Kim cương thường được mô tả như những viên đá trong suốt và lấp lánh. Tuy nhiên, kim cương có thể được nhuốm rất nhiều gam màu khác nhau. Điều này xảy ra khi cấu trúc cacbon của kim cương bị biến đổi trong giai đoạn hình thành, hoặc bị lẫn những tạp chất khác. Và những viên đá này hiếm gấp nhiều so với phiên bản không màu.
Đôi nét về kim cương màu (fancy color diamond)
Khi nói về màu kim cương (mà trong tiếng Việt còn được gọi là nước), nhiều người nghĩ ngay đến bảng phân cấp nước kim cương do viện Gemological Institute Of America (GIA) đề ra. Bảng phân loại kim cương theo cấp độ từ trong suốt (D) cho đến ngả màu nhàn nhạt (Z) – có thể là vàng, xám hay nâu.
Thực chất, bảng phân cấp này chỉ dành cho nhóm kim cương trong suốt. Đây là những viên đá có thể ngả sắc vàng, xám hay nâu, nhưng nhạt đến mức độ có thể xem như không màu. Ở nhóm kim cương không màu, càng trong suốt thì viên kim cương càng giá trị.
Nhưng thế giới kim cương không chỉ có thế. Vượt quá cấp độ Z là những viên kim cương có màu sắc rực rỡ như cầu vồng, gọi là fancy color diamond. Lúc này, chúng được đánh giá theo tiêu chí ngược lại. Màu càng đậm thì viên kim cương càng đắt giá.
Vậy, kim cương màu nào quý hiếm và đắt đỏ nhất? Hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá thế giới kim cương màu.
Các dòng kim cương màu fancy cơ bản
Màu vàng
Màu vàng đến từ phân tử khí nitơ, một loại khí thường thấy trong bầu khí quyển. Trong giai đoạn hình thành, phân tử nitơ bị kẹt trong cấu trúc cacbon, hấp thụ ánh sáng xanh và phản chiếu lại ánh sáng vàng. Lẫn một ít nitơ, nó sẽ bị đánh giá là viên kim cương cấp độ Z vô giá trị. Nhưng chứa một hàm lượng nitơ nhất định và nó sẽ hóa thành màu vàng óng như tia nắng của nhóm fancy.
Giá trị: Trong số các loại kim cương màu, sắc vàng fancy là loại dễ tìm thấy nhất. Vì vậy, nó cũng là loại kim cương màu có giá thành dễ chịu nhất. Kim cương vàng thường là loại kim cương cấp độ fancy đầu tiên nhiều người sở hữu khi bước chân vào thế giới của kim cương màu.
>>> Xem thêm: LỊCH SỬ VIÊN KIM CƯƠNG VÀNG 30 TRIỆU ĐÔ CỦA TIFFANY & CO
Màu xanh dương
Tương tự kim cương vàng, kim cương xanh có cấu trúc cacbon bị lẫn tạp chất. Trong trường hợp này là khoáng chất boron. Boron sẽ hấp thụ ánh sáng vàng, phản chiếu ánh sáng xanh – ngược lại với nitơ.
Nhờ nghiên cứu từ GIA, chúng ta biết rằng những viên kim cương xanh được hình thành ở độ sâu gấp 4 lần so với những loại kim cương và kim cương màu khác. Khi các mảng kiến tạo địa chất va vào nhau, đẩy những tầng địa chất ở sâu hơn lên bề mặt trái đất, mang theo kim cương xanh lên theo cùng.
Màu xám
Nhóm kim cương này có cấu trúc lẫn khí hydro. Kim cương xám còn được đặt những cái tên mỹ miều như silver, pewter hay pigeon diamond.
Trong quá khứ, màu xám không được quá quan tâm đến. Nên hầu như không có viên kim cương thuần xám nào quá nổi tiếng. Những viên kim cương xám trị giá hàng triệu đô thường đi kèm gam màu xanh dương. Ví dụ viên Hope Diamond (ở trên) hay Sultan of Morocco…
Hồng, đỏ, nâu champagne
Khác với kim cương xám, xanh dương và vàng, nhóm kim cương hồng sở hữu gam màu đặc biệt không vì bị lẫn tạp chất, mà vì cấu trúc đặc biệt.
Để tạo nên kim cương hồng cần điều kiện sức ép trong lòng đất cao gấp nhiều lần so với thông thường. Sức ép này đè nén, làm biến dạng cấu trúc của tinh thể cacbon, từ đó khiến nó phản chiếu ánh sáng đỏ. Cấu trúc biến dạng càng nhiều thì càng phản chiếu nhiều tia ánh sáng đỏ, tạo nên những gam màu hồng, đỏ hoặc nâu.
Giá trị: Đa phần các viên kim cương hồng được tìm thấy tại mỏ Argyle ở miền Tây Bắc nước Úc. Tuy nhiên, mỏ này đã ngừng khai thác từ cuối năm 2020. Thế giới chưa tìm được một mỏ kim cương hồng khác thay thế. Vì vậy, giá trị các viên kim cương hồng sẽ chỉ tăng chứ không giảm trong thời gian tới.
Xanh lá cây
Cách hình thành viên kim cương xanh lá cây cũng tương tự như kim cương hồng, nhuốm màu không vì lẫn tạp chất mà do sự thay đổi trong cấu trúc phân tử cacbon.
Sau khi viên kim cương đã hình thành, nó có thể tiếp xúc với các chất phóng xạ. Nguồn bức xạ này phát ra những hạt phóng xạ, tấn công điện tử (electron) trong cấu trúc cacbon của viên kim cương, làm lệch quỹ đạo của chúng. Điều này khiến viên đá tăng cường phản xạ lại ánh sáng xanh.
Kim cương xanh lá cây là loại kim cương fancy duy nhất thay đổi sắc tố sau khi đã hình thành hoàn toàn.
Cẩn thận: Có nhiều viên kim cương không màu được xử lý phóng xạ để tạo nên sắc xanh lá cây. Giá trị của các viên đá màu nhân tạo này thấp hơn nhiều lần so với kim cương xanh lá cây tự nhiên.
Màu trắng và đen
Vâng, trắng và đen cũng là những gam màu fancy! Những viên kim cương này chứa một hàm lượng cao các loại khoáng chất đục mờ. Gam màu trắng có thể lẫn tạp chất là khí hydro, nitơ và niken, có bề ngoài hơi trắng sữa tựa đá mặt trăng hoặc opal. Màu đen thì chứa than chì, pyrite hay hematite. Viên kim cương chứa quá nhiều những tạp chất này sẽ trở nên mờ hoặc thậm chí đục hẳn.
Các viên kim cương màu trắng và đen quý giá vì chúng khá khó cắt. Do chứa quá nhiều tạp chất, nếu cắt không khéo có thể dẫn đến tình trạng viên kim cương bị vỡ vụn.
Vui vui: Kim cương đen vốn không được ưa chuộng trước kia. Nhưng, khi các nam diễn viên, ca sỹ bắt đầu sử dụng trang sức nạm loại kim cương này, chúng ngày càng được ưa chuộng trong trang sức và phụ kiện dành cho nam giới.
Những sắc thái muôn hình vạn trạng của kim cương màu
Viên kim cương có thể được nhuốm màu đủ bảy sắc cầu vồng khi kết hợp bất kỳ hai hoặc nhiều trạng thái nào kể ở trên. Ví dụ, viên kim cương vừa nhiễm khí nitơ tạo sắc tố vàng, vừa hình thành dưới sức ép cực đại tạo sắc tố hồng, sẽ sản sinh ra màu cam. Tím là sự kết hợp của sắc tố đỏ và xanh.
Chưa kể, các sắc tố còn có thể không thuần, mà còn có những sự pha trộn nhất định. Ví dụ như xanh ngả xám, vàng ngả xanh nhạt, hồng có sắc tím…
Dù là gam màu nào, trong tự nhiên, các viên kim cương cấp độ fancy đều rất hiếm. Tỉ lệ giữa nhóm kim cương không màu và kim cương màu vào khoảng 10.000 : 1 – nghĩa là trong 10.000 viên kim cương không màu mới tìm ra một viên kim cương có màu. Và trong số nhóm kim cương màu được tìm thấy, chỉ có khoảng 0.4% đạt đến cấp độ fancy, tức là có màu đủ đậm và rực rỡ.
Cần biết gì khi đầu tư vào kim cương màu?
Khi GIA chấm điểm kim cương cấp độ fancy, các chuyên gia không sử dụng bảng chấm điểm tựa kim cương trong suốt. Mà họ có một thang điểm khác, dựa trên ba yếu tố: Tông màu, xuất xứ của viên đá, và độ đều màu.
Tông màu dao động từ Fancy Light (nhạt) qua đến Fancy Vivid (đậm). Độ trong suốt không quan trọng bằng độ rực rỡ của màu. Khi màu càng đậm thì giá trị của viên đá càng tăng. Hai cấp độ Fancy Intense và Fancy Vivid sẽ cao giá nhất. Tuy nhiên, vượt qua một cột mốc nhất định thì giá trị của đá lại giảm. Khi viên đá trở nên quá thẫm màu, ví dụ Fancy Dark hay Fancy Deep, thì nó không còn được đánh giá cao.
Xuất xứ của viên đá là cách đánh giá liệu viên kim cương này hoàn toàn tự nhiên, hay đã bị xử lý trong phòng thí nghiệm. Công nghệ tân tiến cho phép biến một viên kim cương trong suốt thành kim cương màu. Ngoài ra còn có nhiều loại kim cương fancy được chế tác hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Chúng không đáng giá bằng phiên bản tự nhiên.
Cuối cùng, độ đều màu liên quan đến sự phân bổ của màu sắc trong viên kim cương. Càng đều thì tất nhiên, càng giá trị.
Nhìn chung, các viên kim cương thiên nhiên màu hồng, đỏ, xanh dương luôn được xem là có giá trị đầu tư cao nhất. Một viên kim cương cấp độ đầu tư có nghĩa rằng, sau khi mua, giá thành của nó chỉ có tăng chứ không giảm.
>>> Xem thêm: VÌ SAO KIM CƯƠNG QUÝ GIÁ? TẤT CẢ LÀ NHỜ CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO CỦA DE BEERS
Trích dẫn Natural Diamond Council, GIA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam