10 mẹo du lịch bền vững bạn có thể áp dụng ngay và luôn

Khi đọc, hãy nghĩ về những thực hành mà bạn có thể áp dụng cho chuyến đi kế tiếp và mãi về sau nhé!

mẹo du lịch bền vững

Đi xe đạp là 1 trong 10 mẹo du lịch bền vững mà bạn nên áp dụng. Ảnh: Shutterstock

Thuật ngữ “bền vững” phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong ngành du lịch, khái niệm du lịch bền vững đã không còn xa lạ với các cơ sở làm dịch vụ và du khách. Hiểu một cách đơn giản nhất thì du lịch bền vững tức là hướng đến việc giảm thiểu tối đa các chi phí, nâng cao lợi ích du lịch cho khách thập phương và người dân bản địa. Đây cũng là hướng đi bền vững, lâu dài, không làm ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái.

Nếu như hiểu được du lịch bền vững là một chuyện, thì đưa nó vào thực tế lại là chuyện khác. Đó là lý do tại sao Harper’s Bazaar đã tổng hợp 10 mẹo du lịch bền vững. Mục tiêu giúp bạn trở thành một du khách thân thiện với môi trường và có ý thức xã hội hơn. Khi đọc, hãy nghĩ về những thực hành mà bạn có thể áp dụng cho chuyến đi kế tiếp và mãi về sau nhé!

10 mẹo du lịch bền vững để chuyến đi thêm ý nghĩa

1. Không đi theo lối mòn

Mặc dù có thể bạn sẽ muốn đến những điểm đến hot mà mọi người đang check-in trên Instagram, nhưng khám phá những nơi ít người qua lại có thể còn bổ ích hơn. Thực tế là nhiều điểm du lịch nổi tiếng không đáp ứng được kỳ vọng. Bạn có thể phải dành hàng giờ xếp hàng tới lượt chụp hình. Và cái kết “đắng” sau đó là phát hiện ra điểm đến không lung linh giống như trên mạng.

Hãy xem xét ngoài danh sách “top điểm đến/điểm tham quan hàng đầu”, khám phá thêm trên Google Maps hoặc hỏi người dân địa phương hoặc những du khách khác để được giới thiệu thêm vài địa điểm độc lạ thú vị khác. Thay vì ở lại các trung tâm du lịch lớn, hãy đến thăm các thành phố nhỏ hơn hay chuyển ra vùng nông thôn, ngoại ô. Làm như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho các điểm đến đã quá đông đúc. Đồng thời lan tỏa lợi ích du lịch đến các cộng đồng địa phương khác.

Trong trường hợp bạn đang khao khát đến các điểm đến nổi tiếng, hãy cân nhắc lên lịch cho chuyến đi của mình vào mùa thấp điểm.

2. Hãy chậm lại và nán lại lâu hơn tại một địa điểm

Trong lúc tự lên lịch trình chuyến đi, hãy nên tham khảo chứ đừng hoàn toàn đi theo lịch trình của các công ty lữ hành. Họ đã cố nhồi nhét hoạt động tham quan trong một ngày càng nhiều điểm đến càng tốt. Đây là yếu tố thu hút khách du lịch mua tour.

Mặc dù một hành trình dày đặc có vẻ lý tưởng trên lý thuyết, nhưng bạn có thể sẽ dành phần lớn thời gian của mình để vội vã từ nơi này đến nơi khác. Vì cố chạy cho đủ “KPI” list tham quan mà bạn bỏ lỡ cơ hội thực sự tìm hiểu về điểm đến. Thứ bạn lắng đọng lại có lẽ chỉ là… những bức hình check-in trong gấp gáp.

mẹo du lịch bền vững

Khám phá các bảo tàng địa phương là mẹo du lịch bền vững hay nên cân nhắc. Ảnh: Shutterstock

Nếu đã đi du lịch tự túc, hãy đi chậm lại và dành nhiều thời gian hơn để khám phá điểm đến. Việc này sẽ cho phép bạn thực sự trải nghiệm nơi mình đang đến. Khi không vội vã, bạn có thể đắm mình vào nền văn hóa, kết nối sâu sắc hơn với người dân địa phương cũng như tìm hiểu những nét quyến rũ độc đáo ở điểm đến. Tham gia lớp học nấu ăn để nếm thử hương vị địa phương và học cách chế biến các món ăn truyền thống. Dành một ngày đi bộ hoặc đạp xe quanh thị trấn và bạn chắc chắn sẽ khám phá ra những viên ngọc ẩn như một quán cà phê “local” lý thú. Hay dạo quanh một bảo tàng và thu nạp cho mình một núi thông tin hay ho.

3. Sử dụng phương tiện giao thông phù hợp

Khoảng 8% lượng khí thải carbon trên thế giới là do du lịch và lữ hành gây ra. Do đó, ngành du lịch là tác nhân đáng kể gây ra biến đổi khí hậu. Các hình thức di chuyển đều tạo ra phần lớn lượng khí thải carbon của du lịch. Mặc dù tất cả phương tiện giao thông đều cần năng lượng, nhưng có một số loại hiệu quả và sạch hơn những cái khác. Cách bạn đến/đi và khám phá xung quanh điểm đến của mình cũng tạo nên sự khác biệt.

Khi đi nghỉ ở những điểm đến gần hơn, hãy đi tàu hỏa hoặc xe khách để giảm lượng khí thải của máy bay. Đồng thời bạn được đắm mình vào cảnh đẹp hai bên đường. Khi đến đích, hãy cân nhắc đi xe buýt, tàu điện hoặc đạp xe thay vì thuê ô tô. Nếu phải thuê ô tô, mẹo du lịch bền vững là hãy chọn xe điện, xe hybrid hoặc xe cỡ nhỏ.

4. Tiết kiệm nước và năng lượng, ngay cả khi bạn ở khách sạn

Ngoài vận tải, du lịch còn phụ thuộc vào năng lượng. Khách du lịch thường tiêu thụ nhiều nước và năng lượng hơn đáng kể so với cư dân địa phương. Nhiều điểm đến đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng và dân số tăng, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn.

Khi đi du lịch, hãy làm những gì có thể để tiết kiệm nước và điện giống như khi bạn ở nhà. Tắt đèn, TV và mọi thiết bị điện tử khác khi không sử dụng. Khi rời khỏi phòng khách sạn, hãy tắt máy lạnh hoặc tăng nhiệt độ lên vài độ. Tắm vòi sen thay vì tắm bồn và tắm càng nhanh càng tốt. Tự giặt quần áo và treo thông báo để tránh thay drap/khăn không cần thiết. Bạn cũng có thể giảm “dấu chân môi trường” của mình bằng cách ở trong một chỗ nhỏ hơn, tiện nghi cơ bản hơn (miễn là nó vẫn đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bạn). Ngoài ra cũng ưu tiên cơ sở lưu trú sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công nghệ tiết kiệm nước/năng lượng.

5. Bù đắp lượng khí thải carbon của bạn

Mặc dù bạn luôn cố gắng giảm thiểu mức sử dụng năng lượng, nhưng một số khí thải vẫn không thể tránh khỏi. Đơn cử như việc bạn đi máy bay. Bạn có thể bù đắp lượng khí thải nhà kính này thông qua một quy trình được gọi là “bù đắp carbon” hay carbon offsetting.

Bù đắp carbon là một cơ chế cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức chịu trách nhiệm về lượng phát thải khí nhà kính của mình bằng cách đầu tư vào các dự án giúp giảm hoặc loại bỏ một lượng phát thải tương đương ra khỏi khí quyển. Các dự án bù đắp carbon cũng có thể tạo ra những lợi ích vượt xa mục tiêu giảm khí thải, chẳng hạn như tạo việc làm tại địa phương, cải thiện vệ sinh hoặc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sân bay Changi ở Singapore cho phép hành khách tính toán lượng khí thải carbon dựa trên điểm khởi hành, điểm đến và hạng di chuyển trên trang web hoặc ứng dụng Changi của sân bay. Từ đó, hành khách có thể tùy chọn bù đắp lượng khí thải bằng cách thanh toán cho các dự án phát triển bền vững. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm hiểu thông tin các dự án bù đắp carbon qua những tổ chức uy tín như chương trình Sáng kiến Bù đắp Carbon Việt Nam (VIET TREE), Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Vietnature).

6. Ủng hộ cơ sở địa phương, các hộ kinh doanh vừa và nhỏ

Chọn ăn ở các nhà hàng địa phương và thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc trong vùng. Ảnh: Shutterstock

Mẹo du lịch bền vững khác là hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Cân nhắc ở tại các nhà trọ/khách sạn do người dân địa phương làm chủ thay vì khách sạn do người nước ngoài làm chủ hoặc các chuỗi khách sạn quốc tế. Ăn tối tại nhà hàng địa phương và thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc trong vùng. Hãy thoát khỏi vùng an toàn của bạn và vui vẻ khám phá chợ dân sinh ở điểm đến. Mua gia vị do nông dân địa phương trồng hoặc đồ trang sức do nghệ nhân địa phương chế tác. Mặc dù việc trả giá cũng có ở nhiều nền văn hóa và được chấp nhận, nhưng đừng keo kiệt quá. Nếu bạn đặt tour trọn gói, hãy chọn một đơn vị ưu tiên các nhà cung cấp địa phương.

Đôi lúc, có thể bạn sẽ muốn cho tiền người ăn xin. Nhưng tốt nhất là nên tránh hành vi này vì nó thường gây hại nhiều hơn là có lợi. Tệ nhất, ăn xin có thể là một hình thức buôn người, sử dụng lao động trẻ em. Ngay cả khi không phải như vậy, việc cho tiền người ăn xin có thể thúc đẩy sự phụ thuộc vào lòng tốt của khách du lịch. Một giải pháp thay thế tốt hơn là đóng góp cho tổ chức từ thiện ở địa phương.

7. Tôn trọng cộng đồng địa phương

Một trong những điều tuyệt vời của du lịch là nó cung cấp cái nhìn bao quát về các truyền thống, tín ngưỡng và văn hóa. Hãy nắm bắt cơ hội này để mở rộng tầm nhìn của bạn bằng cách chấp nhận sự khác biệt và đắm mình vào nền văn hóa bản địa.

Bạn nên bắt đầu tìm hiểu các nền văn hóa khác bằng cách đọc về lịch sử, truyền thống và nghi thức địa phương trước khi đến thăm. Tải xuống ứng dụng ngôn ngữ và học một vài cụm từ trong ngôn ngữ địa phương. Lưu ý một số cử chỉ, trang phục hoặc từ ngữ nhất định được coi là xúc phạm ở một số điểm đến. Ngoài ra, hãy đặc biệt lưu ý khi đến thăm các địa điểm tôn giáo hoặc tâm linh. Bạn chỉ đến những địa điểm chào đón khách du lịch và tuân thủ mọi nghi thức.

Dù có đến đâu chăng nữa, hãy nhớ rằng nơi bạn đang đến là nhà của người khác. Tuân thủ luật pháp và hướng dẫn của địa phương, từ luật giao thông đến các biện pháp phòng ngừa sức khỏe và an toàn cá nhân. Cố gắng hết sức để giữ nguyên những nơi bạn đã đến để các thế hệ du khách và cư dân tương lai cũng có thể tận hưởng chúng.

8. Tránh sử dụng nhựa dùng một lần

Khi ăn uống đường phố, hãy chọn những nơi bày bán đồ ăn được đựng bằng các sản phẩm thân thiện môi trường . Ảnh: Shutterstocks

Mỗi năm, 8 triệu tấn nhựa trôi ra đại dương. Con số này tương đương với mỗi phút có một xe chở đầy rác nhựa đổ xuống biển. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người tiêu dùng, công ty và chính phủ bắt đầu từ chối sử dụng nhựa dùng một lần.

Một trong những mặt hàng nhựa phổ biến nhất mà khách du lịch sử dụng là chai đựng đồ uống dùng một lần. May mắn thay, có một giải pháp đơn giản: mang theo bình nước tái sử dụng của riêng bạn trong chuyến đi. Nếu bạn lo lắng về chất lượng nước ở điểm đến, hãy mang theo một chai nước có máy lọc tích hợp. Chai đựng sản phẩm vệ sinh cá nhân có thể “refill” là một vật dụng thân thiện với môi trường khác nên thêm vào checklist của bạn.

Một cách dễ dàng khác để giảm rác thải nhựa là thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Khi đến nhà hàng, hãy ăn tại chỗ thay vì mua mang về. Đến các khu ẩm thực đường phố địa phương, hãy chọn những nơi bày bán đồ ăn được đựng bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể phân hủy sinh học. Một số du khách cũng chọn mang theo hộp đựng và đồ dùng có thể tái sử dụng của riêng họ. Nhìn chung, tốt nhất là ăn thực phẩm hoặc đồ uống tươi, xuất xứ địa phương. Ngay cả một việc đơn giản như yêu cầu nhân viên pha chế không lấy ống hút cũng có thể giúp thúc đẩy những thay đổi lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Luôn mang theo chai nước có thể refill. Ảnh: Shutterstock

9. Tham quan các công viên và khu bảo tồn

Các công viên quốc gia, khu bảo tồn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của hành tinh chúng ta. Nhiều quốc gia dựa vào các loại phí du lịch như vé vào cửa, giấy phép điều hành hoặc thuế phòng khách sạn để bảo tồn những địa điểm và động vật đặc biệt này.

Khi đến thăm bất kỳ khu vực tự nhiên nào, hãy luôn có trách nhiệm bảo vệ. Tránh làm suy thoái môi trường nhạy cảm hoặc làm phiền động vật hoang dã. Song song đó luôn tuân thủ mọi hướng dẫn dành cho du khách và áp dụng nguyên tắc “không để lại gì ngoài những dấu chân”.

10. Chọn nơi lưu trú và đơn vị điều hành có chứng nhận bền vững

Cách tốt nhất để bạn có thể thúc đẩy du lịch bền vững là ủng hộ các doanh nghiệp đang giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp vào phúc lợi của cộng đồng địa phương. Hãy tìm hiểu xem họ có các chứng nhận du lịch bền vững uy tín không?

Đơn cử như Hotel Sustainability Basics của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Đây là chương trình xác minh độc lập, được giám sát bởi các đơn vị đánh giá là Green Key và SGS. Chương trình này áp dụng trong các khách sạn với quy mô khác nhau. Trong đó có 12 nhóm tiêu chí nhằm giảm lượng khí thải carbon, quản lý năng lượng, quản lý nước và chất thải, đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ hoạt động của khách sạn…

Tại Việt Nam hiện nay, tuy không nhiều cơ sở có chứng nhận quốc tế, nhưng những nỗ lực thực hành bền vững cũng là yếu tố đáng khích lệ, ủng hộ. Ví dụ như khăn tái sử dụng nhiều lần, lựa chọn không dọn phòng mỗi ngày, nhà tắm tối ưu hóa sử dụng nước, khu vực lọc nước và cung cấp nước uống, kế hoạch tái chế, ưu tiên mảng không gian xanh, sử dụng nguyên liệu tại địa phương, cung cấp tour và các hoạt động thực hiện bởi hướng dẫn viên, doanh nghiệp địa phương… Nhiều cơ sở lưu trú bền vững còn thực hiện loại bỏ nhựa dùng 1 lần như ống hút nhựa, ly nhựa, dao dĩa muỗng bằng nhựa…

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm