
Đầu tháng 6, Hàn Quốc sẽ cho ra mắt series phim noir hành động (action noir) mang tên Mercy for None trên Netflix. Bộ phim đang nhận sự quan tâm lớn từ khán giả với dàn cast thực lực và đề tài hấp dẫn. Nhân dịp này, hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá phim noir đặc biệt của Hàn Quốc. Ảnh: Netflix
Ở mảng phim chiếu rạp, Oldboy (2003), Memories of Murder (2003), I Saw the Devil (2010), Parasite (2019)… là những tác phẩm điện ảnh kinh điển theo phong cách noir do Hàn Quốc thực hiện. Còn ở mảng truyền hình, My Name (2021), Weak Hero (2022-2025), Buried Hearts (2025) và sắp tới là Mercy for None (2025) được đón nhận vượt biên giới, cho thấy dòng phim noir Hàn còn có thể phát triển mạnh ở mảng phim dài tập.
Để có được những dấu ấn nổi bật như vậy trên bản đồ điện ảnh và truyền hình quốc tế, noir Hàn có bản sắc riêng không hòa lẫn với phong cách noir đến từ các nền điện ảnh đi trước như Mỹ hay Hồng Kông.
Trước khi chạm đến đỉnh cao chất lượng như ngày hôm nay, phim noir Hàn Quốc đã trải qua một quá trình tiếp biến văn hóa từ bên ngoài và mạnh dạn đưa vào đó những thông điệp táo bạo, đậm màu sắc Hàn – thứ tạo nên một diện mạo rất riêng cho dòng phim này trên thế giới.
Lịch sử và quá trình du nhập của phim noir vào Hàn Quốc
Phim Noir là một phong cách, không phải thể loại

Nội dung của những tiểu thuyết trinh thám hardboiled tiếp sức cho sự phát triển của phim noir Hollywood và dần dà du nhập đến các quốc gia khác. Trên hình là 3 tiểu thuyết gia tiêu biểu cho thể loại này: Dashielle Hammett, Raymond Chandler, Chester Gould. Ảnh: Britannica
Cái nôi của phim noir được cho là bắt đầu tại phương Tây, với hai nguồn cội lớn nhất:
- Thẩm mỹ (aesthetics) từ chủ nghĩa biểu hiện Đức trong những năm 1910-1930.
- Nội dung từ những tiểu thuyết trinh thám hard-boiled tại Hoa Kỳ những năm 1920-1930.
Cả hai nguồn cảm hứng thịnh hành trong giai đoạn 1910-1930, cùng các nhà làm phim châu Âu di cư đến Mỹ trong giai đoạn chiến tranh đã dẫn đến những tác phẩm phim noir kinh điển xuất hiện tại Hollywood trong thập niên kế tiếp: The Maltese Falcon (1941) và Double Indemnity (1944).
Sau khi Thế chiến II kết thúc, những bộ phim này được du nhập vào Pháp và các nhà phê bình đã đặt tên cho chúng là film noir – những bộ phim “đen”.
Phim noir là một ý niệm đặc biệt, đây không phải là một thể loại, mà là một phong cách phim. Nhiều người gắn phim noir là “thể loại” nói về tội phạm hoặc những điều trái với luân lý xã hội, nhưng thực chất, phim noir dùng để nói về đặc trưng phong cách, hình ảnh lẫn nội dung: bi quan, thiếu vắng tình người, đầy những vùng xám đạo đức, với hình ảnh ngập trong những mảng sáng tối nặng nề, nhiều phim đen trắng.

The Maltese Falcon (1941). Khi bắt đầu, đa số phim noir có màu đen trắng, đóng góp thêm cho cái tên “noir” có nghĩa là đen. Ảnh: Britannica
Việc hiểu lầm cũng khá dễ xảy ra. Bản thân hai nguồn cảm hứng chủ yếu của phim noir đã nói nhiều về giới tội phạm và những thói hư tật xấu của xã hội.
Chủ nghĩa biểu hiện Đức phát triển trong và sau thế chiến thứ Nhất, thể hiện những nỗi niềm hậu chiến, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra khiến con người buộc phải mưu sinh bằng những nghề không trong sạch. Các tiểu thuyết trinh thám hard-boiled của Hoa Kỳ thịnh hành trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng, chủ yếu theo chân thám tử đối đầu với các tổ chức tội phạm trong một hệ thống tư pháp lũng đoạn ở giai đoạn cấm rượu tại Hoa Kỳ (1920–1933).
Phim noir vì thế có thể nói nhiều về chủ đề tội phạm, nhưng không phải phim thuộc thể loại tội phạm nào cũng là phim noir. Vì thế không có phim nào chỉ thuần là noir, mà thường đi kèm với một thể loại chính: action noir, tech noir…
Công cuộc “Đông tiến” lấy Hồng Kông làm điểm kết nối

A Better Tomorrow (1986), một phim noir Hồng Kông kinh điển của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Ảnh: IMDb
Sau Hollywood từ thập niên 1940, một quốc gia được xem là tiếp tay cho công cuộc du nhập đến châu Á của phim noir là Hồng Kông – kinh đô điện ảnh phát triển sớm và cực thịnh ở châu Á.
Theo giáo sư Stephen Teo trong cuốn International Noir (2014), phim noir chính thức len lỏi vào Hồng Kông từ phong trào điện ảnh New Wave từ năm 1979, cùng các đạo diễn theo học và đào tạo tại phương Tây. Đó cũng là lúc phim noir đang đón nhận làn sóng tác phẩm mới vô cùng xuất sắc như Chinatown (1974), Taxi Driver (1976) tại Hollywood. Việc các đạo diễn học hỏi và du nhập là hiển nhiên.
Các đạo diễn Hồng Kông đã du nhập và làm nên những đặc trưng riêng của phim noir Hồng Kông, kế thừa dòng phim võ hiệp là điểm mạnh của quốc gia này trong thập niên 1950-1960.
Chủ đề nổi bật của noir Hồng Kông vẫn là các tổ chức tội phạm, cụ thể là thể loại là jingfei pian (cảnh sát bắt cướp) – xoay quanh tổ chức tội phạm thực tế trong xã hội lúc bấy giờ là Hội Tam hoàng và lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Tuy nhiên, nhiều bộ phim đề cao tình huynh đệ, kết thúc thường theo hướng “thiện thắng ác”, kẻ ác phải bị trừng phạt thay vì kiểu kết mơ hồ của phương Tây. Kiểu nhân vật chính làm thám tử của Hollywood cũng bị thay thế bằng nhân vật chính trôi dạt vào thế giới ngầm, giống võ hiệp hiện đại lấy bối cảnh thế giới tội phạm.

Phim noir Hồng Kông được yêu thích ở Hàn Quốc từ thập niên 1980, để rồi quốc gia này bắt đầu phát triển riêng phim noir cho mình vào cuối thập niên 1990. Shiri (1999) là một trong những tác phẩm tiên phong tiêu biểu nhất. Các diễn viên trong phim: Han Suk Kyu, Choi Min Sik, Song Kang Ho, đều đã trở thành những diễn viên tượng đài. Ảnh: MUBI
Phim Hàn gia nhập làng sóng phim noir ở châu Á
Ở Hàn Quốc, từ cuối thập niên 1950 cũng đã râm ran những bộ phim noir nói về tâm lý hậu Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa kịp có thời hoàng kim, thập niên 1970 kéo đến sự suy tàn của ngành điện ảnh trong nước do thể chế chính trị. Khán giả Hàn Quốc vì thế tiếp xúc chủ yếu với phim noir từ Hồng Kông. Phim noir Hồng Kông rất được ưa chuộng tại Hàn trong thập niên 1980 đến đầu 1990.
Giữa thập niên 1990, làng phim Hàn có dấu hiệu hồi phục nhờ dòng vốn tập đoàn và thế hệ làm phim mới thúc đẩy tính minh bạch trong sản xuất và hợp lý hóa môi trường làm phim. Đó cũng là lúc môi trường thuận lợi cho phim noir Hàn Quốc bắt đầu hình thành. Đây cũng là thời điểm thịnh hành của neo-noir trên thế giới, nên đa phần phim noir Hàn ban đầu theo neo-noir.
Vì yêu thích phim Hồng Kông nên tồn tại những tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng jingfei như Nowhere to Hide (1999), một vài phim gangster noir như A Dirty Carnival, Breathless, Nameless Gangster, New World. Một số kết hợp cả yếu tố siêu nhiên như A Tale of Two Sisters, Hypnotized, Spider Forest, Yeouido Island cũng từng tồn tại trong phim noir Hồng Kông.

Nowhere to Hide ra mắt năm 1999 của Hàn Quốc lần theo chân cảnh sát bắt sát nhân, một cuộc đối đầu giữa thiện và ác mang đậm âm hưởng noir Hồng Kông. Ảnh: IMDb
Phim Hàn còn có được sự du nhập từ cả Hollywood, theo chân các thám tử như thể hiện qua tác phẩm Memories of Murder, I Saw the Devil. Các yếu tố địa lý trong phim noir Hàn Quốc cũng ấn tượng không kém gì bối cảnh Mỹ: những con phố và ngõ hẻm, đường cao tốc, đại lộ, các tòa nhà chọc trời, quán bar, hộp đêm, và cả những nhà kho mục nát ở Seoul và Busan đều đáp ứng được những đặc trưng đô thị của thể loại này.

Một điểm nữa mà noir Hàn trung thành với noir Hollywood là những cái kết mờ ám, không phân rõ thiện ác. Memories of Murder (2003) với cái kết khi viên cảnh sát phá vỡ bức tường thứ 4, nhìn thẳng vào màn hình khi nhận ra mình đã để xổng tên sát nhân hàng loạt, là một khoảnh khắc ám ảnh trong điện ảnh thế giới. Ảnh: IMDb
Đặc biệt, có ba chủ đề nổi bật về noir Hàn:
- Nhân vật nữ chính cực táo bạo, mạnh mẽ và hấp dẫn đúng chuẩn femme fatale (Hypnotized, The Scarlet Letter, Sympathy for Lady Vengeance, Black House, Helpless, Mother);
- Serial killer noir theo chân những vụ án giết người hàng loạt. Đây là thể loại phim mà Hàn Quốc dễ xếp hàng đầu với loạt tác phẩm như Public Enemy, Bystanders, Black House, The Chaser, Helpless, Confession of Murder – phản ánh lại nạn hoành hành trong xã hội Hàn trong thập niên 80,90;
- Chủ đề trả thù, với biểu hiện tiêu biểu trong bộ ba báo thù của Park Chan Wook – Sympathy for Mr. Vengeance (2002), Oldboy (2003) và Lady Vengeance (2005).
Đặc trưng phim noir Hàn Quốc: Những bi kịch bạo lực toàn diện

Oldboy, I Saw The Devil và The Man From Nowhere được đánh giá là những phim noir bạo lực nhất điện ảnh thế giới. Tất cả đến từ Hàn Quốc. Ảnh: IMDb
Bên cạnh những dòng phim cụ thể, có một điều về phim noir Hàn luôn được giới phê bình chỉ ra, khác biệt với noir tại Hollywood và Hồng Kông: chủ đề u ám, tàn bạo hơn, cùng với mức độ bạo lực nặng nề.
Đây là quan điểm được khẳng định bởi cả giáo sư Stephen Teo của cuốn International Noir (2014) lẫn nhà làm phim Kang Bong Rae trong cuốn 누아르의 타자들 (tạm dịch: The Types of Noir – 2025). Họ nêu ra những tác phẩm Oldboy, A Bittersweet Life, Black House, The Chaser, Handphone, The Yellow Sea, The Man from Nowhere và I Saw the Devil làm minh chứng cho những phim noir bạo lực nhất trong điện ảnh thế giới.
Noir Hàn thường bắt đầu với một nhân vật chịu áp bực, sau đó vùng lên trước bạo lực để rồi họ không bao giờ có được một cái kết có hậu – một thứ mà nhà làm phim Kang Bong Rae gọi là “bạo lực toàn diện, phơi bày sự tự diệt tập thể một cách trắng trợn”. Một thứ mà Joan Copjec gọi trong cuốn Shades of Noir (1993) là “lời cảnh báo về những thảm họa xã hội.” Cơn sốt adrenaline mà người xem có được từ những bộ phim noir Hàn thường kết thúc bằng một cái kết ảm đạm hơn.

Mảng truyền hình cũng có rất nhiều tác phẩm cho thấy đặc trưng độc đáo của noir Hàn. D.P. (2021-2022) giải quyết những vụ bạo lực trong quân ngũ bằng bạo lực, nhưng không phải trường hợp nào cũng kết có hậu. Đây chính là “bạo lực toàn diện”. Ảnh: Netflix
Nguyên nhân được truy vết về bối cảnh xã hội trong quốc gia này: Một xã hội chịu nhiều áp bức, dồn nén, và bạo lực là cách thức giải tỏa với rất nhiều người.
Chẳng hạn, những phim noir có nhân vật nữ femme fatale khám phá những áp bức mà phụ nữ và trẻ em phải chịu trong một xã hội Nho giáo xây dựng từ thời Joseon, nhiều tư tưởng phân biệt giới tính với phái nữ. Hay như giai đoạn bắt đầu xuất hiện nhiều phim noir Hàn là cuối thập niên 1990 – cùng giai đoạn với cuộc khủng hoảng tài chính IMF năm 1997, đã đưa nhiều công dân Hàn lâm vào cảnh khốn đốn, và noir phản ánh một xã hội bất lực dưới bóng đen kinh tế này. Ngay trước đó, thập niên 1980, là những năm tháng u buồn dưới chế độ độc tài quân sự, những con người bị áp bức và những mối hận dồn nén mà cho đến bây giờ vẫn là đề tài của nhiều bộ phim dù không theo phong cách Noir.

Sympathy for Lady Vengeance (2005), phim noir với femme fatale. Ảnh: MUBI
Dù sau này, Hàn Quốc phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng IMF, nhưng những tác phẩm sau vẫn giữ màu sắc bạo lực, phần vì chúng đã có chuỗi tác phẩm tiền nhiệm xuất sắc làm đề tài tham khảo. Phim ảnh, bên cạnh sáng tạo, cũng cần phải có tính kế thừa. Chính điều này đã góp phần làm nên hình ảnh đặc trưng của noir Hàn.
XU HƯỚNG ĐIỆN ẢNH
NGUY CƠ CHO HOÀI THỦY TRÚC ĐÌNH: THỂ LOẠI PHIM CỔ TRANG TIÊN HIỆP HUYỀN HUYỄN ĐANG THOÁI TRÀO?
XU HƯỚNG PHIM HÀN: NHÂN VẬT CHÍNH MỚI LÀ KẺ PHẢN DIỆN
XU HƯỚNG PHIM HÀN: THỜI LƯỢNG NGÀY CÀNG NGẮN VÌ…BỮA ĂN CỦA BẠN?
Harper’s Bazaar Việt Nam