Quý 2/2024, tập đoàn Richemont bị ảnh hưởng vì giá vàng tăng

Biên lợi nhuận của tập đoàn sở hữu Cartier, Van Cleef & Arpels, Vacheron Constantin bị ảnh hưởng bởi nhu cầu mua sắm giảm ở Trung Quốc và giá vàng kỷ lục

Cửa hàng của Vacheron Constantin tại Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: Vacheron Constantin

Tập đoàn xa xỉ Thụy Sỹ Richemont, chủ sở hữu các thương hiệu cao cấp bao gồm Cartier, Chloé và Van Cleef & Arpels, đã có nửa đầu năm 2024 nhiều áp lực bởi nhu cầu hàng xa xỉ ở thị trường Trung Quốc quan trọng đang ở mức thấp kỷ lục, trong khi đó chi phí sản xuất tăng cao do giá vàng thế giới tăng đột biến.

Tổng quan báo cáo tài chính của tập đoàn Richemont tính đến hết Quý 2/2024

Tổng doanh thu kết thúc sáu tháng tính đến tháng 9/2024 đạt 10,1 tỷ Euro, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận hoạt động giảm 17%, chỉ còn 2,2 tỷ Euro.

Tập đoàn Richemont bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái vẫn đang diễn tiếp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực quan trọng mang đến 1/3 tổng doanh thu của thương hiệu. Tuy doanh số ở Mã Lai, Nam Hàn có sự tăng trưởng mạnh, song điều này chưa đủ để cứu vãn sự sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc. Kết quả là tổng thị trường Châu Á – Thái Bình Dương giảm đến 18%.

“Rõ ràng là Trung Quốc đang trải qua sự suy thoái”, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Richemont, ông Nicolas Bos báo cáo. “Chúng tôi không biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu và liệu đã chạm đáy hay chưa”.

Nhu cầu mua sắm kém tại thị trường Trung Quốc đang gây trở ngại cho toàn bộ ngành hàng xa xỉ trong hai năm qua. Các tập đoàn đối thủ của Richemont như LVMH, Kering, Burberry đều chứng kiến ​​lợi nhuận giảm sút tại thị trường này.

Tuy nhiên, doanh số yếu kém tại thị trường Trung Quốc được phần nào bù đắp bởi những thị trường khác. Cụ thể, châu Mỹ tăng 10%, Nhật Bản tăng 32%, Trung Đông và châu Phi tăng 11%. Châu Âu cũng tăng trưởng nhờ lượng khách du lịch đổ dồn về trong mùa hè vừa qua.

Trang sức và thời trang ổn định, đồng hồ giảm

Bên cạnh tình hình yếu kém ở Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng thất vọng vì biên lợi nhuận hoạt động (operating profit) thấp hơn dự kiến. Lý do vì giá vàng tăng đột biến khiến toàn bộ chi phí sản xuất ở cả ngành hàng đồng hồ và trang sức của tập đoàn Richemont vượt ước tính trong Quý 2/2024.

Về mặt các ngành hàng, các thương hiệu trang sức vẫn tăng trưởng ổn định. Cartier, Van Cleef & Arpels và Buccellati ghi nhận doanh số tăng 4% trong thời kỳ. Nhà phân tích Luca Solca của Bernstein cho biết: “Các hãng trang sức, chiếm phần lớn lợi nhuận của tập đoàn – đã có kết quả kinh doanh khả quan”.

Vì lẽ đó, tập đoàn Richemont vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng trang sức. Vào tháng 9/2024, tập đoàn đã hoàn tất quá trình mua lại thương hiệu trang sức cao cấp Vhernier, chi trả nốt 94 triệu Euro để sở hữu nhà mốt thành lập năm 1984 ở Milan, Ý.

Mặt tiền cửa hàng Vhernier ở Dubai. Ảnh: Vhernier on X/Twitter

Trong khi đó, thị phần đồng hồ gặp khó khăn với doanh số giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Phát biểu về tình hình của ngành đồng hồ hiện tại, ông Nicolas Bos cho rằng tập đoàn “sẽ kỷ luật và thận trọng liên quan đến vấn đề sản xuất quá mức, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với các điều kiện thị trường thay đổi”.

Thời trang cũng là điểm sáng trong báo cáo tài chính kết thúc quý 2/2024 của tập đoàn Richemont. Các thương hiệu như Alaïa, Chloe và Peter Millar ghi nhận doanh số tăng 2%.

Chủ tịch tập đoàn Richemont, ông Johann Rupert, chúc mừng các nhân viên vì sự cố gắng duy trì “hoạt động bền vững trong một thế giới mà sự bất ổn đã trở thành chuẩn mực. Dù tôi thận trọng trong bối cảnh bất ổn này, tôi tin tưởng vào khả năng vượt qua những khó khăn của cả chu kỳ hiện tại cũng như tương lai”.

TIN KINH DOANH THỜI TRANG:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm