Mùa lạnh đến, những trang phục bằng các chất liệu len lại được trọng dụng. Song, chiếc áo len lâu ngày không dùng của bạn dường như có mùi kỳ lạ. Phản ứng của bạn có thể là ngay lập tức muốn mang đồ len đi giặt. Tuy nhiên, trước khi giặt trang phục bằng len, bạn hãy kiểm tra cách giặt đồ len đúng cách để không làm hỏng sản phẩm của mình.
Tính chất của sợi len
Len là một sản phẩm có nguồn gốc động vật, được thu hoạch từ cừu (len lambswool, len merino), dê núi (len cashmere) hay thỏ (len agora). Cấu trúc của sợi len gần tương đồng với tóc của con người, được làm từ các protein có thể bị hư hỏng hoặc phá hủy bởi hóa chất, nhiệt hoặc hao mòn vật lý.
Len có độ co giãn cao, khó bị nhăn. Khi mặc, trang phục len có khả năng giữ nhiệt tốt nhưng cũng có độ thông thoáng cao, không gây ngột ngạt như các chất liệu giả len làm từ sợi tổng hợp (như nylon, polyamide và acrylic).
Vì các tính chất trên, len cần được nâng niu hơn các sợi có nguồn gốc từ thực vật (như sợi cotton và denim có nguồn gốc từ cây bông, hay các sợi viscose từ tre).
Cách giặt đồ len đúng cách để trang phục bền, đẹp, không mất form dáng
Đầu tiên, luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng!
Các sản phẩm may mặc đều có hướng dẫn bảo quản trang phục được may vào bên hông sản phẩm (care tag). Hướng dẫn sẽ cho bạn biết liệu bạn được phép giặt tay trang phục, hay chỉ được giặt hấp/giặt khô.
Chỉ giặt khi thực sự cần thiết
Sợi len tự nhiên có tính chất kháng khuẩn, khó bám mùi hôi khó chịu. Vì lẽ đó, bạn không cần phải giặt sau mỗi lần mặc.
Có thể ví sợi len với sợi tóc. Nếu bạn không cần phải gội đầu hàng ngày thì bạn cũng không cần phải giặt đồ len đều đặn. Trung bình, bạn chỉ cần giặt đồ len sau khoảng 3-4 lần mặc.
Tuy nhiên, nếu bạn mặc trang phục len khi tiếp xúc với các môi trường nhiều dầu mỡ và bụi bẩn (ví dụ như bạn mặc áo len đi ăn đồ nướng BBQ hay ăn lẩu), bạn nên giặt ngay sau khi về nhà. Đồ len khi tiếp xúc với dầu mỡ, đồ ăn và mồ hôi có thể thu hút ngài vải – loại bướm thích ăn sợi len.
Hãy giặt tay nếu có thể
Vì sợi len có độ co giãn cao, trang phục bằng len có thể bị giãn hoặc biến dạng khi giặt bằng máy. Do đó, giặt tay là cách giặt đồ len đúng cách giúp trang phục lâu bền.
Bên cạnh đó, giặt đồ len bằng tay cũng sẽ hạn chế hiện tượng xù lông vải vì lực ma sát bằng tay khá nhẹ khi so với lực ma sát từ máy giặt.
Ngoài ra, như Harper’s Bazaar đã nói ở trên, bạn không cần phải giặt đồ len sau mỗi lần mặc. Nếu trang phục chỉ bị dơ ở một vài điểm, giặt tay cho phép bạn tập trung vào những điểm bị dơ mà không cần phải giặt toàn bộ trang phục.
Nếu không có thời gian giặt tay, bạn hãy đầu tư vào máy giặt
Nhiều chiếc máy giặt tân tiến nhất đã có chế độ giặt nhẹ hoặc chế độ giặt tay. Ưu tiên chọn máy giặt cửa trước, không chọn máy giặt lồng đứng có trục ở giữa, tránh để trang phục bị quấn quanh trục.
Khi giặt đồ len trong máy giặt, bạn bỏ trang phục vào trong túi lưới để hạn chế bề mặt vải bị xước trong lúc giặt.
Nên giặt đồ len bằng nước lạnh
Nhiệt là thứ gây hại nhất cho len. Nó thay đổi cấu trúc của các protein trong sợi len, khiến sợi len bị co rút lại. Giặt tay trang phục bằng nước lạnh giúp ngăn ngừa tình trạng co rút áo len này.
Chọn nước giặt vải chuyên dụng cho đồ len
Đừng dùng bột giặt bình thường. Chất tẩy rửa mạnh trong các loại bột giặt này có thể khiến trang phục len mau phai màu, bị sờn và xù lông vải. Các loại nước giặt nhẹ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ trang phục len của bạn. Tránh không dùng thuốc tẩy hay nước xả làm mềm vải cho trang phục vải len.
Đừng vắt mạnh tay, đừng treo áo len ướt
Khi ướt, sợi len dễ bị đứt gãy. Do đó nếu bạn vắt mạnh tay thì trang phục sẽ dễ để lại những nếp nhăn không đẹp mắt khi khô. Bạn cũng không nên treo đồ len khi ướt vì sẽ khiến trang phục bị giãn ra và mất form dáng.
Giải pháp cho bạn là đặt áo len lên một chiếc khăn tắm, cuốn lại và ép nước ra. Trải phẳng áo len khi phơi khô – bạn thậm chí có thể trải áo len lên một tấm khăn tắm khác để khăn hấp thụ lượng nước thừa trong áo. Phương pháp này cũng cho phép áo thẳng ra mà không cần là/ủi.
Đừng dùng máy sấy tóc để hong khô áo len.
Giặt khô là một giải pháp giúp kéo dài tuổi thọ đồ len
Do cả nhiệt và nước đều làm yếu sợi len, nên có lẽ không có gì ngạc nhiên khi giặt khô là phương pháp cơ bản để làm sạch quần áo len.
Nhược điểm của việc giặt hấp / giặt khô là phương pháp này sử dụng hóa chất không tốt cho sức khỏe. Ngày nay đã có phương pháp giặt khô bằng CO2, tuy nhiên, nó chưa quá thịnh hành ở Việt Nam và chi phí cũng khá đắt đỏ. Do đó, thường xuyên mặc trang phục được giặt hấp / giặt khô không phải là giải pháp bền vững và an toàn cho sức khỏe.
May mắn là chúng ta ít khi mặc áo len trực tiếp lên cơ thể, thường mặc ngoài áo thun hoăc áo cổ lọ. Nếu chọn giặt hấp trang phục này thì bạn hãy để áo “xả hơi” khoảng một ngày trước khi mặc.
Cách bảo quản đồ len sau khi giặt: Tránh ánh sáng, nhiệt, ẩm và chống côn trùng
Khi không mặc áo len, bạn cần đảm bảo bảo quản sản phẩm trong điều kiện tránh xa nhiệt độ cao và ánh sáng mặt trời, và chống côn trùng.
Nhiệt độ và ánh sáng: Chỉ cần đảm bảo rằng tủ quần áo của bạn nóng ngột ngạt như lò nướng vào mùa hè là ổn. Nhìn chung, không nên lưu trữ đồ len ở tủ cạnh cửa sổ hay nằm trên gác mái (nơi có nhiệt độ nóng vào ban ngày).
Kiểm soát độ ẩm trong tủ quần áo bằng các hộp hút ẩm.
Côn trùng: Đây là mối nguy hiểm lớn nhất của đồ len. Hãy đảm bảo rằng bất cứ nơi nào bạn cất quần áo len đều có đặt băng phiến hoặc tinh dầu chống côn trùng. Mối mọt, ngài vải có thể ăn lủng lỗ áo len của bạn và rất khó để sửa đồ khi chuyện này xảy ra.
Nên xếp áp len hơn là treo. Việc treo áo len về lâu dài có thể khiến áo bị giãn. Song, nếu thật sự cần treo áo thì bạn hãy chọn móc áo bằng gỗ bản dày, tránh để sờn vải ở vai áo.
Tóm lại, len là chất liệu vải lâu bền và tương đối dễ bảo quản, nếu bạn cẩn thận một chút trong khâu giặt ủi.
THAM KHẢO:
CÁCH GIẶT TẤT CẢ CÁC CHẤT LIỆU VẢI THÔNG DỤNG, TỪ LỤA, LEN ĐẾN LINEN VÀ DA THUỘC
4 CÁCH KHỬ MÙI ÁO LEN, ÁO CASHMERE MÀ KHÔNG CẦN GIẶT HẤP
PHÂN BIỆT CÁC LOẠI LEN ĐỂ BIẾT CÁCH CHỌN ĐỒ LEN CAO CẤP
Harper’s Bazaar Việt Nam