Nhìn lại đêm nhạc Đối Thoại Trịnh Công Sơn cùng nhà sản xuất Châu Lê

Trò chuyện cùng nhà sản xuất Châu Lê về hành trình sáng tạo và hoàn thành chương trình nghệ thuật đầy cảm hứng tại Festival Huế 2024

Một trong những chương trình nghệ thuật đồ sộ, chất lượng nhất trong năm 2024 chính là đêm nhạc Đối Thoại Trịnh Công Sơn thuộc khuôn khổ Festival Huế 2024. Sự kiện đã quy tụ nhiều ca sĩ đình đám, cùng nhau hòa giọng để mang đến những phần trình diễn nhạc Trịnh đặc sắc. Chương trình dưới sự dẫn dắt của giám đốc âm nhạc 9X Dustin Tiêu, được chỉ đạo bởi Ban Tổ Chức Festival Huế, Chủ trì sản xuất bởi Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế song hành cùng gia đình Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn và ê-kíp sản xuất Bamboo Artists Agency.

Hãy cùng trò chuyện với nhà sản xuất Châu Lê về hành trình sáng tạo và hoàn thành chương trình nghệ thuật đầy cảm hứng này.

Chân dung nhà sản xuất Châu Lê

HARPER’S BAZAAR: Cơ duyên nào dẫn anh đến với một chương trình nghệ thuật mang đậm yếu tố truyền thống, lại là đêm nhạc kết hợp văn hóa di sản đồ sộ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

NSX CHÂU LÊ: Xin chào độc giả của Harper’s Bazaar. Khi bước vào lĩnh vực kinh doanh văn hoá nghệ thuật, tôi khám phá về di sản văn hoá Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc của Trịnh Công Sơn, một kho tàng âm nhạc quý giá. Tôi may mắn được hợp tác với gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lan tỏa âm nhạc này đến với khán giả trẻ. Đồng thời, tại BamBoo Artists Agency, tôi đã đề xuất và thực hiện nhiều đêm nhạc với mục tiêu mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả. BAA cũng đã đưa đạo diễn Tùng Leo vào vai trò quan trọng trong dự án đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Festival Huế, giúp nghệ sĩ phát triển và vượt qua những thử thách mới. Đây là một cơ hội lớn để nâng cao tinh thần đoàn kết và quyết tâm của các nghệ sĩ, và cũng là áp lực để tôi với sự tin tưởng từ gia đình Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn trong show diễn tại Điện Kiến Trung, Huế.

HARPER’S BAZAAR: Từ trước đến giờ anh và ê-kíp chỉ thực hiện các dự án âm nhạc thương mại. Anh gặp khó khăn gì với một đêm nhạc thuần nghệ thuật lại có quy mô lớn như thế này không?

NSX CHÂU LÊ: Tôi hiểu rằng câu hỏi đề cập đến sự khác biệt giữa việc sản xuất một đêm nhạc khi tôi có toàn quyền quyết định so với đêm nhạc tại Festival Huế 2024, nơi tôi phải tuân thủ nhiều yêu cầu khắt khe hơn.

Tôi muốn chia sẻ thứ nhất, BAA đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau thành công của đêm nhạc BamBoo Concerto. Điều này thể hiện sự tương thích trong phát triển âm nhạc, xây dựng kịch bản và chọn lựa nghệ sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn cao của Gia đình. Họ đã tổ chức nhiều sự kiện lớn trong ngành suốt hơn 20 năm qua.

Bên cạnh đó, Ban Tổ Chức Festival Huế 2024 đã có sự quyết tâm và chỉ đạo chặt chẽ, giúp đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Huế trở thành điểm nhấn du lịch hàng năm cho thành phố này. Đây là cơ hội để góp phần quảng bá du lịch vùng đất có nhiều di sản văn hoá đặc biệt của Việt Nam.

Cuối cùng, sự kết hợp thành công giữa BAA và các nghệ sĩ trong BamBoo Concerto đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị dự án tại Huế, đặc biệt là với sự hỗ trợ từ Gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Quang Dũng, Hà Trần, Đức Tuấn, Tấn Sơn và nhiều người khác.

Khó khăn có thể kể đến đó là lần đầu phối hợp cùng BTC Festival và diễn ra ngay sau đêm khai mạc, nên thời gian để chuẩn bị lắp đặt sẽ rất gấp rút. Kế đến là lần đầu tiên dàn nhạc Orchestra do nhạc trưởng Dustin Tiêu chỉ huy kết hợp cùng Học Viện Âm Nhạc Huế để trình diễn tổng thể ngoài trời đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu và thời gian làm việc liên tục với cường độ cao. Tiếp đến là trong một ngân sách hạn hẹp nhưng vẫn phải đảm bảo đem đến sự trình diễn tốt nhất đòi hỏi một sự sáng tạo, linh hoạt và kết hợp cũng như kêu gọi từ sự hỗ trợ của nhiều đối tác cũng là một điều không dễ dàng.

HARPER’S BAZAAR: Tôi được biết đêm nhạc phải gặp trở ngại lớn đó là mưa to ở Huế. Anh có thể chia sẻ về sự cố ngoài ý muốn này không?

NSX CHÂU LÊ: Giống như điều bạn vừa chia sẻ. Trước khi triển khai đêm nhạc, nhiều đối tác tại địa phương cũng có chia sẻ về sự thất thường thời tiết tại Huế khi triển khai đêm nhạc ngoài trời. Trước giờ diễn 4 tiếng, một cơn mưa đã xuất hiện, làm chậm tiến độ chuẩn bị cho sân khấu, nhưng cũng đem lại hy vọng cho một đêm diễn thuận lợi. Tuy nhiên, đến sát giờ diễn một cơn mưa nặng hạt kéo dài làm ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch và việc trình diễn cùng dàn Orchestra gần như không thể triển khai và chuyển sang trình diễn cùng liveband. Sự yêu thương, nhiệt tình và nỗ lực của toàn thể anh chị em nghệ sĩ và ekip trong đêm diễn là một điều vô cùng tuyệt vời để đêm nhạc diễn ra trọn vẹn.

Đặc biệt, sự ủng hộ của khán giả dưới trời mưa, không hề rời đi cũng chính là sự cổ vũ rất lớn cho Ban Tổ Chức đêm diễn lần này và mọi người cũng chia sẻ với tôi đó là cách mà những khán giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn thường làm, họ sẵn sàng ngồi dưới mưa để thưởng thức từng bản nhạc đến khi kết thúc chương trình.

Trong khó khăn cũng là lúc chúng ta nhìn thấy rõ nét nhất tinh thần cùng nhau tạo nên những điều kì diệu. Tôi may mắn vì được lãnh đạo địa phương, Trưởng Ban Tổ Chức Festival luôn động viên và cùng ứng biến để đem lại những trải nghiệm tốt nhất có thể đến với âm nhạc. Và đứng ở một góc độ tích cực từ những chia sẻ của khán giả, họ cảm nhận một ý nghĩa tuyệt vời khác khi tình yêu của họ dành cho nhạc Trịnh Công Sơn không gì thay đổi được và có nhiều khán giả, du khách nước ngoài cũng thán phục và cảm thấy thú vị khi rất nhiều khán giả ủng hộ đêm nhạc diễn ra trong mưa.

HARPER’S BAZAAR: Sau dự án nghệ thuật tầm cỡ cấp quốc gia này, anh có dự định nào khác trong tương lai về các hoạt động tương tự?

NSX CHÂU LÊ: Không chỉ là góp phần vào việc đem đến trải nghiệm mới mẻ cho khán giả trong cách triển khai tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn mà còn góp phần vào việc tạo ra đêm nhạc chất lượng cho địa phương. Điều này là một trong những động lực rất lớn cho BAA trong hành trình dấn thân vào quảng bá văn hoá nghệ thuật. Cũng trong show diễn lần này, tôi cũng nhìn ra được những điều bất cập để có thể hoàn thiện hơn trong những đêm diễn tiếp theo và giúp đội ngũ ngày càng tinh luyện hơn trong công tác tổ chức.

Từ kinh nghiệm này, chúng tôi nhận thấy những điểm cần cải thiện để phát triển tốt hơn và nâng cao chất lượng tổ chức. Tôi tin rằng Thừa Thiên Huế, với mục tiêu trở thành trung tâm văn hoá nghệ thuật, sẽ thu hút nhiều nguồn lực và tiềm năng phát triển. BAA hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp vào việc quảng bá du lịch bằng các hoạt động nghệ thuật đa dạng. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ Chức Festival Huế 2024, Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế và gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hỗ trợ cho BAA lan tỏa di sản âm nhạc quý giá này. Cảm ơn các nghệ sĩ và ê-kíp đã đồng lòng để đêm nhạc thành công và mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm