Biên kịch Lee Kang bảo chứng chất lượng cho phim Our Unwritten Seoul

Từng gây chú ý với Tuổi Trẻ Tháng Năm (Youth of May - 2021), biên kịch Lee Kang trở lại sau 4 năm với tác phẩm mới, và thiết lập thành tích ấn tượng tương tự cùng Một Seoul Chưa Biết Đến (Our Unwritten Seoul) - bộ phim mang đến sự an ủi và đồng cảm dành cho những ai dám xem phim và đối diện với vết thương tuổi trưởng thành.

4 lý do bạn không nên bỏ lỡ Một Seoul chưa biết đến (Our unwritten Seoul)

Một Seoul chưa biết đến (Our unwritten Seoul) là tác phẩm của biên kịch Lee Kang. Ảnh: TvN

Làm nên thành công của những bộ phim Hàn Quốc, ngoài các diễn viên, còn chính là các biên kịch. Dần dà, nhiều biên kịch đã trở nên quen thuộc với khán giả, trở thành cái tên bảo chứng cho sự thành công của dự án.

Muốn xem tác phẩm mang nội dung chữa lành tâm hồn, khán giả sẽ tìm đến ngòi bút đầy cảm xúc và nhân văn của Lim Sang Choon với Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt (2025), Thanh Xuân Vật Vã (2017).

Muốn cảm thấy mỹ vị nhân gian, khán giả sẽ cùng cười cùng khóc với kịch bản của Lee Woo Jung trong series Lời Hồi Đáp (2012-2016), Những bác sĩ tài hoa (2021).

Một tên tuổi khác cũng khiến khán giả phải đón chờ phim là Lee Kang, tác giả của tác phẩm kinh điển mỗi độ tháng Năm về: Tuổi trẻ tháng Năm (2021). Hiện tại, Lee Kang cũng đang đứng đằng sau bộ phim Một Seoul Chưa Biết Đến (Our Unwritten Seoul) khiến khán giả thổn thức mỗi cuối tuần.

Hãy cùng Harper’s Bazaar bước vào thế giới quan của Lee Kang, khám phá phong cách sáng tác chạm đến tầng sâu nhất trong lòng ngưởi xem của vị biên kịch này.

Biên kịch Lee Kang, ẩn số trong thế giới phim Hàn

bzvn-bien-kich-lee-kang-our-unwritten-seoul (5)

Tác phẩm phim truyền hình đầu tiên do Lee Kang viết, We All Cry Differently (2014), với sự tham gia của Kim So Hyun. Ảnh: KBS2

Tương tự như Lim Sang Choon, Lee Kang gần như chưa bao giờ công khai danh tính. Biên kịch chỉ xuất hiện trên phim trường để làm việc, hiếm khi tham gia họp báo và để tác phẩm liên tiếng thay cho mình.

Từ những thông tin ít ỏi từ các bài phỏng vấn mà Lee Kang đã thực hiện với báo giới, ta biết được vị biên kịch này chưa từng trải qua thập niên 1980, nên rất có thể, Lee Kang thuộc thế hệ tài năng 9x.

Sự nghiệp Lee Kang bắt đầu khi thắng giải cao nhất trong cuộc thi kịch bản năm 2013 của KBS. Kịch bản sau đó đã từ những trang giấy trở thành phim We All Cry Differently (2014) có sự tham gia của Kim So Hyun. Trong giai đoạn 2014 đến 2019, Lee Kang đều đặn cho ra mắt các tác phẩm phim ngắn cho đài KBS2, trước khi có bước tiến lớn với bộ phim Tuổi trẻ tháng Năm (2021).

Chủ đề yêu thích của Lee Kang: Tuổi thanh xuân vượt thời không

Hoạt động từ năm 2014 đến nay, nhưng Lee Kang chỉ có tổng cộng ba series dài tập, không tính những bộ phim ngắn một tập. Trừ Spy (2015) mà Lee Kang đồng chắp bút với Han Sang Woo, thì chủ đề của vị biên kịch này thể hiện rõ nhất qua hai tác phẩm sau.

Tuổi trẻ tháng Năm (2021)

bzvn-bien-kich-lee-kang-youth-of-may (2)

Ảnh: KB2

Lấy bối cảnh tháng 5 năm 1980 tại Gwangju, bộ phim kể câu chuyện tình buồn giữa Hee Tae (Lee Do Hyun) và Myung Hee (Go Min Si). Hee Tae là thủ khoa y Đại học Quốc gia Seoul, còn Myung Hee là y tá tại phòng cấp cứu bệnh viện. Họ vượt qua hận thù giữa hai gia đình, chênh lệch địa vị để đến với nhau. Nhưng trong bối cảnh biến động tại Gwangju, chuyện tình của họ đã không có kết thúc tốt đẹp, để lại những dư âm day dứt trong lòng người xem.

Pha lẫn chủ đề dân chủ với melodrama tương phản, Lee Kang khéo léo chắp bút làm nên một tác phẩm độc đáo và có sức nặng, một bộ phim được nhiều khán giả xem là phim để đời.

Dẫu câu chuyện đã kết thúc, hình ảnh hiện tại của Hee Tae – sau 41 năm vẫn không thể nhìn thấy bầu trời trong – ám ánh khán giả. Anh sống với nỗi đau mất Myung Hee, đồng thời nhắc khán giả không được quên sự kiện tháng Năm – một dấu mốc lịch sử cần được ghi nhớ đã tước đi tuổi xuân của rất nhiều người. Tác phẩm có sức mạnh đến mức đã có những sách phát hành về những trang kịch bản gốc của Lee Kang cho bộ phim.

Một Seoul chưa biết đến (2025)

bzvn-bien-kich-lee-kang-our-unwritten-seoul (2)

Our Unwritten Seoul được chắp bút bởi biên kịch Lee Kang. Ảnh: tvN

Một Seoul chưa biết đến không đi sâu vào những bi kịch lịch sử như Tuổi trẻ tháng Năm, mà thay vào đó khắc họa chân thực những bi kịch gắn với mọi người trẻ của hiện tại: Lạc lối trong hành trình trưởng thành. Những con người có vẻ ngoài bình yên, nhưng sâu bên trong đã mỏi mệt và chao đảo.

Phim kể về hai chị em sinh đôi có gương mặt giống hệt nhau nhưng cuộc đời hoàn toàn khác biệt. Họ tráo đổi danh tính, bắt đầu một hành trình giả dối để rồi đi tìm được tình yêu và ý nghĩa thật sự của cuộc sống.

Ngay từ đầu phim, khán giả đã dễ đồng cảm với hiện thực ngột ngạt của Yoo Mi Rae (Park Bo Young), từng là một học sinh giỏi nhất trường, nay trở thành nhân viên công sở bị cô lập đến mức suy sụp – một thực tế mà nhiều người cũng phải đối mặt khi những thành tích trên trường lớp với những thành tích nơi văn phòng được đo lường quá khác biệt.

bzvn-bien-kich-lee-kang-our-unwritten-seoul (4)

Nhân vật Yoo Mi Rae trong Our Unwritten Seoul, tạo ra bởi biên kịch Lee Kang, phản ánh một mặt của tuổi trẻ, những con người xuất chúng trên ghế nhà trường, gặp khó khăn ở nơi công sở. Ảnh: tvN

bzvn-bien-kich-lee-kang-our-unwritten-seoul (3)

Nhân vật Yoo Mi Ji trong Our Unwritten Seoul, tạo ra bởi biên kịch Lee Kang, phản ánh một mặt khác. Ảnh: tvN

Mi Ji, người em sinh đôi sống ở vùng quê của Mi Rae, đại diện cho một nỗi đau khác, một nỗi đau bị so sánh với những người giỏi hơn, hoàn hảo hơn bởi những người xung quanh đã phớt lờ thế mạnh của Mi Ji trong một xã hội còn nặng định kiến nghề nghiệp.

Họ đề xuất tráo đổi danh tính cho nhau. Từ đây, câu chuyện rẽ sang một hướng mới, với sự xuất hiện của Lee Hosu (Park Jinyoung thủ vai) – người bạn thuở nhỏ lớn lên cùng hai chị em. Trong cuộc sống đầy bấp bênh, tình bạn và sự gắn kết giữa những người trẻ trở thành điểm tựa, là điểm nhấn cảm xúc đáng theo dõi. Họ dần đối diện với nỗi đau của người kia, và cả chính bản thân mình – những vết thương tưởng đã chôn giấu.

Phong cách viết của Lee Kang: Kịch bản khiến người xem muốn lưu lại từng câu thoại và khả năng tạo sự đồng cảm đa thế hệ

bzvn-bien-kich-phim-Han-Lee-Kang (1)

Our Unwritten Seoul có những câu thoại viết nên bởi biên kịch Lee Kang chạm vào những nỗi niềm sâu thảm của tuổi trưởng thành. Ảnh: tvN

Có thể thấy, chủ đề của Lee Kang đánh vào những cảm xúc nặng nề trong lòng khán giả, nhưng cách triển khai lại nhẹ nhàng, không khiến người xem ngột ngạt.

Tuổi Trẻ Tháng Năm tuy khai thác bi kịch lịch sử, nhưng trong nửa đầu phim vẫn tái hiện chân thực đời sống và tình yêu của bốn người trẻ, giữ vững tinh thần của một melodrama cổ điển. Một Seoul chưa biết đến trám lại những vết thương lòng mà khán giả trải qua cùng Mi Rae bằng năng lượng tích cực của Mi Ji cùng nhiều diễn biến bất ngờ từ kế hoạch “tráo vai”. Cách cân bằng cảm xúc tinh tế, không lê thê này rất xuất sắc ở một biên kịch với ít tác phẩm nhiều tập như Lee Kang.

Cách suy nghĩ và thiết lập nên bối cảnh trong kịch bản của Lee Kang cũng rất đa tầng. Một Seoul chưa biết đến có thể là câu chuyện về việc tráo đổi thân phận, sau đó triển khai theo hướng hài hước hơn. Nhưng Lee Kang đã đặt ra một câu hỏi phản biện: “Liệu khi tráo đổi, cuộc sống của người đó có dễ dàng hơn không?”, nhằm gửi thông điệp: “Ai cũng nghĩ cuộc sống của mình là khó khăn nhất, nhưng thật ra, ai cũng đang chiến đấu với cuộc chiến riêng.”

Tương tự, có những người nghĩ rằng, nếu mệt mỏi quá, hãy cứ bỏ phố về quê để làm lại. Tuy nhiên, cách Lee Kang khắc họa song song Mi Rae và Mi Ji, những khó khăn của họ dù sống ở Seoul hay nông thôn, cũng chính là thông điệp cho rằng không có hình ảnh đối lập giữa thành phố lạnh lẽo hay quê hương yên bình, mà chính thái độ của con người mới làm nên cảm xúc của họ về nơi chốn nào đó.

bzvn-bien-kich-phim-Han-Lee-Kang (2)

Ảnh: tvN

Thứ hay nhất về kịch bản của Lee Kang chính là những câu thoại. Không phải những câu mang triết lý sáo rỗng, mà Lee Kang canh đúng thời điểm, xây dựng dần dần sức nặng cho tình huống để khoảnh khắc thốt ra có thể khiến khán giả đồng cảm hơn bao giờ hết.

Những câu thoại đó không nhất thiết phải dạy cho ta bất kỳ bài học nào như những trích dẫn triết lý, mà chỉ đơn thuần là một lời an ủi, đồng cảm chân thành: “Hôm qua đã kết thúc, ngày mai còn xa, hôm nay thì vẫn chưa biết”, “Cuộc sống này đâu hoàn hảo? Chúng ta chỉ đang gắng gượng thôi.”

An ủi chân thành và khích lệ khán giả đã luôn là mục tiêu của Lee Kang. Vị biên kịch chia sẻ về Một Seoul chưa biết đến:

 “Tôi nghĩ, cách an ủi chân thành nhất với nỗi buồn của người khác là thật sự thấu hiểu và đồng cảm với họ. Vì phim truyền hình là phương tiện giúp chúng ta trải nghiệm cuộc sống của người khác một cách gián tiếp, tôi hy vọng khán giả có thể đồng cảm với nỗi đau ấy và dang tay an ủi những người còn sống sót.”

Tương tự, Lee Kang cũng đã từng nói như vậy về Tuổi trẻ tháng Năm:

“Tôi thật lòng cầu mong những người giống như Hee Tae sẽ không bị nỗi buồn nhấn chìm, mà tiếp tục bơi về phía trước trong những cơn thủy triều của cuộc đời. Tôi cũng hy vọng trái tim của những khán giả từng khóc cùng bộ phim sẽ như những lá thư hồi đáp, gửi đến tất cả những người đang sống tiếp ngày hôm nay.”

bzvn-bien-kich-lee-kang-youth-of-may (1)

Ảnh: KBS2

Khi Một Seoul chưa biết đến lên sóng, bộ phim tưởng chừng chỉ thu hút khán giả trong độ tuổi 30. Nhưng thực chất, phim nhận được lượt thảo luận chia đều ở tất cả độ tuổi từ 20 đến 50 (theo thống kê của GoodData, tháng 6/2025), chứng minh cho ngòi bút hấp dẫn vượt xa thiết lập phim của Lee Kang. Park Bo Young, diễn viên thủ vai Mi Rae và Mi Ji, tiết lộ:

“Chúng tôi thường bàn luận về kịch bản ngay tại phim trường. Mỗi lần có bản mới, tôi đều nói: “Câu thoại này hay quá, thể loại này hợp quá.” Bởi vì tôi cảm nhận được chân thành trong từng câu chữ. Có những lúc thoại vang lên như lời tự nói với bản thân, và tôi thực sự được chữa lành nhờ chính nhân vật của mình.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm