“Thanh lịch không vì mong cầu sự chú ý mà là để ghi dấu không phai”
– Giorgio Armani –
Dòng tiểu sử trên Instagram của Giorgio Armani ghi câu nói trên, là lời tóm gọn về cốt cách khác biệt của nhà mốt Ý. Trong gần năm thập kỷ hoạt động, thương hiệu giữ phong độ thanh lịch khó xoay chuyển, liên tục dệt nên những thượng phẩm định nghĩa thế nào là vẻ đẹp kinh điển, vượt thời gian.
Nhà sáng lập thương hiệu, ngài Giorgio Armani vừa chạm ngượng tuổi 90. Trong gần một thế kỷ tại thế, 49 năm cuộc đời của ông cống hiến cho thời trang và cái đẹp. Sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh của NTK vẫn luôn linh động, nhất quán. Ông đã gây tiếng vang với nhiều tạo phẩm xuất sắc, nhưng không bao giờ bám víu vào lối mòn để nắm chắc thành công.
Một địa hạt chứng thực cho sức sáng tạo không giới hạn của nhà thiết kế gạo cội là trang phục cho phim ảnh. Ông bắt đầu thiết kế thời trang cho nhân vật màn ảnh từ 1977, là một cây đa cây đề trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa điện ảnh và thời trang, và cũng được cho là người tiên phong làn sóng thời trang thảm đỏ.
Cho đến nay, rất nhiều ngôi sao – cả kỳ cựu lẫn đang trên đà nổi tiếng – luôn nghĩ đến thuơng hiệu Armani đầu tiên nếu muốn toả sáng ở những sự danh giá. Và ông, dù đã nhiều tập kỷ liền đảm nhận tạo hình cho các ngôi sao, vẫn có thể mang tới sự tươi mới và đáng mong chờ.
Nhìn lại chuyến hành trình kéo dài nhiều thập kỷ của tài năng nước Ý, chúng ta có thể nhận ra rằng tình yêu dành cho điện ảnh chính là nguyên liệu đưa sự sáng tạo của Giorgio Armani thăng hoa.
Điện ảnh là cội rễ cho sự thanh lịch biểu trưng của Armani
Thuở thiếu thời, Giorgio Armani lớn lên với những bộ phim thể loại telefoni bianchi (điện thoại trắng – dòng phim hài kịch của Ý học hỏi sự hài hước từ nước Mỹ) như Bicycle Thieves (1948), Ossessione (1943), Rome, Open City (1945). Những màn nhập vai xuất sắc trên màn ảnh cùng bối cảnh huy hoàng gợi cho ông những cảm xúc và tình yêu mãnh liệt với phim ảnh từ sớm.
Ăn sâu vào trong ký ức của Giorgio Armani là những người phụ nữ thanh lịch, những người đàn ông lịch lãm trong bộ suit 3-mảnh hai hàng khuy.
Soi chiếu trang phục nhân vật trong những bộ phim được Giorgio Armani trích dẫn, ta hiểu được hình tượng thanh lịch của nhà mốt Ý bắt nguồn từ đâu. Suit và mũ phớt dường như đã là luật bất thành văn cho mọi sàn diễn của ông, và sau này là những chiếc đầm dạ hội lụa là thượng hạng ở dòng thời trang cao cấp (haute couture).
Tất cả những chi tiết này đều đến tự phục trang quen thuộc trong dòng phim điện ảnh telefoni bianchi.
Sự nghiệp của Giorgio Armani không bắt đầu với thời trang, mà vòng vèo qua nhiều ngã rẽ như y học và quân đội. Nhưng đến lúc có cơ hội chạm tay vào thời trang, sự thanh lịch vẫn là ý niệm mà ông ái mộ. Vào năm 1975, khi ông đã 41 tuổi, những ấn tượng và đam mê ban đầu từ phim ảnh chính thức thành hình qua thương hiệu mang tên nhà thiết kế nước Ý, bước đầu tiên để ông xây dựng một thế giới nhã nhặn, sang trọng bậc nhất trên thế giới.
Giorgio Armani so sánh điện ảnh với một “mỏ vàng” giúp định hình phong cách cá nhân và những hiểu biết của ông về sự thanh lịch. Sự phát triển của điện ảnh cũng là động lực thúc đẩy để ông đưa thời trang của mình có những bước tiến song hành.
Sự hợp tác giữa điện ảnh và thời trang như một cuộc đối thoại không bao giờ chấm dứt – điều cần thiết để định hình nhân vật. Tôi nghĩ rằng phim ảnh và thời trang thường thể hiện tốt nhất khi phối hợp cùng nhau.
– Giorgio Armani –
“Nhờ có phim ảnh mà tôi tiếp cận được công chúng”
Nhìn nhận lại giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp, Giorgio Armani thú nhận rằng điện ảnh không chỉ là khởi nguồn mà còn là bước đệm hệ trọng đối với sự nghiệp của mình.
Năm 1975, Giorgio Armani trình làng BST ready-to-wear đầu tay trong sự nghiệp thuộc mùa thời trang Xuân Hè 1976. Bộ sưu tập được cấu thành từ những thiết kế quyền uy, với cầu vai sắc lẹm và phần cổ phóng đại. Ba năm sau đó, ông đảm nhận tạo hình cho Diane Keaton khi bà nhận giải Oscars 1977 nhờ vai diễn trong phim Annie Hall. Giới mộ điệu nhớ đến ông vì những bộ suit quyền lực (power suit) với cầu vai rộng, phom dáng suôn qua bộ phim American Gigolo (1980).
Cuộc “diễu hành” của những chiếc cà vạt, áo sơ-mi và áo khoác blazer trong phim American Gigolo đã mở đầu một kỷ nguyên mới cho Giorgio Armani. Bộ phim này không chỉ biến Armani thành một trong những nhà thiết kế suit đáng tin cậy, mà còn nhân rộng những đặc trưng trang phục theo chuyên môn của ông. Goodfellas (1990), The Dark Knight (2008) và The Wolf of Wall Street (2013) là một vài những tác phẩm tiêu biểu mà Giorgio Armani góp phần chỉnh trang tạo hình.
Như một thói quen, mỗi khi một nhân vật quyền lực – như tay doanh nhân cộm cán, hay triệu phú tài phiệt, và cả giới xã hội đen – xuất hiện trên màn ảnh trong một bộ suit, thì nhiều khả năng bộ suit đó là tác phẩm của Giorgio Armani.
Đặc trưng thiết kế của ông trở thành biểu tượng của địa vị và quyền lực trên phim ảnh lẫn ngoài đời thật, đóng góp đáng kể đối với ngành thời trang nam cuối thế kỷ 20. Rất nhiều những đạo diễn nổi tiếng như Martin Scorsese, Christopher Nolan đều chọn hợp tác cùng Giorgio Armani cho các tác phẩm điện ảnh của mình.
Bên cạnh các bộ suit nam, Giorgio Armani vẫn không bỏ quên địa phận phục trang nữ trên phim ảnh. Dù ít, nhưng mỗi khi các nhân vật nữ được diện trang phục do ông thiết kế, sự quyền uy và trang nghiêm của họ như được nhân lên gấp bội. Phenomena (1985), High Heels (1991), Elysium (2013) và A Most Violent Year (2014) là minh chứng khi sức hút thanh lịch của phụ nữ được đặc tả bởi Giorgio Armani.
“The Armani Awards”: Vì sao Giorgio Armani thống lĩnh thảm đỏ của giới điện ảnh
Giorgio Armani là nhà tiên phong cho việc nhân rộng khái niệm “thời trang thảm đỏ” trong thời kỳ suy tàn của Hollywood thập niên 1960 – 1980. Thuở Hollywood vàng son (thập niên 1920 – 1960), các studio làm phim nắm quyền lực trong tay, chi trả ngân sách tạo hình cho các minh tinh trên thảm đỏ. Bước vào thời kỳ suy tàn, các minh tinh không còn được sự hỗ trợ từ đội ngũ trang phục của đoàn phim. Kết quả là một thời kỳ cực kỳ hỗn loạn trên thảm đỏ.
Nhiều ngôi sao màn bạc lúc đó đã tìm đến Giorgio Armani, người thiết kế phục trang trên phim, để mượn đầm dạ hội cho thảm đỏ. Từ nhà thiết kế thời trang cho nhân vật trên phim, ông đảm nhiệm thêm trọng trách tạo hình cho họ trên thảm đỏ. Nhà thiết kế người Ý trở thành người phù phép phục trang cho rất nhiều quý ông lịch lãm, quý cô, quý bà nhã nhặn. Những đóng góp của Armani mang tính lịch sử và định hình phong cách thời trang thảm đỏ chúng ta biết đến ngày nay.
Tạo hình thảm đỏ đầu tiên của Giorgio Armani dành cho Diane Keaton, người nhận tượng vàng cho giải nữ chính xuất sắc nhất tại Oscars 1977. Sau đó là Michelle Pfeiffer tại Oscars 1989.
Sức ảnh hưởng của Armani bắt đầu phổ rộng từ 1990, một cách đột biến và bất ngờ đến mức mùa lễ trao giải năm 1990 được mệnh danh là “Giải thưởng Armani”. Ngoài tượng vàng, các ngôi sao dường như đã tranh đấu để xem ai là người thanh lịch nhất trong các thiết kế của Armani.
Các quý ông đồng loạt diện “đồng phục” từ nhà mốt, bao gồm Leonardo DiCaprio, Tom Cruise, Liam Neeson. Michelle Pffeiffer lộng lẫy trong sự tối giản khi đổ bộ thảm đỏ Oscars bằng chiếc váy nhung xanh đen. Trong khi đó, Jodie Foster tại Oscars và Julia Roberts tại Quả cầu Vàng không thể cưỡng lại sự thanh lịch của những bộ suit Armani, quyết tâm xuất hiện trong phong cách menswear.
Kể từ đó, vị thế của Armani là khó xoay chuyển, dù các thương hiệu cũng bắt đầu có miếng bánh thời trang thảm đỏ của riêng họ (như Versace và Valentino bắt đầu đẩy mạnh đầu tư từ những năm 2000). Danh sách nàng thơ điện ảnh của Giorgio Armani bao gồm những ngôi sao hạng A của Hollywood, như Cate Blanchett, Jodie Foster… Jodie Foster luôn trung thành với những thiết kế thanh lịch của nhà mốt, trong khi đó, Cate Blanchett với biệt tài “tái sử dụng” thời trang thảm đỏ nhiều lần chứng minh sự sành điệu vượt thời gian của Armani tại các sự kiện danh giá, khi mặc lại những chiếc váy dạ hội mà cô đã trưng diện từ cách đó một thập kỷ.
Có một ý niệm lưu truyền: Mặc Giorgio Armani lên thảm đỏ đồng nghĩa với việc bản thân người diễn viên đã đạt được một địa vị nhất định tại Hollywood, bởi nhà thiết kế người Ý cũng khắt khe trong việc chọn lựa chính những khách hàng của ông. Nhìn vào hồ sơ khách hàng của Armani, không có tên tuổi nào là nhỏ bé trong suốt 46 năm kiến tạo thời trang thảm đỏ.
Sự xuất chúng trong kỹ thuật may đo của Giorgio Armani khiến ông có sức ảnh hưởng với thời trang thảm đỏ. Xuất hiện tại các sự kiện danh giá, với nhiều người, là cơ hội chỉ đến một lần. Họ muốn tỏa sáng trọn vẹn trong khoảnh khắc đặc biệt của hào quang, vững bền với thời gian. Còn gì đáng khoác lên mình hơn những thượng phẩm không một lỗi sai từ nhà mốt Ý?
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
“ĐÔI CÁNH ĐẠI BÀNG” EMPORIO ARMANI: SỰ CÁCH TÂN CỦA MỘT THƯƠNG HIỆU
LƯU THI THI DỰ SHOW GIORGIO ARMANI, LIỆU CÓ THÊM HỢP ĐỒNG ĐẠI SỨ MỚI?
Harper’s Bazaar Việt Nam