Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) quảng bá quá sáng tạo!

Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) mở lối đi mới cho phim Hàn: thay vì quảng bá thông thường, phim tạo website giả lập bệnh viện, cho phép khán giả tương tác và sống trong vũ trụ y khoa của bộ phim.

bzvn-resident-plyabook-website

Website của phim Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook), hoạt động từ đầu tháng 4 để quảng bá bộ phim. Ảnh: yuljehospital.com

Chuyện quảng bá phim Hàn từ lâu đã đi theo một công thức quen thuộc: sáng tạo nội dung video, hình ảnh hé lộ những phân cảnh hút mắt, cho diễn viên chia sẻ hậu trường, tương tác với khán giả qua màn hình bằng những phần Q&A, đi show thực tế.

Nhờ sức mạnh “quyền lực mềm” từ văn hóa thần tượng, đôi khi chỉ cần một lời chào hay vài câu chuyện hậu trường từ dàn diễn viên cũng đủ khiến bộ phim trở thành tâm điểm chú ý. Với những tác phẩm được đầu tư hơn, chiến dịch marketing thường mở rộng ra photobook kèm OST, các buổi chiếu đặc biệt để fan thưởng thức trên màn ảnh rộng – tất cả nhằm khẳng định chất lượng và độ lan tỏa.

Nhưng khi một bộ phim đã là thương hiệu quen mặt, có sẵn sự tin tưởng từ khán giả, liệu việc quảng bá có còn cần thiết phải xoay quanh lời khen về nội dung, cảnh quay hay lời chào từ dàn diễn viên? Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) đã chọn một lối đi khác biệt và còn khá lạ lẫm với phim Hàn: tạo một trang web giả lập, nơi khán giả có thể bước vào vũ trụ của phim và tương tác như thể họ là một phần trong đó.

Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) tạo trang web giả lập cho bệnh viện Yulje

bzvn-cach-marketing-cua-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resdient-playbook-2

Banner mở đầu website bệnh viện Yulje với dàn diễn viên chính từ Hospital Playlist và Resident Playbook. Ảnh: yuljehospital.com

Chuyện đời bác sĩ nội trú phát sóng trên tvN. Thông thường, đài cáp này sẽ đăng tải thông tin về dự án trên chính website của đài, sau đó cập nhật hình ảnh từ phim, ảnh hậu trường cùng mục. Riêng Chuyện đời bác sĩ nội trú được ưu ái lập một website riêng với địa chỉ yuljehospital.com.

Website này đã bắt đầu đăng tải bài viết từ đầu tháng 04/2025, vận hành đúng như một trang dành cho khách hàng lẫn nhân viên bệnh viện, với nhiều đầu mục thú vị:

  • Mục giới thiệu về bệnh viện Yulje có phần Thông báo, được làm dưới dạng bảng tin giành cho nhân viên, chẳng hạn như hướng dẫn ngày giờ chụp hình cho từng khoa dẫn đến sự kiện ở cuối tập 3, đăng tải vào trước thời điểm phim lên sóng một ngày; Thông báo việc thành lập quỹ, nhắc lại tình tiết ở Những bác sĩ tài hoa (Hospital Playlist).
  • Mục giới thiệu về nhân sự của bệnh viện Yulje, gồm hồ sơ và hình ảnh của các nhân vật trong phim, cả chính, phụ và những nhân vật nền trong 3 phần phim (2 phần Những bác sĩ tài hoa và 1 phần Chuyện đời bác sĩ nội trú);
  • Mục Tiếng nói Yulje: Gồm bảng tin tâm sự ẩn danh tương tự mục confession trên mạng xã hội; Thông báo về nhân viên xuất sắc của tuần; Mục trị liệu bằng âm nhạc quảng bá OST của phim;
  • Mục Cộng đồng dẫn đến tài khoảng mạng xã hội riêng của phim Những bác sĩ tài hoa và phim Chuyện đời bác sĩ nội trú.
bzvn-cach-marketing-cua-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resdient-playbook-1

Những thông tin bên lề đầy tính giải trí trên trang, giúp khán giả của phim “nhập vai” vào trong vũ trụ bác sĩ. Trái: Một mẩu tin thông báo chụp hình liên quan đến tình tiết tập 3, thu hút hơn 28.000 lượt click; Phải: Mục tâm sự ẩn danh từ các “bác sĩ” của bệnh viện. Ảnh: yuljehospital.com

Những thông tin trên website không phải do fan hâm mộ đăng tải, mà do chính đội ngũ truyền thông – marketing của phim nhập vai thành những nhân viên của bệnh viện để tạo nên cảm giác thực tế cho khán giả. Lướt trên website, bạn sẽ gặp những chi tiết hé lộ đôi chút về các tập mới, hoặc những thông tin bên lề đầy tính giải trí nhưng cũng góp phần mở rộng vũ trụ trong phim, như những lời tâm sự ẩn danh trong mục Tiếng nói Yulje:

  • “Mình có bất lịch sử không nếu mình gọi điện cho tiền bối 15 lần một ngày nhỉ?” – Rõ ràng đây là băn khoăn của bác sĩ Uhm Jae Il trong các tập đầu của phim.
  • “Hình như mình khá là nổi tiếng với các bác sĩ nam đó, có một giáo sư nhớ tầng mà mình định đi trong thang máy nè” – Người gửi đích thị là Pyo Nam Kyung, liên kết đến tình tiết trong tập 3.

Website thu hút được không ít khán giả khám phá. Mỗi bài đăng trong mục Thông báo vắn đều thu từ 30.000 đến hơn 60.000 lượt xem.

Thuận lợi của kiểu marketing nhập vai: Quảng bá phim bằng tính nội dung

bzvn-marketing-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resident-playbook (1)

Ảnh: tvN

Marketing nhập vai (Immersive Marketing) là một xu hướng nở rộ trong thời đại công nghệ cao, nơi AI, thực tế ảo hay thực tế tăng cường giúp nâng tầm trải nghiệm con người lên mức độ chân thực chưa từng có. Tuy nhiên, để mang lại cảm giác “nhập vai,” không nhất thiết phải dựa vào công nghệ phức tạp. Chuyện đời bác sĩ nội trú đã chứng minh điều đó bằng cách tận dụng một website giả lập – được thiết kế như cổng thông tin của một bệnh viện thực thụ – để khán giả có thể khám phá thế giới của phim chỉ qua những cú lướt màn hình.

Xuất phát từ mục tiêu đưa “vũ trụ y khoa” Chuyện đời bác sĩ nội trú – nối tiếp Những bác sĩ tài hoa – đến gần hơn, sống động hơn với khán giả, chiến lược marketing này không chỉ giúp khơi gợi hứng thú mà còn mở ra nhiều điểm thuận lợi cho phim.

Thay vì phải đi theo lối mòn là liên tục thuyết phục khán giả về chất lượng tác phẩm – điều vốn dĩ đã được khẳng định từ hai phần phim trước – Chuyện đời bác sĩ nội trú tập trung vào trải nghiệm nội dung, khơi dậy sự tò mò và kết nối cảm xúc từ chính những chi tiết giả lập nhỏ nhặt nhưng đầy chân thực.

bzvn-marketing-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resident-playbook (2)

Trang web mở ra trong giai đoạn quảng bá phim Resident Playbook, nhưng còn tích hợp nhiều nội dung từ các năm trước đó của chính truyện Hospital Playlist, giúp fan mới dễ dàng tìm kiếm. Ảnh: yuljehospital.com

Thứ nhất, một website giúp tóm gọn và tổng hợp về thế giới của Những bác sĩ tài hoa – Chuyện đời bác sĩ nội trú.

Mạng xã hội, kênh truyền thông thường thấy, khó có khả năng chia theo từng mục như website, trong khi điều này là vô cùng cần thiết khi phim đã qua 2 mùa chính truyện với 24 tập và Chuyện đời bác sĩ nội trú với 12 tập nữa. Một trang web tổng hợp, chia đầu mục rõ ràng và có những bài đăng tin tức dưới dạng tóm gọn lại tình tiết của các phần phim trước sẽ là đường tắt uy tín cho fan mới lẫn fan cũ của bộ phim tìm hiểu hoặc ôn lại những tình tiết, nhân vật trong phim.

bzvn-cach-marketing-cua-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resdient-playbook (1)

Nhân viên của tuần có một mục riêng trên website. Ảnh: yuljehospital.com

Thứ hai, mở rộng cốt truyện với các thông tin bên lề.

Trên website có phần cập nhật một số chi tiết có/chưa có xuất hiện trong phim dưới dạng “tin tức” trên website, cho phép fan nắm bắt được một vài thông tin thú vị bên lề mà không được nhắc đến trong phim, như nhân viên xuất sắc của tuần này là ai. Phần nào đó, cách thức này có sự giao thoa với emotional marketing – marketing nắm bắt cảm xúc, từ đó giúp họ cảm thấy họ là một phần trong thiết lập của phim.

Thứ ba, tăng thêm sự hiếu kỳ.

Nhiều mục trên trang được đăng tải trước khi bộ phim lên sóng, chẳng hạn như phần preview tập mới cũng được cập nhật trên đây, có giá trị tạo sự hiếu kỳ cho khán giả và thảo luận trước để tăng sức nóng cho phim.

Thứ tư, trải nghiệm xem chủ động và tăng thêm tính tương tác

Khi tự tìm hiểu qua những cú click trên website, khán giả đang tự cho mình một trải nghiệm xem chủ động hơn khi được khám phá những thông tin họ yêu thích, so với việc theo dõi diễn biến từ mỗi tập phim.

Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) học hỏi Tách rời ký ức (Severance)

bzvn-marketing-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resident-playbook (3)

Dàn diễn viên Resident Playbook trên website. Khi click vào ảnh mỗi nhân vật, bạn sẽ có thông tin cơ bản về họ. Ảnh: yuljehospital.com

Chuyện tạo môi trường giả lập như vậy đối với Hàn Quốc vẫn còn khá mới. Trước Chuyện đời bác sĩ nội trú, có thể kể đến phim Bạn bạn bè bè (Friendly Rivalry – 2025) với tài khoản Twitter/X có địa chỉ @chaehwahigh (Trường Trung học Chaehwa – nơi các nhân vật trong phim theo học) thay vì lấy tên phim như thông thường.

Concept là xem tài khoản này như một bảng tin trường học để cập nhật thông tin về phim. Dù vậy, cách vận hành không mang tính nhập vai và nền tảng mạng xã hội cũng khiến thông tin bị phân tán rất nhiều.

Chuyện đời bác sĩ nội trú thực hiện phương thức marketing này nhưng chọn đúng hình thức và nhập vai trọn vẹn để tăng cảm giác thực tế, với một bộ nhận diện thương hiệu được xây dựng đầy đủ cho website của bệnh viện Yulje và kế hoạch nội dung được tính toán thông minh, kết hợp cả ba phần phim của vũ trụ này giúp khán giả “ôn bài”.

Lựa chọn phương thức này cho phần phim Chuyện đời bác sĩ nội trú cũng khá thức thời. Vốn dĩ, bộ phim mới nhất khai thác thế hệ bác sĩ trẻ thuộc Gen Z – Millenials với đặc trưng là khả năng thích ứng công nghệ tốt và online cả ngày, không khó để họ tiếp cận và tìm hiểu trang web giả lập. Đề ra hình thức gửi tâm sự ẩn danh sử dụng nhiều teencode, từ viết tắt… cũng chính là sự thấu hiểu của phim với văn hóa giới trẻ.

bzvn-severance-apple-tv

Tách rời ký ức (Severance), series của Apple TV+. Ảnh: Apple TV+

Nguồn cảm hứng cho cách marketing nhập vai của Chuyện đời bác sĩ nội trú nhiều khả năng đến từ Tách rời ký ức (Severance) – series đình đám của Apple TV+ (2022–2025). Đội ngũ marketing của phim này từng gây ấn tượng mạnh nhờ chiến lược tinh tế, khai thác tối đa thế giới ảo – nơi con người dành hơn 10 giờ mỗi ngày để chìm đắm.

Họ tạo hẳn một website cho “Lumon Industries” – công ty hư cấu trong phim – với đầy đủ phần tầm nhìn, sứ mệnh, lịch sử và một trang tuyển dụng duy nhất đăng vị trí Trưởng bộ phận an ninh (chỉ ai xem đến mùa 2 mới hiểu). Giao diện tối giản, ngôn ngữ súc tích như máy móc – tất cả đều góp phần truyền tải chủ đề chính: sự kiểm soát và lặp lại ngột ngạt của cuộc sống công sở.

Lumon còn có trang LinkedIn riêng, cập nhật về “văn hóa công ty” và những “nhân viên xuất sắc” với giọng văn kỳ quặc đúng chất phim. Một số bài đăng hé lộ nội dung tập mới hay cung cấp thông tin hậu trường giúp khán giả hiểu thêm về các nhân vật.

bzvn-severance-series-marketing-linkedin

Những mẩu sản phẩm truyền thông độc đáo của Severance trên LinkedIn: (1) Mẫu đơn từ chức của nhân viên Lumon Industries phải có sự đồng ý của bản thể bên ngoài; (2) Thẻ nhân viên tiết lộ thêm vài điều thú vị về nhân vật; (3) Thư gửi nhân viên, viết bằng giọng văn kỳ lạ và máy móc của các cấp quản lý trong phim. Ảnh: LinkedIn

Mấu chốt giúp đội ngũ của Severance thành công trong việc marketing nhập vai này chính là họ thực sự chú tâm, trò chuyện và truyền thông như thể họ chính là nhân viên của Lumon Industries. Nội dung của Lumon Industries cũng phức tạp và đa dạng hơn so với bệnh viện Yulje, cho thấy đội ngũ marketing thấu hiếu vũ trụ của bộ phim như thế nào, và đâu sẽ là những thông tin khiến khán giả vừa thích thú, vừa thấy khó chịu nếu có một Lumon Industries như vậy tồn tại ngoài đời.

Đặc biệt, tài khoản Lumon trên LinkedIn thu hút hơn 88.000 người theo dõi, mỗi bài có 3.000–6.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận “nhập vai” ca ngợi công ty. Trên Reddit, đội ngũ cũng xây dựng thói quen nhập vai cho fan bằng các ý tưởng truyền thông sáng tạo.

Trên hết, vì đây là một kênh truyền thông do chính bộ phim sở hữu, mức chi phí lẫn cách vận hành đều cho phép phim được chủ động hơn – điều tối quan trọng trong giai đoạn cần giữ chân người xem giữa các mùa phim.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm