Một vấn đề được nhắc đến trong hội thảo Thời trang và Nhan sắc do Harper’s Bazaar tổ chức là “xuất khẩu thương hiệu Việt”. Diễn giả của chủ đề này là chị Trang Lê – CEO Multimedia JSC.
Là một người có thâm niên trong ngành xây dựng và phát triển thương hiệu, chị Trang Lê đã tiếp xúc với nhiều thương hiệu và nhà thiết quốc tế. Chị từng đứng trong hậu trường những show diễn lớn, quan sát cách họ làm việc. Chị cũng từng đưa nhiều nhà thiết kế trẻ từ cuộc thi Project Runway đến Pháp để học hỏi, trau dồi. Thế nên, cách nhìn nhận, đánh giá của chị khách quan và bao quát.
Tại hội thảo, chị Trang Lê không ngại chỉ ra những thiếu sót trong cách tạo dựng thương hiệu của không ít nhà thiết kế trong nước. Trong đó, thiếu chuyên nghiệp và không nhạy bén là những lý do phổ biến nhất.
Cân bằng giữa sáng tạo và kinh doanh
CEO của công ty Multimedia cho rằng: Để xây dựng một thương hiệu riêng thành công, cần tập hợp cả hai khía cạnh. Một khía cạnh sáng tạo, một khía cạnh kinh doanh. Cũng chính là cân bằng giữa ý muốn cá nhân và nhu cầu của tệp khách hàng.
Nhiều nhà thiết kế thành công vì có thể cân bằng được giữa cả công việc sáng tạo và kinh doanh. Ví dụ như Tory Burch, khởi nghiệp thành công vì vừa nhạy bén kinh doanh, vừa am hiểu sáng tạo. Hoặc Michael Kors, người đã biến thương hiệu của mình thành một công ty toàn cầu, có cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York. Nhà thiết kế Chung Thanh Phong cũng là một ví dụ điển hình, khi luôn tìm ra những ý tưởng kinh doanh mới cho hệ sinh thái thương hiệu của mình.
Nhưng, cũng có nhiều nhà thiết kế thành công vì tìm được một cộng sự đáng tin cậy. Cộng sự của họ sẽ chú tâm vào kinh doanh, để họ toàn tâm toàn ý cho việc sáng tạo. Ví dụ như bộ đôi nhà thiết kế Yves Saint Laurent và doanh nhân Pierre Bergé; nhà thiết kế Julien Fournié và cố vấn Jean Paul Cauvin. Để công thức này thành công, bộ đôi phải tin tưởng nhau đang làm điều đúng đắn cho thương hiệu, bổ trợ lẫn nhau.
Nhà thiết kế biết cách phát triển định hướng thương hiệu
Cho dù nhà thiết kế chọn phương hướng phát triển “tự thân vận động”, hoặc tìm đến một cộng sự giúp đỡ mảng kinh doanh, thì họ vẫn phải hiểu về vấn đề định hướng phát triển thương hiệu.
Ở các trường đào tạo thời trang uy tín quốc tế, luôn có một môn học bắt buộc: Business. Trong bộ môn này, sẽ có lớp đào tạo cách định hướng thương hiệu, giúp nhà thiết kế đưa ra chiến lược rõ ràng, thống nhất.
“Nhà thiết kế không phải là thợ may. Công việc của nhà thiết kế không phải chỉ là ngồi vẽ ra những mẫu trang phục!”
– Chị Trang Lê, CEO Multimedia –
CEO Trang Lê cho biết: Các nhà thiết kế lớn có thể vượt ra khỏi biên giới quốc gia là bởi họ biết cách định hướng thương hiệu. Một ví dụ cụ thể: Nhà thiết kế Hàn Quốc Lie Sang Bong. Cái hay của ông là không bị đóng khung trong bề nổi của một nhà thiết kế. Ông sáng tạo và biết cách đưa các sáng tạo của mình đến gần với khách hàng. Thương hiệu của Lie Sang Bong từng chỉ là một cửa hàng ở nước nhà. Giờ đây, nó đã phủ sóng ở cả Pháp, Anh, Mỹ …
Trong làng thời trang Việt, chúng ta có nhà thiết kế Công Trí và Hoàng Hải rất thành công trong việc đưa thời trang Việt ra thế giới. Cả hai đều có định hướng rất rõ rệt. Nhà thiết kế Công Trí nổi tiếng vì chất liệu vải Việt, pha lẫn cái hồn Á Đông lẫn phong cách hiện đại của Tây phương. Còn nhà thiết kế Hoàng Hải lại nổi tiếng với những đính kết xa hoa, phom dáng luôn làm đẹp vóc dáng người mặc.
Lời khuyên cuối từ CEO Trang Lê
Lời khuyên cuối cùng CEO Trang Lê cho các nhà thiết kế trẻ Việt Nam là phải biết quảng bá thương hiệu.
Hiện tại, nhiều nhà thiết kế trong nước vẫn hoạt động theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Cách làm việc cũ kỹ, kém năng động theo kiểu ngồi đợi khách hàng tìm đến sẽ giết chết thương hiệu. Các NTK cần chủ động lan toả hình ảnh thương hiệu hơn.
>>> Xem thêm: GẶP GỠ CHỊ TRANG LÊ, NHÀ SÁNG LẬP AVIFW
Harper’s Bazaar Vietnam