Thời đại này người ta đã bỏ bớt những quy tắc lễ nghi nặng nề, tuy nhiên dress code vẫn quyết định “chúng ta mặc gì, mặc vào lúc nào”. Nhiều người mất việc chỉ vì để móng tay dài, đeo khuyên tai to, để râu hoặc xăm mình.
Tại một số văn phòng, phụ nữ nhất định phải trang điểm và mang giày cao gót, trong khi nam giới phải mặc quần tây, quần jean sơ vin. Ở một số thành phố, mặc quần xệ là phạm tội, sẽ bị phạt hành chính. Dù không được viết thành văn, nhưng dress code ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội nghề nghiệp cũng như các mối duyên nợ trong cuộc sống. Vậy dress code là gì?
Dress code là gì?
Dress code là thuật ngữ tiếng Anh. Về cơ bản, dress là quần áo, trang phục; còn code là những quy tắc và luật lệ. Do đó dress code là những quy tắc, luật lệ chung về cách mặc quần áo và trang phục.
Lịch sử dress code
Dress code có tuổi đời cũng xưa cũ như chính quần áo vậy. Hàng bao thế kỷ qua, dress code đã trở thành một loại vũ khí về mặc chính trị. Các thương nhân ăn mặc như hoàng tử, còn vợ của gã bán thịt lại đeo vương miện nạm đá quý. Đây đều là đối tượng bị khinh ghét trong xã hội trung cổ vốn khắt khe về mặc lễ nghi.
Vào thời Tudor ở nước Anh, chất liệu lụa, nhung và lông thú chỉ được dùng cho giới quý tộc, còn những chiếc quần “chú hề” là sự đe dọa trong mắt giới thượng lưu.
Vào thời đại Phục hưng, vị chính khách có địa vị cao cấp nhất của thành Florence là ngài Cosimo de Medici cho rằng: “Chỉ cần 1.8m vải đỏ là có thể tạo ra một quý ông lịch thiệp”.
Dress code biến hóa cùng vời những thay đổi trong xã hội và chính trị, nhưng nó luôn phản ánh cuộc đấu tranh giành quyền lực và địa vị.
Vào những năm 1700, đạo luật Negro Act ở South Caroline (Mỹ) cấm người da đen mặc quần áo vượt quá điều kiện của họ. Đến những năm 1920, mái tóc bob và đầm ôm dáng bị cấm tại nơi công sở ở Mỹ.
Đến những năm 1940, những bộ quần áo dút được đàn ông da đen và Mỹ Latin yêu thích đã gây bạo loạn tại các thành phố miền duyên hải nước Mỹ.
Dress code đơn giản hơn trong thời đại công nghệ
Nhiều thập kỷ qua, suit đã trở thành dress code bắt buộc trong giới tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, suit đã mất dần vị thế của nó. Goldman Sachs là ngân hàng đầu tiên loại bỏ suit khỏi văn phòng. Đến tháng 3-2019, tờ Wall Street Journal báo cáo doanh thu bán suit đã giảm 8% trong 4 năm liên tiếp.
Từ nhiều năm nay, các CEO ở thung lũng Silicon đã không còn mặc vest nữa, họ chỉ diện áo t-shirt và dép lê. Phụ nữ mang giày gót nhọt hay váy bút chì sẽ bị chê cười. Một số quỹ đầu từ còn không chịu góp vốn vào những công ty mà nhân viên chuyên mặc suit.
Khởi đầu là IBM, họ đã lược giản trang phục sơ mi trắng, cà vẹt đen của nhân viên. Lần lượt Intel, Sun Microsystems và Microsoft… cũng nối gót. Trong cuốn sách Zero to One của mình, chuyên gia công nghệ Peter Thiel đã viết: “Không bao giờ đầu tư vào một công ty mà vị CEO lại mặc suit”. Những người trẻ tuổi không muốn đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào quần áo.
Khi CEO của Yahoo, bà Marissa Mayer, xuất hiện trên một tạp chí vào năm 2013 với chiếc đầm sapphire của Michael Kors và giày cao gót của Yves Saint Laurent, bà đã vấp phải sự không tán thành từ các đồng nghiệp. Một người nói: “Nhìn cô ta như đang đi nghỉ mát, còn chúng tôi lại làm việc sấp mặt”.
Dress code là gì và các quy tắc dress code tiêu biểu cho nam và nữ
Nếu bạn được yêu cầu mặc dress code trong một số trường hợp cụ thể nào đó, vậy hãy tham khảo các hướng dẫn về dress code sau đây:
1. Dress code là gì? Casual dress code (trang phục thông thường, thoải mái)
Casual dress code dù là trang phục thoải mái nhưng vẫn phải gọn gàng, sạch sẽ và chuyên nghiệp. Đó không phải là những bộ quần áo luộm thuộm, nhăn nhúm bạn mặc ở nhà.
Đối với phụ nữ:
• Đầm xòe
• Váy dài hoặc ngắn
• Quần kaki hoặc jean đứng đắn (không rách, không xệ)
• Quần short (tùy sự kiện và thời tiết)
• Áo thun trơn (không slogan), áo polo, áo cổ lọ
• Áo sơ mi cài nút thoải mái
Đối với nam giới:
• Quần kaki hoặc jean đứng đắn (không rách, không xệ)
• Quần túi hộp hoặc quần bermuda (tùy sự kiện và thời tiết)
• Áo thun trơn (không slogan), áo polo, áo cổ lọ
• Áo sơ mi cài nút hoặc áo nỉ
• Giày loafer hoặc sneakers (có tất hoặc không tất), sandal
2. Dressy Casual (trang phục thanh lịch)
Đây là kiểu trang phục kết hợp giữa nghiêm túc và thoải mái. Đây là dress code lý tưởng cho các hoạt động giao lưu sau giờ làm việc, đi ăn tối với đồng nghiệp, bạn bè hoặc đi ăn ở nhà hàng sang trọng.
Đối với phụ nữ:
• Đầm
• Váy và áo kiểu thanh lịch
• Quần ống loe thanh lịch, ống lửng trên mắt cá
• Quần jean lịch sự (không rách, không lộ mông) kết hợp áo duyên dáng
Đối với nam giới:
• Áo khoác thể thao hoặc áo blazer, quần tây
• Áo sơ mi, áo hở cổ hoặc áo polo
• Cà vạt (tùy ý)
3. Semi-Formal (trang phục lịch sự)
Đây là kiểu trang phục lịch sự hơn đồ công sở thường ngày, nhưng lại không quá trang trọng như đi sự kiện lớn. Nếu sự kiện diễn ra vào buổi tối, bạn nên chọn trang phục đi tiệc trang trọng.
Đối với phụ nữ:
• Đầm ngắn đi sự kiện, đầm cocktail
• Đầm little black dress
• Váy dài kết hợp với áo
Đối với nam giới:
• Suit công sở tối màu, áo ghi lê (tùy ý)
• Áo sơ mi công sở, quần tây
• Cà vạt
• Giày tây, tất đen
4. Dress code là gì? Business Formal (trang trọng)
Dress code này bao gồm áo vest ton-sur-ton với quần hoặc váy bút chì. Bộ suit càng tối màu thì càng long trọng. Bạn có thể đeo thêm phụ kiện, nhưng không nên quá nổi bật.
Đối với phụ nữ:
• Suit
• Đầm công sở
• Đầm và áo vest
• Tất chân (tùy mùa)
• Giày cao gót từ 5 phân
Đối với nam giới:
• Áo sơ mi công sở, quần tây tối màu
• Áo ghi lê (tùy ý)
• Cà vạt cổ điển
• Giày tây, tất đen
5. Business Casual (đồ công sở đơn giản)
Phong cách dress code này khá mơ hồ, nhưng nhìn chung bao gồm áo sơ mi và quần dài tùy ý. Bạn có thể khoác thêm áo ghi lê hoặc áo khoác blazer, các loại áo khoác ngắn.
Đối với phụ nữ:
• Váy, quần kaki, quần tây
• Áo hở cổ, áo dệt kim hoặc áo nỉ (không mặc áo 2 dây, crop top, áo yếm…)
• Đầm
• Áo khoác blazer
Đối với nam giới:
• Áo khoác blazer
• Quần tây
• Áo sơ mi, áo thun polo
• Giày loafer, tất
6. Black tie (trang phục dự tiệc)
Black tie không trang trọng như White tie, nhưng lại cầu kỳ hơn business formal. Đây là trang phục tiêu biểu để đi dự tiệc cưới, vũ hội, bữa tối sang trọng hoặc đi nhà hát.
Đối với phụ nữ:
• Đầm dài thanh lịch
• Đầm cocktail thanh lịch
• Đầm little black dress thanh lịch
Đối với nam giới:
• Tuxedo đen, áo sơ mi trắng có khuy măng sét
• Nơ bướm đen (chất liệu silk, satin hoặc twill)
• Ghi lê hoặc nịt bụng (cummerbund) màu đen (hoặc cùng màu với nơ bướm)
• Dây đai quần (dây yếm, tùy ý)
• Không đeo găng tay
• Giày tây da bóng, tất đen cao cổ
• Vào mùa hè ở vùng nhiệt đới hoặc trên du thuyền: bạn có thể mặc áo jacket trắng, quần tuxedo đen
>>> Đọc thêm: 10 CÁCH PHỐI ĐỒ VỚI ÁO SƠ MI FORM RỘNG VÀ FORM DÀI
7. Creative Black tie (trang phục dự tiệc cách tân)
Dress code này tuân theo quy tắc black tie, nhưng bạn có thể áp dụng đa dạng các kiểu màu sắc, chất liệu và phụ kiện để mình trông nổi bật hơn.
Đối với phụ nữ:
• Đầm dài thanh lịch
• Đầm cocktail thanh lịch
• Đầm little black dress thanh lịch
• Phụ kiện độc đáo
Đối với nam giới:
• Tuxedo cùng phụ kiện thời trang. Bạn có thể diện áo sơ mi đen phối với nơ bướm và nịt bụng họa tiết.
8. Festive Attire (trang phục lễ hội)
Đây là dress code thường mặc trong dịp năm mới hoặc một dịp lễ nào đó, với màu sắc, phụ kiện và thiết kế đặc trưng.
Đối với phụ nữ:
• Đầm cocktail hoặc little black dress
• Váy dài hoặc quần tây sang trọng và áo đồng điệu
• Màu sắc phù hợp với lễ hội
• Ở Việt Nam, có thể là áo dài, các kiểu trang phục dân tộc…
Đối với nam giới:
• Áo khoác blazer với màu sắc túy ý
• Quần tây, áo sơ mi
• Cà vạt/nơ bướm với màu sắc và họa tiết phù hợp
>>> Đọc thêm: 8 CÁCH PHỐI ĐỒ VỚI CHÂN VÁY XÒE ĐEN CỰC CHẤT
9. Dress code là gì? White tie
Đây là dress code trang trọng nhất. Những người tham dự đều là tầng hợp thượng đẳng trong xã hội, chẳng hạn chính khách, hoàng gia, nghệ sĩ tên tuổi…
Đối với phụ nữ:
• Đầm dự tiệc dài, trang trọng
• Găng tay dài (tùy ý)
Đối với nam giới:
• Áo khoác đuôi tôm màu đen, quần tây với một sọc dài ở 2 bên sườn (Mỹ) hoặc 2 sọc (theo dress code của Anh và châu Âu).
• Áo sơ mi trắng, cổ áo cứng cánh én, tay áo dài có khuy măng sét
• Dây đai quần
• Áo ghi lê trắng
• Nơ bướm trắng
• Găng tay trắng hoặc xám
• Giày tây da bóng màu đen, tất đen cao cổ.
Trong thời đại hội nhập hiện nay, dress code không còn là thuật ngữ quá xa lạ. Đó là những quy chuẩn ăn mặc giúp bạn không bị lạc lõng trong các sự kiện. Ngoài những quy tắc chung trên thì còn có những quy định riêng cho từng chương trình, chẳng hạn có những lễ cưới quy định phụ nữ phải mặc áo dài, hoặc tiệc công ty quy định trang phục của ai cũng phải có sắc màu cam…
Hy vọng những hướng dẫn trên đây về dress code là gì cùng các kiểu dress code sẽ giúp bạn tìm được cách phối đồ thích hợp trong mọi hoàn cảnh.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam