
Tưởng là chiếc áo thun đơn thuần, nhưng thiết kế này của LOEWE làm từ chất liệu tái chế từ bã và vỏ cam thân thiện với môi trường. Ảnh: LOEWE
Bộ sưu tập mới nhất của LOEWE đang thu hút sự chú ý của giới mộ điệu thời trang, không chỉ vì chất liệu da thuộc thượng hạng và tay nghề chế tác thủ công, mà còn vì một chiếc áo thun. Trông như một chiếc áo thun bình thường, nhưng thiết kế này được làm từ một chất liệu đặc biệt thân thiện với môi trường, tái chế từ vỏ cam.
Nếu bạn đang tự hỏi, “sợi tái chế từ vỏ cam” là như thế nào, hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu quá trình chế tác chiếc áo thun đặc biệt từ LOEWE.
Tái chế vỏ cam từ ngành công nghiệp thực phẩm thành chất liệu vải

Ảnh: Orange Fiber
Mỗi năm, tại Sicily ở miền Nam Ý, ngành công nghiệp nước ép và ẩm thực thải ra 700.000 tấn vỏ và bã cam trong quá trình ép lấy nước cam. Thông thường, vỏ cam này sẽ bị biến thành rác thải nông nghiệp. Nhưng Adriana Santanocito và Enrica Arena, hai nhà đồng sáng lập của công ty Orange Fiber, đã nhìn thấy cơ hội từ vỏ và bã quả cam này.
“Chúng tôi đã nỗ lực kết hợp cam, loại quả đặc trưng của Sicily, và ngành dệt may nổi tiếng thế giới của Ý, để phát triển một công nghệ đột phá tạo ra vật liệu cải tiến từ các phụ phẩm công nghiệp”, Enrica Arena, CEO của Orange Fiber cho biết. “Công nghệ của chúng tôi dựa trên việc chiết xuất cellulose chất lượng cao từ phụ phẩm ngành công nghiệp nước ép cam quýt. Phụ phẩm này chiếm 60% trọng lượng ban đầu của trái cây chế biến”.
Adriana Santanocito nảy ra ý tưởng sử dụng phụ phẩm của ngành nước ép cam để làm vải vóc vào năm 2012, trong khi đang làm luận án về thời trang. Sau đó, cô quyết định phát triển dự án với Enrica Arena, một sinh viên ngành Truyền thông và Hợp tác Quốc tế. Dự án của họ được ủng hộ bởi Đại học Bách khoa Milan (Politecnico di Milan). Thành quả là một quá trình được cấp bằng sáng tạo, nghiền nát vỏ cam và bã ép từ trái cam thành chất liệu cellulose, sau đó dệt thành sợi viscose, và cuối cùng là dệt thành vải.

Từ vỏ cam biến thành sợi viscose, lyocell, duy trì đẳng cấp Made in Italy nhưng tốt hơn cho môi trường khi so sánh với cotton. Ảnh: Orange Fiber
Sợi tái chế từ vỏ cam có thể được pha phối với nhiều hỗn hợp khác nhau để tạo ra hiệu ứng đặc biệt. Ví dụ, nguyên mẫu là một sợi mỏng manh giống ren, khi kết hợp với sợi lụa tơ tằm có thể tạo ra bề mặt óng ánh giống satin.
So sánh sợi Orange Fiber với các loại viscose khác có trên thị trường, lợi thế của sợi tái chế từ vỏ cam là nó tận dụng rác thải nông nghiệp, thay vì đòi hỏi phải trồng cây mới (ví dụ bamboo viscose đòi hỏi trồng tre mới), do đó tiết kiệm đất, nước, phân bón, lại hạn chế làm ô nhiễm môi trường.
Năm 2021, Orange Fiber hợp tác cùng Lenzing, nhà sản xuất độc quyền chất liệu vải Tencel, để tạo ra loại vải lyocell kết hợp giữa bã vỏ cam cùng chất liệu gỗ. Chất liệu này được gọi là TENCEL™ Limited Edition x Orange Fiber. Việc hợp tác với Lenzing là một lựa chọn chiến lược tốt cho môi trường. Bởi công nghệ sản xuất sợi của Lenzing là một chuỗi tuần hoàn khép kín, tái sử dụng đến 99% dung môi, biến sợi viscose thành sợi lyocell có sự thân thiện với môi trường ở cấp bậc cao hơn.
>>> XEM THÊM: CHẤT LIỆU TENCEL LÀ GÌ VÀ VÌ SAO VẢI TENCEL ĐANG ĐƯỢC GIỚI THỜI TRANG ƯA CHUỘNG?
Chất liệu tái chế từ vỏ cam của LOEWE tốt đến cỡ nào?
Chất liệu này đã được tin tưởng bởi hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành thời trang. Mới đây nhất là LOEWE. Trước đó có Ferragamo, với bộ sưu tập năm 2017 hợp tác độc quyền cùng Orange Fiber. Ngay cả nhà bán lẻ toàn cầu H&M, trong nỗ lực cải thiện sự thân thiện với môi trường của mình, cũng từng ra mắt bộ sưu tập sử dụng chất liệu TENCEL™ Limited Edition x Orange Fiber.
Bởi chất liệu Orange Fiber và TENCEL™ Limited Edition x Orange Fiber đều là chất liệu lyocell, chúng có tính năng hút ẩm tốt, tạo cảm giác thoáng mát. Bề mặt có độ óng ánh nhẹ, phản ánh xơ từ nguồn thực vật ban đầu dùng để chế tạo sợi vải.
Việc các nhà mốt thời trang thử nghiệm với các chất liệu thân thiện với môi trường, thay vì chỉ sử dụng cotton (chất liệu rất tốt, nhưng tốn rất nhiều nước để sản xuất), cho thấy một cam kết phát triển bền vững cụ thể thay vì chỉ nói suông.

Trước LOEWE, Ferragamo cũng đã ủng hộ vải tái chế từ vỏ cam. Trong ảnh là một mẫu khăn làm từ sợi Orange Fiber mà Ferragamo ra mắt vào năm 2017. Ảnh: Ferragamo
THỜI TRANG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG:
NTK NGÔ HOÀNG KHA LÀ ĐẠI DIỆN VIỆT NAM DUY NHẤT LỌT TOP 8 GIẢI THƯỞNG SUSTASIA FASHION PRIZE 2025
TÚI XÁCH COACHTOPIA CHẮP VÁ DA THUỘC ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
PHIM TÀI LIỆU BEHIND THE DENIM: HÀNH TRÌNH SẢN XUẤT DENIM BỀN VỮNG CỦA DIESEL
Trích dẫn Orange Fiber, WWD
Harper’s Bazaar Việt Nam