Hoài niệm ngọt ngào với thú chơi đĩa than

Mở chiếc đĩa than, chìm đắm trong âm thanh để cảm nhận cuộc đời. Quá khứ, hiện tại hay tương lai đôi khi hiện ra từ chính những vòng quay ấy

Có thú chơi gắn liền với cuộc sống hiện tại, có thú vui khác, lại gắn với những hồi ức khó quên. Với tôi, âm thanh của tiếng kim trên mặt đĩa nhựa rẹt rẹt luôn gợi lại kỷ niệm của một thời lãng mạn và say mê.

Ký ức ngày mưa

Khi còn nhỏ, ấn tượng của tôi về những chiếc đĩa than đen to tướng là thứ… lót lồng chim vàng anh của ông ngoại, máy nghe đĩa là những bông hoa loa kèn to tướng bày bên kệ sách, nhưng chẳng bao giờ có âm thanh phát ra từ đó.

Tôi lớn lên cùng thời điểm với phong trào nghe và hát nhạc tiếng Anh. Khi cùng bạn trai đi lùng những băng nhạc yêu thích để thâu lại cassette về nghe, tôi vô tình gặp được nhiều người đi trước hướng dẫn, và từ đó có cơ duyên với những “đồ chơi âm nhạc” cầu kỳ này.

Sài Gòn những năm đầu thập niên 1990 là một thị trường âm nhạc rất lạ lùng. Bạn sẽ chẳng thấy ở đâu giống Việt Nam mà cassette, đĩa nhựa, băng cối (reel to reel), CD đều chen lấn nhau như thế. Trong quán cà-phê, bạn có thể vừa nghe đĩa nhựa vừa nghe băng cassette, các tiệm thu băng vừa thâu mặt A bằng cassette nhưng mặt B lại nghe thấy tiếng lách tách của đĩa nhựa.

Tôi nghe đĩa nhựa đầu tiên như thế và rồi bắt đầu yêu tiếng nổ lách tách lúc nào không hay. Những buổi chiều mùa mưa Sài Gòn, cùng ngồi với anh trong quán cafe quen thuộc, lắng nghe những âm thanh réo rắt của những tình khúc kinh điển như A Time For Us, Eternal Flame… tôi chỉ mong cho những cơn mưa Sài Gòn cứ kéo dài hơn nữa.

Ban nhạc The Bangles với ca khúc Eternal Flame một thời làm say mê bao thế hệ yêu nhạc

Ban nhạc The Bangles với ca khúc Eternal Flame một thời làm say mê bao thế hệ yêu nhạc

Nhiều người vẫn cho rằng đĩa than quá cầu kỳ, nghe CD, mp3 tiện hơn. Thế nhưng, đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sống động nhất mà đầu đọc CD chất lượng cao vẫn không thể có được. Nghe đĩa than sẽ khiến bạn có cảm giác trân trọng, muốn nghe một đĩa quý từ đầu đến cuối không chuyển bài, thậm chí muốn xông hương căn phòng khi nghe nhạc và chỉ muốn chia sẻ với tri kỷ và giữ đĩa như giữ vàng.

Một điều cần phân biệt rõ là chơi đĩa than không phải chơi đồ cổ. Thứ nhất, những chiếc “Hoa loa kèn” gần như không còn mấy cái chạy nổi. Thứ hai, đĩa than mới vẫn sản xuất đều đều trên thế giới. Thứ ba, những chiếc đĩa than cổ “có số có má” hoặc đã hư hại hoặc chỉ còn mang tính chất sưu tầm, gia chủ rất ít khi đem ra nghe mà chỉ để ngắm như một… tín ngưỡng. 

Âm thanh của đam mê

Hiện giờ, Sài Gòn có nhiều quán cà-phê Hi-end, chủ quán bày “đồ chơi” rất dữ nhưng thực sự mở đĩa cho khách nghe thì chỉ có vài ba quán như Rong (492 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1), Overture (109 Trần Quốc Toản, Q. 3)… Một lần, tôi ghé lại quán cà-phê Rong. Anh chủ quán cũng là một người sưu tầm đĩa than có tiếng đã trò chuyện với tôi về thú chơi của hoài niệm cũng “lắm công phu” của mình.

“Thật ra tôi sưu tập đĩa theo sự yêu thích cá nhân hơn là sưu tập theo đúng kiểu dân chơi đĩa: ngày, tháng, năm, bản in đầu, hãng đĩa nào… Bộ đĩa mà tôi giữ đến bây giờ và quý nhất vẫn là bộ Beatles. Muốn chơi đĩa nhựa, theo tôi, đầu tiên bạn phải bị nó thuyết phục. Khi bạn bị thuyết phục bạn sẽ dễ dàng yêu nó. Chỉ có tình yêu mới là điều khó nhất cho một người chơi đĩa than. Khi yêu, bạn sẽ biết chiếc đĩa ấy hay dở ra sao, giá trị thực sự đến cỡ nào.

Khi yêu, bạn sẽ biết chiếc đĩa ấy hay dở ra sao, giá trị thực sự đến cỡ nào

Khi yêu, bạn sẽ biết chiếc đĩa ấy hay dở ra sao, giá trị thực sự đến cỡ nào

Chơi đĩa nhựa là một trải nghiệm vô chừng. Có những người mê nó vì bìa đẹp, mà thật sự bìa của đĩa cũng rất xứng đáng với những ai trót yêu vì nhiều lúc chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Có những người mê album ấy nhưng nó phải là hãng phát hành đầu tiên (ví dụ như Abbey Road của Beatles phải là Apple Record, còn của Capital phát hành chỉ là hàng thứ cấp). Có người mê đĩa nhựa vì âm thanh và có người mê đĩa nhựa vì hoài niệm… Ở Việt Nam, đĩa nhựa đang trở lại. Và trên con đường quay về ấy, chắc chắc còn nhiều điều phải bàn đến…”, anh Việt Cường, chủ quán Rong chia sẻ.

Câu chuyện còn dang dở, ngoài trời lại đổ mưa. Đắm chìm trong âm nhạc, tôi lại hồi tưởng về những tháng ngày tuổi trẻ. Có những mối tình đã qua đi, nhưng có tình yêu sẽ vẫn còn ở lại, giống những âm thanh nguyên thể, mộc mạc như mạch ngầm còn chảy mãi với thời gian.

Bazaar mách bạn

Những bí quyết bỏ túi cho người chơi đĩa than:

– Để bắt đầu chơi đĩa than và không tốn quá nhiều tiền, bạn có thể tìm mua đầu đọc các hãng phổ thông như Denon, Dual, Pioneer, Rega, Sansui, Technics… Cao cấp hơn là các dòng: Audio Note, Bass Audio, Clearaudio, Forsell, Micro Seiki, Oracle, Sumiko, Thorens, VPI…

– Hiện có một số các cửa hàng bán đĩa than ở Việt Nam, bạn có thể tham khảo chi tiết tại diễn đàn Mạng nghe nhìn Việt Nam: vnav.vn. Một số nơi như cà-phê Rong cũng là điểm trao đổi, mua bán đĩa than cho những người yêu nhạc. Khi nhu cầu mua cao hơn, hầu hết các tín đồ đều đặt mua trên eBay.

– Bạn nên lên các diễn đàn âm thanh để được những người đi trước tư vấn. Nếu ngại, bạn có thể mua trọn gói, đầu đọc, ampli, loa, đĩa than tại những cửa hàng bán âm thanh, đĩa gốc như Anh Duy (172 Pasteur, Q. 1, TP. HCM)… Để khởi đầu cuộc chơi, bạn nên đến các quán nghe nhạc đĩa than để thực sự hiểu và sống trong âm thanh analog, hay gặp các “cao thủ” để tìm tòi.

– Bạn đừng quên mua những phụ kiện như chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện, súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim… Đĩa than cần được bảo quản trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao. Nghe từ đầu đến cuối đĩa để đĩa mòn đều.

Bazaar Việt Nam – Bài: Thiên Ca. Ảnh: Getty Images

Xem thêm