Công nghệ sinh học trắng, giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp nước hoa

Phương pháp sản xuất nước hoa đang được cách mạng hóa với công nghệ sinh học trắng, mang lại những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp nước hoa

Một số những chất tạo hương được làm từ công nghệ sinh học trắng (white biotechnology) của Firmenich. Ảnh: Firmenich

Người tiêu dùng ngày càng hiểu thêm về tầm quan trọng của nguyên vật liệu trong các sản phẩm làm đẹp. Chúng ta đã biết cách đọc nhãn mác, bao bì sản phẩm để xem liệu sản phẩm có chứa thành phần gây kích ứng, dị ứng da hay không, qua đó đánh giá chất lượng của mỹ phẩm.

Tuy nhiên, nước hoa và các sản phẩm tạo mùi hương lại là một vấn đề khác. Luật pháp cho phép các công ty điều chế mùi hương được phép giấu kín tuyệt kỹ nhà nghề của mình. Do đó người tiêu dùng khó mà biết được chất tạo hương trong sản phẩm đến từ đâu – từ tinh dầu thiên nhiên hay là mùi hương tổng hợp, trừ phi nhà sản xuất tiết lộ thông tin. Lo lắng trước sự thiếu minh bạch, nhiều người tiêu dùng chọn giải pháp đơn giản là tránh xa sản phẩm có chứa mùi hương nhằm bảo vệ bản thân.

Đáp lời sự lo lắng của người tiêu dùng, đồng thời như một biện pháp phản ứng trước biến đổi môi trường, các nhà điều chế hương thơm đã đi giải pháp ở công nghệ sinh học trắng (white biotechnology). Nhiều nhà pha chế nước hoa, sản phẩm thơm phòng cũng mạnh dạn quảng bá sản phẩm là “điều chế với công nghệ sinh học” với hy vọng sẽ giúp trấn an sự lo lắng của người tiêu dùng.

Công nghệ sinh học trắng (white biotechnology) là gì?

Vi khuẩn lên men được dùng để tạo ra hợp chất mùi hương. Ảnh: Ginkgo Bioworks

Để giải mã công nghệ sinh học trắng là gì, đầu tiên bạn hãy nghĩ đến quá trình lên men truyền thống để tạo ra bia, rượu, whiskey, sữa chua,… đó là những ví dụ của công nghệ sinh học có xuất xứ từ thời cổ đại. Sử dụng enzyme và một sản phẩm thiên nhiên (sữa, mạch nha, nước nho), con người đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới.

Với khoa học tiên tiến, công nghệ sinh học ngày càng phát triển. Phân nhánh công nghệ sinh học trắng sử dụng các tế bào sống – từ nấm men,  nấm mốc, vi khuẩn và thực vật – và các enzyme để lên men, tạo ra những sản phẩm cần thiết khác, trong số đó có những chất điều vị và hợp chất mùi hương.

Vì sao nó được xem là giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp nước hoa?

Chiết xuất Dreamwood của công ty Firmenich được làm từ đường mía, song lại có mùi hương giống gỗ đàn hương (sandalwood). Sử dụng hợp chất này loại bỏ nạn khai phá gỗ đàn hương để chiết xuất tinh dầu. Ảnh: Firmenich

1. Giúp vượt qua những khó khăn do biến đổi môi trường

Ngày nay, việc tìm kiếm nguyên liệu thô để tạo ra nước hoa và hương thơm ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu dẫn đến khó khăn trong việc trồng trọt, thu hoạch một số loại hoa quả cần thiết trong việc tạo hương.

Do đó, công nghệ sinh học trắng đang được sử dụng nhiều để sản xuất nguyên liệu cho nước hoa qua phương pháp sử d ụng vi khuẩn lên men. Công nghệ này cho phép chúng ta không cần khai thác quá đà các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong một số trường hợp đang biến mất hoặc đã bị suy giảm đáng kể.

Lấy ví dụ, tinh dầu gỗ đàn hương (sandalwood). Gỗ đàn hương, có nguồn gốc từ Ấn Độ đã trở nên khan hiếm do nạn khai thác rừng. Khi Vương quốc Anh còn cai trị Ấn Độ, chính quyền Anh đã bảo vệ loại gỗ này vào năm 1792. Tuy nhiên lúc đó, cây đàn hương gần như đã tuyệt chủng. Sau này, một rừng gỗ đàn hương mới được trồng ở Úc, giúp đưa mùi hương này ngược trở vào nước hoa. Dẫu vậy, quá trình trồng cây lấy tinh dầu cũng rất gian nan, khiến tinh dầu đàn hương trở thành một trong những nguyên liệu nước hoa đắt đỏ nhất thế giới.

Tuy nhiên, đến năm 2020, công ty Firmenich – công ty hương thơm Thụy Sỹ đã có hơn 125 năm lịch sử đã thành công chế tạo ra hợp chất hương thơm giống với tinh dầu gỗ đàn hương, khi lên men đường mía.

2. Tạo ra ít chất thải công nghiệp

So sánh giữa việc trồng hoa quả, thu hoạch và chiết xuất tinh dầu thiên nhiên, công nghệ sinh học trắng cho phép tạo ra hương thơm một cách nhanh chóng hơn, đòi hỏi ít năng lượng hay nước sạch hơn, và tạo ra ít chất thải môi trường hơn trong quá trình sản xuất. Do đó, phương pháp sản xuất mùi hương này bền vững hơn phương pháp tổng hợp hóa học truyền thống.

Ví dụ, tại Firmenich, một nguyên liệu rất được ưa chuộng của họ là Z11. Chất tạo hương này mang đến hương gỗ hổ phách nồng nàn, đóng góp cho những mùi hương như One Million của Paco Rabanne hay Chanel No.19.

Trước đây, Z11 chỉ có thể được chiết xuất từ gỗ cây Manao tại New Zealand, một loại cây thường xanh mọc chậm. Nay với công nghệ sinh học trắng, Firmenich đã thành công tạo ra một phiên bản Z11 từ cacbon gốc thực vật mà không cần phải đốn gỗ Manao nữa.

3. Sự đa dạng từ nguyên liệu đơn giản

Thay vì phải trồng rất nhiều nguyên liệu thiên nhiên một cách tốn kém, công nghệ sinh học trắng có thể cho phép biến đổi nhiều mùi hương từ cùng một nguồn vật liệu ban đầu.

Một ví dụ được đưa ra từ J. Casey Lippmeier, phó tổng giám đốc đổi mới tại công ty Conagen, là hợp chất hương thơm γ-decalactone. Hợp chất hương thơm này đến từ đào và tất nhiên thơm mùi đào tự nhiên. Tuy nhiên, với công nghệ sinh học, nó có thể được biến đổi thành nhiều hương thơm khác, như đào, mận, dâu,… với hương vị như trái cây thật, ngon miệng hơn khi so sánh với hươn vị tổng hợp. “Công nghệ này giúp chúng tôi tạo ra những hương thơm ngon miệng hơn, bên lề việc phát triển bền vững”, ông nói.

Ngành công nghiệp nước hoa tìm thấy giá trị lớn ở công nghệ sinh học trắng

Thương hiệu nước hoa ÉLISIRE sử dụng công nghệ sinh học trắng như một cam kết về sự phát triển bền vững. Ảnh: ÉLISIRE

Thương hiệu nước hoa ÉLISIRE sử dụng công nghệ sinh học trắng như một cam kết về sự phát triển bền vững. Ảnh: ÉLISIRE

Như Harper’s Bazaar đã đề cập đến, luật pháp cho phép các nhà sản xuất giấu nguồn gốc và công thức mùi hương trong sản phẩm của mình, như một lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Phản ứng trước điều này, nhiều người tiêu dùng thông minh chọn chỉ mua sản phẩm không chứa hương thơm (fragrance free).

Tuy nhiên, với công nghệ sinh học trắng, ngày càng nhiều các nhà sản xuất chọn tiết lộ thông tin về chất tạo hương của mình như một cách chứng minh rằng sản phẩm được tạo mùi với hương thơm nguồn gốc thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe và không sử dụng hương tổng hợp.

Bên cạnh đó, với sự cải thiện của công nghệ, giá thành sản phẩm sẽ ngày càng rẻ đi. Bà Sarah Reisinger, phó tổng giám đốc mảng nghiên cứu tại Firmenich, cho biết: “Hai mươi năm trước, công nghệ [này] đã tồn tại, nhưng nó quá đắt đỏ. Người tiêu dùng và khách hàng không muốn chi trả mức giá đó. Bây giờ khi công nghệ ngày càng tiến bộ thì nó trở nên khả thi hơn đối với ngành công nghiệp [nước hoa]”.

Đến thời điểm này, không phải mùi hương nào cũng có thể được điều chế bằng công nghệ sinh học trắng. Bài toán khó giải gồm một số những mùi hương được ưa chuộng nhất trong ngành nước hoa như rêu sồi (oakmoss), hoắc hương (patchouli), cỏ hương bài (vetiver),… Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng chỉ cần có thời gian, họ sẽ có thể tìm ra công thức thay thế bền vững.

THẾ GIỚI NƯỚC HOA:

Trích dẫn NIH, C&EN, NEZ Mag
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm