Tokyo: Kinh đô thời trang của street style và giới trẻ nổi loạn

Thành phố thời trang Tokyo gần đây đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng của mình bên cạnh “tứ đại” Milan, New York, Paris và London.

BZ-thoi-trang-duong-pho-nhat-ban-tokyo-fashion-week-01

Street-style tại Tuần lễ thời trang Tokyo Xuân Hè 2018. Ngày càng nhiều người cho rằng Tokyo xứng danh kinh đô thời trang thế giới. Nguồn ảnh: Jae Hoon Jeong/ Hypebeast

Thời trang Nhật Bản, cụ thể là thành phố Tokyo, đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ giới mộ điệu thế giới. Nổi bật phải kể đến phong cách street-style ấn tượng, mang đậm bản sắc mà ngoài Tokyo ra thì không thể tìm thấy ở đâu khác.

Thời trang đường phố Tokyo không chỉ khiến những fashionista trở nên nổi tiếng. Mà còn góp phần đưa Tokyo trở thành một trong những thành phố thời trang có ảnh hưởng trên thế giới.

Những yếu tố giúp Tokyo trở thành một kinh đô thời trang thế giới

1. Kinh tế vững mạnh của Nhật Bản tạo nên ngành công nghiệp thời trang hùng hậu

Nhật Bản có một nền kinh tế phát triển, từ đó giúp xây dựng một ngành công nghiệp thời trang vững bền. Tuy là một quốc gia nhỏ bé về mặt địa lý, nhưng Nhật Bản luôn nằm trong top 10 quốc gia có doanh số thời trang cao nhất. Theo công ty tư vấn đầu tư Bain & Company, tại châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu trong việc tiêu thụ thời trang, đặc biệt là thời trang xa xỉ.

Tokyo, là thủ phủ của Nhật Bản, do đó cũng là nơi quy tụ những cửa hàng thời trang bậc nhất. Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp thường xuyên đến Tokyo diễn show, triển lãm, tổ chức tiệc cho các khách hàng VIP. Có thể kể đến Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co… Tại Tokyo, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy các shop bán túi xách hàng hiệu second hand.

>>> XEM THÊM: ROSÉ BLACKPINK ĐEO DÂY CHUYỀN 2 TRIỆU ĐÔ-LA MỸ CỦA TIFFANY & CO TẠI TIỆC TỐI Ở TOKYO

2. Tuần lễ thời trang Tokyo: Táo bạo không giới hạn

Điều tiếp theo giúp Tokyo định hình vai trò của một kinh đô thời trang là sở hữu tuần lễ thời trang có sức ảnh hưởng.

Thời trang Nhật Bản đặc biệt có cách kết hợp giữa văn hóa đại chúng đương đại với thẩm mỹ truyền thống không thể nhầm lẫn. Thành phố Tokyo lấy thời trang đường phố làm trung tâm. Các sản phẩm may mặc đầy sáng tạo, theo đuổi trường phái thoải mái, tự do, không rào cản. Tokyo cũng chính là nơi khởi xướng cho phong cách thời trang giải cấu trúc (deconstructionism) gây ảnh hưởng toàn cầu.

BZ-Yoshikimono-Tokyo-Fashion-Week-phong-cach-thoi-trang-nhat-ban

Show diễn của Yoshikimono tại Tuần lễ thời trang Tokyo SS20 @J-generation

Tuần lễ thời trang Tokyo hoàn toàn khác với bất kỳ tuần lễ thời trang nào khác. Sàn diễn Tokyo tập trung những mẫu thiết kế mang tính thử nghiệm và đa dạng bậc nhất. Giống như những văn hóa phụ tồn tại trong cộng đồng người trẻ Nhật Bản. Các bộ sưu tập thời trang tại Tokyo Fashion Week không phải lúc nào cũng được đón chào tại đấu trường thương mại ngoài phạm vi đất Nhật. Tuy nhiên, nó vẫn có sức ảnh hưởng nhất định trong việc phá vỡ những rào cản tồn tại trong thời trang.

Có thể nói, trong khi các tuần lễ thời trang tại châu Á đang cạnh tranh khốc liệt thì Tokyo lại chọn cho mình một lối đi riêng.

>>> XEM THÊM: DECONSTRUCTION FASHION: THỜI TRANG GIẢI CẤU TRÚC NGỖ NGHỊCH

3. Phong cách đường phố Nhật Bản không thể nhầm lẫn

BZ-thanh-pho-thoi-trang-tokyo

Tokyo là thiên đường street style của các fashionista. Ảnh: Kira / Tokyofashion.com

Sở dĩ Tokyo được xem là một kinh đô thời trang vì nó là một thiên đường cho giới trẻ mê phong cách ăn mặc độc bản. Street style ở Tokyo đôi khi chẳng theo bất kỳ trào lưu nào. Miễn sao nó giúp người mặc tỏ rõ tính cách và sở thích là được.

Phong cách thời trang đường phố Tokyo được định hình vào thập niên 1990. Thời gian này, làn sóng thời trang ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ những năm 1960 đã dịu đi. Nét đẹp văn hóa truyền thống dần được quan tâm nhiều hơn. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt phong cách mang đậm hơi thở Nhật Bản.

Trên đường phố Tokyo có nhiều phong cách ăn mặc. Đó là Shibuya Casual đơn giản tinh tế. Hay Urahara Movement – một sự kết hợp giữa thời trang phóng túng và streetwear kiểu Mỹ. Phong trào Gyaru (ギ ャ ル) với những cô gái tô mặt rám nắng cũng hình thành trong thời điểm này.

BZ-phong-cach-thoi-trang-Shibuya-casual-nhat-ban-

Set đồ thường thấy mang phong cách Shibuya Casual chính là áo tùy chọn, váy caro, tất cao và giày da. Ảnh: tokyofashion

BZ-Urahara-Movement-phong-cach-duong-pho-nhat-ban

Giới trẻ Tokyo trong phong cách Urahara Movement mang đậm hơi thở hip-hop kiểu Mỹ những năm 90. Ảnh: @Evey Kung

BZ-phong-cach--duong-pho-nhat-ban-Gyaru

Đặc trưng của Gyaru là tóc nhuộm màu sáng, làn da tô rám nắng, móng tay dài, lối trang điểm đậm tạo đôi mắt to. Ảnh: GoJapan

Bên cạnh đó, thật thiếu sót nếu không nhắc tới Harajuku – một trong những phong trào nổi bật nhất và vẫn còn có ảnh hưởng đến hiện tại. Để giải nghĩa Harajuku là gì thì đến nay vẫn chưa có một tuyên bố chính thức nào. Nhưng hiểu đơn giản thì Harajuku là những trang phục khác lạ, sặc sỡ từ đầu tới chân, không đáp ứng bất kỳ một quy chuẩn nào. Harajuku cũng là một hình thức phối hợp giữa văn hóa Nhật Bản và nét hiện đại học được từ thời trang phương Tây. Nó gồm những biến thể như Gothic Lolita, Sweet Lolita, Punk, Cosplay…

BZ-phong-cach-harajuku-fashion-street-style-nhat-ban

Phong cách Harajuku đề cao sự ngẫu hứng, đặc trưng bởi tổng thể sặc sỡ, trang phục màu sáng, không có quy luật. Ảnh: Azra Syakirah/ itsyourjapan

Tại Tokyo, các fashionista tự tin xuống phố với những lối kết hợp trang phục hoàn toàn không thể đoán trước được. Phong cách đường phố ở Nhật đặc trưng bởi sự tôn sùng thời trang táo bạo, mang tính tuyên bố cao. Giới trẻ Tokyo không ngại phô trương vẻ ngoài lập dị nhưng đầy hấp dẫn trên khắp đường phố. Thậm chí không cần chờ đến bất kỳ sự kiện thời trang nào. Mỗi ngày, đường phố Tokyo vẫn ngập trong sắc màu thời trang như một điều hiển nhiên.

4. Nơi đào tạo, ươm mầm các tài năng trẻ

BZ-thanh-pho-thoi-trang-tokyo

Dự án tốt nghiệp “Ancient Amazonian” của Sirikarn Rattanaudómawatt thuộc Đại học Thời trang Bunka. Ảnh: @bunkafashion

Để đạt chuẩn một kinh đô thời trang thì Tokyo không thể thiếu vườn ươm mầm các tài năng trẻ. Đó là những trường học, học viện về thiết kế và may mặc, cũng như các bảo tàng thời trang và thư viện giàu sách vở.

Được công nhận là trường thời trang uy tín nhất khu vực châu Á và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Bunka Fashion College cung cấp nhiều khóa học về thiết kế thời trang, tiếp thị và công nghệ. Những cựu sinh viên nổi tiếng bao gồm Kenzo Takada, Hiroko Koshino và Yohji Yamamoto.

Ngay bên cạnh là bảo tàng Trang phục Bunka Gakuen. Nơi đây trưng bày một loạt các sản phẩm may mặc và dệt may xa hoa từ nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới.

Ngoài ra còn có bảo tàng trang phục Sugino Gakuen, được cho là bảo tàng quần áo đầu tiên ở Nhật Bản. Sugino Gakuen được thành lập bởi Yoshiko Sugino vào năm 1957. Nơi đây ghi lại những xu hướng thay đổi khi ảnh hưởng của phương Tây bắt đầu xâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Bảo tàng thời trang này có rất nhiều loại hàng may mặc phương Tây. Ngoài ra còn có kimono của Nhật Bản, đồng phục người hầu thời Heian, thiết kế thời trang và trang phục dân gian châu Á và châu Âu.

Ảnh: @bunkafashion

Nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật vươn tầm thế giới như Lost in Translation hay Ghibli. Có thể dễ dàng nhận thấy: văn hóa Nhật Bản sở hữu sự phức tạp tuyệt vời. Và khi tiến vào thực tế, nét đẹp này tiếp tục được thể hiện thông qua ngành công nghiệp thời trang. Giới trẻ Tokyo có thể nắm bắt xu hướng và kết hợp hài hòa với đặc trưng Nhật Bản.

TÌM HIỂU VỀ CÁC KINH ĐÔ THỜI TRANG THẾ GIỚI:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm