Ma thuật trong những đường cắt

Chỉ có thể là những mảng họa tiết chạm khắc nhờ laser cut mới sở hữu sức mạnh được gọi là ma thuật

Nhà thiết kế vải Thụy Sĩ Jakob Schlaepfer đang kiểm tra mẫu vải cắt bằng laser. Họ chuyên cung cấp vải cắt laser, vải đính sequin hay kết bằng sợi thủy tinh cho các tên tuổi haute couture hơn một thế kỷ đến nay

Cách đây chừng nửa thế kỷ, người ta đã dùng đến những chiếc máy laser để cắt và chạm trổ nhiều chất liệu khác nhau. Công dụng phổ biến nhất của chúng là cắt acrylic để làm logo, các chữ cái hoặc chạm khắc bề mặt tranh ảnh, văn tự trên plastic hay gỗ.

Cùng với thời gian và nhiều cải tiến kỹ thuật, công nghệ cắt laser đã cho phép thể hiện được những đường nét độc đáo hoặc nhỏ nhắn với hình dáng chuẩn xác và linh hoạt hơn về chất liệu nên được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực mới.

Thời trang, dù gặp gỡ muộn màng với laser cut nhưng có lẽ là sự kết hợp tuyệt vời nhất trong lịch sử của công nghệ này. Nó đã tạo nên cả một xu hướng rộng khắp. Một chiếc đầm lụa hay đôi giày da cắt laser tinh xảo có thể dễ dàng xuất hiện ở những trung tâm thời trang xa hoa bậc nhất Manhatan cho đến các khu chợ bình dân của một tỉnh lẻ nào đó.

MA THUẬT BẮT ĐẦU LAN TỎA TRONG THỜI TRANG

christopher-kane-ss14

Các người mẫu mặc thiết kế Xuân Hè 2014 của hãng Christopher Kane

Những tín đồ mộ đạo của nhà Christian Dior khó có thể quên chiếc áo khoác da màu ngà voi trong bộ sưu tập haute couture thu đông 1997 của hãng. Chỉ sau một mùa nhận trách nhiệm về dòng thời trang cao cấp cho Dior, John Galliano tái hiện mẫu bar jacket (jacket chít eo) kinh điển từ bộ sưu tập New Look huyền thoại nhưng lần này theo một cách hoàn toàn khác.

Vẫn là phom dáng quý phái ấy nhưng pha thêm đôi chút tính sân khấu với tài phô diễn một kỹ thuật còn mới mẻ trong làng thời trang: laser cut. Từng đường nét của họa tiết trên tay áo, thân áo, ve cổ đều được thể hiện một cách chuẩn xác chẳng hổ danh tiếng tăm của thời trang haute couture và nhà Dior.

Kể từ đây, nhiều thương hiệu bắt đầu khám phá kỹ thuật xử lý chất liệu mới đầy cám dỗ này. Nó cuốn tâm trí của Alexander McQueen, Balmain, Valentino, hay các nhà thiết kế giày bậc thầy Jimmy Choo, Christian Louboutin… vào những đường cắt đẹp mê lòng người.

Từ đầu năm 2013 cho đến tuần lễ thời trang thu đông 2014 vừa diễn ra, Chloé, Alexander Wang, Dolce & Gabbana… vẫn sốt lên với chất liệu vải ren, da… cắt laser. Tin vui hơn nữa là các nhà thiết kế thời trang Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng quốc tế trong các mẫu sáng tạo của họ gần đây (mời bạn xem bài thời trang Vết cắt hoàn hảo trong số báo này để thưởng thức một số tác phẩm cắt laser của thương hiệu Kin by Công Trí, Rue des Chats, Devon London).

CỖ MÁY CỦA SỰ CHUẨN XÁC, NHANH CHÓNG VÀ TINH TẾ

SophiaWebster

Mẫu bốt mang hình tượng chú bướm cắt laser tinh xảo của hãng Sophia Webster

Sự kỳ diệu của cỗ máy cắt laser nằm ở chỗ chỉ dùng những tia laser, không cần tiếp xúc với chất liệu như những công cụ cắt trổ khác nhưng có thể tạo ra những đường cắt sắc nét mà không hề làm biến dạng bề mặt vải. Cho dù là một thiết kế cần chạm trổ họa tiết trên chất liệu lông cừu hay những đường cắt trang trí hết sức tinh vi trên ren, laser cut cũng có thể làm được. Lợi ích từ kỹ thuật xử lý vải này còn ở chỗ nhanh chóng và không tốn kém. Với sự điều khiển từ máy vi tính, tốc độ cắt trên một mảnh vải khoảng 50cm mỗi giây, giảm tối đa việc hư hao vải. Vì thế, có lẽ chẳng nhà thời trang nào lại không thích laser cut.

Trong các loại chất liệu được giới tạo mốt sử dụng, vải tổng hợp “phản ứng” rất tốt với việc cắt bằng laser nhờ chứa plastic hoặc polyester. Thành phần polyester tan chảy có kiểm soát dưới tác dụng của laser nên tạo ra được những nhát cắt không bị xơ, bung sợi ở biên.

Ngược lại, những chất liệu tự nhiên như cotton hay linen khi được cắt laser thường bị biến màu đôi chút ở mép biên. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn trở các nhà tạo mốt làm ra những thiết kế laser cut tuyệt mỹ từ vải tự nhiên. Họ chỉ cần chọn đúng thấu kính, thông số cho tia laser và sử dụng khí nén là đã giải quyết được vấn đề.

Làn sóng laser cut vẫn còn lan truyền trong thời trang mạnh mẽ bởi dù bao nhiêu đi nữa vẫn chưa thể làm mãn nguyện óc sáng tạo của các nhà tạo mốt và mãn nhãn giới mộ điệu. Laser cut có một ma lực mà ít trào lưu nào sở hữu được khi khóa ánh nhìn của người xem ngay lập tức và vẫn cứ như vậy mỗi khi nhìn lại

Hiện tại, Harper’s Bazaar Việt Nam là nhà tài trợ chính của chương trình Project Runway 2014. Hy vọng trong hoặc sau cuộc thi, chúng ta có thể chiêm ngưỡng các sáng tạo từ những đường cắt hút hồn.

LẬT LẠI LỊCH SỬ

Chanel vận dụng tài tình nghệ thuật cắt laser trên giấy trong show diễn haute couture mùa xuân hè 2009. Khán giả như bay bổng trong thế giới lãng mạn của hoa giấy trang trí sân khấu và trên mũ giấy của các người mẫu được cắt tỉa hoàn hảo.

ChanelSpring2009

Người mẫu trình diễn bộ sưu tập Christian Dior haute couture mùa thu đông 1997. Áo bar jacket này có thể được xem là một trong những thiết kế đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xử lý vải cắt laser trên sàn diễn thời trang.

dior-couture-fall-1997

Bài: Trinh Pak – Ảnh: AFP

 

 

Xem thêm