
Mẹ Kiều Thị Nông (1936)
Quân Nguyễn và Pu Lê cho biết đây là một dự án phi lợi nhuận xuất phát từ mong muốn tri ân những người phụ nữ đã dành cả tuổi xuân và cuộc đời để cống hiến thầm lặng cho hòa bình đất nước. Dự án được khởi xướng bởi cặp đôi chuyên gia làm đẹp và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM thực hiện ngay trước đại lễ.
Kéo dài 2 tuần liên tục, hành trình đã đi qua nhiều quận, huyện thuộc địa bàn TP. HCM như Gò Vấp, Củ Chi, Bình Chánh,… và gặp gỡ 57 Mẹ Việt Nam anh hùng để thăm hỏi, tặng quà. Trong đó, ê-kíp đã di chuyển trực tiếp đến tận nhà riêng của từng Mẹ, dựng bối cảnh và thực hiện hoạt động chụp ảnh chân dung nghệ thuật cho 40 Mẹ.
Tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên, nhân hậu và giàu nghị lực của các Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Nguyễn Thị Hãnh (1924)
Tại mỗi điểm dừng chân, Quân Nguyễn – Pu Lê cùng cộng sự đã thăm hỏi, trao quà, làm đẹp và ghi lại chân dung của từng Mẹ. Những khoảnh khắc xúc động diễn ra khi các Mẹ chia sẻ những câu chuyện về thời chiến, về những mất mát, hy sinh và niềm tự hào dân tộc.
Với tinh thần tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên, thuần hậu và giàu nghị lực của các Mẹ, Quân Nguyễn và Pu Lê cùng các cộng sự là những học viên của mình đã thực hiện “công cuộc làm đẹp” cho các Mẹ một cách đầy tinh tế khi chỉ chải tóc nhẹ nhàng, điểm chút son và chăm chút khăn áo cho từng Mẹ để có được diện mạo chỉn chu khi chụp ảnh.
“Chúng tôi không làm đẹp để các Mẹ khác đi, mà để vẻ đẹp vốn có – sự mộc mạc, chân phương và giàu nghị lực được hiện rõ hơn qua từng bức ảnh” – chuyên gia trang điểm Quân Nguyễn xúc động chia sẻ.

Mẹ Nguyễn Thị Á (1921)
Sau công đoạn chăm sóc diện mạo, nhiếp ảnh gia Milor Trần là nhân vật đồng hành cùng dự án, sẽ đảm nhận vai trò chụp ảnh cho các Mẹ. Chỉ với phông nền xám đơn giản, một ánh đèn dịu nhẹ và gương mặt hiền từ của các Mẹ, từng bức chân dung được hiện lên như những “chứng nhân thầm lặng”, lưu giữ ký ức và tinh thần bất khuất của thế hệ đi trước, qua ánh mắt, nụ cười và từng nếp nhăn in dấu thời gian.
Việc ghé thăm tận nhà các Mẹ và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang đến niềm vui, sự xúc động cho các Mẹ và gia đình, mà còn là niềm vinh hạnh của ekip cũng như đội ngũ đồng hành. Các Mẹ còn tự tay hái trái cây trong vườn gửi tặng và kể lại những câu chuyện thời chiến cho mọi người, như một cách trao lại yêu thương.
Bộ ảnh sẽ được trưng bày tại Triển lãm ảnh nét đẹp phụ nữ Việt Nam

Mẹ Lương Thị Miền (1936)
Dự án là một phần trong chuỗi những hoạt động cộng đồng mà bộ đôi Quân Nguyễn và Pu Lê đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua bên cạnh việc làm đẹp cho các hoa hậu, nghệ sĩ và đồng hành cùng nhiều chương trình, sự kiện lớn. Qua sự kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, hai chuyên gia có cơ hội đóng góp theo đúng chuyên môn của mình trong một dự án giàu ý nghĩa nhân văn, tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Nguyễn Thị Cảnh (1932)
Với Quân Nguyễn và Pu Lê, hành trình này là một trải nghiệm không dễ lặp lại, chuyên gia làm tóc Pu Lê chia sẻ thêm:
“Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự khi được kết nối cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM để có thể thực hiện một hành trình đầy ý nghĩa như thế này. Được tận tay chăm chút cho các Mẹ, được góp phần lưu giữ vẻ đẹp và tinh thần bất khuất của các Mẹ qua những khung hình là một trải nghiệm không thể nào quên”.

Mẹ Trần Thị Tư (1930)
Nhiếp ảnh gia Milor Trần chính là người đồng hành và hỗ trợ thực hiện, ghi lại những hình ảnh đẹp của dự án này. Ngay sau khi được đăng tải, bộ ảnh nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ khán giả, không chỉ bởi ý nghĩa hay tính chất đặc biệt về thời điểm của dự án, mà còn bởi vẻ đẹp của sự hy sinh và tinh thần bất khuất toát lên từ từng bức chân dung nghệ thuật. Việc thực hiện và ra mắt bộ ảnh ngay dịp đại lễ này là một cách thể hiện tinh thần tri ân và lòng yêu nước của những người trẻ, góp phần tôn vinh những đóng góp to lớn của các Mẹ cho nền hòa bình dân tộc.
Đặc biệt, bộ ảnh sau khi hoàn thiện sẽ là một phần trong hoạt động Triển lãm ảnh nét đẹp phụ nữ Việt Nam và Nét đẹp phụ nữ Belarus sẽ diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP. HCM).

Mẹ Võ Thị Tuội (1936)

Mẹ Đỗ Thị Sang (1939)

Mẹ Nguyễn Thị Xa (1931)

Mẹ Dương Kim Lan (1933)
THEO DÒNG SỰ KIỆN 30/4:
HOA HẬU THU UYÊN DIỆN ÁO DÀI BẰNG KHĂN RẰN MỪNG ĐẠI LỄ 30/4
CA KHÚC CỦA DUYÊN QUỲNH VƯỢT MỐC 2 TỶ LƯỢT XEM TRONG ĐẠI LỄ 30/4
TIỂU VY, HÒA MINZY, DIỄM MY 9X NÔ NỨC MẶC ÁO DÀI MỪNG NGÀY 30/4
Harper’s Bazaar Việt Nam