Việc thiếu hụt kim loại có liên quan gì đến chiếc áo ngực phụ nữ?

Chúng ta phải cảm ơn Thế chiến I vì đã giúp giải phóng chiếc áo ngực của phụ nữ

Nàng Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió (Vivien Leigh thủ vai) nổi tiếng vì vòng eo con kiến thắt chặt bởi áo corset.

Chiếc áo ngực mà ngày nay phụ nữ mặc đã trở nên “dễ thở” hơn trước – một phát kiến nhờ vào sự thiếu hụt kim loại xảy ra sau Thế Chiến I.  Trước thời kỳ đó, người phụ nữ phải ép mình trong những chiếc áo nịt ngực siết eo (corset) với mong muốn có được chỉ số hình thể lý tưởng như trong thời đại nữ hoàng Victoria: bộ ngực đầy khêu gợi và vòng eo bé xíu.

Nhưng bởi hầu hết áo corset đều có gọng bằng kim loại, vật liệu rất cần thiết cho sản xuất đạn dược và vật tư quân sự khác, nên Ủy ban Công nghệ Chiến tranh (WIB) đã yêu cầu phụ nữ Mỹ ngừng mua chúng. Trong khoảng thời gian đó, chiếc áo ngực hiện đại (bra) bắt đầu được ưa chuộng, vừa giải phóng phụ nữ khỏi sự bó buộc cơ thể vừa cung cấp thêm lượng kim loại đáng kể phục vụ chiến tranh.

Corset, mẫu áo ngực phụ nữ đầu tiên tại phương Tây

Chiếc áo nịt ngực sơ khai lần đầu tiên xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Lúc ấy, người phụ nữ quấn một dải len hoặc vải lanh vòng qua ngực, dùng ghim để cố định hoặc buộc lại phía sau.

Áo corset xuất hiện vào khoảng năm 1500. Nó nhanh chóng trở thành trang phục bắt buộc đối với phụ nữ tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội phương Tây. Tuy nhiên, các bác sỹ kết luận rằng chiếc áo corset đã gây ra các chứng bệnh khác nhau như ngất xỉu, teo cơ cho phái nữ. Còn các nhà hoạt động vì nữ quyền cáo buộc áo corset biểu tượng cho sự giới hạn quyền phụ nữ trong xã hội.

corset_harpers_bezar1882l1

Hình vẽ áo corset

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ ÁO CORSET: VŨ KHÍ BÍ MẬT HAY “SÁT THỦ” CỦA THỜI TRANG?

Chiếc áo ngực hiện đại ra đời

Caresse Crosby (tên thật là Mary Phelps Jacob) được cấp bằng sáng chế chiếc áo ngực hiện đại đầu tiên tại Mỹ vào năm 1910.

Hôm ấy, cô gái Caresse Crosby phải tham dự buổi dạ vũ lễ trưởng thành (debutant ball). Đây là buổi tiệc giới thiệu các quý nữ vừa đến tuổi cập kê. Theo thông lệ, cô phải mặc áo corset. Cảm giác thật ngộp thở! Cô mô tả mình như đang mặc áo giáp.

Thế là Caresse Crosby đã yêu cầu với người hầu gái lấy cho mình hai chiếc khăn tay và một vài sợi dây ruy-băng màu hồng và giúp bà khâu chúng vào áo ngực đơn giản hơn để mặc.

caresse-crosby-mary-phelps-jacob-first-bra

Bà Caresse Crosby và mẫu áo ngực đầu tiên

Phát minh của Crosby đã trở thành đề tài bàn tán của buổi tiệc. Các cô gái khác xúm quanh, tò mò hỏi làm sao bà có thể khiêu vũ tự do như vậy. Bà đã tiết lộ về phát minh của mình, và họ lập tức nhờ bà may áo ngực cho họ.

Kể từ sau khi những người lạ đề xuất trả bà một đô la cho một chiếc áo ngực, Crosby mới quyết định bắt đầu kinh doanh và đăng ký bằng sáng chế cho chiếc áo bra vào năm 1914. Bà nhận được vài đơn hàng từ các cửa hàng bách hóa nhưng vụ kinh doanh đã không thành công như mong đợi. Nghe theo lời khuyên của chồng, Crosby đã bán bằng sáng chế của mình cho Công ty áo ngực Warner Brothers tại Connecticut với giá 1.500 đô la Mỹ.

Lệnh cấm áo ngực được ban hành

f0fa733e9fb403b51ab48e5421c78ad7

Trở lại với lệnh cấm mặc áo corset của WIB giúp phụ nữ tự do làm việc ở những công việc nhà máy đòi hỏi thể lực, 28.000 tấn thép đã được tiết kiệm. Đủ xây dựng 2 chiến hạm!

Khi Thế chiến I kết thúc vào năm 1918, áo ngực nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Rồi đến Thế chiến II và sự thiếu hụt kim loại trầm trọng lại tiếp diễn, vòng một của nữ giới Mỹ hoàn toàn tự do. Áo ngực (bra) đã nhanh chóng thay thế áo corset.

Lúc đầu, bra được thiết kế chỉ một cỡ phù hợp với tất cả phụ nữ nhờ vào chất liệu co dãn. Một số nhà sử học ghi chép rằng William và Ida Rosenthal – những người sáng lập công ty Maidenform đã giới thiệu hệ thống kích cỡ áo ngực Cup A, B, C và D vào cuối những năm 1920 đầu những năm 1930 trong khi một số tranh cãi đó là phát kiến của Công ty S.H.Camp.

Những công nghệ mới nâng cấp áo ngực

Khi thời trang ngày càng phát triển, chiếc áo ngực khiêm tốn cũng phát triển không kém. Vào những năm 1930, ngành công nghiệp áo ngực phát triển mạnh nhờ vào dây đeo co giãn có thể điều chỉnh, lót đệm và những cải tiến khác.

Frederick Mellinger, người thành lập nhãn hiệu thời trang nội y nổi tiếng tại Mỹ Frederick’s of Hollywood là một nhà thiết kế thiên tài với những phát kiến áo ngực có móc khóa phía trước và push-up bra (áo ngực độn). Gần ba thập kỷ sau, Lisa Lindahl, Hinda Miller và nhà thiết kế trang phục Polly Smith đã tạo ra dòng áo ngực thể thao đầu tiên được kết hợp từ hai dây đai jockstrap.

Ngày nay, gần 95% phụ nữ phương Tây mặc áo ngực, đóng góp tạo nên ngành công nghiệp tỷ đô của món đồ này. Các nhà thiết kế được thử thách để đáp ứng các yêu cầu như áo ngực kiểu deep V vừa có tác dụng tăng cỡ ngực. (Trong thập kỷ qua, cỡ áo nịt ngực phổ biến nhất tại Anh nhảy từ cỡ 34B tới 36C).

Áo ngực và nữ quyền

tatatop

Áo Tata Top

Liệu áo bra có cùng chung số phận như áo corset không? Nhà lịch sử thời trang người Đan Mạch Rudolf Kristian Albert Broby-Johansen đã dự đoán sự biến mất của áo ngực trong bài báo “Điếu văn cho áo ngực” viết năm 1969.

Gần đây với phong trào #FreeTheNipple (thả rông ngực nơi công cộng do nhà làm phim Lina Esco khởi xướng và được phổ biến bởi Scout Willis – con gái của Bruce Willis và Demi Moore) nhằm chống lại sự kì thị với núm vú của người phụ nữ.

Hỗ trợ cho chiến dịch này là sự ra đời của dòng sản phẩm áo ngực Tata Top, một dạng mảnh trên của bikini màu da sơn hình dáng đôi nhũ hoa như thật do hai nhà nữ quyền Robyn Graves và Michelle Lytle thiết kế, nhằm thách thức những định kiến của xã hội và đấu tranh cho phong trào bình đẳng giới. Hai nhà nữ quyền đã đặt ra câu hỏi vì sao phụ nữ để ngực trần nơi công cộng là bất thường trong khi đàn ông có thể ngang nhiên làm điều đó? Chiếc áo Tata top là bước đầu giúp phụ nữ tự tin phơi bày vòng một, đồng thời chứng tỏ ngực của phụ nữ cũng bình thường như ngực đàn ông, nếu đàn ông có quyền phơi ngực nơi công cộng thì phụ nữ cũng thế. Chiếc áo nhận được sự hưởng ứng của phụ nữ nhiều nơi trên thế giới.

Ngày nay đã xuất hiện những mẫu bralette, vừa giúp giữ vững vòng một, vừa thoải mái hơn rất nhiều so với mẫu áo ngực có gọng. Có lẽ, chiếc áo ngực gọng kim loại rồi sẽ như áo corset, sớm bị lịch sử đào thải…

>>> Xem thêm: CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU CHIẾC ÁO CORSET CHÓP NHỌN CỦA MADONNA

Chuyển ngữ: Hiền Phan. Theo: ozy.com
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm