Tết năm nay là một cái tết buồn cho gia đình Châu Bùi. Bé Bí, cún cưng của Châu Bùi đã gặp tai nạn trong quá trình vận chuyển từ TP.HCM về Hà Nội bằng đường hàng không.
Theo gia đình kể, Châu Bùi đã đặt dịch vụ vận chuyển thú cưng qua đường hàng không, vì cô đã ra Bắc từ sớm. Tuy nhiên, lồng của bé Bí đã bị va li đè khi dỡ hàng từ máy bay xuống.
“Khi dỡ hàng, gặp sơ suất không chốt kỹ khoá hãm khiến hàng tấn hàng đổ dồn vào trong xe đè nát 3 lồng cún (may mắn 2 em còn lại nhảy ra được còn Bí bị đè kẹt lại trong xe). Vậy là sự việc không phải do mất áp suất, do phía máy bay như họ nói lúc đầu mà do sự bất cẩn của việc vận chuyển”.
Tuy nhiên, gia đình không thể làm gì bởi khi thuê dịch vụ, người gửi phải ký tờ giấy miễn trách nhiệm về những sự cố trong quá trình vận chuyển chó mèo bằng máy bay. Sau vụ việc, phía đơn vị vận chuyển khoá fanpage và website, còn phía nhà kho khẳng định mọi chuyện chỉ là vì sơ suất nên không chịu trách nhiệm.
Chắc chắn đây là một tai nạn không ai muốn xảy ra. Ngay sau vụ việc, rất nhiều người đã tìm dịch vụ trông chó ngày Tết để tiện cho chuyến du lịch. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, chúng ta đôi khi vẫn phải bay cùng thú cưng. Vậy, làm sao để ngăn chặn tình huống kể trên xảy ra? Sau đây là một vài kinh nghiệm tôi đã đúc kết sau nhiều lần đưa chó đi máy bay ở cả môi trường nội địa và quốc tế.
1. Đầu tiên, tham khảo xem thú cưng của bạn có thể di chuyển bằng đường máy bay hay không.
Các giống chó mũi ngắn, mặt xệ như chó pug, bull, shih tzu, chow chow… có khả năng bị khó thở khi tiếp xúc với môi trường thiếu ôxy. Do đó, chúng dễ gặp sự cố nghiêm trọng khi bay. Một số hãng hàng không thậm chí không chấp nhận vận chuyển các giống chó này.
Một số hãng hãng không khác cũng không chấp nhận bay với chó mèo quá nhỏ, ví dụ dưới 16 tuần tuổi.
Trước khi bay, bạn cần liên hệ hãng hàng không để tìm hiểu xem liệu thú cưng của mình có được phép bay cùng hay không. Nếu không, bạn nên tìm dịch vụ trông chó mèo. Đừng nhất quyết mang chúng theo bởi tai nạn khó lường có thể xảy ra.
2. Tốt nhất, luôn bay cùng với thú cưng trong khoang hành khách.
Thông thường, nếu đi máy bay với các giống chó mèo nhỏ (dưới 6kg tính cả lồng), bạn có thể mang lên khoang hành khách thay vì ký gửi trong khoang hành lý.
Bạn đặt lồng vào dưới ghế ngồi phía trước, thay vì bỏ lên khoang hành lý trên đầu. Như vậy bạn có thể quan sát thú cưng trong suốt quá trình di chuyển; thú cưng nhìn thấy bạn cũng sẽ an tâm và không hoảng loạn. Ngoài ra, bỏ lồng thú lên khoang hành lý trên đầu có thể gây ngạt thở cho bé.
Đây là phương thức vận chuyển chó mèo bằng máy bay an toàn nhất.
3. Trong trường hợp phải ký gửi chó mèo ở khoang hành lý hoặc dùng dịch vụ vận chuyển máy bay, hãy đầu tư một cái chuồng thật tốt.
Trong trường hợp thú cưng của bạn nặng hơn 6kg, bạn sẽ phải ký gửi chó mèo vào trong khoang hành lý. Các dịch vụ vận chuyển chó mèo cũng phải ký gửi tương tự.
Trên thực tế, có rất nhiều rủi ro khi ký gửi chó mèo trong khoang hành lý khi vận chuyển bằng đường hàng không. Nguy cơ lớn đến từ môi trường (tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh, không gian thông gió kém), đối xử thô bạo (dẫn đến tai nạn em Bí của Châu Bùi gặp phải), hoặc thất lạc (tương tự thất lạc hành lý). Vì lẽ này, các hãng hàng không và dịch vụ vận chuyển thường yêu cầu chủ ký giấy tờ miễn trách nhiệm.
Nếu bạn vẫn nhất định phải mang thú cưng theo, trên hết hãy đầu tư một cái chuồng thật an toàn. Không vận chuyển chó mèo bằng chuồng có thể gập khi vận chuyển bằng đường ký gửi trên máy bay.
Hãng hàng không thường có một định mức về tổng trọng lượng cả thú cưng và chuồng – thường chỉ được tối đa 32kg. Nếu thú cưng của bạn thuộc dạng nhỏ như poodle, bạn có thể đầu tư mua loại chuồng siêu cứng, ví dụ chuồng từ thương hiệu Gunner, Lucky Duck hay Rock Creek Crates của Mỹ.
Những chiếc chuồng này có khả năng chịu trọng tải cả tấn, do đó nếu gặp tai nạn bị hành lý đè thì cũng không sập gãy. Tuy nhiên, yếu điểm là chúng rất nặng, nên nếu dùng vận chuyển thú cưng to thì sẽ vượt tổng trọng lượng 32kg.
Trong trường hợp bạn muốn sử dụng chuồng siêu cứng cho chú chó nặng cân, lúc đó bạn có thể phải trả phí hành lý quá khổ. Tuy nhiên, nhiều người sẵn sàng chấp nhận điều này với mong muốn đảm bảo an toàn trên hết cho thú cưng. Hãy kiểm tra với hãng hàng không trước khi bay để đảm bảo bạn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, đóng phí và chấp hành thủ tục theo yêu cầu.
4. Theo dõi hành trình của thú cưng với Apple Air Tag
Như vấn đề thất lạc hành lý, đôi khi cũng xảy ra tình trạng thất lạc chó mèo khi vận chuyển bằng khoang hành lý máy bay. Hãng United Airlines ở Mỹ từng xảy ra trường hợp gửi nhầm một chú chó đến Nhật Bản thay vì Kansas, một chú mèo gửi đến thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri thay vì Akron, tiểu bang Ohio.
Do đó, nếu phải ký gửi thú cưng, bạn hãy đeo vào vòng cổ chúng thiết bị định vị Apple Air Tag. Nhờ vậy, bạn có thể theo dõi chặng hành trình và tránh lo lắng vì vấn đề thất lạc thú cưng. Đồng thời, nếu hi hữu xảy ra sự cố thất lạc, bạn có thể mau chóng định vị thú cưng của mình.
5. Khi lên máy bay, nhớ kiểm tra tình hình sức khỏe của thú cưng.
Em cún của tôi thuộc giống husky, nặng ngót nghét 23kg, nên tôi luôn phải vận chuyển bé theo đường ký gửi khoang hành lý.
Khi lên máy bay, tôi nhắn tiếp viên hàng không kiểm tra tình hình em cún của tôi. Với những chuyến bay có chó mèo, phi cơ trưởng phải lưu ý điều chỉnh nhiệt độ khoang hành lý để các bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu, không bị quá lạnh. Việc nhờ tiếp viên kiểm tra điều kiện khoang hành lý là một cách tốt để phi hành đoàn lưu ý về thú cưng khi bay.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar