Hãy cho cơ thể nghỉ ngơi nếu gặp những tín hiệu này!

Khi có dấu hiệu bị kiệt sức, cơ thể sẽ phát ra những tín hiệu báo động cho bạn. Đừng vội xem thường, bỏ qua các dấu hiệu này vì đây có thể là lời cảnh báo bất ổn về sức khỏe lâu dài.

dấu hiệu cơ thể kiệt sức

Những dấu hiệu bị kiệt sức mà cơ thể gửi đi, bạn có nhận ra không? Ảnh: Pexels

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “kiệt sức” (burnout) là kết quả của căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc lẫn cuộc sống, đi kèm với những bất ổn về mặt thể chất, sức khoẻ. Kiệt sức có thể xảy ra ở một thời điểm không định sẵn, bất ngờ ập đến. Điều đó có nghĩa là không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định các triệu chứng về thể chất và tâm lý. Điều quan trọng là bạn phải chú ý đến những thông điệp mà cơ thể gửi đến để có thể chăm sóc bản thân đúng cách.

Những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị kiệt sức

1. Bạn cảm mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ dậy

Áp lực công việc khiến bạn liên tục ở trong tình trạng quá tải tinh thần. Hãy để ý đến chất lượng giấc ngủ mỗi đêm. Mặc dù nhiều người khó có được một giấc ngủ ngon, đặc biệt là khi càng lớn tuổi. Nhưng đừng đổ lỗi cho lý do này khi bạn vẫn còn đang ở độ tuổi làm việc, trẻ trung.

Nếu cảm thấy kiệt sức ngay cả sau một đêm ngủ đủ giấc, điều này cho thấy cơ thể bạn đã bị căng thẳng quá mức. Hãy có giải pháp để khắc phục tình hình này càng sớm càng tốt. Trước nhất là tránh xa những tác nhân gây căng thẳng tại nơi làm việc. Sau đó là điều chỉnh lại lịch làm việc, sinh hoạt, ưu tiên cho sự nghỉ ngơi, thư giãn.

2. Bạn bị các vấn đề về đường tiêu hóa

Thêm một dấu hiệu cơ thể kiệt sức, cần được nghỉ ngơi là bạn liên tục gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa. Nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Journal of Psychosomatic Research đã xác định mức độ phổ biến của nhiều triệu chứng cơ thể khác nhau khi rơi vào tình trạng kiệt sức. Nghiên cứu đã đánh giá 687 người Thụy Điển bị kiệt sức nghiêm trọng và phát hiện ra rằng các triệu chứng đường tiêu hóa đặc biệt phổ biến. Cụ thể bao gồm đau dạ dày, buồn nôn và khó tiêu. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nguy cơ kiệt sức tăng 1,52 lần với mỗi triệu chứng bổ sung.

Nếu bạn nhận thấy rằng mình bị đau dạ dày liên tục mà không thuyên giảm sau khi điều trị, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn rằng đã đến lúc phải nghỉ ngơi nhiều hơn.

3. Bạn bị “sương mù tinh thần”

Tạp chí Psychology Today định nghĩa “sương mù não” (brain fog) là một loại rối loạn nhận thức bao gồm trí nhớ kém, khó tập trung, lú lẫn và mệt mỏi về tinh thần. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gửi cảnh báo “S.O.S”. Căng thẳng mãn tính khiến hệ thần kinh của bạn luôn trong trạng thái báo động cao. Nó khiến bạn rơi vào trạng thái bỏ chạy, chiến đấu hoặc đóng băng. Bạn có thể gặp khó khăn khi hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản vì não đang ở chế độ sinh tồn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy choáng trước cuộc sống hàng ngày của mình.

Sương mù não không chỉ là dấu hiệu của việc kiệt sức trong công việc, mà còn có thể biểu hiện trong cuộc sống cá nhân và gia đình bạn. Việc nuôi dạy con cái cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt sức. Lúc này, bạn cần thêm sự hỗ trợ của người thân. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, đừng ôm đồm một mình.

4. Bạn thường xuyên bị nhức đầu và đau cơ

Một dấu hiệu cơ thể kiệt sức khác là khi bạn bị nhức đầu tái phát và xuất hiện đau cơ nói chung. Nhức đầu là dấu hiệu cho thấy bạn đang phải chịu thêm căng thẳng và áp lực trong cơ thể. Theo một bài báo năm 2016 được công bố trên tạp chí World Psychiatry, việc bị đau cơ xương cũng liên quan đến tình trạng kiệt sức. Bạn có thể bị đau lưng, cổ vai gáy, tất cả đều là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị căng thẳng về mặt thể chất, không có khả năng thư giãn hoàn toàn.

Cơ thể bạn thường chuyển các vấn đề về cảm xúc thành cơn đau về thể chất. Đó là lý do tại sao việc khó chịu mãn tính là dấu hiệu cho thấy bạn cần buông bỏ và nghỉ ngơi để chữa lành.

5. Bạn cảm thấy tê liệt về mặt cảm xúc

Cảm thấy không kết nối với cảm xúc của chính mình hoặc với những người xung quanh là dấu hiệu của tình trạng kiệt sức. Không chỉ vậy, bạn còn thấy xa cách và có cảm xúc tiêu cực về công việc của mình. Theo Khảo sát về công việc và hạnh phúc năm 2021 của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, 26% số người được khảo sát cho biết họ thiếu hứng thú, mất động lực và cạn kiệt năng lượng trong công việc; 32% số người cho biết họ gần như vô cảm, không buồn và cũng chẳng vui.

Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng một số nghề nghiệp dễ bị kiệt sức hơn những nghề khác, đặc biệt là nhân viên y tế và giáo viên. Những vị trí này mang vai trò hướng đến cộng đồng. Giáo viên không chỉ có trách nhiệm giáo dục tri thức trẻ em mà còn hỗ trợ nuôi dưỡng cảm xúc cho các em. Tuy nhiên, tiền lương thường được trả thấp hơn giá trị của họ. Điều này có thể góp phần gây ra sự mất kết nối về mặt cảm xúc và cảm giác kiệt sức nói chung mà giáo viên cảm nhận.

6. Bạn cảm thấy dễ cáu gắt, phản ứng mạnh hơn

Tình trạng kiệt sức không chỉ giới hạn ở các triệu chứng về thể chất. Nó có thể biểu hiện theo cách ta bày tỏ cảm xúc trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là sự thất vọng và tức giận gia tăng. Nếu cảm thấy bị kích động bởi những điều nhỏ nhặt mà thông thường bạn chẳng mấy bận tâm, đó là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho tình hình bất ổn của bạn. Cáu kỉnh hơn, bốc đồng và nóng nảy hơn có thể khiến bạn khó giữ bình tĩnh trong môi trường áp lực cao. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với mọi người xung quanh.

Nếu bạn nhận thấy tâm trạng trồi sụt thất thường trong ngày, dễ nổi nóng và khó chịu trong những tình huống không cần phải cáu kỉnh dữ dội như vậy, thì đã đến lúc phải lùi lại, tịnh tâm cho bản thân thời gian hồi phục.

7. Dấu hiệu cho thấy cơ thể bị kiệt sức là luôn lo lắng, cảm giác bất an

Nếu thấy mình liên tục lo lắng hoặc căng thẳng mà không có lý do rõ ràng, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ kích động của bạn đang ở mức cảnh báo. Nó khiến bạn khó có thể bình tĩnh lại. Lo lắng có thể kéo theo một loạt các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như tim đập nhanh, khó thở và hệ thống miễn dịch suy yếu, có thể dẫn đến bệnh tật. Việc trải qua tình trạng lo lắng cấp tính và kéo dài thường là dấu hiệu cho thấy lối sống sinh hoạt của bạn không còn phù hợp, hiệu quả nữa. Hãy nghỉ ngơi và thiết lập lại một lối sống khoa học hơn.

8. Bạn không thiết tha với những hoạt động yêu thích thường ngày, cảm giác chán nản và trầm cảm

Kiệt sức thường đi kèm với chứng trầm cảm, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng chăm sóc bản thân ở mức cơ bản nhất. Nếu bạn thấy khả năng chăm sóc bản thân của mình giảm mạnh, thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi.

Chứng trầm cảm thể hiện qua cảm giác muốn buông xuôi, chẳng thiết tha với việc chăm sóc sức khỏe hay những hoạt động yêu thích thường ngày. Ví dụ như kén ăn hoặc không ăn những bữa ăn cân bằng do căng thẳng hoặc thay đổi khẩu vị. Ngoài ra, bạn có thể gặp khó khăn khi thực hiện các công việc cơ bản như đánh răng hoặc tắm rửa, tập thể dục…

Chăm sóc bản thân không hẳn chỉ là vẻ bề ngoài, mà là đảm bảo nhu cầu thể chất được đáp ứng bằng cách ngủ đủ giấc, nuôi dưỡng cơ thể và duy trì vệ sinh. Việc chăm sóc bản thân kém thường là dấu hiệu cho thấy bạn cảm thấy không kết nối với chính mình. Từ đó bạn ngừng quan tâm đến những gì mình cần.

Hãy chú ý đến bản thân thông qua các cảnh báo dấu hiệu cơ thể kiệt sức. Từ đó, bạn có kế hoạch nghỉ ngơi, điều chỉnh lại lối sống của bản thân. Như vậy, bạn mới có thể sống như phiên bản tốt nhất của chính mình.

CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ TINH THẦN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm