
Trong bức tranh điện ảnh châu Á, Hàn Quốc từng là một điểm sáng với nền công nghiệp phim ảnh phát triển vượt bậc, vừa có chất lượng nghệ thuật cao, vừa sở hữu sức hút thương mại mạnh mẽ. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2025 chứng kiến một thực tế đáng báo động: khán giả đang rời xa rạp chiếu bóng. Doanh thu phòng vé Hàn Quốc sụt giảm, lượng người xem không đạt kỳ vọng, và ngay cả những tác phẩm lớn cũng không tạo được đột phá.
Trong sáu tháng đầu năm, phim có lượng người xem cao nhất là Yadang: The Snitch – một tác phẩm tội phạm nội địa chỉ đạt hơn 3,37 triệu lượt vé bán ra. Đặt cạnh hai hiện tượng phòng vé của năm 2024 là Exhuma và The Roundup: Punishment, mỗi phim vượt mốc 11 triệu lượt xem trong cùng khoảng thời gian, con số này thấp hẳn.
Đáng nói hơn, ngay cả những dự án được mong đợi hàng đầu như Mickey 17 của đạo diễn Bong Joon-ho hay Mission: Impossible – The Final Reckoning với Tom Cruise cũng không đạt được thành công lớn, dù có sức hút quốc tế. Mỗi phim chỉ dừng lại ở hơn 3 triệu lượt xem, quá ít so với mức đầu tư và tên tuổi của ê-kíp đứng sau.
Lý do nào khiến khá giả Hàn quay lưng?

Yadang: The Snitch – một tác phẩm khai thác đề tài tội phạm khá phổ biến tại Hàn Quốc. Ảnh: @InSessionFilm
Sự thất bại này không nằm ở chất lượng đơn thuần, mà phản ánh một sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng văn hóa của khán giả Hàn sau đại dịch. Thói quen xem phim tại nhà đã trở nên phổ biến hơn với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến như Netflix, TVING hay Wavve.
Bên cạnh đó, các dòng phim hành động, giật gân hay viễn tưởng cũng đang rơi vào tình trạng bão hòa, khi nhiều tựa phim đi theo công thức quen thuộc mà thiếu sự mới mẻ. Đồng thời, cạnh tranh từ các nội dung quốc tế ngày càng mạnh mẽ khiến phim nội địa gặp khó trong việc giữ chân người xem, đặc biệt là thế hệ khán giả trẻ vốn dễ bị thu hút bởi nội dung toàn cầu đa dạng và tốc độ lan truyền nhanh.
Giữa bối cảnh ảm đạm này, mùa phim hè được xem là “phao cứu sinh” khi các nhà làm phim Hàn Quốc đã sẵn sàng tung ra những “quân bài chiến lược” đầy tham vọng trong thời gian này.
The Prophet: Omniscient Reader có phải là vị cứu tinh?

Ảnh: @lotte_ent
Dẫn đầu là tác phẩm kỳ ảo The Prophet: Omniscient Reader, chuyển thể từ tiểu thuyết mạng ăn khách toàn cầu Omniscient Reader’s Viewpoint (Toàn Trí Độc Giả). Với sự tham gia của những gương mặt được yêu thích như Lee Min Ho, Ahn Hyo Seop, Nana và Jisoo (BLACKPINK), cùng mức đầu tư lên tới 30 tỷ won (tương đương 570 tỷ đồng Việt Nam), đây được xem là một trong những dự án tham vọng nhất của điện ảnh Hàn gần đây.

Dàn cast khủng của The Prophet: Omniscient Reader. Ảnh: @lotte_ent
Nội dung phim xoay quanh Yoo Joong Hyuk (Lee Min Ho) – một nhân vật đã trải qua vô số lần hồi quy để vượt qua những kịch bản sinh tồn khốc liệt. Anh là hình mẫu của một con người cô đơn, bất tử, đầy hoài nghi sau nhiều năm chiến đấu không ngừng nghỉ.
Nhưng rồi, sự xuất hiện của Kim Dok Ja (Ahn Hyo Seop) – người đọc duy nhất của cuốn tiểu thuyết và cũng là người hiểu rõ mọi biến cố, khiến mọi thứ thay đổi. Mối quan hệ giữa hai nhân vật, vốn đối lập về lý trí và niềm tin, chính là điểm then chốt khiến khán giả háo hức theo dõi diễn biến tiếp theo.

Yoo Joong Hyuk (do Lee Min Ho thủ vai) trong The Prophet: Omniscient Reader. Ảnh: @lotte_ent
Lee Min Ho chia sẻ rằng, anh đã suy ngẫm rất nhiều về cảm giác cô đơn của một con người sống mãi trong thế giới bất tử, đồng thời dành nhiều thời gian tập luyện cho các cảnh hành động đòi hỏi cường độ cao. Đối với anh, Yoo Joong Hyuk không chỉ là một vai diễn hành động mà còn là đại diện cho cả một thế giới quan rộng lớn mà khán giả cần cảm nhận được. Từng cử chỉ, ánh mắt, biểu cảm đều phải được tiết chế để không tạo cảm giác gượng ép, nhưng vẫn truyền tải được chiều sâu nội tâm và sức nặng cảm xúc.
Trong phim, hình ảnh Yoo Joong Hyuk xuất hiện trên cây cầu Dongho, nơi anh lần đầu chấp nhận đưa mắt nhìn về phía Kim Dok Ja, là biểu tượng cho khoảnh khắc bước ngoặt, khi một chiến binh từng mất hết niềm tin bắt đầu dao động trước lời mời đồng hành.

Ảnh: @lotte_ent

Kim Dok Ja (do Ahn Hyo Seop thủ vai) trong The Prophet: Omniscient Reader. Ảnh: @lotte_ent
Không chỉ là một dự án giải trí đơn thuần, The Prophet: Omniscient Reader còn được kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho dòng phim fantasy tại Hàn Quốc – một thể loại lâu nay vẫn được đánh giá là khó tiếp cận khán giả đại chúng nếu không đủ chiều sâu và quy mô. Với nguyên tác đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và cộng đồng fan trung thành trên toàn cầu, bộ phim sở hữu nền tảng lý tưởng để trở thành cú hích mạnh mẽ đưa khán giả trở lại rạp.
Dẫu vậy, kỳ vọng dành cho The Prophet: Omniscient Reader cũng phản ánh một thực tế: ngành điện ảnh Hàn đang trông chờ vào một tác phẩm đơn lẻ để gánh vác hy vọng thay đổi cục diện. Thành công của bộ phim có thể mở ra chuỗi chuyển thể tiềm năng trong tương lai, nhưng để thật sự phục hồi lâu dài, thị trường vẫn cần nhiều hơn thế – một chiến lược bền vững, hiểu người xem thời hậu đại dịch và dám thử nghiệm những con đường mới mẻ trong cách kể chuyện.

Ảnh: @lotte_ent

Ảnh: @lotte_ent
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
GOOD BOY (2025): BỘ PHIM HÀN QUỐC MANG NHÃN QUAN NỮ GIỚI
ĐÊM ĐẦU TIÊN VỚI HOÀNG TỬ GIỚI THIỆU SAENGGOSA, CHẤT LỤA THƯỢNG PHẨM THỜI JOSEON
MẤT NHIỀU NĂM ĐỂ RA MẮT MÙA 2 LÀ BẤT LỢI CHO SERIES WEDNESDAY
Harper’s Bazaar Việt Nam