Tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng hoàn toàn bao trùm cả khán phòng. Tất cả âm thanh vang vọng chỉ là đôi chút khua khoắng từ đôi guốc của nàng mẫu, và tiếng lích kích liên hồi phát ra từ giới nhiếp ảnh gia. Cảnh tượng trên có đôi chút xa lạ trong thế giới thời trang, vốn đã quá quen thuộc với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng cầu kỳ trong từng show diễn.
Dẫu vậy, không thân thuộc, nhưng không có nghĩa là không thoả đáng. Với việc tối giản hoá tối đa mọi yếu tố tác động, có vẻ như nhà thiết kế đang muốn hướng tối đa sự tập trung của mọi người vào thời trang – duy nhất? Nếu đúng là vậy, thì đây quả là một hành động liều lĩnh. Vừa liều lĩnh, vừa vô cùng ngông nghênh và ngạo nghễ. Nhưng điều đó đã thật sự xảy ra, trong show diễn Marc Jacobs Xuân Hè 2018.
“Tôi không đi đâu cả. Hết chuyện.”
Một Marc Jacobs giận dữ thẳng thừng tuyên bố – một lần nữa – sau khi bị hỏi rằng liệu đoạn nhạc cuối show có phải là lời chào tạm biệt của ông với thế giới thời trang. Sau khi loạt người mẫu thả bước vòng quanh khu Park Avenue Armory trong sự yên ắng đến ngột ngạt, họ đã trở lại với phần âm nhạc vang vọng của vở opera La Wally của Alfredo Catalani. Trong đó, một phần đoạn hát có thể được dịch ra rằng: “Vâng, đúng rồi. Tôi sẽ đi xa.”
“Đó không phải điều gì mỉa mai, châm chọc hay lời chào tạm biệt nào cả”, Jacobs nói về sự lựa chọn âm nhạc khiến nhiều người suy đoán. “Đoạn nhạc ấy đến từ một bộ phim Pháp cổ điển có tên Diva mà tôi rất thích. Tôi không biết cách thu hút mọi người, cũng không biết cách diễn giải qua opera. Tôi chỉ biết làm điều đó qua phim ảnh. Steve Mackey chính là người làm nhạc, và tôi cho đó là một khúc ca rất đẹp. Tôi thậm chí còn không biết lời dịch nó ra sao nữa kia. Đôi khi, nhạc aria chỉ là nhạc aria mà thôi.”
Tương tự như vậy, thời trang đôi khi chỉ thuần là thời trang – thứ được chúng ta khoác ngoài cơ thể. Và bộ sưu tập Marc Jacobs Xuân Hè 2018 cũng thế. Mặc cho nhiều lời đồn đoán, bình phẩm và suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa ẩn chứa; nhà thiết kế khẳng khái thừa nhận rằng bên trong đó không hề có ý nghĩa gì sâu sắc; trí tuệ hay khái niệm gì cả. Đơn thuần chỉ là bước phát triển từ phong cách hip-hop năm ngoái – và không hơn không kém.
Đọc thêm: Những cô nàng glam rock, baby doll của Marc Jacobs.
Trích dẫn từ câu nói trong phim của Sofia Coppola, Marc Jacobs cảm thán: “chúng ta hay gọi bâng quơ thứ gì đó là ‘đâu đó’. Tương tự như vậy, mùa mốt trước, mọi thứ đều xoay quanh đời sống đô thị, nhưng là ở một ‘đâu đó’ không cụ thể. Nó ở đâu đó, tôi cũng không biết chắc đó là đâu nữa.”
Và với Marc Jacobs Xuân Hè 2018, “đâu đó” chính là nơi thời trang được công khai thể nghiệm, không định kiến, không bắt bẻ, nơi mọi thứ đều có thể được phóng đại gấp n lần, từ tỉ lệ, màu sắc, hoạ tiết, cho đến cách sắp đặt. Đó cũng là nơi mọi cô gái đều yêu chiếc khăn turban Stephen Jones; và tự biến mình thành một nữ hoàng Nefertiti ở bất cứ nơi đâu.
Cũng tại nơi đó, sự tương phản được đẩy lên đến mức tối đa; giữa những tầng áo cape và quần ngắn; đầm dạ hội lộng lẫy và đôi dép đính cườm; giữa những món phụ kiện cầm tay có kích cỡ như thân hình người mẫu. Để làm được điều đó, Marc Jacobs đã tìm sách sắp đặt hai thể loại phục trang đối chọi nhau trong cùng một tổng thể, để tạo nên vẻ chông chênh, cọc cạch.
Trong mùa mốt New York vốn đề cao thương mại, sự khác biệt đôi khi là liều lĩnh. Nhưng đối với Jacobs, có vẻ như liều lĩnh vẫn là sự lựa chọn thú vị hơn rất nhiều so với an toàn trong nhàm chán. Chính ông, cùng bộ sưu tập của mình đã toả sáng – theo cách mà mọi nghệ sĩ đều mong đợi.
Và kết quả là, bộ sưu tập của ông có thể được đón nhận bởi tiếng hét thất thanh; cái ngáp dài ngao ngán; hay vẻ lặng yên đầy ngưỡng mộ. Dù sao đi nữa, Marc Jacobs Xuân Hè 2018 đã kết thúc trọn vẹn; khi cân bằng được yếu tố thương mại (cardigan, áo khoác dài); yếu tố gây bất ngờ (phụ kiện) với thời trang thuần tuý (đầm dạ hội, áo đính cườm, và nhiều tạo vật kiều diễm khác gợi nhắc đến hình ảnh Saint Laurent). Dù tổng thể vẫn chưa được hoàn hảo.
Bộ sưu tập Marc Jacobs Xuân Hè 2018:
Harper’s Bazaar Việt Nam