28 năm sau: Hậu tận thế dùng iPhone tạo sự chân thực

Có lý do để 28 Years Later (tựa Việt: 28 năm sau: Hậu tận thế) trở thành bộ phim phim kinh dị được đặt vé trước nhiều nhất năm 2025

Ảnh: @DiscussingFilm

Gần ba thập kỷ sau khi đại dịch virus hủy diệt gần như toàn bộ xã hội loài người trong 28 Days Later, phần phim nối tiếp 28 Years Later (tựa Việt: 28 năm sau: Hậu tận thế) tiếp nối mạch truyện sống sót trong tận thế đầy ám ảnh.

Tác phẩm cũng đánh dấu một cột mốc mới trong điện ảnh kinh dị, khi tạo nên một thế giới tan rã hậu đại dịch được đẩy đến tận cùng với sự đầu tư hoành tráng, kỹ lưỡng từ thiết bị ghi hình cho đến bố cục hình ảnh.

Với các fan hâm mộ dòng phim zombie, bộ ba 28 Days Later (2002), 28 Weeks Later (2007) và 28 Years Later (2025) là một trong những thương hiệu hiếm hoi có khả năng định hình cả một phong cách: không phụ thuộc vào kịch bản jump scare hay máu me rẻ tiền, mà khơi gợi sự bất an bằng cách đẩy người xem vào trạng thái bấp bênh, căng thẳng tột độ – nơi mà cái chết có thể ập đến bất kỳ lúc nào, từ bất kỳ đâu.

Ảnh: @DiscussingFilm

Một nước Anh hoang tàn đến rợn người trong phim 28 năm sau: Hậu tận thế

Nếu 28 Days Later từng được ca ngợi vì cái nhìn chân thực, gần như một thước phim tài liệu về một nước Anh hậu đại dịch, thì 28 Years Later lại khắc họa một thế giới rệu rã hơn, đáng sợ hơn – không chỉ bởi những kẻ nhiễm virus, mà bởi sự tha hóa của chính những con người còn sống. Bộ phim đi xa hơn nỗi sợ xác sống để chạm đến nỗi lo thường trực về nhân tính, đạo đức và quyền sinh tồn trong một thế giới sụp đổ.

Bối cảnh phim đặt tại một nước Anh bị phong tỏa nghiêm ngặt, nơi một nhóm người sống sót co cụm trên đảo, cắt đứt hoàn toàn với đất liền. Khi Jamie (Aaron Taylor-Johnson) và con trai quyết định trở về đất liền, họ nhận ra một sự thật kinh hoàng: xã hội đã biến đổi – không chỉ ở những kẻ bị nhiễm virus, mà ở chính những con người còn sống sót. Bộ phim sử dụng giả tưởng để chất vấn hiện thực, khiến thông điệp nhân văn càng trở nên ám ảnh

Ảnh: @DiscussingFilm

Kiệt tác kinh dị được tạo nên từ công nghệ

Một trong những điểm sáng táo bạo và mang tính cách mạng của 28 năm sau: Hậu tận thế chính là việc sử dụng iPhone 15 Pro Max làm thiết bị quay chính. Quyết định này, theo đạo diễn Danny Boyle, không đơn thuần là một thử nghiệm về kỹ thuật, mà là sự lựa chọn hàng đầu nhằm đem lại cảm giác gần gũi, chân thực, thậm chí “góc nhìn người sống sót” cho toàn bộ bộ phim.

Nếu các thiết bị quay phim truyền thống tạo cảm giác điện ảnh lung linh, thì iPhone sẽ có góc nhìn mộc mạc, đề cao tính cơ động, linh hoạt trong các cảnh quay hành động. Thiết bị nhỏ gọn cũng cho phép êkíp thử nghiệm với các góc máy sáng tạo bất ngờ.

Thông tin hậu trường cho thấy đoàn phim sử dụng đồng thời từ 8 đến 20 chiếc iPhone cho một cảnh quay, đặc biệt là với kỹ thuật “bullet time”, giúp bắt trọn chuyển động từ nhiều hướng trong cùng một khoảnh khắc, mang lại hiệu ứng thị giác mãn nhãn mà không làm mất đi sự chân thực vốn là đặc trưng của thương hiệu.

Dàn iPhone được gắn lens chuyên dụng để ghi hình với kỹ thuật bullet time. Ảnh: @DiscussingFilm

Tỷ lệ khung hình 2.76: 1 định hình lại trải nghiệm xem phim kinh dị

Một trong những chi tiết kỹ thuật quan trọng nhất với đoàn phim 28 năm sau: Hậu tận thế nằm ở tỷ lệ khung hình siêu rộng 2.76:1 – một lựa chọn gần như chưa từng thấy trong dòng phim kinh dị.

Theo đạo diễn Boyle, chính định dạng này đã giúp khơi dậy cảm giác “không an toàn triệt để” cho người xem, khi mọi góc khuất trên màn ảnh đều có thể ẩn chứa mối nguy hiểm. Khán giả không thể lơ là hay chỉ tập trung vào trung tâm khung hình. Họ buộc phải quan sát toàn bộ màn ảnh, dõi theo từng chi tiết, như thể đang thật sự sống trong một thế giới đầy hiểm nguy.

Khung hình siêu rộng này đưa điện ảnh kinh dị đi xa hơn sự giật gân nhất thời. Nó biến người xem thành một phần của câu chuyện – một nhân vật nữa, luôn trong trạng thái cảnh giác và căng thẳng, giúp trải nghiệm điện ảnh trở nên tương tác và sống động hơn bao giờ hết.

Ảnh: @DiscussingFilm

28 năm sau: Hậu tận thế được đảm bảo chất lượng bởi cặp bài trùng đạo diễn và biên kịch

Không thể không nhắc đến cặp bài trùng, đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Alex Garland, hai cái tên từng làm nên bản sắc điện ảnh cho phần đầu tiên và giờ đây một lần nữa đưa thương hiệu trở lại trong thời đại mới.

Với kinh nghiệm và tư duy nghệ thuật đã được khẳng định, sự tái hợp của bộ đôi từng làm nên huyền thoại và loạt lựa chọn sáng tạo, thử nghiệm táo bạo, 28 Years Later không đơn thuần là phần tiếp theo của một thương hiệu kinh dị đã từng ghi dấu trong lòng khán giả. Tác phẩm còn hứa hẹn sẽ là bước chuyển mình mang tính cách mạng cho dòng phim zombie, mang đến một trải nghiệm rùng rợn, lôi cuốn và khác biệt cho mọi khán giả yêu thích thể loại kinh dị – tâm lý.

Ảnh: @DiscussingFilm

Ảnh: @DiscussingFilm

28 Years Later (tựa Việt: 28 năm sau: Hậu tận thế) dự kiến khởi chiếu ngày 20/06/2025 tại các rạp trên toàn quốc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm