Doanh nhân Diễm Hương, nhà sáng lập Quilling Card

Nữ doanh nhân, người mang nghệ thuật xoắn giấy và đôi tay tài hoa của nghệ nhân Việt ra thế giới với Quilling Card

Doanh nhân Diễm Hương, nhà sáng lập Công ty Thiếp Xoắn giấy Quilling Card.

Doanh nhân Diễm Hương, nhà sáng lập Công ty Thiếp Xoắn giấy Quilling Card.

Cuộc hẹn của chúng tôi diễn ra lúc 11 giờ đêm bên Mỹ. Sau một ngày dài, chị vẫn rất năng lượng. Nói là hẹn nhưng câu chuyện lại bắt đầu với chủ đề… chạy bộ. Chị kể mình đang chuẩn bị cho Chicago Marathon (10–2024), London Marathon (4–2025). Chị đã hoàn thành Boston Marathon (4–2024). Biết đến chạy bộ từ năm 46 tuổi, sau những cảnh báo nghiêm túc của cơ thể về sức khỏe. Hiện tại, chỉ sau bốn năm, chị đã hoàn thành nhiều chặng marathon và half marathon nổi tiếng.

Chị cười nói: “Hàng xóm và bạn bè hay nói chị là Forrest Gump phiên bản nữ, từ chuyện đời đến chuyện chạy bộ. Thực ra, 15 phút đầu cuộc chạy là khó khăn nhất. Khi chạy, chị không nghe nhạc mà lắng nghe nhịp tim và tiếng bước chân của mình. Đó là lúc chị xả stress”. Nếu biết về hành trình sự nghiệp và khởi nghiệp của chị, bạn sẽ thấy thành tích chạy này là lẽ thường.

Người phụ nữ ấy là Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương, Giám đốc Công ty thiệp xoắn giấy thủ công Quilling Card.

Sau hơn một thập kỷ thành lập, Quilling Card giờ đây có hàng nghìn nghệ nhân. Từ nhà xưởng ở Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, họ chế tác những tấm thiệp, xuất khẩu khắp thế giới. Quilling Card là nhà cung cấp thiệp xoắn giấy hàng đầu thế giới với hơn 20 triệu tấm thiệp đã chế tác. Xoắn giấy vốn là nghệ thuật có từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng chị Diễm Hương và đội ngũ Quilling Card đã làm tốt đến nỗi thế giới nghĩ rằng Quilling là nghệ thuật thủ công mỹ nghệ cổ truyền của Việt Nam, tựa như sơn mài, hay các nghề thủ công khác.

Một tác phẩm của Quilling Card.

Một tác phẩm của Quilling Card.

Hành trình đến với nghệ thuật thiệp giấy xoắn

“Lần đầu tiên tôi biết đến xoắn giấy là từ một bức tranh mua trong nhà sách Nguyễn Huệ”, chị chia sẻ. “Thế hệ chúng tôi hầu như ai cũng khéo tay và giỏi thủ công, vì thời đó, bạn phải tự tay làm hết”. Bức tranh ấy vẽ phong cảnh miền quê Việt Nam, khiến chị cảm động sâu sắc. “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây, nên ca cải lương mùi lắm đó!”, chị dí dỏm.

Diễm Hương, Quilling Card.

Từng có thời gian nắm vai trò chủ chốt trong tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, chị Diễm Hương sau đó theo ông xã Raphael Wolf (người Mỹ gốc Do Thái) về Mỹ. Vốn định sẽ phát triển một công việc kinh doanh để là cầu nối đi về giữa hai quê, chị tìm tòi nhiều hướng kinh doanh. “Ông xã tôi làm trong ngành dệt may. Trong một lần về Việt Nam, có người rủ đến xưởng Quilling (xoắn giấy), nhưng anh nghe nhầm thành Quilting (may ghép) nên nhận lời. Từ đây, mối duyên với Quilling lại bắt đầu”. Ngay trong tối hôm đó, chị đã đăng ký công ty và bắt đầu hành trình với Quilling Card.

Khi ấy, Diễm Hương vẫn làm việc cho tập đoàn vì chưa chắc chắn điều gì. Năm 2012, chị “xin nghỉ phép hai tuần để mang Quilling Card đến hội chợ. Nhìn quan khách yêu thích sản phẩm, tôi biết mình có tương lai”. Từ đây, chị mạnh dạn thôi việc để tập trung toàn phần cho Quilling Card. “Tôi và chồng vét hết tiền để mua đơn hàng đầu tiên. Hăm hở là thế nhưng khi giới thiệu 130 tấm thiệp đầu tiên, chúng tôi chỉ bán được 30 mẫu”. Đây tựa như một “cú đấm” cảnh tỉnh chị. “Thế là, chúng tôi lao vào cải thiện chất lượng sản phẩm”.

Quilling Card.

Chinh phục thế giới với đôi tay Việt tài hoa

Thời gian đầu, chị đặt hàng qua nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo. “Tôi mời cô giáo về dạy, mời mọi người đến học. Ai đến là nhận lương theo ngày. Ngày đầu tiên, số lượng người đến chỉ vừa đủ một bàn, đa phần là người nhà”.

Là lĩnh vực quá mới mẻ, cái khó của chị Hương và Quilling Card khi ấy là “thuyết phục và cho mọi người thấy rằng đây là một nghề nghiêm túc, có thể đi cùng và nuôi ta cả đời”. Đó là khó khăn ở Việt Nam. Còn ở Mỹ, công chúng hầu như chưa có khái niệm về thiệp thủ công xoắn giấy. Chưa kể, giá thành thiệp còn cao hơn thiệp in gấp hai, ba lần. “Thế là, tôi đăng ký tham gia hội chợ. Tại quầy, tôi phát những video làm thiệp. Thậm chí mình phải ngồi xoắn giấy để quan khách hiểu đó là gì”.

Những ngày tháng này, chị gọi là “one woman show”, vì chị tự tay làm hết mọi việc. Mọi công sức được đáp đền xứng đáng. Trước Quilling Card, nước Mỹ rộng lớn chưa hề biết đến thiệp xoắn giấy. Chính chị và Quilling Card đã khai phá và tạo ra thị trường.

Chỉ tính trong năm 2018, Quilling Card đã bán ra đến 1,5 triệu sản phẩm. Mỗi tấm thiệp tỉ mỉ, sắc sảo mang thông điệp riêng tư, thậm chí cá nhân hóa cho từng người nhanh chóng chinh phục thị trường Mỹ. Không chỉ thiệp, xoắn giấy còn biến thành tranh trang trí không gian sống. Trong hành trình của mình, Quilling Card cho nhiều khách hàng mê sản phẩm đến nỗi họ sưu tập gần như tất cả mẫu thiệp, tác phẩm của công ty.

Chị Diễm Hương (đầm trắng) bên quan khách trong triển lãm của Quilling Card ở Thư viện Công cộng Wellesley, 7–2024.

Chị Diễm Hương (đầm trắng) bên quan khách trong triển lãm của Quilling Card ở Thư viện Công cộng Wellesley, 7–2024.

“Từ một bàn mười người, đến 20 người, 100, 200 rồi 300 thợ, mọi thứ cứ thế phát triển”, chị nói nhẹ tựa lông hồng. Sau 10 năm thành lập, Quilling Card là nhà cung cấp thiệp xoắn giấy hàng đầu thế giới. Hai doanh nghiệp hàng đầu xứ cờ hoa (chiếm 80% doanh số) cũng chọn Quilling Card là nhà cung cấp. Những tấm thiệp còn có mặt ở Anh, Úc, Canada, Nhật, Trung Quốc. Quilling Card còn nắm giữ kỷ lục Guinness cho bức tranh xoắn giấy lớn nhất thế giới.

Và rồi Covid đến!

Trong dòng người di cư về quê có nhiều nghệ nhân Quilling Card. “Họ về rồi không quay lại thành phố nữa”, chị bộc bạch. Núi không đến chỗ ta thì ta phải đến chỗ núi. Chị thành lập các nhà xưởng ở nhiều địa phương.

Giờ đây, Quilling Card có năm nhà xưởng ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Nha Trang, Củ Chi và Quận 12 với số lượng nghệ nhân lên đến hơn 1.000 người. Xoắn giấy là loại hình nghệ thuật ngách, việc tuyển chọn, đào tạo và giữ chân nghệ nhân rất khó. Bằng tâm huyết, tầm nhìn và chiến lược, Quilling Card đã thành công. Nghệ nhân của công ty giờ đây còn có nhiều người khiếm thính, khuyết tật. Hàng ngày họ cần mẫn tạo ra các tấm thiệp đi khắp thế giới.

Các nghệ nhân của Quilling Card.

Các nghệ nhân của Quilling Card.

Diễm Hương, người phụ nữ đa nhiệm

Sống ở Mỹ, điều hành công việc song song ở Việt Nam và Mỹ. Là một người bà, người mẹ, người vợ toàn thời gian, làm thế nào để chị chu toàn tất cả? Bằng nụ cười và chất giọng phóng khoáng, chị nói: “Càng bận rộn, mình càng quý thời gian và luôn tính toán để tối đa hóa hiệu suất công việc”. Nụ cười luôn nở trên môi và phong cách sống năng động, ít ai hình dung ra nữ doanh nhân này “ngủ ở khách sạn còn nhiều hơn ở nhà”.

Mỗi chuyến công tác, trong hành lý chị luôn có đôi giày và đồ chạy. Khi có thời gian, chị xỏ giày và chạy. Chị chia sẻ, phụ nữ vốn được trời ban cho khả năng đa nhiệm và bản năng làm mẹ, nên việc điều hành doanh nghiệp nhiều khi có thể linh động hơn nhiều.

Các tác phẩm Quilling Card mô phỏng những tuyệt tác hội họa của Piet Mondrian, Gustav Klimt, Edvard Munch tại Thư viện Công cộng Wellesley, 7–2024.

Các tác phẩm Quilling Card mô phỏng những tuyệt tác hội họa của Piet Mondrian, Gustav Klimt, Edvard Munch tại Thư viện Công cộng Wellesley, 7–2024.

Chị và Quilling Card đã kiến tạo riêng cho mình một đại dương xanh. Nhưng danh tiếng, thành tựu cho bản thân không phải là điều nữ doanh nhân này nói đến. Chị bảo, đến hiện tại, có ba điều làm chị tự hào nhất.

“Đó là bản thân và gia đình khỏe mạnh. Tiếp đó làm mình trở thành tấm gương cho nhiều người trẻ học tập. Cuối cùng là tạo ra giá trị lao động, nhiều công ăn việc làm cho đội ngũ của mình”.

Ngày mới bước chân ra trường đi làm, chị kể “khi ấy mình có biệt danh là Hai Lúa, vì toàn mặc áo bà ba tới công ty”. Từ đó, cuộc đời nhiều ngã rẽ đưa chị và Quilling Card đi muôn nơi, trở thành công ty trị giá hàng triệu đô-la Mỹ và mang lại nhiều giá trị cho đời. Bí quyết, cũng như cách chị chạy, là luôn kỷ luật, nắm bắt cơ hội, không bao giờ ngại làm lại từ đầu.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm