Giữa nhịp sống sôi động của Berlin, phong cách của SIKE, nghệ sĩ trẻ 26 tuổi, đang gây ấn tượng với công chúng. Tác phẩm hội họa của anh đậm chất graffiti đường phố, đồng thời kết hợp với âm nhạc và thời trang. Đáng chú ý anh xuất phát là nghệ sĩ tự học, không qua trường lớp chuyên ngành. Qua các triển lãm cá nhân tại Berlin và New York, Sike đưa công chúng đến với nghệ thuật qua những con đường khác biệt.
Harper’s Bazaar VN: Chào Sike, bạn đã bước chân vào con đường nghệ thuật như thế nào? Tại sao bạn lấy nghệ danh là SIKE?
SIKE: Tôi yêu sự sáng tạo. Khi còn nhỏ, tôi mơ trở thành họa sĩ truyện tranh và đã theo đuổi đam mê này trong thời gian dài. Năm 2010, tôi bắt đầu vẽ graffiti và lấy nghệ danh là SIKE, cái tên đã gắn bó với tôi từ đó. Ký ức rõ nét nhất của tôi về mỹ thuật là chuyến tham quan bảo tàng Brücke ở Berlin hồi mẫu giáo, nơi chuyên về nghệ thuật biểu hiện của Đức. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tái tạo một bức tranh của Ernst Ludwig Kirchner, và trải nghiệm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi — tôi vẫn nghĩ về nó rất nhiều. Kể từ đó, tôi bắt đầu tự vẽ và tự học vẽ tranh.
HBZVN: Là một nghệ sĩ trẻ, môi trường Berlin ảnh hưởng đến bạn và tác phẩm của bạn như thế nào?
SIKE: Berlin là một trung tâm sáng tạo luôn không ngừng thay đổi, và nhịp sống của thành phố đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Tôi tiếp xúc với văn hóa hip-hop từ khi còn nhỏ. Điều đó đã giúp tôi thể hiện cảm xúc của mình — ban đầu qua graffiti, sau đó là hội họa và âm nhạc. Berlin chứa đựng trong mình một nguồn năng lượng độc đáo thúc đẩy sự sáng tạo. Bạn bắt gặp graffiti ở hầu hết mọi góc phố. Bên cạnh đó, bạn có thể liên tục gặp gỡ và trao đổi với những người yêu thích sự sáng tạo và khác biệt.
HBZVN: Bạn vừa làm mỹ thuật vừa làm âm nhạc. Hai khía cạnh này liên quan như thế nào và chúng ảnh hưởng lẫn nhau ra sao?
SIKE: Tôi bắt đầu với âm nhạc vào cuối năm 2019, chủ yếu hợp tác sáng tạo với các nghệ sĩ khác. Vẽ tranh là một quá trình đơn độc: Bạn sáng tạo một mình, đối mặt với thách thức một mình và tự mình giải quyết các câu hỏi mở của tác phẩm. Với âm nhạc, tôi lại trải nghiệm việc sáng tạo mang tính đồng đội. Tôi tràn đầy ý tưởng về khái niệm, hình ảnh và giai điệu, nên muốn thử sức với âm nhạc trong hành trình sáng tạo của mình.
Càng thực hành hai loại hình nghệ thuật, tôi càng nhận ra sự tương đồng trong quá trình sáng tạo. Tôi thường so sánh hai lĩnh vực này. Khi làm nhạc, tôi tự hỏi những câu mà tôi cũng tự hỏi khi vẽ tranh: Làm thế nào để tìm sự cân bằng phù hợp? Điểm nhấn của tác phẩm là gì? Chi tiết nào còn thiếu? Tôi tin rằng mọi loại hình nghệ thuật đều có những mối liên kết như vậy. Đó là sự kết hợp giữa cấu trúc, cảm xúc và trực giác. Hình thức này làm phong phú thêm cho hình thức kia.
HBZVN: Tác phẩm kết hợp nào phản ánh triết lý nghệ thuật của bạn nhất?
SIKE: Năm 2022, tôi ra mắt NFT đầu tiên tại triển lãm cá nhân “ABOVE GROUND” ở Berlin. Tác phẩm này vừa là bản phát hành âm nhạc không chính thức đầu tiên của tôi, vừa là dự án kết hợp nghệ thuật thị giác và âm nhạc. NFT này gồm có một hoạt hình kỹ thuật số phát triển từ một bức tranh trong triển lãm. Bức tranh xoay quanh trục của nó trên nền bài hát do tôi sáng tác. Qua dự án này, tôi vừa kết hợp các lĩnh vực nghệ thuật, vừa khám phá cách công nghệ số mở ra các hình thức nghệ thuật mới.
HBZVN: Bạn mới triển lãm tại New York đầu năm nay. Lần này, bạn giới thiệu dự án hợp tác với thương hiệu thời trang avant-garde T.E.I.N. Bạn làm việc với họ thế nào? Kết quả cuối cùng ra sao?
SIKE: Đúng vậy, buổi triển lãm cá nhân quốc tế đầu tiên của tôi tại New York mang tên “NYNW”. Khách tham quan đắm chìm vào sự kết hợp giữa tranh, âm nhạc và thời trang hợp tác với cặp đôi nhà thiết kế T.E.I.N. Tôi biết đến T.E.I.N. và tác phẩm của họ từ năm 2018. Sau khi họ thiết kế vài món đồ cho tôi, quan hệ của chúng tôi nhanh chóng chuyển thành tình bạn. Trong các buổi triển lãm tranh hồi đó, tôi thỉnh thoảng bán một số trang phục do tôi thiết kế. Tôi muốn kéo dài sự giao thoa này.
Thế là trong triển lãm tại New York, chúng tôi trình diễn một bộ sưu tập nhỏ bao gồm balaclava, mũ, áo hoodie, quần, áo thun, thậm chí cả bikini. Tất cả đều là những món đồ độc bản. Ngoài ra, chúng tôi còn cùng tạo ra hai bức tranh. Các dải vải dài là đặc trưng của T.E.I.N., từng được Madonna, Billie Eilish và Kesha diện. Tôi nảy ra ý tưởng đưa chúng vào tranh. Những dải vải này rủ xuống như một “khung tranh”. Các chi tiết nhỏ cũng được đính thủ công lên tranh. Để tăng hiệu ứng thị giác, chúng tôi dùng xích kim loại treo những bức tranh này từ trần nhà, làm chúng trông như các tác phẩm điêu khắc. Người xem có thể trải nghiệm chúng từ mọi góc độ. Thậm chí cả mặt sau của tranh cũng có ngôn ngữ riêng với các đường may ngược.
Thách thức lớn nhất là kết hợp hai quy trình sáng tạo rất khác nhau — thời trang và mỹ thuật — mà không để lĩnh vực nào bị lấn át. Chúng tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều trước khi tìm được sự cân bằng. Nhưng chính những thách thức đó mới làm cho dự án thêm thú vị và sáng tạo.
HBZVN: Bạn đang hướng nghệ thuật của mình theo hướng nào?
SIKE: Tôi đang hướng ra khỏi việc sử dụng chữ graffiti làm trọng tâm chính trong các bức tranh. Thay vào đó, tôi khám phá các hình thức trừu tượng hơn. Tôi đang thử nghiệm các kỹ thuật mới, đặc biệt trên vải, để tinh chỉnh tác phẩm và tìm ra những cách biểu đạt mới. Đồng thời, tôi cũng sử dụng bài hát nhiều hơn để khám phá và xử lý các chủ đề cá nhân trong âm nhạc.
HBZVN: Những nghệ sĩ nào đã truyền cảm hứng cho? Nếu có thể đi ngược thời gian trở về trò chuyện với các nghệ sĩ trong lịch sử, bạn sẽ chọn ai?
SIKE: Jean-Michel Basquiat, Jean Dubuffet, Kanye West, và nhiều người khác. Basquiat chắc chắn gây ảnh hưởng lớn nhất và là nghệ sĩ tôi yêu thích nhất. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, tôi muốn trò chuyện với Jean Dubuffet. Giống như tôi, Dubuffet là một nghệ sĩ đa ngành, người kết hợp nhiều hình thức sáng tạo khác nhau. Tôi đặc biệt bị thu hút bởi tác phẩm đắm chìm Coucou Bazaar của ông. Khả năng của ông trong việc kết hợp các lĩnh vực khác nhau và tạo ra những trải nghiệm đưa người xem vào một thế giới khác đã truyền cảm hứng giúp tôi vượt ra ngoài hội họa, và bước vào âm nhạc và thời trang.
HBZVN: Hãy kể về một ngày điển hình trong studio của bạn.
SIKE: Ngày của tôi thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Tôi thức dậy và đến phòng gym để nạp năng lượng cho ngày mới. Sau buổi tập, tôi ăn nhẹ và bắt đầu làm việc. Tôi thường làm việc đến tối muộn, tùy thuộc vào lịch trình và cảm hứng. Tôi may mắn có studio riêng, điều này mang lại rất nhiều tự do. Khi muốn vẽ hay làm nhạc, tôi có thể chuyển đổi dễ dàng giữa cả hai. Tôi tự sản xuất và thu nhạc nên không bị phụ thuộc vào kỹ sư âm thanh. Khi có ý tưởng, tôi có thể thực hiện ngay lập tức, nhờ đó tôi có được sự linh hoạt và tự do sáng tạo lớn.
HBZVN: Nhiều nghệ sĩ thích sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Dù còn trẻ, bạn có sưu tầm nghệ thuật không? Nếu có, bạn quan tâm đến nghệ sĩ nào?
SIKE: Có, tôi thích sưu tầm nghệ thuật. Tôi sở hữu một số tác phẩm của các nghệ sĩ graffiti và một tác phẩm nhỏ của Ar Penck. Tôi đang có kế hoạch mở rộng bộ sưu tập của mình trong tương lai. Tôi đặc biệt quan tâm tác phẩm của những nghệ sĩ như Robert Nava. Tôi đã nhắc đến anh trong một bài hát của mình, nói về việc mua một tác phẩm của anh ấy. Tôi cũng thích Eddie Martinez và những nghệ sĩ truyền cảm hứng cho tôi.
HBZVN: Hiện tại bạn đang hào hứng với ý tưởng gì?
SIKE: Tôi đang lên kế hoạch cho hai triển lãm tiếp theo. Một ở Berlin, và một sẽ ở nước khác.
HBZVN: Kế hoạch sắp tới của bạn?
SIKE: Đầu năm 2025, tôi sẽ triển lãm cá nhân tại Philippines. Tiếp theo là một triển lãm ở Berlin vào giữa hoặc cuối năm. Trong cùng năm đó, tôi phát hành hai đĩa đơn mở rộng (EP) liên kết với nhau về mặt chủ đề, nhưng lại tương phản rõ rệt. Tôi dự định bàn đến sự khác biệt này trong triển lãm ở Berlin.
Tôi sẽ thể hiện chữ graffiti trên vải và trong các tác phẩm trừu tượng. Triển lãm ở Berlin sẽ kết thúc giai đoạn vẽ graffiti trên vải và khởi đầu một giai đoạn mới trong hành trình nghệ thuật của tôi. Các tác phẩm trừu tượng có thể nhấn mạnh sự chuyển đổi này, cũng như giới thiệu sự phát triển nghệ thuật của tôi — hội họa hòa với âm nhạc.
An ARTCODED Production @art.coded.
Artist: SIKE @artistsike.
Interview: Susan Shin @susanshin88.
Pictures: Bloccboi @bloccc.boi.
Video: Pasquiat @pasquiat.
Sound track: Pasquiat & Matt Mendo.
Music Studio Credits.
Red Bull Music Studios Berlin.
Harper’s Bazaar Việt Nam