Doanh số tập đoàn Kering tăng 14% trong Quý 3/2022

Trong số các thương hiệu dưới trướng tập đoàn Kering, Saint Laurent có sức phát triển mạnh mẽ nhất. Trong khi đó, doanh số Gucci lại không đạt kỳ vọng.

Trong Quý 3/2022, Saint Laurent là thương hiệu phát triển mạnh nhất của tập đoàn Kering. Ảnh: ImaxTree

Tập đoàn Kering vừa báo cáo kết quả tài chính cho Quý 3/2022. Nhìn chung, doanh số tổng thể tăng 14% (sau khi cân đối chênh lệch tỉ giá ngoại tệ), đặc biệt ở châu Âu. Lý do vì các khách hàng Hoa Kỳ đến châu Âu phóng tay mua sắm khi đồng đô-la Mỹ tăng mạnh.

Doanh số Kering tăng trưởng mạnh ở châu Âu vào Quý 3/2022

Trong năm 2022, nhiều nhà nghiên cứu và phân tích tài chính chuyên ngành xa xỉ phẩm cho rằng thị trường sẽ giảm nhiệt hậu đại dịch và khi cả thế giới tiến tới khả năng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên kết quả tài chính của các tập đoàn tính đến Quý 3/2022 vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn, từ LVMH (19%) qua đến Hermès (24%) và bây giờ là Kering (14%).

Chủ yếu sức mua nằm ở phân khúc khách hàng Hoa Kỳ, nhân cơ hội đồng đô-la Mỹ tăng giá so với đồng Euro, đi du lịch đến châu Âu để mua sắm. Theo báo cáo Quý 3/2022 của tập đoàn Kering, doanh số ở châu Âu tăng đến 74%. Khách hàng chủ yếu chọn các mặt hàng từ Gucci, thương hiệu chủ lực của tập đoàn Kering. Nhưng ngược lại, cũng vì vậy mà doanh số của Gucci ở Bắc Mỹ không như ý.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thực sự hồi phục. Gucci, với doanh số vốn phụ thuộc vào thị trường này, nên cũng bị ảnh hưởng theo.

Kering cũng cho biết mặc dù đã đóng cửa hàng ở Nga vì chiến sự Nga – Ukraine từ tháng 3/2022, nhưng tập đoàn vẫn chi trả lương tháng đều đặn cho nhân viên cũng như trả tiền thuê mặt bằng. “Để bảo vệ thương hiệu, chúng tôi cần duy trì sự hiện diện ở quốc gia này”, trích lời Jean-Marc Duplaix, tổng giám đốc tài chính của Kering. “Nhưng chúng tôi không cho rằng có thể tái khởi động việc kinh doanh trong thời gian ngắn”.

Doanh thu tập đoàn Kering theo đơn vị triệu Euro. (*) là những thay đổi sau khi đã cân bằng tỉ giá ngoại tệ. Nguồn thông tin: GlobeNewswire

Thương hiệu phát triển tốt nhất chính là Saint Laurent

Trong cả Quý 3/2022 lẫn chín tháng đầu năm 2022, thương hiệu của Kering có sức tăng trưởng mạnh nhất chính là Saint Laurent. Nhà mốt nước Pháp đạt doanh số 916 triệu Euro trong riêng Quý 3/2022, tăng đến 30% sau khi điều chỉnh chênh lệch tỉ giá ngoại tệ.

Doanh thu tăng đều ở mọi phân khúc sản phẩm, nhưng nổi trội nhất chính là chiếc túi tote Icare. Chiếc túi xách có mức giá cao hơn những dòng sản phẩm khác của Saint Laurent, trong thời gian vừa qua liên tiếp xuất hiện cùng các ngôi sao trên đường phố như Rosé Park của BLACKPINK, Angelina Jolie hay thiên thần Rosie Huntington-Whiteley.

Tập đoàn Kering cho biết mục tiêu sắp tới là xây dựng Saint Laurent thành thương hiệu mũi nhọn (mega-brand) với doanh số đạt 5 tỉ Euro. Hiện tại, thương hiệu đã đạt mục tiêu 2,5 tỉ.

Rosé BLACKPINK ôm túi xách YSL Icare Tote trên bìa Harper’s Bazaar

Bottega Veneta tiếp tục được giới mộ điệu chào đón

Khi giám đốc sáng tạo Daniel Lee rời Bottega Veneta, các nhà nghiên cứu và phân tích tài chính biểu lộ sự lo ngại cho tương lai của thương hiệu Ý. Cảm hứng tươi trẻ mà Daniel Lee mang lại cho Bottega Veneta là không thể bàn cãi. Trên thị trường second hand, cũng chỉ có các thiết kế do anh thực hiện là duy trì được mức giá chuyển nhượng khả quan.

Tuy vậy, báo cáo tài chính Quý 3/2022 của tập đoàn Kering cho thấy Bottega Veneta vẫn đang phát triển tốt. Bộ sưu tập đầu tay mà tân giám đốc sáng tạo Matthieu Blazy thực hiện cho thương hiệu được khen ngợi. Doanh số đặc biệt tốt ở châu Âu và Nhật Bản. “Bottega Veneta có lộ trình cụ thể và chúng tôi tin rằng thương hiệu sẽ thành công vang dội ở tất cả các thị trường hoạt động”, theo ông Duplaix.

Ngay từ BST đầu tay, Matthieu Blazy góp phần tạo nên trào lưu áo ba lỗ trắng ở Bottega Veneta. Ảnh: ImaxTree

>>> XEM THÊM: VÌ SAO DANIEL LEE RỜI BOTTEGA VENETA?

Tuy nhiên Gucci không phát triển như ý trong Quý 3/2022, tiếp tục gây sức ép lên tập đoàn Kering

Kering không ghi chú rõ doanh thu ở những thương hiệu nhỏ hơn như Balenciaga hay Alexander McQueen. Tuy vậy, theo Luca Solca, nhà nghiên cứu thị trường tại Bernstein Research, những thương hiệu này mang đến cơ hội lớn cho tập đoàn.

“Các thương hiệu ‘nhỏ’ ở nhà Kering không thật sự nhỏ. Chúng ngày càng mang đến nhiều lợi nhuận cho tập đoàn”, ông Solca nói. Cụ thể, nhóm thương hiệu này đại diện cho 28% tổng doanh số tập đoàn năm 2021, tăng từ 20% trong năm 2010, và lợi nhuận thì tăng gấp 3 lần trong cùng kỳ.

Balenciaga được cho là đóng góp 2 tỉ Euro mỗi năm cho tập đoàn Kering. Ảnh: Balenciaga

Tuy nhiên, thương hiệu lớn nhất của tập đoàn Kering là Gucci tiếp tục “lẹt đẹt” trong Quý 3/2022 nói riêng và 9 tháng đầu năm 2022 nói chung. Cụ thể, thương hiệu có sức tăng trưởng chỉ 9%, thấp hơn so với Saint Laurent và Bottega Veneta.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng đến Gucci trong những năm qua, khi quốc gia này nhất quyết áp dụng chính sách Zero-Covid. Dẫu vậy, ông Duplaix tin rằng thị trường Trung Quốc sẽ sớm hồi phục.

“Chúng tôi nhận thấy thị trường Trung Quốc vẫn có sự đam mê lớn cho thời trang xa xỉ”, ông nói. “Không có lý do gì để nhu cầu này bất chợt tan biến trong một sớm một chiều. Do đó, chúng tôi tin rằng nên tiếp tục vững bước ở thị trường này”.

Trong năm 2022, tập đoàn Kering đã tiến hành cải cách nội bộ cho Gucci. Đó là thêm một vị trí phó tổng giám đốc – bà Maria Cristina Lomanto – phụ trách mảng sản phẩm, giúp thương hiệu quay lại với lịch trình ra mắt sáu BST/năm (từ khi đại dịch bắt đầu, thương hiệu đã cắt giảm chỉ còn hai BST/năm). Khu vưc địa lý Trung Hoa Đại Lục cũng có một chủ tịch mới, Laurent Cathala, tập trung hồi phục doanh số ở thị trường này.

Tập đoàn Kering hiện đang đối mặt với sức ép lớn từ các cổ đông vì tình hình kinh doanh của Gucci, do được cho là thua xa các địch thủ như Louis Vuitton, Hermès và Chanel.

Cảm hứng Trung Hoa rõ nét trong BST Gucci Xuân Hè 2023. Ảnh: Gucci

>>> XEM THÊM: TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CHẬM DẦN, GUCCI PHẢI LÀM MỚI CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

Tình hình của ngành xa xỉ phẩm trong thời buổi lạm phát

Ở mỗi buổi báo cáo tài chính, các tập đoàn đều đưa ra những dự đoán cho giai đoạn tiếp theo. Vấn đề được quan tâm là khả năng kiểm soát chi phí leo thang vì lạm phát, đặc biệt khi châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng trong mùa đông năm nay.

“Như thường lệ, chúng tôi muốn hỗ trợ các đối tác. Nên chúng tôi sẽ tiếp nhận lạm phát như một phần của chi phí sản xuất”, ông Duplaix nhận xét. “Chúng tôi có cơ hội để tiết kiệm và cũng có thể tăng giá bán, nhưng sẽ cần thảo luận kỹ trước khi quyết định tăng giá”. Ông đưa ra ví dụ rằng tập đoàn Kering đã không điều chỉnh giá khi có sự chênh lệch tỉ giá ngoại tệ trong Quý 3/2022.

Tổng giám đốc tài chính tập đoàn Kering nhìn nhận rằng thị trường “đang khá phức tạp” vì chính sách Zero-Covid ở Trung Quốc và tình hình lạm phát. “Ngành [xa xỉ phẩm] không bị ảnh hưởng nhiều như các ngành nghề khác nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta hoàn toàn an toàn. Chúng tôi vẫn duy trì các kế hoạch lâu dài, nhưng sẽ linh hoạt thay đổi trong thời gian ngắn nếu cần thiết”.

>>> XEM THÊM: TRUNG QUỐC BÁO HIỆU KHẢ NĂNG LAO ĐAO CỦA THỊ TRƯỜNG XA XỈ

Trích dẫn Globe Newswire, Reuters, WWD
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm