Ngày càng nhiều người tìm hiểu về phong thủy bởi tin tưởng rằng phong thủy tốt sẽ mang lại sự thuận lợi trong đường sự nghiệp, sức khỏe hay tình duyên, hạnh phúc gia đình.
Theo từ điển Hán Việt, Phong là gió và Thủy là nước. Nếu chỉ hiểu phong thủy như vậy thì quá đơn giản, hạn hẹp. Để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về phong thủy không dễ một chút nào. Bởi đó là một môn khoa học tổng hợp, tích hợp rất nhiều kiến thức của kinh dịch, địa lý, vũ trụ, toán học, vật lý, hóa học, lịch sử, sinh học, tin học…
Vì thế, chúng ta nên hiểu về phong thủy theo mục đích, công dụng thực sự của nó. Đó là sắp đặt các mảnh ghép trong không gian sống nhằm tạo sự cân bằng với thế giới tự nhiên. Từ đó khai thác các nguồn năng lượng và thiết lập sự hài hòa giữa một cá nhân và môi trường chung quanh họ.
Trên hết, bạn cần hiểu về năng lượng nguyên tố của bản thân theo khái niệm ngũ hành trong phong thủy.
Khái quát về khái niệm 5 nguyên tố (ngũ hành) trong phong thủy
Phong thủy có bốn nguyên tắc chính gồm Ngũ hành, Chi (năng lượng), Vị trí chỉ huy và Bản đồ bát quái. Mỗi nguyên tắc đề cập đến một khía cạnh thực hành khác nhau. Khi kết hợp sẽ mang lại sự hài hòa cho ngôi nhà của bạn. Ngũ hành là một khái niệm quan trọng trong phong thủy. Nó bao gồm 5 nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Mỗi yếu tố đại diện cho một khía cạnh khác nhau của tự nhiên, mang tính chất cũng như năng lượng riêng. Chúng tương tác với nhau để tạo thành một hệ thống cân bằng tự nhiên, và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ môi trường, sức khỏe, tài lộc đến tình cảm và mối quan hệ. Chúng ta có thể tận dụng sự tượng hỗ giữa các nguyên tố để khuếch đại những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của mình.
Năng lượng chung của từng nguyên tố
Kim
Kim là kim loại nói chung, mang yếu tố dẫn truyền năng lượng, vẻ đẹp và độ chính xác. Yếu tố kim loại cũng đại diện tính lí trí, lạnh lùng, kiên định, không dễ lay chuyển.
Khi được bao quanh bởi quá nhiều năng lượng kim, bạn có thể khó kiểm soát chính mình từ lời nói đến hành động, phản ứng thái quá với những điều hết sức bình thường. Và đặc biệt là có xu hướng nói mà không suy nghĩ. Trong khi đó, khi thiếu khi năng lượng kim, bạn có thể nhận thấy cảm giác tĩnh mịch, lạc lõng và thiếu tập trung.
Màu sắc tương ứng rơi vào phạm vi màu trắng, bạc, ánh kim và màu nguyên thủy của kim loại đó.
Hình thái đại diện là hình tròn, hình cầu.
Mộc
Mộc là cây cối nói chung. Đây là yếu tố liên quan đến sự phát triển, tiến bộ, chữa lành và sức sống mới. Nó cũng là yếu tố của mùa xuân, động lực của sự phát triển và sáng tạo.
Quá nhiều năng lượng mộc có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, cứng nhắc, bướng bỉnh và thiếu linh hoạt. Trong khi đó, quá ít có thể biểu hiện qua sự thiếu sáng tạo hoặc chán nản, mâu thuẫn, trì trệ.
Màu sắc của mộc là màu xanh lá cây, xanh lam và xanh mòng két.
Hình thái của mộc được thể hiện qua các hình dạng cột cao.
Thủy
Thủy là nước. Nguyên tố này đại diện cho trí tuệ, nâng đỡ, vỗ về và kết nối thiên về tâm linh lẫn cảm xúc. Năng lượng của thủy còn mang sự tĩnh lặng, sâu sắc như đại dương, đồng thời uyển chuyển và linh hoạt như dòng chảy ở sông suối.
Sự cân bằng của nước mang lại nguồn cảm hứng, minh mẫn, sáng suốt. Song, quá nhiều năng lượng nước có thể tạo ra cảm giác chuyển tiếp không cân bằng, dồn dập như muốn nhấn chìm. Nó có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và mất kiểm soát. Ngược lại, khi “thiếu nước” theo nghĩa bóng, bạn có thể cảm thấy trơ trọi, vô vị, khó cảm thông. Thậm chí là cô đơn, cô lập, căng thẳng và nhỏ nhen.
Sắc thái của thủy gắn với màu đen, xanh dương đậm.
Hình thái của thủy là hình lượn sóng.
Hỏa
Hỏa đại diện cho niềm đam mê, táo bạo, năng lượng, cảm hứng nhiệt huyết và tầm nhìn xa rộng. Chưa hết, nguyên tố này thường được coi là lãnh đạo, giàu có và danh tiếng.
Khi thừa năng lượng lửa, nó có thể biểu hiện dưới dạng giận dữ, hung hăng, cáu kỉnh và hành vi bốc đồng, nổi loạn. Trong khi thiếu có thể biểu hiện dưới dạng lạnh lùng về mặt cảm xúc, tầm nhìn hạn hẹp, hời hợt cảm xúc và thiếu lòng tự trọng.
Hỏa đặc trưng bởi các màu như đỏ và cam sáng.
Hình dạng thể hiện qua tam giác và các vật có góc cạnh bén nhọn.
Thổ
Nguyên tố thổ mang sức mạnh thể chất, nuôi dưỡng, màu mỡ. Đồng thời, nó cũng tạo ra cảm giác vững chải tổng thể, cân bằng ổn định. Người mang năng lượng thổ kiên nhẫn, đáng tin cậy, có trách nhiệm và thích tương hỗ người khác.
Khi có quá nhiều năng lượng đất trong không gian, con người thường có cảm giác nặng nề, tinh thần buồn chán, thể chất uể oải. Trong khi đó, có quá ít năng lượng đất, con người có thể cảm thấy vô tổ chức, hỗn loạn và mất tập trung.
Màu sắc liên quan bao gồm màu vàng, cam và nâu.
Đồ vật mang tính thổ thường tạo cảm giác nặng, có hình dạng phẳng, vuông vức, góc cạnh.
Đặc tính sinh – khắc trong ngũ hành
Theo học thuyết ngũ hành, tất cả các vật chất trong vũ trụ đều trải qua sự vận động và biến đổi liên tục. Các nguyên tố trong ngũ hành cũng theo đó mà lưu hành, di chuyển và thay đổi; luân chuyển để phát triển; và cuối cùng là biến đổi hình thái. Các nguyên tố không tồn tại độc lập mà tương tác lẫn nhau. Trong đó, mỗi yếu tố sẽ hỗ trợ hoặc triệt tiêu yếu tố khác.
Năm tương sinh là Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Chúng ta có thể ví dụ đơn giản: Cây khô (Mộc) dễ sinh ra lửa (Hoả). Lửa (Hỏa) thiêu cây khi tàn sẽ vun đắp thành đất (Thổ). Đất (Thổ) là môi trường hình thành các kim loại (Kim). Kim loại (Kim) khi nung chảy sẽ hóa lỏng thành nước (Thủy). Cuối cùng, nước (Thủy) duy trì sự sống của cây (Mộc). Vòng tuần hoàn cứ thế lặp lại.
Năm tương khắc được hình dung dưới hình thức của sự tan chảy, thâm nhập, tách rời, hấp thụ và dập tắt. Cụ thể là Hỏa khắc Kim, Kim Khắc Mộc, Mộc thắc Thổ, Thổ khắc Thủy và Thủy khắc Hỏa. Hỏa khắc Kim vì lửa làm tan chảy kim loại.
Tuy nhiên, cũng có kim loại chưa thể tan chảy mà làm lửa bị dập tắt. Kim khắc Mộc bởi kim loại có thể chặt cây gỗ.
Song, chính gỗ cũng có thể mài mòn kim loại. Mộc khắc Thổ có thể ví dụ là rễ cây cối tách đất đá.
Với một lượng đất lớn cũng có thể chôn vùi cây. Thổ khắc Thủy vì đất có thể hấp thụ nước, ngăn chặn dòng chảy của nước. Nhưng ngược lại, nước cũng có thể bao phủ đất.
Cuối cùng, Thủy khắc Hỏa thì chắc bạn cũng đã quá rõ. Nước chế ngự, dập tắt được lửa. Bản thân lửa có thể làm nước bốc hơi.
Bạn mang năng lượng của nguyên tố nào trong ngũ hành?
Có một cách đơn giản để biết bạn mang năng lượng của nguyên tố nào, hay gọi dân gian là cung mệnh/bản mệnh, đó là căn cứ vào Thiên Can – Địa Chi của năm sinh âm lịch.:
Thiên Can:
- Giáp, Ất = 1
- Bính, Đinh = 2
- Mậu, Kỷ = 3
- Canh, Tân = 4
- Nhâm Quý = 5
Địa chi:
- Tý, Sửu, Ngọ, Mùi = 0
- Dần, Mão, Thân, Dậu = 1
- Thìn, Tỵ, Tuất, Hợi = 2
Bạn chỉ cần tính tổng hàng Thiên Can và hàng Địa Chi để quy đổi ra Cung mệnh, tức là Thiên can + Địa chi = Cung mệnh. Đáp án bằng 1 là Kim, 2 là Thủy, 3 là Hỏa, 4 là Thổ, 5 là Mộc.
Lưu ý, nếu tổng lớn hơn 5 thì trừ tiếp cho 5, kết quả cuối cùng chính là cung mệnh chính xác của một người.
Ví dụ: Bạn sinh năm 1989, tức là tuổi Kỷ Tỵ. Đối chiếu với bảng và nguyên tắc quy đổi, được kết quả như sau: Kỷ là 3, Tỵ là 2. Tổng là 5, tương ứng mệnh Mộc.
**Êkíp thực hiện bộ ảnh**
Creative Director & Photographer: Irina Lis Costanzo
Stylist: Luigi Gaballo
Hair Stylist: Domenico Papa
Makeup Artist: Barbara Ciccognani
Producer: Ekaterina Antonovskaya
Model: Mariangela Bonanni
Location: Cross Studio Milano
TIN LIÊN QUAN:
NỐT RUỒI SAU LƯNG PHỤ NỮ LÀ TỐT HAY XẤU? CÓ NÊN TẨY KHÔNG?
BẠN ĐÃ BIẾT Ý NGHĨA CÁC NGÓN TAY ĐEO NHẪN THEO PHONG THỦY CHƯA?
CÁCH XEM TƯỚNG MẶT ĐÀN ÔNG ĐOÁN TÍNH CÁCH, VẬN MỆNH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam