Review Cửu Trọng Tử: Vì sao phim đánh bại các dự án S+ khác?

Ngay khi sắp kết thúc năm 2024, các fan cổ trang lại tìm thấy một câu chuyện ngọt ngào mới, nữ diễn viên Mạnh Tử Nghĩa là nữ thần mới của khán giả, còn nam diễn viên Lý Quân Nhuệ trở thành “người đàn ông cuối cùng mà tôi theo đuổi trong năm nay”.

Ảnh: Weibo

Trong một năm mà các bộ cổ trang bị chỉ trích nặng nề, lại có hai tác phẩm xuất sắc nổi lên là Vĩnh Dạ Tinh HàCửu Trọng Tử. Đặc biệt, phim Cửu Trọng Tử thậm chí không phải là một tác phẩm nhận được sự đầu tư S+ nhưng lại nổi trội về danh tiếng hơn rất nhiều các bộ phim được đầu tư nặng ký khác.

So với những bộ phim S+ hoành tráng của các nền tảng xem phim khác nhau, dàn diễn viên của Cửu Trọng Tử có danh tiếng khiêm tốn. Nữ chính Mạnh Tử Nghĩa và nam chính Lý Quân Nhuệ không có quá nhiều tác phẩm lớn trước đó. Cả hai đều được biết đến chủ yếu với các vai nam thứ và nữ phụ, chưa từng có sức hút lớn đối với fan.

Dàn ê-kíp đứng sau cũng không nổi trội, do đó Cửu Trọng Tử từng bị cư dân mạng gọi là sản phẩm làm qua loa. Biên kịch không có nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Đạo diễn Tăng Khánh Kiệt chủ yếu chỉ làm phim ngắn, và Cửu Trọng Tử chính là bộ phim dài tập đầu tiên của anh.

Vậy mà chính cái bộ phim không được đánh giá cao này lại mang đến bất ngờ lớn nhất cho dòng phim cổ trang Hoa ngữ trong năm 2024.

Cửu Trọng Tử được đánh giá tròn vẹn ở mọi mặt: Nhịp phim vừa đủ nhanh, cốt truyện không có lỗ hổng logic, thiết lập nhân vật thông minh. Quan trọng hơn hết, đạo diễn và biên kịch của Cửu Trọng Tử đã cho thấy không cần kinh phí lớn cũng đủ để làm nên một bộ phim cổ trang hay, đánh bật quan niệm về tỉ lệ thuận giữa tiền đầu tư và chất lượng phim.

Câu chuyện có chiều sâu, đã được nâng tầm

Cửu Trọng Tử đánh bại bao nhiêu bộ cổ trang S+?

Ảnh: Weibo

Cửu Trọng Tử được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả văn học mạng Chi Chi. Dù tác giả Chi Chi cũng tham gia vào quá trình chuyển thể kịch bản, nhưng phiên bản truyền hình đã được cải biên một cách triệt để bởi Giả Bân Bân cùng các biên kịch khác. Vấn đề cải biên luôn là cơn ác mộng của nhiều fan nguyên tác văn học mạng, nhưng đôi khi cũng là chìa khoá cho thành công của phiên bản điện ảnh.

Một kịch bản chuyển thể thành công khi giữ được tinh hoa của nguyên tác, nhưng vẫn đưa vào đó nhiều sáng tạo bằng ngôn ngữ của điện ảnh. Nếu quá cứng nhắc với nguyên tác, bộ phim rất dễ tạo cảm giác đều đều của lối kể chuyện trong tiểu thuyết, như một cuốn sổ ghi chép theo các cột mốc thời gian, khó tạo ra sức hấp dẫn trong việc xây dựng nhân vật cũng như tạo ra sự kịch tính cho câu chuyện.

Việc chuyển thể của phim Cửu Trọng Tử đã thành công ở chỗ nó giữ lại được những điểm thú vị và sự hấp dẫn của nhân vật trong thể loại truyện trọng sinh, xuyên không, đồng thời mang lại sự căng thẳng trong mạch truyện qua cách thể hiện trên màn ảnh.

Câu thoại hay, kịch bản chắc tay làm nên sức hút cho Cửu Trọng Tử

Ảnh: Weibo

Nữ chính Đậu Chiêu, sau khi mẹ qua đời, đã rất hiếu thảo với cha và mẹ kế, lại còn nghe theo sự sắp xếp của gia tộc, kết hôn và quản lý công việc gia đình. Nhưng những gì cô đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức lại chỉ đổi lấy việc chồng và em gái kế của mình có quan hệ không trong sáng, và cô còn phát hiện ra cái chết của mẹ mình có điều gì đó mờ ám. Người cha mà cô từng kính trọng và mẹ kế của mình hóa ra là những kẻ phản bội.

Nam chính Tống Mặc từ khi còn trẻ đã liên tục trải qua những chuyện đau thương. Anh chứng kiến vị lang y trung thành suốt đời vì đất nước bị vu khống và chết thảm, cả gia đình bị tàn sát, sau đó lại phải đối mặt với việc cha anh âm mưu hãm hại mẹ và khiến anh bị vu oan là kẻ ti tiện, vị quân vương mà anh dốc lòng cũng chỉ là một hoàng đế ích kỷ.

Một người muốn báo thù cho mẹ, nhưng thân thể đã kiệt quệ, một người muốn rửa oan cho bác, nhưng lại rơi vào đường cùng. Hai người đã đi đến cuối con đường sống bất ngờ gặp nhau, kính trọng và trân trọng lẫn nhau, nhưng cuộc đời này lại có duyên mà không có phận, nhiều hơn là sự bất cam. Không cam lòng cả đời bị lợi dụng, không cam lòng khi người thân bị hại mà không thể báo thù thay cho họ.

Ảnh: Weibo

Trong cuộc gặp gỡ này, biên kịch không để họ hứa hẹn tình yêu, cũng không cho họ những cảnh chặn tường, hôn bất ngờ, thậm chí cả hai cũng không có ý nghĩ yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể nhìn thấy sợi chỉ đỏ của tình duyên và định mệnh bao quanh hai nhân vật chính khi họ gặp gỡ. Những cặp đôi “ngọt ngào” thật sự không cần dùng đến những lời thề thốt, chỉ cần rung cảm ngầm mạnh mẽ bao quanh.

Những ai muốn xem chiều sâu câu chuyện cũng sẽ bị những câu thoại của biên kịch cảm động. Biên kịch không để cho nam và nữ chính biết được vận mệnh bi thảm của nhau, chỉ dùng một câu “Người sắp chết, cả đời sai lầm” mà khiến họ hiểu được nhau. Như ánh chớp của con chuồn chuồn lướt qua mặt nước, nhưng lại đánh trúng trái tim nhân vật và khán giả. Những câu thoại sắc bén và sâu sắc như vậy, kết hợp với phong cách cổ điển của dòng phim cổ trang, Cửu Trọng Tử gần như nắm bắt hoàn hảo tinh hoa của nó.

Nữ chính do Mạnh Tử Nghĩa thủ vai nhận được sự đồng cảm của khán giả

Ảnh: Weibo

Trước khi phim ra mắt, Cửu Trọng Tử không được xem là phim nữ chủ (có nữ chính mạnh mẽ), nhưng cách xây dựng nhân vật nữ chính lại khiến khán giả thực sự cảm nhận thế nào là người phụ nữ quyền lực.

Sức mạnh của Đậu Chiêu (do Mạnh Tử Nghĩa đóng) đến từ việc cô luôn sống vì chính bản thân mình. Dù là nắm lấy sự hỗ trở để vươn lên trong thương trường, hay cố gắng tích lũy sức mạnh để đấu tranh với số phận, cố gắng thay đổi vận mệnh kiếp trước, Đậu Chiêu luôn dùng mọi nỗ lực của mình để đấu tranh với trời, với số phận.

Thể loại phim xuyên không, trọng sinh thường có thiết lập “bàn tay vàng” cho nhân vật chính. Mở tính năng “bật hack”, nhân vật này có thể dễ dàng vượt qua mọi trở ngại. Nhưng Đậu Chiêu không như thế. Cô không có bất kỳ “bàn tay vàng” nào, cũng không có vầng hào quang của một nhân vật chính có thể giết thần diệt Phật, nhưng cô đã dựa vào trí tuệ và chiến lược để tạo ra một sự dựa vào cho chính mình, cũng tạo ra một thế lực có thể dùng cho chính bản thân.

Sử dụng trí tuệ để thay đổi số phận, đó chính là điều mà bất kỳ ai cũng có thể dễ đồng cảm và nhìn thấy bản thân ở bên trong nhân vật.

Ảnh: Weibo

Ví dụ như, cách Đậu Chiêu khuyên nhủ những người xung quanh. Với ân nhân của kiếp trước, người mà cô kính trọng và thương tiếc – Tống Mặc, Đậu Chiêu sẽ khuyên anh ta trong lúc anh ta cảm thấy oan ức, giận dữ, muốn bộc lộ tất cả để tìm công lý: “Hãy giấu đi sự sắc bén của mình”, giúp anh ta hiểu rằng đôi khi công lý cần phải tranh đấu, nhưng không thể vội vàng.

Hay là nam chính Tống Mặc, dù không có ký ức kiếp trước, phải dựa vào những gì mình thấy trước mắt để đưa ra quyết định, anh không điềm tĩnh như Đậu Chiêu. Tuy nhiên, rất nhiều chi tiết đều thể hiện sự ăn ý giữa họ. Chẳng hạn như trong một đêm mưa, cả hai vô tình bị cuốn vào một trận đấu trí. Tống Mặc quay về kinh thành mạo hiểm tính mạng để bảo vệ con trai út của Định Quốc công, lên kế hoạch đưa đứa trẻ đến nơi an toàn. Trên đường đi, anh đụng độ đoàn người của Đậu Chiêu, và phó tướng của Tống Mặc bất ngờ gặp mưu sĩ của cô. Cả hai bên nhanh chóng nhận ra thân phận của nhau.

Ảnh: Weibo

Dù Tống Mặc vốn là người thiện lương, anh buộc phải đưa ra quyết định khó khăn: ra lệnh diệt cả làng để tránh rủi ro cho cậu bé – người thân duy nhất còn lại của bác anh – đồng thời bảo vệ chính mình và phó tướng khỏi tội chết. Đây không phải vì anh không muốn làm người tốt, mà vì tình thế buộc anh phải chọn ai đáng để bảo vệ.

Mặt khác, Đậu Chiêu, dù biết Tống Mặc là người thiện tâm, cũng không mơ tưởng rằng anh sẽ mạo hiểm để tha cho dân làng. Cô xem đây là một cục diện sống còn và đấu trí với anh, quyết tâm tìm mọi cách để giành lấy một cơ hội sống sót. Qua tình tiết này, có thể thấy cả Tống Mặc lẫn Đậu Chiêu đều không phải kiểu nhân vật hoàn mỹ, đơn thuần. Họ sẵn sàng đứng lên vì công lý, nhưng cũng không ngại dấn thân vào những quyết định tối tăm để bảo vệ những người họ yêu thương.

Thậm chí, cô em kế, vốn là một nhân vật nữ phụ đầy thủ đoạn trong kiếp trước, dưới sự thay đổi của hoàn cảnh trong kiếp này, cũng đã có được một chút tia sáng riêng cho mình.

Ngôn ngữ bằng hình ảnh sống động

Ảnh: Weibo

Một nhóm nhân vật hay và xuất sắc, nếu không gặp được một đạo diễn tài năng, người có thể biến những dòng chữ trong kịch bản thành những câu chuyện “sống động”, thì cũng sẽ để lại tiếc nuối. Về phương diện này, Cửu Trọng Tử thực sự đã mang lại rất nhiều bất ngờ.

Cảnh mở đầu, khi hoàng thái tử tự vẫn, khí tiết của một hoàng thái tử, sự tức giận của một tướng quân trẻ, độ phức tạp của tình huống thực tế, sự tàn ác của âm mưu và sự bất lực của vận mệnh đều đã được trình bày rõ ràng với khán giả.

Các cảnh đấu võ sau đó, những cảnh xung đột giữa các nhân vật, sự điều chỉnh hình ảnh và việc thêm nhạc nền đúng lúc càng đẩy cảm xúc của khán giả lên cực điểm. Thậm chí những cảnh không có lời thoại của nhân vật cũng khiến khán giả cảm nhận được sự biến động ẩn sâu bên trong.

Ảnh: Weibo

Khi xem xong, bạn sẽ nhận thấy nhiều bộ phim cổ trang cấp độ đầu tư S+, dù có kịch bản xuất sắc, đôi khi vẫn cảm thấy bình thường, không có gì nổi bật. Điều này không chỉ là vấn đề của kịch bản, mà đôi khi còn do cách quay và dựng phim. Quay phim không chỉ cần đẹp, mà còn cần phải có ngôn ngữ truyền tải câu chuyện không cần lời thoại. Ngôn ngữ bằng hình dù không lời thoại nhưng nhất định phải có cảm xúc.

Ví dụ như cảnh sau trận đấu mưa, hai nhân vật chính nhìn nhau qua làn nước rơi. Cảnh một đứa trẻ chạy, hai nhân vật nhìn nhau từ xa, một người mang theo ký ức của kiếp trước nhìn lại người cũ, có rất nhiều lời muốn nói nhưng không thể nói ra; còn người kia, mang theo sự tò mò nhìn người đẹp, không biết được sự thật bên trong, lại cảm thấy vô cùng quen thuộc. Cảm giác định mệnh cứ thế hiện ra, giống như sự gặp gỡ trong kiếp trước của họ, im lặng mà lại ẩn chứa sức mạnh, vượt qua cả lời nói. Không cần những câu đường mật, nhưng lại khiến trái tim khán giả rung động, không có thứ gì có thể quyến rũ hơn một không khí đầy cảm giác định mệnh.

Ảnh: Weibo

Cảnh nhìn nhau giữa nhân vật nam phụ và nữ chính cũng rất chạm vào cảm xúc, đạo diễn không vì mối quan hệ này không phải là tuyến tình cảm chính mà bỏ qua sự tỏa sáng giữa các nhân vật, mà trái lại, ông đã làm cho sự hấp dẫn của toàn bộ câu chuyện được bộc lộ rõ ràng, khiến cho nó trở nên cân đối và có hương vị hơn.

Các nhân vật phụ không chỉ đứng yên chờ đến lượt mình khi cảnh quay chuyển sang nhân vật chính, và nhân vật chính cũng không dừng lại khi camera chuyển đến nhân vật phụ. Thời gian của tất cả nhân vật đều đồng bộ, chứ không phải chỉ khi máy quay đến đâu, thì thời gian của nhân vật đó mới chuyển động.

Có thể sẽ có người nghĩ, trong các cảnh nhóm, mọi người đều làm tốt vai trò của mình, chẳng phải đây là điều bình thường sao? Đúng vậy, đây là điều bình thường, nhưng rất nhiều đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn các bộ cổ trang, lại không kiên trì với quy tắc này, dẫn đến việc nhiều bộ phim giống như những tấm hình chiếu slide. Mặc dù câu chuyện có vẻ đang tiến về phía trước, nhưng lại cảm thấy càng xem càng gượng gạo.

Cửu Trọng Tử cho thấy đạo diễn và biên kịch quan trọng không kém diễn viên

Ảnh: Weibo

Diễn xuất của các diễn viên dễ dàng được khán giả chú ý, và thường trở thành người chịu trách nhiệm khi bộ phim thất bại, nhưng tầm quan trọng của đạo diễn và biên kịch đối với một bộ phim, đặc biệt là vai trò của đạo diễn, lại rất dễ bị bỏ qua. Một đạo diễn giỏi, một biên kịch giỏi, và những diễn viên tài năng, mới có thể cùng nhau tạo ra một câu chuyện có linh hồn.

Sự ra đời của Cửu Trọng Tử đã cho khán giả thấy được sức mạnh của đạo diễn và biên kịch, đồng thời cũng khiến thị trường nhận ra tại sao những bộ phim S+ với đạo diễn và biên kịch nổi tiếng lại liên tục thất bại khi họ chỉ sơ sài trong công việc. Hy vọng rằng những bộ phim chế tác tồi tệ sẽ ít đi, và sẽ có nhiều bộ phim cổ trang thực sự tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật như Cửu Trọng Tử. Các nhà sản xuất cần phải hiểu rằng, khán giả không hề mệt mỏi với thể loại cổ trang, mà chỉ là mệt mỏi với sự thiếu chân thành.

TIN LIÊN QUAN:

 

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm