Du thuyền The Louis của Louis Vuitton cập bến Thượng Hải

Ngay giữa lòng Thượng Hải, Louis Vuitton đưa chiếc "du thuyền" The Louis cập bến, mở ra một không gian nghệ thuật và thời trang độc bản ở Trung Quốc

Chiếc du thuyền The Louis của Louis Vuitton cập bến Thượng Hải 2025. Ảnh: Weibo

Đặt chiếc du thuyền vào con đường Nam Kinh Tây của Thượng Hải, Louis Vuitton không chỉ mở một cửa hàng mà còn đang tái định nghĩa trải nghiệm xa xỉ tại Trung Quốc.

Cuộc đổ bộ ngoạn mục vào trái tim Thượng Hải

Bắt đầu từ ngày 28/6, Louis Vuitton chính thức khai trương không gian sáng tạo The Louis tại trung tâm thương mại HKRI Taikoo Hui, Thượng Hải. Không gian này mang hình hài một con tàu kim loại phủ họa tiết monogram của nhà mốt Pháp. Tầng mái mô phỏng chiếc rương di sản của Louis Vuitton.

Chiếc du thuyền The Louis không đơn thuần là một cửa hàng, mà là tuyên ngôn mới của Louis Vuitton về mô hình bán lẻ thế hệ tiếp theo.

Ảnh: Louis Vuitton

Với tổng diện tích 1.600m², du thuyền The Louis được thiết kế ba tầng, trong đó hai tầng dành riêng cho triển lãm hồi tưởng Hành trình phi thường (Visionary Journeys), trưng bày hơn 140 hiện vật từ thế kỷ 19 đến nay của thương hiệu.

Không gian còn lại được tích hợp khu vực bán hàng, nhà hàng và trải nghiệm đa chức năng tương tự mô hình LV DREAM tại Paris.

Ở tầng trưng bày chính, Louis Vuitton tái hiện những chiếc rương da cổ điển, tài liệu từ thế kỷ 19 đến các mẫu túi xách và thời trang đương đại. Đây không phải là một bảo tàng khô cứng, mà là cuộc trò chuyện sống động giữa truyền thống và đổi mới, được sắp đặt bởi OMA, văn phòng kiến trúc nổi tiếng từng thiết kế trụ sở CCTV tại Bắc Kinh.

Ảnh: Weibo

Triển lãm không chỉ khơi gợi cảm xúc cho khách hàng trung thành mà còn tạo điểm chạm tinh tế với thế hệ khách hàng mới, những người yêu cầu trải nghiệm thương hiệu phải mang tính cá nhân, đa giác quan và giàu nội dung văn hóa.

Chỉ trong vòng hai tháng rưỡi, Louis Vuitton đã hoàn tất từ thiết kế, thi công đến vận hành du thuyền The Louis, cho thấy tốc độ triển khai đáng kinh ngạc và tầm nhìn dài hạn tại thị trường Trung Quốc. Đây là địa điểm lớn thứ hai của Louis Vuitton trên đường Nam Kinh Tây, sau flagship Maison Louis Vuitton tại Plaza 66, nơi vẫn được xem là “tổng hành dinh” của hãng tại Thượng Hải.

Theo ông Pietro Beccari, CEO toàn cầu của Louis Vuitton, việc đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc xuất phát từ “niềm tin bền vững vào người tiêu dùng nội địa”, nhất là trong bối cảnh doanh thu thương hiệu vẫn vượt mức trung bình toàn tập đoàn LVMH trong quý I/2025.

Thượng Hải là điểm tựa chiến lược lâu dài của Louis Vuitton ở Trung Quốc

Ảnh: Weibo

Louis Vuitton đặt chân đến Trung Quốc đại lục từ năm 1992 và chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 1994. Sau hơn ba thập kỷ hiện diện, thương hiệu đã không ngừng mở rộng với tổng cộng 8 cửa hàng tại thành phố này, trong đó không gian pop-up du thuyền The Louis là bước tiến mới nhất, không chỉ về quy mô mà còn về mô hình vận hành.

Thượng Hải từ lâu đã là “phòng thí nghiệm” cho các chiến lược bán lẻ đột phá, khi liên tục được các thương hiệu lớn như Chanel, Balenciaga lựa chọn làm nơi trình diễn lần đầu tại Trung Quốc. Sự ưu ái của Louis Vuitton dành cho Thượng Hải chính là minh chứng cho vai trò then chốt của thành phố này trong hệ sinh thái xa xỉ toàn quốc.

Biến mua sắm thành giải trí, tích hợp các trải nghiệm đa dạng

Không dừng lại ở trưng bày hay mua sắm, The Louis còn tích hợp nhà hàng, quầy trưng bày nước hoa và mỹ phẩm, hé lộ chiến lược tiếp theo của Louis Vuitton trong việc thâm nhập thị trường làm đẹp cao cấp. Dòng sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 8/2025 , chỉ phân phối tại các cửa hàng LV, không giảm giá, nhưng được bảo hành bao bì và vỏ son, điều chưa từng có trên thị trường.

Ảnh: Weibo

Tất cả cho thấy Louis Vuitton đang định nghĩa lại hình mẫu thương hiệu: không chỉ là xa xỉ phẩm, mà là một thực thể văn hóa mang tính toàn cầu.

Trong bối cảnh các thương hiệu ngày càng theo đuổi chiến lược đa chức năng tại cùng một điểm bán (same-store diversification), The Louis là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này: kết hợp giữa nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm, triển lãm trong một không gian xuyên suốt và nhất quán.

Những hoạt động như thiết kế triển lãm, lên thực đơn nhà hàng, đến tổ chức sự kiện cộng đồng, dù không mang lại doanh thu tức thời, nhưng lại góp phần tạo ra trải nghiệm giàu cảm xúc, từ đó nâng cao mức độ gắn bó và lòng trung thành của khách hàng.

Ảnh: Weibo

Mặc dù việc duy trì mô hình như vậy đòi hỏi khả năng vận hành quy mô lớn, nhưng với nền tảng văn hóa tiêu dùng tại Thượng Hải và sự đầu tư bài bản từ Louis Vuitton, những không gian pop up sáng tạo như du thuyền The Louis hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cho các thành phố lớn khác tại Trung Quốc và khu vực châu Á.

Louis Vuitton không phải là trường hợp riêng lẻ. LVMH đang tích cực mở rộng mô hình tương tự với các thương hiệu con khác tại Trung Quốc. Dior, Loewe, Fendi, BVLGARI… đều đã có những triển lãm đặc sắc tại xứ sở tỉ dân này trong những năm qua. Tuy nhiên, chưa có thương hiệu nào được kiến tạo mô hình pop-up hoành tráng kích cỡ The Louis.

Ảnh: Weibo

Cuộc đua bản địa hóa của các ông lớn xa xỉ

Thị trường Thượng Hải đang chứng kiến một loạt dự án thử nghiệm đến từ các thương hiệu xa xỉ quốc tế.

Tháng 2/2025, Loewe khai trương cửa hàng flagship mới tại Jing An Kerry Centre, nơi tổ chức định kỳ các buổi đối thoại văn hóa như một phần mở rộng trải nghiệm bán lẻ. Torng khi đó, Celine chọn quận Zhangyuan, cũng ở Thượng Hải, để ra mắt sự kiện pop-up kết hợp bán hàng, ẩm thực và trình chiếu nghệ thuật.

Các mô hình này không chỉ làm mới trải nghiệm người tiêu dùng, mà còn mở rộng vai trò thương hiệu trong đời sống văn hóa đô thị.

Dưới góc độ phát triển kinh tế, Thượng Hải, đặc biệt là quận Tĩnh An, đang trở thành tâm điểm đầu tư với hơn 100 công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại đây, trong đó kinh tế có vốn nước ngoài chiếm đến 50% tổng quy mô GDP của khu vực suốt nhiều năm liền.

Ảnh: Louis Vuitton

Việc các thương hiệu lớn chọn Thượng Hải làm điểm giới thiệu sản phẩm đầu tiên trên toàn cầu không còn là điều hiếm gặp. Trào lưu này được gọi là “kinh tế ra mắt đầu tiên”, một chính sách trọng tâm mà thành phố đang thúc đẩy thông qua chiến lược “First Launch Shanghai 3.0”.

Cụ thể, Thượng Hải đã triển khai hệ thống thông quan phân loại đánh giá, cho phép các sản phẩm mới từ 20 thương hiệu thuộc 14 trụ sở công ty đa quốc gia được ưu tiên ra mắt lần đầu tại Trung Quốc. Tính đến hiện tại, hơn 20.000 sản phẩm mới đã được giới thiệu lần đầu tại thành phố này.

Các thương hiệu xa xỉ cũng không nằm ngoài cuộc chơi: Moncler mang show Moncler Genius đầu tiên ngoài châu Âu đến Thượng Hải; Loro Piana chọn Bảo tàng Nghệ thuật Phố Đông để mở triển lãm kỷ niệm 100 năm. Chanel và Balenciaga cũng đã tổ chức những sự kiện riêng biệt mang tính tiên phong tại đây.

Louis Vuitton không ngừng đầu tư vào trải nghiệm cho người tiêu dùng: Từ giấc mơ Paris đến phồn hoa Thượng Hải

Ảnh: Louis Vuitton

Không dừng lại tại Thượng Hải, Louis Vuitton tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện tại Trung Quốc. Sắp tới, thương hiệu sẽ khai trương cửa hàng flagship mới tại Bắc Kinh, đồng thời tiến hành nâng cấp toàn diện cửa hàng Đại lộ số 5 tại New York.

Tại Paris, nơi khai sinh của thương hiệu, Louis Vuitton đang xây dựng một khách sạn hạng sang hình cái rương kinh điển ngay cạnh cửa hàng flagship nhiều tầng trên đại lộ Champs-Élysées, không gian tích hợp thời trang, ẩm thực và trải nghiệm cao cấp.

Giám đốc điều hành toàn cầu của Louis Vuitton, ông Pietro Beccari, từng chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là bán túi xách. Louis Vuitton muốn trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng.”

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang tìm kiếm những giá trị vượt lên trên sản phẩm như cảm xúc, tính cá nhân và vai trò xã hội, việc Louis Vuitton đẩy mạnh mô hình tích hợp đã thể hiện sự nhạy bén trong định vị mới: trở thành thương hiệu của phong cách sống toàn diện.

>>> ĐỌC TIẾP: LOUIS VUITTON BIẾN TRỤ SỞ Ở PARIS THÀNH KHÁCH SẠN NĂM SAO

Bên ngoài chiếc du thuyền The Louis của Louis Vuitton tại Thượng Hải. Ảnh: Louis Vuitton

Chiến lược vận hành địa phương hóa mà Louis Vuitton đang theo đuổi tại Trung Quốc không đơn thuần là bản sao của mô hình Paris, mà là sự hòa quyện tinh tế giữa ADN thương hiệu và văn hóa bản địa. The Louis chính là điểm neo đầu tiên trong hành trình dài hơi đó.

Trong tương lai, rất có thể mô hình này sẽ trở thành hình mẫu toàn cầu cho ngành bán lẻ xa xỉ: nơi thương hiệu không chỉ đến, mà còn thuộc về từng địa phương mà họ lựa chọn đồng hành.

>>> HOT CHECK-IN: NHÀ HÀNG LOUIS VUITTON ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG NAM Á TẠI BANGKOK

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm