch cho các vấn đề khác nhau về da. Tuy nhiên, các lựa chọn vẫn còn hạn chế. Tại Hàn Quốc, sự ám ảnh đối với làn da mịn màng khiến đất nước này trở thành nơi dẫn đầu trong việc cải tiến mặt nạ giấy. Đặc biệt vào năm 2018, khi thuật ngữ “K-sheet mask” rộ lên. Sự lan truyền trên mạng xã hội, cùng với sự ủng hộ của các ngôi sao đã giúp mặt nạ giấy trở thành sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng toàn cầu.
Mặt nạ giấy có giúp da đẹp hơn?

Ảnh: ShutterStock
Câu trả lời là có. Được nghiên cứu trong nhiều năm, nên không thể phủ nhận tác dụng của mặt nạ giấy. Chúng cung cấp lượng lớn dưỡng chất giúp cấp ẩm, cải thiện kết cấu da, làm dịu kích ứng và sáng da. Đặc biệt, khi sử dụng sản phẩm chất lượng cao và kết hợp trong quy trình chăm sóc da đều đặn, làn da sẽ cải thiện đáng kể.
Nhiều người lầm tưởng mặt nạ giấy được làm từ giấy thông thường. Thực tế, chúng được sản xuất từ nhiều chất liệu khác nhau như cotton, cellulose nhân tạo (cupra, tencel, microfiber), hydrogel, bio-cellulose, than tre… và ngâm trong tinh chất hoặc huyết thanh chứa nhiều thành phần. Mặt nạ giấy là sản phẩm dùng một lần, mỗi chất liệu mang lại trải nghiệm, hiệu quả khác nhau cho da.
Tuy nhiên, mặt nạ giấy không thể thay thế kem dưỡng ẩm hoặc các bước chăm sóc da thiết yếu khác.
5 điều cần lưu ý khi sử dụng mặt nạ giấy

Mặt nạ mắt cũng được ưa chuộng. Ảnh: Instagram @cledepeaubeaute
- Không để mặt nạ giấy quá lâu: Việc để mặt nạ giấy khô trên mặt có thể gây hiệu ứng ngược, khiến da mất độ ẩm và khô ráp. Thời gian lý tưởng chỉ từ 15–20 phút.
- Tận dụng dưỡng chất còn lại: Một trong những sai lầm phổ biến là sau khi lột mặt nạ, nhiều người rửa mặt ngay lập tức. Tuy nhiên, dưỡng chất vẫn chưa thẩm thấu vào da, bạn nên massage nhẹ nhàng để tinh chất hấp thụ tốt hơn. Phần tinh chất còn lại trong mặt nạ có thể sử dụng cho vùng cổ, tay hoặc các khu vực da cần chăm sóc khác.
- Tần suất sử dụng: Dù mặt nạ giấy mang hiệu quả tức thì, nhưng không nên lạm dụng. Việc sử dụng hàng ngày có thể dẫn đến tình trạng da “quá tải” dưỡng chất, gây mụn hoặc kích ứng. Với người da dầu, đắp mặt nạ thường xuyên làm tăng tiết dầu. Do đó, tần suất hợp lý là 2 lần/tuần, tùy thuộc nhu cầu và tình trạng da của mỗi người.
- Đừng bỏ qua quy trình chăm sóc da: Mặt nạ giấy không thay thế các bước chăm sóc da cơ bản như toner, serum, kem dưỡng ẩm… Chúng chỉ được xem như bước bổ sung, giúp cấp thêm dưỡng chất và cải thiện tức thì cho làn da trước các sự kiện quan trọng.
- Lựa chọn mặt nạ giấy phù hợp với nhu cầu da: Mỗi loại mặt nạ thiết kế với công dụng riêng như dưỡng ẩm, làm sáng hoặc trị mụn. Việc hiểu rõ nhu cầu, lựa chọn sản phẩm phù hợp với da sẽ giúp bạn đạt kết quả mong muốn.
Các bước sử dụng mặt nạ giấy hiệu quả

Ảnh: Instagram @ahc.official
- Bước 1. Làm sạch da mặt. Bắt đầu với làn da sạch. Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm. Nhẹ nhàng lau khô bằng khăn sạch.
- Bước 2. Đắp mặt nạ giấy. Mở gói, lấy mặt nạ và mở rộng, đảm bảo lớp bảo vệ hướng ra ngoài. Đặt lên mặt, căn chỉnh sao cho khớp với mắt, mũi, miệng, vuốt nhẹ để mặt nạ ôm sát da.
- Bước 3. Thư giãn và chờ đợi. Giữ mặt nạ trên da trong khoảng 15–20 phút theo hướng dẫn trên bao bì. Đây là lúc để bạn thư giãn, đọc sách, thiền hoặc đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi.
- Bước 4. Gỡ bỏ mặt nạ. Sau thời gian quy định, nhẹ nhàng tháo mặt nạ ra, làn da sẽ cảm nhận ngay độ ẩm và sự tươi sáng.
- Bước 5. Massage tinh chất thừa: Không để tinh chất dư thừa bị lãng phí! Hãy nhẹ nhàng vỗ và massage vào da mặt, cổ và vùng ngực để giúp dưỡng chất thẩm thấu tốt hơn.
- Nên làm gì sau khi đắp mặt nạ? Tiếp tục với chu trình chăm sóc da của bạn gồm thoa serum, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng (nếu vào ban ngày) để khóa ẩm và tăng hiệu quả
THAM KHẢO THÊM:
TOP 5 MẶT NẠ GLUTATHIONE DƯỠNG DA TRẮNG SÁNG CĂNG MƯỚT
CÁCH CHỌN MẶT NẠ DƯỠNG DA HỢP VỚI TUÝP DA BẢN THÂN
Harper’s Bazaar Vietnam