Âm hưởng của Vincent Van Gogh trong thời trang

Hồi tưởng lại các bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ các tác phẩm của danh hoạ người Hà Lan, Vincent Van Gogh

Triển lãm số hóa về Vincent Van Gogh tạo nên một sơn sốt toàn cầu đã cập bến Việt Nam. Điều này cho thấy rằng cuộc sống ngắn ngủi của ông đến nay vẫn truyền cảm hứng cho người khác, vẫn có sức hấp dẫn cả trăm năm sau khi ông qua đời.

Sinh ra ở Hà Lan vào năm 1853, Van Gogh tìm thấy cảm hứng cho mình trên khắp quê hương. Thật không may, ông đã không thành công như một họa sỹ trong suốt cuộc đời của mình. Người ta miêu tả ông là một kẻ điên, người sau đó tự tử vào năm 1890 khi mới 37 tuổi.

Nhờ triển lãm số hóa Van Gogh: The Immersive Experience, người xem có thể hiểu thêm về người đàn ông dù bị mù màu vẫn cho ra mắt những tác phẩm mang sắc màu rực rỡ. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh, trong số khoảng 2.100 bức vẽ ông từng tạo ra, đã được chuyển thể thành những thước phim sống động.

Nhưng bạn có biết rằng những bức vẽ này cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế thời trang? rong thời trang, tác phẩm của Van Gogh có thể được nhìn thấy trong nhiều bộ sưu tập. Từ Dior đến các thiết kế hoạt hình của Jeremy Scott cho Moschino. Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm lại các dấu ấn của danh hoạ Hà Lan trên các sàn diễn thời trang thế giới.

Yves Saint Laurent Xuân Hè 1988

Ảnh: Yves Saint Laurent Museum

Nhà thiết kế gạo cội này đã nhiều lần tìm cảm hứng thiết kế thời trang từ hội họa. “Tôi tin rằng công việc của một nhà thiết kế thời trang cao cấp cũng rất giống công việc của một nghệ sĩ. Trên thực tế, tôi đã liên tục tìm thấy nguồn cảm hứng trong tác phẩm của các họa sĩ đương đại: Picasso, Matisse và Mondrian,” Saint Laurent nói.

Ảnh: Yves Saint Laurent Museum

Bằng chứng là Yves Saint Laurent đã lấy cảm hứng từ các bức tranh Vase With Twelve SunflowersIrises của Van Gogh cho bộ sưu tập thời trang của mình. Hai chiếc áo khoác lụa này được thêu tay bởi những nghệ nhân từ Maison Lesage, xưởng thêu haute couture nổi tiếng Paris từ năm 1924. Mỗi chiếc áo cần hơn 600 tiếng đồng hồ để thực hiện.

Một bức tranh trong series hoa hướng dương của Van Gogh, vẽ năm 1889. Ảnh: Google Arts & Culture Project

Carolina Herrera Bridal Xuân Hè 2010

Các bức họa của Van Gogh thường được bao phủ bởi các màu sắc rực rỡ. Trong khi đó, nhà thiết kế Carolina Herrera vẫn thành công truyền tải tinh thần của bức họa hoa hướng dương khi trong khi vẫn trung thành với chiếc váy cưới màu trắng truyền thống. Trong BST Cưới mùa Xuân 2010, mỗi chiếc váy cưới của bà đều lấy cảm hứng từ các bức họa kinh điển. Từ chiếc váy Henri Matisse lấy cảm hứng từ những đường cắt giấy của nghệ sĩ nổi tiếng, cho đến chiếc váy Georges-Pierre Seurat sử dụng chủ nghĩa điểm nhấn (pointilism).

Vincent van Gogh

Rodarte Xuân Hè 2012

Rodarte đã đưa gần như toàn bộ những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh lên thời trang khi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2012. Từ Bình hoa có mười lăm bông hoa hướng dương, Cánh đồng trắng với máy gặt cho đến bức tranh nổi tiếng Đêm đầy sao. Bộ đôi nhà thiết kế Rodarte mang tới bảng màu đa dạng sắc xanh lá cây và xanh lam – sắc màu bão hòa và rực rỡ là một đặc điểm nổi bật của Van Gogh.

Một thiết kế in họa tiết hoa hạnh nhân. Ảnh: Pinterest

Bức họa Almond Blossom (hoa hạnh nhân) được vẽ nhân kỷ niệm cháu trai của Van Gogh ra đời. Cành hoa trổ bông đại diện cho sức sống mới. Người cháu này được đặt tên là Vincent Willem và sau này cũng mở bảo tàng tưởng niệm người cậu tài năng của mình. Ảnh: Google Arts & Culture Project

Maison Margiela Haute Couture Thu Đông 2014

Bức tranh Hoa Diên Vỹ của Van Gogh trở nên sống động trong thiết kế thời trang haute couture của Maison Margiela. Khi được biến thành đầm thông qua những mảng thêu tay kích cỡ lớn, bức tranh trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự có thể mặc được.

Bức họa Hoa diên vỹ (Irises) vẽ năm 1889. Ảnh: Google Arts & Culture Project

>>> XEM CHI TIẾT: MAISON MARTIN MARGIELA THU ĐÔNG 2014 COUTURE

Viktor & Rolf Haute Couture Xuân Hè 2015

Bức tranh phong cảnh Ruộng lúa mì với cây bách (Wheatfield With Cypresses) của Van Gogh đã mang lại cảm hứng cho hai nhà thiết kế Viktor & Rolf. Tuy nhiên thiết kế của họ theo hướng trừu tượng, avant-garde và không tái hiện 100% bức tranh qua họa tiết như các những nhà mốt khác đã làm trước đấy. Ngược lại, họ cho người mẫu đeo những phụ kiện thời trang trên đầu là những bó lúa mì, và trang phục tái hiện bảng màu sặc sỡ của Van Gogh.

Ảnh: Kim Weston Arnold / Indigitalimages.com

Cặp đôi còn trích dẫn cả phát ngôn mà họ yêu thích nhất của Van Gogh: “Tôi đặt trái tim và tâm hồn vào các tác phẩm của mình đến nỗi lạc mất tâm trí trong đó”, như lý giải cho cái chất điên điên trong bộ sưu tập.

Wheatfield With Cypresses vẽ năm 1889 miêu tả khung cảnh thường thấy ở đồng quê Provence. Tranh vẽ thực tế ngoài trời khi ông có thời gian rời viện tâm thần. Ảnh: National Gallery, London

>>> XEM CHI TIẾT: VIKTOR & ROLF HAUTE COUTURE XUÂN HÈ 2015

Dior Haute Couture Xuân 2017

Maria Grazia Chiuri lần đầu tiên thiết kế thời trang cao cấp (haute couture) cho Dior vào mùa xuân năm 2017, và bà đã tìm cảm hứng từ tranh Khu vườn nở hoa (Jardin Fleuri) của Van Gogh. “Thách thức chính của chiếc váy là phải tôn trọng được màu sắc, các đốm và những bông hoa trên nền”, bà cho biết. Bà đã vẽ vải bằng tay rồi dùng lông vũ kết thành những bông hoa li ti trên nền vải.

Ảnh: Getty Images

Bức tranh Jardin Fleuri vẽ năm 1888. Ảnh: Art.com

>>> XEM THÊM: 6 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ SHOW DIỄN DIOR COUTURE SPRING 2017

Moschino Xuân Hè 2018

Trong show Xuân Hè 2018 của Moschino, giám đốc sáng tạo Jeremy Scott debut một bộ cánh thời trang đậm chất kịch nghệ dựa trên  bức vẽ Bó hoa trong bình (Bouquet of Flowers in a Vase) của Van Gogh. Chiếc nơ đỏ khổng lồ buộc quanh eo Kaia Gerber tượng trưng cho bông hoa lớn màu đỏ ở giữa bức tranh.

Ảnh: Getty Images

Bức tranh Bouquet of Flowers in a Vase được Van Gogh vẽ năm 1890. Các nhà sử gia cho rằng ông đã vẽ bức này trong những ngày cuối đời. Ảnh: The Met

Trần Hùng Pre-Fall 2021

Đặt tên cho bộ sưu tập là Musée d’Art, nhà thiết kế Trần Hùng đã lấy cảm hứng từ những tác phẩm hội họa nổi tiếng. Trong số đó, thiết kế thời trang kết màn do vedette Thanh Hằng mặc miêu tả bảng màu lấp lánh của bức tranh Đêm đầy sao (Starry Night) của Vincent Van Gogh. Nhà thiết kế còn dùng cườm để thêu, đính tay tạo những đường uốn lượn giống với cảnh đêm trên bức họa nổi tiếng.

Ảnh: Trần Hùng

Starry Night vẽ năm 1889. Không chỉ mù màu, Van Gogh còn bị cho là đã ngộ độc chì, do sử dụng sơn vẽ có chứa chì. Một triệu chứng trực quan của ngộ độc chì là sưng võng mạc, gây ra hiệu ứng quầng sáng xung quanh những điểm sáng, được miêu tả trong bức tranh này. Ảnh: Britannica

>>> ĐỌC TIẾP: 6 CON SỐ BIẾT NÓI VỀ SHOW DIỄN MUSÉE D’ART CỦA TRẦN HÙNG

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm