Nhiếp ảnh gia Tuấn Trần: Tôi thích cái đẹp

Khi tất cả đang chậm lại vì nhiều lý do, tay máy trẻ vẫn trụ vững. Chìa khóa chủ chốt giúp cho thành công của Tuấn Trần là tâm thế làm nghề của anh.

Nhiếp ảnh gia Tuấn Trần. Ảnh: Dương Hữu Nghĩa

Tuấn Trần không trực tiếp đứng dưới ánh đèn flash. Anh mang đến hào quang cho mọi người bằng ống kính của mình. Song, với lượng sự kiện lớn đã đảm nhận, anh có hào quang riêng trong địa hạt nhiếp ảnh. Số lượng đi cùng với chất lượng, nét chỉn chu kèm chiều sâu duy trì trong thành phẩm của anh.

Khi được hỏi: “Nếu đặt cho mình một danh xưng định vị trong giới nhiếp ảnh, anh nghĩ đó là gì?”. Tuấn Trần suy nghĩ một lúc nhưng không phải là để nghĩ ra từ khóa thể hiện cái tôi lớn lao nào: “Là Photographer Fashion Event (Nhiếp ảnh gia sự kiện thời trang)”. Anh cười và tiếp lời: “Một vài người bạn thân thiết đặt cho tôi biệt danh vui vui là Tuấn Luxury. Dù là tên gọi nào, tôi đều thấy mình may mắn khi được chuyên chụp cho các sự kiện thời trang cao cấp”.

Sự khiêm tốn, kính nghiệp khó xoay chuyển của Tuấn Trần phần nào lý giải cho rung cảm chân thật từ hình anh chụp. Bạn cũng sẽ nhận thấy điều đó nếu có dịp trò chuyện với Tuấn Trần.

Nhiếp ảnh gia Tuấn Trần: Tên thật là Trần Mạnh Tuấn, sinh năm 1993 tại Nga. Anh học ngành Tài chính Doanh nghiệp tại trường Đại học Hoa Sen.

Anh đã từng làm việc tại những sự kiện thời trang xa xỉ của các thương hiệu như: Dior, Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Tiffany & Co., BVLGARI, Van Cleef & Arpels… Những biểu tượng phong cách đã xuất hiện trước ống kính của anh: Jessica Jung, siêu mẫu Thanh Hằng, Châu Bùi, Thảo Nhi Lê, Chi Pu…

Rẽ hướng trái ngành để theo đuổi đam mê

Ảnh: Dương Hữu Nghĩa

Tuấn Trần lựa chọn trái ngành để đến với nhiếp ảnh. Ở trường đại học, khi cuộc sống còn xoay quanh những con số và phép toán, anh biết về thế giới sôi nổi của nhiều ngành nghề sáng tạo và bị thu hút bởi thế giới ấy. Phân vân giữa việc học hát hay theo đuổi cái đẹp bằng nhiếp ảnh, cuộc “kéo co” lựa chọn đam mê của anh có phần thắng nghiêng về nhiếp ảnh:

“Tôi thích cái đẹp, tôi muốn sáng tạo, khai thác sao cho sản phẩm lột tả được cái đẹp của nhân vật, truyền tải thông điệp nào đó”.

Năm 2014, anh mua chiếc máy ảnh Canon 60D bằng tiền tiết kiệm. Một năm sau, được người quen giới thiệu, anh làm việc cho trang tin chuyên về sự kiện, nghệ thuật.

Lần tác nghiệp đầu tiên của anh diễn ra khá… hỗn loạn. Đó là một sự kiện nhạc rock, dòng nghệ thuật nổi danh với văn hóa cuồng nhiệt không phải lúc nào cũng dành cho đại chúng. Chưa từng đi sự kiện, anh không khỏi choáng ngợp trước âm lượng và những màn xô đẩy.

Tuấn Trần ôn lại kỷ niệm lần đầu chạm ngõ nhiếp ảnh có một không hai: “Ngày hôm đó mọi người biểu diễn quá “nhiệt” nên hàng xóm xung quanh có phản ứng. Những viên đá không biết từ đâu được ném xuống, tôi đội nón bảo hiểm để tiếp tục chụp hình”. Bạn có thể nghĩ bước khởi đầu sự nghiệp của Tuấn Trần chông gai thật! Song, ký ức của anh về buổi tác nghiệp đầu chỉ có từ khóa: “Mới lạ lắm!”, “Các anh nghệ sĩ rất chất”. Không xem đó là “kiếp nạn”, anh hào hứng khi được dung nạp nhiều kiến thức và năng lượng, biết ơn vì “cuối cùng cũng có thu nhập nhờ công việc mình đam mê”.

Lần đầu tiên tác nghiệp trở thành chuyên môn về sau của Tuấn Trần.

Lạc quan thẳng tiến

Ảnh: Dương Hữu Nghĩa

Những năm gần đây, Tuấn Trần cắm được hai cột mốc mới trong sự nghiệp: Một là thành lập đội ngũ ăn ý. Hai là có được lượng khách ổn định, luôn tin tưởng và ưu ái.

Hỏi về những trăn trở trong hành trình nhiếp ảnh của Tuấn Trần, anh chiêm nghiệm đúc kết bằng hai từ “khó khăn”. Thuở mới vào nghề, Tuấn Trần bất an. Anh không biết làm thế nào để có được công việc đều đặn, thu nhập ổn định. Bố mẹ càng không yên lòng khi thấy con đi sớm về khuya. Điểm bùng phát trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia bắt đầu từ một cột mốc.

Tháng 9­–2022, anh đến New York tác nghiệp. Anh nhận định đây là khi mà bố mẹ tin tưởng vào con đường anh đã chọn. Nhiều năm kể từ ngày đặt viên sỏi đầu tiên, anh mới có thể thuyết phục được gia đình. Tuy nhiên, tư duy lạc quan, yêu nghề vẫn từng bước theo Tuấn Trần:

“Lúc nào tôi cũng nghĩ đây chính là cuộc sống của mình. Tôi được tiếp xúc với những người giỏi ở nhiều lĩnh vực. Mỗi người lại chỉ bảo, truyền cảm hứng cho tôi. Biết ơn hơn nữa khi tôi bắt đầu với mảng sự kiện, được tiếp xúc với nhiều kiến thức hay. Tiếc là tôi không có siêu năng lực để học hết kiến thức lúc đi tác nghiệp, không thì tôi đã trở thành nhà thông thái rồi!”

Không bao giờ tiếc thời gian, công sức để thành phẩm được vẹn toàn

Ảnh: Dương Hữu Nghĩa

Xem phần nguồn nhiếp ảnh ở các sự kiện thời trang trong nước, bạn dễ bắt gặp tên của Tuấn Trần. Năm vừa qua, dù thu nhập giảm 30% do ảnh hưởng suy thoái, anh nhẹ nhõm vì lượng công việc vẫn ổn định.

Trò chuyện với Tuấn Trần, bạn sẽ nhận ra hai điều góp phần kiến tạo thành công cho nhà nhiếp ảnh trẻ, giúp anh đứng vững trước những khó khăn. Trước hết là tinh thần hào sảng khi làm nghề. Ba ngàn tấm đã chỉnh cho một sự kiện là con số ấn tượng mà anh từng thực hiện. Tốn nhiều sức lực nhưng anh lại bứt rứt hơn nếu có ảnh đẹp mà không giao đến chủ nhân tấm hình.

Con số trung bình 180 giây để chỉnh một bức hình sự kiện, đối với Tuấn Trần là lâu, nhưng cần thiết. Có lẽ vì vậy mà thành phẩm của anh luôn làm hài lòng mọi người.

“Tốc độ chỉnh hình của tôi vẫn như thời mới bắt đầu. Hóa ra là do tôi cầu toàn, luôn muốn tấm hình được chỉn chu nhất có thể. Giữa lúc chỉnh màu, tôi không làm một mạch, để mắt có thời gian điều chỉnh cân bằng trắng, hình sẽ được đúng màu hơn”.

HIỂU TUẤN TRẦN QUA NHỮNG CON SỐ

• 25-35 là số sự kiện anh tham dự trong một tháng
• 180 là số giây trung bình để chỉnh một tấm hình sự kiện
• 3.000 là kỷ lục số tấm hình chọn lọc cho một sự kiện

Mang ảnh đến tay đúng người, đúng thời điểm rất áp lực. Kể cả khi đội ngũ có bốn người, vào mùa cao điểm, vẫn có ngày anh chỉ ngủ được 1­–2 tiếng. Đi tác nghiệp ở nước ngoài cũng không mấy khi anh được thưởng thức cảnh đẹp hay ẩm thực, bởi hầu hết thời gian đều dành ra để chăm chút cho từng bức hình.

Vậy mà tinh thần Tuấn Trần mang đến cho những buổi chụp hình lúc nào cũng đầy năng lượng. Đó cũng là chìa khóa thành công thứ hai: Anh rất biết cách “trao quyền” làm chủ tấm hình cho người trước ống kính.

“Tôi hạn chế việc có khoảng cách với người đứng trước ống kính của mình. Có những vị khách chưa dạn dĩ thì tôi sẽ giao tiếp để họ cảm thấy thoải mái, chủ động hơn. Đó là bản năng của tôi!”, Tuấn Trần tiết lộ bí quyết. Đồng thời, anh luôn chủ động mời những vị khách vào khung hình của mình, để khi kết thúc, mỗi người đều có thể lưu lại chút gì đó kỷ niệm về sự kiện.

Cứ như vậy, với nỗ lực hết mình cho từng tấm hình của Tuấn Trần ngày càng giúp anh nhận nhiều sự kiện tầm cỡ. Song song, anh duy trì dự án họa báo, nhiếp ảnh ẩm thực. Dù trải nghiệm đa lĩnh vực, Tuấn Trần vẫn cảm thấy mình được thỏa niềm đam mê cái đẹp trong nhiếp ảnh sự kiện:

“Nhiếp ảnh sự kiện là cái duyên ban đầu, cũng là sở trường về sau. Tôi được bắt trọn váy áo bay bổng dưới góc nhìn “nghệ” đúng với niềm yêu cái đẹp, được cùng sáng tạo với khách hàng”.

Sau vạch đích này sẽ là vạch đích khác

Ảnh: Dương Hữu Nghĩa

Khi đã thành công, người ta rất dễ ngủ quên trên chiến thắng, vậy Tuấn Trần làm thế nào để giữ bản thân mình luôn tỉnh thức? Đối diện với câu hỏi, anh khẳng định mình khó mà ngủ quên bởi vẫn còn nhiều điều không ngừng nhắc nhở anh cần phải tiếp tục chuyển động, phát triển bản thân.

“Xung quanh tôi có rất nhiều người giỏi, nên không phải có nhiều show, được nhiều người tin tưởng hợp tác, thấy thành phẩm ổn là tôi nghĩ mình được thả lỏng, tự tin. Thay vào đó, phải luôn lắng nghe, trau dồi, thích nghi với thời cuộc”.

Với Tuấn Trần, quan trọng vẫn là tìm biên độ “vùng vẫy” phù hợp. Anh lựa chọn phát triển bản thân theo chiều ngang, đầu tư cho sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp để mang đến trải nghiệm tốt hơn khi trò chuyện, tác nghiệp cho khách hàng. Anh cũng chưa bao giờ quên đắp bồi cho cảm hứng nhiếp ảnh:

“Cảm hứng của tôi chủ yếu đến từ phim ảnh. Tôi xem phim để lắng nghe nhân vật, quan sát cách họ biểu đạt cảm xúc. Từ đó, tôi học được cách nắm bắt ánh mắt, đọc trạng thái khuôn mặt. Dạo gần đây, tôi thường dành thời gian xem những bộ phim kinh điển như: 12 Angry Men (1957), Goodfellas (1990) và Pulp Fiction (1994)”.

Vẫn còn nhiều hoài bão chờ nhiếp ảnh gia Tuấn Trần mở khóa. Anh kỳ vọng: “Tôi mong mình ngày càng có nhiều cơ hội mở rộng phạm vi tác nghiệp. Được dùng ống kính gửi đến những hình ảnh đẹp nhất của thương hiệu, ngôi sao từ các sự kiện trong và ngoài nước là điều mà tôi mong muốn và sẽ phấn đấu để đạt được”.

BA ĐIỀU MONG ƯỚC CỦA TUẤN TRẦN CHO TƯƠNG LAI

• Có nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân, để sức khỏe được đi song hành và tương trợ cho đam mê làm nghề.
• Đội ngũ sẽ phát triển theo năm tháng, cùng “đồng cam cộng hưởng” làm khách hàng hài lòng.
• Tình hình kinh tế chung sớm phục hồi, ổn định trở lại để mọi người đều có thể vững tâm và hết mình với công việc.

*** Êkíp thực hiện ***

Photo: Dương Hữu Nghĩa
Stylist: Nguyễn Tấn Thành
M.U.A: Viên Hữu Đức
Retoucher: Đức Đặng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm