Báo cáo tài chính quý 2/2024: Kering giảm sâu, LVMH bình ổn, Hermès tiếp tục tăng 2 chữ số

Kering phục hồi chậm chạp, LVMH giảm 1% khi sự suy thoái của ngành hàng xa xỉ vẫn tiếp diễn, còn Hermès tiếp tục là "hắc mã" với sự phát triển hơn dự kiến

Đọc nhanh: Các tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH, Kering và Hermès lần lượt báo cáo kết quả tài chính trong Quý 2/2024. Thành tích trong quý này tiếp tục mô phỏng và kéo dài tình hình trong Quý 1/2024.

Tập đoàn Kering dự báo lợi nhuận hoạt động nửa cuối năm giảm 30% do nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc

Ảnh: ImaxTree

Kering SA báo cáo doanh thu giảm 11% trong quý 2/2024. Đồng thời tập đoàn cảnh báo rằng lợi nhuận sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm do nhu cầu hàng xa xỉ hạ nhiệt, thêm vào đó là nỗ lực vực dậy Gucci – thương hiệu lớn nhất của công ty – tiếp tục trì trệ. Thu nhập hoạt động (operating income) định kỳ – một thước đo lợi nhuận quan trọng – có thể giảm khoảng 30% trong giai đoạn này so với năm trước..

Doanh thu tương đương tại Gucci đã giảm 19% trong quý 2/2024, vượt mức giảm 15,9% mà các nhà phân tích dự kiến. Kering đã đưa ra các kế hoạch phục hồi Gucci. Tuy nhiên, tập đoàn thời trang này đã phải đưa ra cảnh báo về sụt giảm lợi nhuận sớm hơn dự kiến bởi nhu cầu mua sắm yến, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Trong buổi báo cáo tài chính quý 2/2024, giám đốc tài chính của Kering – Armelle Poulou cho biết rằng những sáng tạo mới từ Sabato de Sarno đang được đón nhận tốt. Tuy nhiên một số thiết kế cổ điển như túi Marmont hoặc túi Ophidia bán chậm lại.

Poulou cho biết thêm: “Hiện tại có rất nhiều sự không chắc chắn trong lĩnh vực xa xỉ. Chúng tôi nhận thấy ở mọi khu vực, lòng tin của người tiêu dùng mong manh và chúng tôi biết điều đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ”.

Dù sở hữu nhiều thương hiệu bao gồm Balenciaga và Saint Laurent, tập đoàn Kering vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Gucci, bởi thương hiệu này chiếm đến khoảng 2/3 lợi nhuận của tập đoàn. Và hầu hết các thương hiệu trong portfolio của tập đoàn trong quý này đều sụt giảm, ngoại trừ Bottega Veneta.

Báo cáo tài chính quý 2/2024, LVMH cho thấy khả năng phục hồi tốt trong năm

Ảnh: LVMH

Trong quý 2/2024, LVMH báo cáo doanh thu giảm trong hai quý liên tiếp, nhưng không giảm quá sâu như tập đoàn Kering.

Trên thực tế, các thương hiệu dưới trướng LVMH có tăng 2% trong sáu tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên doanh thu 41,7 tỉ Euro giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn ước tính của các nhà phân tích tài chính là 42,3 tỉ Euro. Những con số này chứng tỏ rằng ngay cả những nhãn hiệu xa xỉ có ảnh hưởng nhất vẫn đang bị kéo theo bởi sự suy thoái đang diễn ra của ngành xa xỉ.

Lợi nhuận ròng giảm 14% xuống còn 7,27 tỷ euro trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận từ các hoạt động định kỳ giảm 8% xuống còn 10,65 tỷ euro, với biên lợi nhuận hoạt động là 25,6%.

Trong báo cáo tài chính quý thứ 2/2024, LVMH ghi nhận doanh số là 20,9 tỷ euro, tăng 1% so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích là 21,6 tỷ euro trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/6.

Do sự bất ổn đang diễn ra xung quanh thị trường xa xỉ, cổ phiếu LVMH đã giảm 20% trong năm qua, trong khi các nhà đầu tư lo ngại rằng người tiêu dùng ở Trung Quốc đang “giảm mua hàng do bất động sản suy thoái và mất an ninh việc làm”, theo Reuters.

Tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản), doanh số của LVMH đã giảm 14% trong quý 2, đánh dấu mức giảm lớn hơn so với mức giảm 6% của công ty trong quý 1. Tuy nhiên, doanh số của Nhật Bản đã tăng nhờ tỷ giá hối đoái thân thiện với người tiêu dùng.

Giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony tuyên bố rằng “khách hàng Trung Quốc đang duy trì khá tốt”. Tại Bắc Mỹ và Châu Âu thì doanh số “tốt hơn một chút”.

Các bộ phận kinh doanh cốt lõi của LVMH, bao gồm rượu vang và rượu mạnh, thời trang và sản phẩm da thuộc, nước hoa và mỹ phẩm, đồng hồ và đồ trang sức đã tăng trưởng doanh thu 2% trong tổng thể nửa đầu năm.

“Mặc dù vẫn cảnh giác trong bối cảnh hiện tại, tập đoàn sẽ tự tin bước vào nửa cuối năm và sẽ trông cậy vào sự nhanh nhẹn và tài năng của các đội ngũ để củng cố thêm vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực hàng xa xỉ vào năm 2024”, Bernard Arnault, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH cho biết trong một tuyên bố. Ông khẳng định, kết quả báo cáo tài chính quý 2/2024 phản ánh khả năng phục hồi tốt của LVMH trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị.

Hermès đi ngược xu hướng khi tăng trưởng vượt trội

Ảnh: ImaxTree

Giữa thời kỳ nhà nhà giảm doanh số bán hàng, vậy mà Hermès ghi nhận doanh số quý 2/2024 tăng 13,2% lên 3,7 tỷ Euro, tăng trưởng hai con số trên tất cả các khu vực ngoại trừ Châu Á. Mặc dù châu Á (không bao gồm Nhật Bản) chỉ tăng 5,5%, nhưng đây vẫn được đánh giá là một hiệu suất tốt so với các đối thủ như LVMH, Richemont hay Kering.

Hermès vẫn luôn là một trong những tên tuổi đáng tin cậy nhất trong ngành hàng xa xỉ. Rất nhiều người coi sản phẩm túi xách của Hermès như một khoản đầu tư có giá trị chứ không đơn thuần chỉ là xu hướng thời trang. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, giới trẻ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hiệu và siêu xe khi mà mục tiêu mua nhà dường như quá xa vời.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, lợi nhuận hoạt động của Hermès đạt 3,15 tỷ Euro và tỷ suất lợi nhuận tăng 42%, cũng tương đồng với dự báo trước đó.

“Trong bối cảnh kinh tế và tình hình chính trị phức tạp, kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay cho thấy sức mạnh của mô hình kinh doanh tại Hermès. Tập đoàn tự tin vào tương lai và sẽ tiếp tục đầu tư, theo đuổi các dự án tích hợp theo chiều dọc và tạo ra việc làm mới”, Chủ tịch điều hành Axel Dumas cho biết.

Hàng da cao cấp tăng trưởng 18% khi người mua tiếp tục săn lùng những chiếc túi Birkin và Kelly. Doanh số thời trang may sẵn và phụ kiện cũng chứng kiến đà tăng trưởng tương tự. Tuy nhiên, nhu cầu đối với khăn lụa và đồng hồ của hãng có dấu hiệu suy giảm nhẹ, cho thấy một số áp lực khi Hermès phải tìm cách điều hướng trong môi trường nhiều thử thách hơn.

Con số tăng trưởng này hoàn toàn là bởi Hermès luôn tập trung vào tập khách hàng cốt lõi của mình. Ngoài ra, thương hiệu cũng ít bị phụ thuộc vào doanh số từ dòng khách du lịch, không giống như các đối thủ Louis Vuitton hay Christian Dior.

Trong thời gian tới, tập đoàn dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt các quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh công suất hàng da cao cấp thêm 6-7% mỗi năm khi mở rộng các xưởng mới và đào tạo nghệ nhân lành nghề.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm