Khoa học chứng minh: Đi mua sắm giúp ta hạnh phúc hơn

Lần gần nhất bạn “chốt đơn” là khi nào? Đêm qua, sau khi áp các mã giảm giá trong quá trình “săn sales”? Cuối tuần rồi, khi có thời gian lượn trung tâm thương mại hay đợi các chiến dịch ngày đôi ở các sàn thương mại điện tử?

liệu pháp mua sắm

Vì sao ta cảm thấy hạnh phúc khi đi mua sắm? Bạn tin không, đó là một liệu pháp tâm lý mang theo nhiều lợi ích về tinh thần và xã hội

Ngày nay, mua sắm không chỉ là nhu cầu thiết yếu. Đôi khi, bạn mua một vật phẩm nào đó không phải vì cần, mà vì thích, hay vì chúng mang lại niềm vui. Trong tâm lý học, đó là liệu pháp mua sắm. Nếu đã từng xem phim Confessions of a Shopaholic (Lời tự thú của một tín đồ mua sắm), bạn sẽ nhận thấy nhân vật “điên cuồng” thế nào khi mua sắm vào mùa giảm giá. Giọng ca Ariana Grande cũng từng hát về sở thích mua sắm trong 7 Rings: “I see it, I like it, I want it, I got it (yeah)”, kể rằng cô mua nhẫn để đeo cùng sáu cô bạn thân.

Khi tâm trạng không vui hay gặp stress, chúng ta có xu hướng đi mua sắm để giải tỏa. Khi vui vẻ, ví dụ trong chuyến du lịch, tâm trạng thư giãn cũng lại làm con người thích hoạt động mua sắm. Chính vì thế mà các thương hiệu xa xỉ luôn đặt cửa hàng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Bạn đồng ý là bạn thấy vui hơn khi cầm trên tay một món đồ mới sắm được, bất kể đó là gì hay không?

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, liệu pháp mua sắm (retail therapy) tác động tích cực đến sức khỏe cảm xúc của mỗi người.

liệu pháp mua sắm

Bên ngoài một cửa hàng thời trang.

Liệu pháp mua sắm mang đến các hóc-môn hạnh phúc

Có nhiều cách lý giải vì sao chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vui tươi khi mua sắm. Mua sắm giúp não tiết ra Dopamine và Serotonin, những chất dẫn truyền tích cực mà con người cần. Serotonin giúp điều hòa tâm trạng, giảm lo âu căng thẳng. Dopamine cho ta tận hưởng trọn vẹn sự hưng phấn thỏa mãn khi “chốt đơn”.

Khi bạn hạnh phúc với trải nghiệm mua sắm, Dopamine sẽ giúp não ghi nhớ kỹ cảm giác khi ấy, để khuyến khích bạn lặp lại lần sau. Như một liệu pháp tâm lý, não mặc định việc mua sắm sẽ “cắt đôi nỗi sầu”. Bạn chỉ việc tìm đến nó để giải sầu những khi tâm trạng ngổn ngang. Dần dà, mọi thứ trở thành thói quen.

Nghệ thuật đánh lạc hướng

Liệu pháp mua sắm khiến chúng ta hạnh phúc, vì chúng khiến ta xao nhãng khỏi những căng thẳng hàng ngày. Khi lượn lờ, bạn đắm chìm vào các sản phẩm, sự chú ý dịch chuyển khỏi các trọng trách thường nhật, làm nên cảm giác nhẹ nhõm. Lúc ấy, chúng ta tạm quên đi deadline đang đợi ở công sở, hay trận cãi vã với nửa kia ở nhà…

Các sản phẩm thu hút thị giác, mùi hương của loại nước hoa mới, âm nhạc du dương của trung tâm thương mại hay kiểu dáng trang phục mới giúp tinh thần chúng ta dễ chịu, phấn khởi. Việc mua sắm, dù ở cửa hàng, trung tâm thương mại hay trên các sàn thương mại điện tử đều là hành trình đưa bạn đến những điểm đến, môi trường mới. Chúng tựa như “liều thuốc cho trái tim”, tạo nên cảm giác phấn khích, nâng cao tâm trạng.

Các trung tâm mua sắm trang hoàng lộng lẫy giúp ta "thoát ly thực tại". Ảnh: Mrs Claus Bakery at Landmark, Hồng Kông.

Các trung tâm mua sắm trang hoàng lộng lẫy giúp ta “thoát ly thực tại”. Ảnh: Mrs Claus Bakery at Landmark, Hồng Kông.

Yêu và được yêu

Trong quá trình mua sắm, mọi người tập trung vào nhu cầu và sở thích cá nhân. Việc khám phá hằng hà sa số sản phẩm bày ra trước mắt, so sánh, chọn lựa và tưởng tượng việc mình sử dụng chúng thế nào, làm nên cảm giác hoàn thiện bản thân và được yêu chiều.

Ta thường nói rằng: biết yêu mình trước thì mới có thể yêu người khác. Cách chúng ta đối xử với bản thân mình cũng là cách để thế giới nhận ra phải đối xử, trân trọng bạn thế nào. Quá trình này giúp bạn đắm chìm trong hình dung tươi đẹp về một tương lai. Chẳng hạn, khi mua sắm một chiếc đầm, chúng ta sẽ nghĩ mình sẽ phối với chiếc túi hay đôi giày nào trong tủ đồ. Những hình dung tích cực về tương lai ấy cho chúng ta niềm yêu đời.

Thắt chặt mối quan hệ xã hội

Một khía cạnh quan trọng khác của liệu pháp mua sắm là quá trình tương tác và kết nối xã hội. Người viết bài này có một người bạn rất thích đi chợ, vì thích cảm giác trả giá, tương tác qua lại với các chủ sạp hàng. “Vui mà”, cô chia sẻ.

Ở góc độ tâm lý học, trải nghiệm mua sắm liên quan đến tương tác, giao tiếp với nhân viên bán hàng giúp nuôi dưỡng cảm giác kết nối với người khác. Đi mua sắm với người thân và bạn bè còn củng cố sự gắn kết, thân thiết và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm lâu dài. Niềm vui cùng khám phá, ngắm nhìn các sản phẩm mới, đưa ra lời khuyên và cùng nhau đồng hành góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc, viên mãn, cảm giác thuộc về và được ủng hộ, sẻ chia.

Những lời khen ngợi, trầm trồ từ đồng nghiệp, bạn bè, nhân viên bán hàng hay thậm chí là người lạ cũng có thể giúp bạn tự tin hơn; mang cho bạn cảm giác được công nhận. Cảm giác này tác động đáng kể đến tâm trạng, thúc đẩy tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc.

Cho thể chất khỏe mạnh!

Nhịp sống công sở khiến con người lười vận động. Ai cũng hiểu những lợi ích của vận động, nhưng đôi khi chúng ta bỏ qua vì bận rộn hoặc đơn giản là… lười. Thế thì hãy để mua sắm giúp bạn vận động. Trung tâm thương mại Debenhams (Anh), đã khảo sát trên 2.000 phụ nữ về lợi ích của việc mua sắm đối với sức khỏe. Kết quả cho thấy khi mua sắm, trung bình mỗi người có thể tiêu hao đến 400 calories; tương tự với 40 phút chơi tennis hay đi bộ tám kilomet.

Những phụ nữ đi mua sắm hàng tuần ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và sở hữu vóc dáng cân đối. Một báo cáo của BMJ Journals cũng khẳng định mua sắm giúp giảm 27% tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi. Rõ ràng đi “lượn” các trung tâm mua sắm không làm bạn có cảm giác mệt mỏi hay nhàm chán đơn điệu như khi luyện tập ở phòng gym!

Mua sắm giúp ta hạnh phúc hơn

Ảnh: Mean Girls.

Cảm giác thành tựu với liệu pháp mua sắm

Vài năm gần đây, thương mại điện tử và săn sales trở thành những từ khóa của cả thế giới. Bạn chỉ là “dân shopping sừng sỏ” khi đã từng săn sales thành công. Các chiến dịch khuyến mãi không chỉ nhằm đẩy mạnh sức mua mà còn đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.

Việc mua sắm mang lại cho bạn cảm giác thành tựu, được tưởng thưởng. Hãy nghĩ đến những món đồ bạn ao ước, dành dụm trong thời gian dài rồi mới sở hữu được. Rất thỏa mãn, phải không? Các chương trình giảm giá có tác dụng tương tự đối với tâm lý của người mua. Săn được deal hời giúp mang đến cảm giác chiến thắng.

Về một mặt khác, mua sắm quá đà có thể dễ dàng khiến ta mất kiểm soát. Vì thế, đừng quên hành động “chốt đơn” tuy mang rất nhiều lợi ích tâm lý như đã kể trên, nhưng cũng có thể rất có hại. Nhớ kiểm soát tài chính hiệu quả, tránh lâm vào cảnh nợ thẻ “ngập đầu”. Tín đồ mua sắm trong Lời tự thú của một tín đồ mua sắm từng phải đông đá chiếc thẻ ngân hàng theo nghĩa đen, để tránh tiêu dùng quá mức. Mua sắm trong giới hạn, biết dừng đúng lúc hay chọn thời điểm phù hợp, sẽ là cách giúp ta vừa vui, vừa xả stress mà vẫn quản lý tài chính hiệu quả.

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm