“Sau tất cả, mai lại là một ngày mới”, đó là câu nói tôi yêu thích từ cuốn tiểu thuyết kinh điển Cuốn theo chiều gió của Margaret M. Mitchell. Trong truyện, cuộc đời cô tiểu thư Scarlett O’Hara thăng trầm cùng cuộc nội chiến Mỹ. Nhưng nàng chưa bao giờ thôi niềm hy vọng vào tương lai, dù chỉ là một bình minh tươi mới.
Trước nàng nhiều thế kỷ, đại văn hào Victor Hugo từng viết trong Những người khốn khổ: “Đêm trường tăm tối nhất rồi sẽ kết thúc, và ngày sẽ lên”.
Những dẫn chứng trên để thấy rằng dù ở thế hệ, thời đại hay bối cảnh nào, tinh thần lạc quan yêu đời vẫn luôn là phẩm chất của nhân loại. Nghệ thuật khắc họa cá tính nhân vật, đặt họ vào trong những nghịch cảnh của đời sống để làm nổi bật nhiều ý đồ.
Đó là những điều thi vị của thơ ca, nhưng về mặt khoa học, thái độ sống này còn mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần cụ thể. Cuộc đời, thực ra là một… cuộc chơi. Khi bạn biết ứng dụng các “chiến thuật lạc quan” đúng đắn ở từng đoạn đường đời, mọi trở ngại chông gai nào cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tinh thần lạc quan là gì? Có bao nhiêu kiểu lạc quan?
“Lạc quan là niềm tin dẫn đến những thành tựu. Không một người bi quan nào có thể vươn đến những vì sao, giương buồm đến những vùng đất chưa ai đặt chân đến, hay mở những cánh cổng mới cho linh hồn chúng ta”, nữ văn sĩ Helen Keller từng định nghĩa.
Về mặt khoa học, đây là một thái độ sống, gắn liền với hy vọng và niềm tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Theo Tiến sĩ tâm lý học Claudia Trudel-Fitzgerald, chúng ta có ba kiểu lạc quan chủ đạo.
1. Lạc quan thiên hướng
“Đây là một kiểu kỳ vọng tổng quan về tương lai của bạn”, Giáo sư – Tiến sĩ tâm lý Suzanne C. Segerstrom tại Đại học Kentucky ở Lexington, chia sẻ.
Khi người lạc quan nghĩ về tương lai, họ nhận ra những khó khăn thách thức mình phải đối mặt, nhưng cuối cùng, họ tin rằng mình sẽ giải quyết được mọi việc.
Không giống như hạnh phúc hay các cảm xúc khác thường trồi sụt thất thường trong ngày tùy tâm trạng của chúng ta, sự lạc quan thiên hướng về bản chất là một đặc điểm tính cách bẩm sinh. Chúng gần như ổn định theo thời gian. Điều đó có nghĩa là, chúng ta đều có một điểm cân bằng nhất định. Khi trải qua những thăng trầm trên đường đời, chúng ta sẽ quay về với mức độ lạc quan cố hữu của chính mình.
2. Lạc quan giải thích
Giống như tên gọi, kiểu lạc quan này liên quan đến cách bạn lý giải những vấn đề xảy ra với mình.
Nếu có tinh thần lạc quan cao độ, khi những điều tốt đẹp đến, bạn vui vẻ đón nhận và tin chắc rằng mọi việc sẽ chỉ ngày một tốt đẹp hơn. Nếu những điều tồi tệ xảy ra? Bạn sẽ cho rằng đó không nhất thiết là lỗi của mình và chắc chắn chúng không lặp lại.
Khi đạt được những thành tựu trong cuộc sống, người lạc quan cao độ sẽ lý giải mọi thứ ở góc độ năng lực, sự chăm chỉ. Người kém lạc quan lại đổ cho mọi thứ ở “hên xui may rủi”. Lạc quan giải thích khác với lạc quan thiên hướng, bởi đó là một kiểu suy nghĩ chứ không phải là một phần tính cách của bạn.
Nói cách khác, bạn có thể tự rèn luyện và cải thiện tính cách lạc quan giải thích này.
3. Lạc quan hão
Cái gì quá cũng không tốt. Và không phải kiểu lạc quan nào cũng tốt. Lạc quan hão là khi chúng ta “ảo tưởng sức mạnh”, mù quáng tin vào một tương lai tốt đẹp bất chấp điều kiện thực tế. Khi ấy, bạn hầu như không cố gắng nỗ lực, nhưng lại tin vào tương lai rạng rỡ hay cho rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất.
Vũ trụ vận hành theo quy luật nhân quả. Bạn sẽ chỉ gặt hái hoa thơm và quả ngọt khi chăm bẵm, cần mẫn vun xới từng ngày cho những thành tựu của mình.
>>> ĐỌC THÊM: BẠN ĐANG SỐNG LẠC QUAN HAY “ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH”?
Tinh thần lạc quan ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Lạc quan khá giống với niềm hy vọng. Bạn có thể tự rèn luyện tư duy về niềm lạc quan. Vì sao phải rèn luyện? Bởi chúng mang đến cho ta rất nhiều lợi ích về thể chất, tinh thần và ảnh hưởng rõ ràng đến sắc diện của người phụ nữ.
• Tác động đến sức khỏe tinh thần.
Ngay cả trong nghịch cảnh, người lạc quan vẫn có sức khỏe tinh thần tốt. Một nghiên cứu về phụ nữ mắc bệnh ung thư vú trên tạp chí BMC Psychiatry cho thấy, những người tươi vui có ít triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.
• Cải thiện sức khỏe tim mạch.
Khi tinh thần lạc quan, bạn sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh tim hơn. Một nghiên cứu trên JAMA Network Open đã chỉ ra rằng những người tươi vui ít mắc các bệnh về tim mạch, bao gồm cả đột quy và đau tim. Vì một trái tim khỏe, còn chần chừ gì mà không lạc quan lên chứ?
• Ít mắc các triệu chứng về hô hấp.
Những người lạc quan có hệ hô hấp tốt hơn. Một nghiên cứu trên gần 2.000 người đang và đã từng hút thuốc cho thấy những người có tinh thần lạc quan cao hơn cũng có chức năng phổi tốt hơn.
• Những người lạc quan có thể sống lâu hơn.
Một nghiên cứu với gần 160.000 phụ nữ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau tham gia đã chỉ ra rằng, tinh thần lạc quan có liên hệ mật thiết đến tuổi thọ. Người lạc quan sống lâu hơn. Thậm chí, nhiều người sẽ thọ đến hơn 90 tuổi.
• Thay đổi tích cực đến cơ thể.
Tinh thần lạc quan ảnh hưởng đến bạn ở cả mặt sinh học. Theo đó, chúng có quan hệ mật thiết đến khả năng miễn dịch của cơ thể. Những người lạc quan thường có một mã gen cụ thể, giúp giảm viêm nhiễm và có khả năng chống nhiễm trùng tốt hơn.
Ở một chiều hướng khác, người lạc quan thường đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe và phong cách sống. Từ đó, họ sở hữu vẻ ngoài cuốn hút, quyến rũ hơn. Phụ nữ lạc quan luôn toát ra nguồn năng lượng, vẻ đẹp của sự dí dỏm.
• Nhân duyên tốt hơn.
Đúng vậy! Người lạc quan sẽ có những mối quan hệ tốt hơn. Khi lạc quan, ta sẽ nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của những người xung quanh. Điều này sẽ là tiền đề đưa ta đến các mối quan hệ chất lượng và cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống. Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lòng biết ơn đóng vai trò quan trọng trong mức độ lạc quan và cảm giác hạnh phúc của mỗi chúng ta.
• Đối phó với căng thẳng tốt hơn.
Công việc có nhiều khó khăn, deadline đã đến trước mắt nhưng bạn chưa nghĩ ra cách giải quyết? Vậy thì hãy thực hành tính lạc quan trong trường hợp này. Đây là lời khuyên của chuyên gia tâm lý. Những người lạc quan tin rằng mình sẽ xử lý được mọi việc. 50 nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý Xã hội và Nhân cách chỉ ra rằng người lạc quan có khả năng đối phó tốt hơn với các tình huống và cảm xúc căng thẳng.
Làm thế nào để tinh thần lạc quan hơn?
Đến đây, chúng ta đã hiểu hết những lợi ích của tinh thần lạc quan. Nhưng tâm lý con người là một trong những điều phức tạp nhất vũ trụ, không phải khi nào chúng ta cũng có thể lạc quan được. Đôi khi, bạn thực sự muốn lạc quan, nhưng lại không thể.
Một cốc nước nửa đầy hoặc nửa vơi tùy thuộc vào góc nhìn của từng cá nhân. Tuy nhiên theo các chuyên gia, chúng ta có thể lạc quan hơn thông qua một vài mẹo cụ thể:
• Trị liệu: Các liệu pháp tinh thần từ chuyên gia sẽ giúp ta điều chỉnh tâm lý, bình tĩnh hơn trước khó khăn.
• Thiền định: Tiến sĩ Kreitzer cho biết thực hành chánh niệm – một kiểu thiền định tập trung suy nghĩ cho hiện tại thay vì quá khứ hay tương lai – sẽ giúp bạn nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.
• Nghĩ về mình tốt nhất có thể: Tại sao không? Tiến sĩ Trudel-Fitzgerald chỉ ra một mẹo tâm lý rằng, khi bạn dành thời gian để tưởng tượng những điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra với mình, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy lạc quan hơn. Đó là quy luật hấp dẫn của vũ trụ. Khi bạn mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực lại giúp bạn. Đây là câu nói nổi tiếng từ tác phẩm Hoàng tử bé, được nhiều người xem như kim chỉ nam trong cuộc sống.
Còn với người viết, một mẹo lạc quan tôi thường ứng dụng đã là tin rằng mọi điều sẽ tốt đẹp hơn vào ngày mai, và “dù có ra sao… thì cũng chả sao”.
Chúc bạn vui, và dù ở trong hoàn cảnh nào, cũng đừng đánh mất tinh thần lạc quan của chính mình. Bởi vì, có lạc quan là có tất cả!
SỐNG LẠC QUAN HƠN MỖI NGÀY:
HÀ KIỀU ANH: LẠC QUAN LÀ LIỀU THUỐC QUÝ CỦA NHAN SẮC
ĂN GÌ ĐỂ LUÔN LẠC QUAN VÀ TƯƠI VUI TRONG NĂM MỚI?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam