Ngọc trai đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, được tôn vinh trong trang sức, thời trang, ẩm thực và làm đẹp. Sách sử Trung Hoa đã xuất hiện ghi chép về ngọc trai nước ngọt hoang dã từ thiên niên kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Nghề lặn, đánh bắt, mò ngọc trai biển Đông bắt đầu thịnh hành từ thời nhà Hán.
Ví lý do trên, phim Rèm Ngọc Châu Sa lấy tâm điểm là nghề lặn mò ngọc trai đã nhanh chóng gây thu hút khán giả xem đài khi phát sóng. Bộ phim không chỉ kể lại quá trình vươn lên của một cô gái nghèo, mà còn giúp người xem hiểu hơn về lịch sử ngọc trai biển Đông, từ sự gian truân trong việc lặn mò ngọc đến sự phức tạp trong khâu chế tác trang sức từ ngọc biển.
Khái quát về nghề lặn mò và khai thác ngọc trai trong lịch sử Trung Quốc
Trung Quốc là nơi đầu tiên phát minh ra phương pháp cấy ngọc trai trong lịch sử
Từ hàng trăm năm trước Công Nguyên, ngọc trai tự nhiên đã được tìm thấy ở sông hồ. Sau đó người Trung Quốc cổ đại phát minh ra kỹ thuật cấy nhân trai vào trong con hàu để tạo ra ngọc. Ghi chép trong lịch sử Trung Quốc cho thấy rằng quốc gia này đã phát minh ra kỹ thuật cấy ngọc trai vào trong con trai tận từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Họ biết rằng khi cấy ghép một khuôn kim loại vào vỏ trong của con trai và ngâm nó dưới nước trong vài năm, các lớp xà cừ sẽ phủ lên bề mặt của nhân.
Đi đôi với công nghệ nuôi cấy trai, nghề lặn mò ngọc trai biển ra đời từ đấy. Ngư dân chuyên lặn mò ngọc trai chủ yếu tập trung ở Hợp Phố, Quảng Tây, Đông Quan, Quảng Đông và Trạm Giang – đều là các khu vực cận kề biển Đông.
Bộ phim Rèm Ngọc Châu Sa cũng lấy bối cảnh từ Hợp Phố ở Quảng Tây, một tụ điểm cấy ghép và sản xuất ngọc trai quan trọng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Ghi chép cho thấy vào năm 111 trước Công nguyên, ở triều đại Tây Hán, Hợp Phố không sản xuất thực phẩm, chủ yếu dùng ngọc trai để đổi lấy nhu yếu phẩm.
Cống phẩm triều đình quan trọng
Vào thời nhà Hán (202 trước Công Nguyên), ngành ngọc trai bắt đầu có những bước tiến triển rõ nét. Chính quyền cai trị bắt đầu thiết lập cơ cấu hành chính ở các khu vực đánh xuất, xử lý ngọc trai. Người dân địa phương tại Hợp Phố thu thập ngọc trai để đổi lấy thực phẩm, cũng như trao đổi với thương lái xuất khẩu qua châu Âu theo con đường tơ lụa. Hợp Phố trở thành một điểm quan trọng trên con đường Tơ Lụa.
Dưới thời hoàng đế Đường Thái Tông, vào năm Trinh Quán thứ sáu (tức năm 632 sau Công Nguyên), ngọc trai bắt đầu được công nhận như một cống phẩm cho triều đình. Các ao ngọc trai chuyên nghiệp được xây dựng. Các quan chức thời nhà Đường đích thân giám sát hoạt động đánh bắt ngọc trai của các hộ. Câu chuyện Rèm Ngọc Châu Sa bắt đầu với cô gái Đoan Ngọ, một nô lệ bán mình cho một hộ thu thập ngọc trai ở Hợp Phố.
Nghề lặn mò ngọc trai biển nhiều nguy hiểm
Năm 918, Lưu Uy thành lập Nam Hán. Những người cai trị Nam Hán là những kẻ chuyên chế và vô luân, chỉ quan tâm đến sự xa hoa, hưởng thụ của riêng mình. Họ xây dựng những cung điện khảm bằng ngọc trai và ngọc bích, trang trí bằng vàng.
Để thu thập ngọc trai hiệu quả hơn, người cai trị cuối cùng của Nam Hán, Lưu Nguyên, đã chiêu mộ hơn 2.000 binh lính ở thị trấn Hải Môn (ngày này thuộc tỉnh Giang Tô, nằm ở phía Bắc Thượng Hải). Gọi là binh lính song họ chỉ được phép sống trên thuyền nhằm đánh bắt ngọc trai. Họ phải buộc đá vào chân mình để có thể lặn xuống đáy biển sâu đến 500 thước.
Phương pháp lặn mò ngọc trai biển vô cùng nguy hiểm khi so sánh với khai thác ngọc trai tại sông hồ. Mực nước sâu hơn khiến người lặn có thể bị giảm áp, tắc nghẽn mạch máu. Họ có thể gặp phải sinh vật biển nguy hiểm như cá mập, rắn biển. Vì vậy mà ngọc trai biển càng được xem là quý giá khi so sánh với ngọc trai nước ngọt.
@quatdumynu Ph@ân cảnh lấy ngọc trai dưới nước của Lộ Tư trong “Rèm Ngọc Châu Sa” nhận về khá nhiều phản hồi tích cực từ Knet. Cảnh quay này được thực hiện hoàn toàn dưới nước thật. Trong quá trình quay, Lộ Tư có bị thương nhẹ do va chân vào hòn đá, tuy nhiên cô luôn tích cực và cố gắng để có được những thước phim trọn vẹn nhất #trieulotu #zhaolusi #remngocchausa #chauliemngocmac ♬ nhạc nền – 𝓠𝓾𝓪̂́𝓽 𝓣𝓾̛̉
Những viên ngọc trai mà những người cai trị Nam Hán thu được “đã lấp đầy kho báu của họ, và không ai biết số lượng”. Nghề đánh bắt ngọc trai vào thời Nam Hán đã đạt được sự phát triển vượt bậc nhưng phải trả giá bằng mạng sống của vô số người.
Ngọc trai biển Đông trở thành sản vật dành riêng cho vua chúa, quan lại thời nhà Tống
Năm 960, Tống Thái Tổ thành lập nhà Bắc Tống và bắt đầu cuộc chiến tranh thống nhất Đại Lục. Sau khi Bắc Tống tiêu diệt Nam Hán, Tống Thái Tổ cảm nhận sâu sắc rằng nghề lặn mò ngọc trai có hại cho người dân nên đã ra lệnh giải tán các ao ngọc trai, và dừng các hoạt động đánh bắt ngọc trai tư nhân cùng ban hành các điều luật hạn chế nghiêm ngặt.
Điều này không có nghĩa là ngành đánh bắt ngọc trai hoàn toàn dừng lại. Vào năm thứ Năm dưới triều đại của Hoàng đế Tống Thái Tông (năm 981), ghi chép cho thấy 100kg ngọc trai được dâng tặng cho triều đình từ Dương Châu, và vào năm thứ Bảy, 50kg ngọc trai đã được cung cấp từ Hải Môn. Có thể thấy, hoàng đế nhà Tống vẫn thu nhận ngọc như cống phẩm.
Để hạn chế người dân lặn mò ngọc trai, chính quyền nhà Tống cấm dân thường đeo trang sức ngọc trai: “Nếu chưa phải là phụ nữ đã có gia đình thì không được phép dùng quần áo, vòng cổ, nhẫn, khuyên tai,… bằng ngọc trai thật.” Chỉ những phụ nữ nhà quan hoặc thuộc hoàng thất mới được dùng trang sức ngọc trai. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc buôn bán ngọc trai tư nhân.
Mãi đến khi triều đại Bắc Tống tuyên chiến với Tây Hạ, tiêu tốn rất nhiều nhân lực và vật chất, chính quyền mới bắt đầu mở rộng việc khai thác ngọc trai và giảm hạn chế buôn bán ngọc để bổ sung quốc khố. Trong cuộc chiến với Tây Hạ, Bắc Tống cần mua một lượng lớn quân nhu. Để có tiền mua ngựa, ba sư đoàn đã bán ngọc trai dự trữ để lấy bạc.
Càng về cuối thời Bắc Tống, xung đột xã hội ngày càng gia tăng, chiến tranh liên tiếp khiến sinh kế của người dân lâm vào cảnh khó khăn. Lúc này, hoàng đế Tống Thần Tông phải cho phép tư nhân thu thập ngọc trai, nhưng không cho phép tự ý bán ngọc trai. Ngược lại, bộ máy chính quyền sẽ quản lý việc bán ngọc, xuất khẩu ngọc trai và đánh thuế. Ngọc trai được thu thập sẽ được cất giữ trong kho bạc nội bộ và xuất ra cho phù hợp với đối chiếu ngân sách thời bấy giờ.
Ngọc trai giúp phát triển con đường tơ lụa, kết nối Trung Quốc và châu Âu
Sau khi Tống Triết Tông lên ngôi năm 1077, ông tiếp tục phát triển ngành khai thác ngọc trai, bãi bỏ luật cấm trước đó. Từ đó, dân thường cũng có thể sử dụng trang sức ngọc trai.
Việc cho phép ngành ngọc trai phát triển tự do đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng dẫn đến lạm phát tăng cao. Để tối đa hóa lợi nhuận, các thương gia ép giá, mua ngọc trai từ các gia đình ngư dân với giá rẻ, sau đó bán lại với giá gấp đôi, gấp ba. Quan chức địa phương ở các vùng ngọc trai bóc lột dân thường để làm giàu cho bản thân. Đến tận cuối thời Bắc Tống, nhà nước vẫn không có khả năng kiểm soát vấn đề kể trên một cách hiệu quả.
Lịch sử nuôi cấy ngọc trai ở Trung Quốc bị lu mờ trước thành công của Nhật Bản
Triều đại nhà Minh (năm 1368 –1644) chứng kiến đỉnh cao của ngành nuôi cấy, chế tác ngọc trai biển Đông. Do đó, người dân sử dụng rộng rãi ngọc trai trong triều đại này. Điều này được thể hiện rõ trong các kho báu được khai quật từ lăng mộ của triều đại nhà Minh, chẳng hạn như vương miện rồng và phượng của Hoàng đế Vạn Lịch và các phi tần. Chỉ một trong những vương miện này cần phải gắn 3.500 đến 5.000 viên ngọc trai, cho thấy số lượng lớn ngọc trai được sử dụng cho các đồ trang trí khác.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng kỹ thuật cấy ghép ngọc trai của Trung Quốc chỉ cho ra những viên ngọc nhỏ và méo. Do đó, tuy phát minh ra kỹ thuật này từ sớm, đến thế kỷ 19, thì Trung Quốc bị Nhật Bản vượt mặt khi ông Kokichi Mikimoto người Nhật thành công nuôi cấy ngọc trai nước biển tròn vo và hoàn hảo.
Tầm quý giá của ngọc trai biển Đông trong lịch sử
Khái quá một chút về lịch sử ngọc trai biển Đông, có thể thấy rằng, ngọc trai nước biển tự nhiên là vô giá. Do ngọc trai quá quý hiếm, nên người Trung Quốc tìm cách ứng dụng loại bảo vật qua nhiều hình thức. Không chỉ dùng làm trang sức và vật thêu trang trí quần áo, ngọc trai được bào chế làm thuốc và mỹ phẩm. Khi xem phim Rèm Ngọc Châu Sa, bạn sẽ càng hiểu về tầm quý giá của ngọc trai biển Đông thiên nhiên.
TIN LIÊN QUAN:
PHIM NGỌC LÂU XUÂN TÁI HIỆN TRANG SỨC NHÀ MINH GIỐNG HỆT VỚI CỔ VẬT THẬT
VÌ SAO BỘT NGỌC TRAI ĐƯỢC SỬ DỤNG NHIỀU TRONG CÔNG NGHỆ LÀM ĐẸP?
NGỌC TRAI CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG TRẮNG DA VÀ CHỐNG LÃO HÓA NHƯ LỜI ĐỒN?
Trích dẫn Visit Beijing, Meet Pearls, Eusharon
Harper’s Bazaar Việt Nam