Do biến động thuế quan, Prada mua được Versace với giá hời

Prada đã ký hợp đồng trị giá 1,4 tỷ đô-la với tập đoàn Capri Holdings để sở hữu Versace. Song, do bất ổn kinh tế toàn cầu vì chính sách thuế quan mà tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra, Prada đã chốt deal Versace với mức giá hời.

Bộ sưu tập Versace Thu Đông 2025 là bộ sưu tập cuối cùng do Donatella Versace thực hiện, cũng là lần cuối cùng thành viên gia đình Versace tham gia điều hành thương hiệu. Ảnh: Versace

Prada xác nhận sẽ chi trả 1,38 tỷ đô-la Mỹ để mua lại Versace từ tập đoàn Capri Holdings. Động thái này sẽ sáp nhập hai tên tuổi lớn nhất trong làng thời trang cao cấp nước Ý, mang lại triển vọng tăng doanh thu và tạo ra tập đoàn thời trang Ý lớn mạnh nhất.

Thỏa thuận mua bán và sáp nhập giữa Prada và Versace diễn ra trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu do các chính sách về thuế quan từ Hoa Kỳ.

Một nguồn tin giấu mặt chia sẻ cùng Reuters rằng Capri Holdings cần phải thoái vốn khỏi Versace để tập trung vào việc xoay chuyển thương hiệu thời trang chính là Michael Kors.

Còn với Prada, tập đoàn muốn mua lại Versace để tiếp tục có thể tăng trưởng khi các thương hiệu hiện tại bắt đầu trưởng thành và có tốc độ phát triển chững lại. Versace, một thương hiệu nổi tiếng với phong cách baroque đậm chất tối đa (maximalism), sẽ mang lại một tệp khách hàng mới cho tập đoàn Prada, vốn chuyên trị phong cách tối giản.

Lorenzo Bertelli, giám đốc tiếp thị của tập đoàn Prada, cho biết: “Không có sự chồng chéo nào [giữa Prada và Versace] về mặt sáng tạo hay về tệp khách hàng”. Do đó, thương vụ mua bán và sáp nhập dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả Prada và Versace.

Thương vụ mua bán và sáp nhập “hời” cho Prada

Theo giám đốc điều hành Prada, ông Andrea Guerra, việc mua lại Versace là một dự án dài hạn của Prada và chủ yếu nhằm mục đích tăng doanh thu hơn là tiết kiệm chi phí.

Dẫu vậy, tập đoàn vẫn tiết kiệm được kha khá chi phí.

Ban đầu, ước tính cho rằng Versace trị giá tối thiểu 1,6 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, với các biến động về thuế quan thì mức giá cổ phiếu của tập đoàn Capri Holdings đã giảm. Như vậy, Prada chỉ phải chi trả 1,38 tỷ đô-la Mỹ cho Versace, giảm hẳn 200 triệu đô-la Mỹ. Và tất nhiên, đừng quên rằng Capri Holdings từng chi trả đến 2,1 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2018 cho Versace.

Việc mua lại Versace cũng cho thấy một hướng đi mới trong sự phát triển của tập đoàn Prada.

Suốt hai thập kỷ vừa qua, tập đoàn đã tránh các thương vụ mua bán và sáp nhập. Vào cuối những năm 1990, Prada từng mua lại Helmut Lang và Jil Sander – điều mà ông Patrizia Bertelli, chủ tịch tập đoàn gọi là sai lầm chiến lược.

Việc mua lại Versace đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của tập đoàn Prada và diễn ra chỉ hai năm sau khi Andrea Guerra được bổ nhiệm làm CEO, một vai trò trước đây do Patrizio Bertelli và Miuccia Prada nắm giữ. Sự thay đổi trong chiến lược này cũng phản ánh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Lorenzo Bertelli, con trai của bộ đôi, người dự kiến ​​sẽ trở thành CEO tập đoàn trong tương lai.

>>> ĐỌC TIẾP: LORENZO BERTELLI, NGƯỜI THỪA KẾ TƯƠNG LAI CỦA TẬP ĐOÀN PRADA GROUP

Versace dự kiến sẽ thay đổi như thế nào khi được Prada mua lại?

Prada cho biết vẫn sẽ cố gắng duy trì thẩm mỹ đặc trưng của Versace.  Ảnh: Instagram @versace

Thời gian vừa qua, Versace đã hoạt động thua lỗ. Trong quý đây nhất, doanh số Versace giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 193 triệu đô-la Mỹ. Thương hiệu Ý này đang cần một cuộc cách mạng để hồi sinh.

Tuy nhiên, theo chủ tịch tập đoàn Prada, ông Patrizio Bertelli, thì tập đoàn để mắt đến Versace chính vì sự màu mè đặc trưng.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục di sản của Versace, tôn vinh và tái hiện tính thẩm mỹ táo bạo của thương hiệu. Đồng thời, chúng tôi sẽ cung cấp cho thương hiệu một nền tảng vững chắc, được củng cố bởi nhiều năm đầu tư liên tục và bắt nguồn từ các mối quan hệ lâu dài của chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi đã sẵn sàng và có vị thế tốt để viết nên một trang mới trong lịch sử của Versace”.

Dẫu vậy, từ trước khi Prada xác nhận mua lại Versace, tập đoàn đã bắt đầu công cuộc cải tổ thương hiệu Ý. Cụ thể là đầu tháng 3/2025, Donatella Versace, em gái của nhà sáng lập, rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu sau gần 30 năm nắm giữ vai trò này. Vị trí của bà đã ngay lập tức được trám bởi Dario Vitale, một nhà thiết kế có nhiều kinh nghiệp tại Miu Miu, thương hiệu em gái của Prada.

Chưa rõ Dario Vitale sẽ mang lại những thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, biết rằng tân giám đốc sáng tạo Versace đã công tác tại Miu Miu tận từ năm 2010 và gần đây nhất nắm vai trò Giám đốc thiết kế mảng Thời trang may mặc sẵn, cũng như Trưởng bộ phận hình ảnh thương hiệu. Những năm tháng làm việc với Miu Miu đã giúp nhà thiết kế này có được vị thế vững chắc khi Versace sáp nhập vào tập đoàn Prada.

TIN LIÊN QUAN:

Trích dẫn Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm