10 loại cây trồng giúp thanh lọc không khí trong nhà đón Tết

Không chỉ tạo ra mảng xanh, giúp trang trí làm đẹp, một số loại cây xanh còn giúp thanh lọc không khí, kháng khuẩn và khử mùi

Cây xanh có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà, đồng thời cải thiện tâm lý gia chủ. Ảnh: Shutterstock

Vì sao nên trồng cây xanh trong nhà?

Từ năm 1989, NASA đã kết hợp với Hiệp hội Nhà thầu cảnh quan Mỹ tiến hành nghiên cứu các loại cây cảnh phổ biến nhất có tác dụng lọc bỏ chất độc hại và ô nhiễm trong không khí. Theo nghiên cứu của NASA, cây xanh thật sự có hiệu quả trong việc loại bỏ benzen, fomandehit, tricloetylen, xylen và ammoniac có trong không khí. Đây đều là những chất có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, có thể gây ra các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, ngứa mắt…

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, việc gia chủ thường xuyên tương tác với cây trồng trong nhà có thể tạo nên kết quả tích cực cho sức khỏe; giúp ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giảm huyết áp tâm trương nên có lợi cho sức khỏe tim mạch, cải thiện cảm xúc, khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

10 loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà dễ trồng

Sau khi được theo dõi, kiểm định trong một thời gian dài, NASA đã công bố danh sách những cây cảnh có tác dụng lọc không khí trong nhà hiệu quả nhất. Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm danh top 10 lựa chọn cho bạn.

1. Cây quan trúc âm (Rhapis Excelsa)

Ảnh: The Spruce / Kara Riley

Cây quan trúc âm có tên khoa học là Rhapis Excelsa, là một loài cây rất dễ chăm sóc và có khả năng thanh lọc phần lớn chất gây ô nhiễm trong không khí như fomandehit, xylen, toluen, amoniac nên rất được ưa chuộng làm cây cảnh trong nhà.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này không đòi hỏi nhiều nước, cần loại đất trồng cây thoát nước tốt.

Ánh nắng: Không chịu ánh nắng trực tiếp. Nếu đặt trong khu vực có ánh nắng trực tiếp, ưu tiên nắng sớm, hạn chế tiếp xúc trong chỉ 2 đến 6 tiếng đồng hồ/ngày.

2. Cây thường xuân (English Ivy hay Hedera helix)

Ảnh: Ikea

Cây thường xuân hay thường được gọi là cây vạn niên là một cây thảo dược quý trong y học. Đến nay, nhiều sản phẩm y dược, mỹ phẩm được chiết xuất từ cây thường xuyên được ưa chuộng ở các nước châu Âu.

Cây dễ trồng, có sức sống mạnh, chịu rét tốt, khả năng thích ứng cao trừ môi trường có nhiệt độ cao. Trồng cây trong nhà có thể loại bỏ phần lớn các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là fomandehit, benzen, xylen và toluen.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Chú ý: Khi trồng trực tiếp ngoài đất, lùm bụi thường xuân là chỗ trú ẩn của nhiều loại côn trùng như mạt, rệp, sâu róm. Do đó, bạn chỉ nên trồng loài cây này trong chậu và đặt trong nhà, tránh để tiếp xúc với đất vườn. Ngoài ra, lá thường xuân có độc nên hãy để ngoài tầm với trẻ em. Bù lại, loài cây trồng thanh lọc không khí này có sức sinh trưởng tốt, không cần chăm bẵm nhiều dù trồng trong nhà.

3. Cây lưỡi hổ (Snake Plant)

Ảnh: Ikea

Cây lưỡi hổ có lá cây dài, có vằn giống thân con rắn nên còn được gọi là “cây rắn”. Lưỡi Hổ là một loại cây vô cùng quen thuộc và rất dễ trồng do không cần chăm sóc nhiều, lại sống được ở mọi điều kiện khí hậu. Loại cây này phát triển mạnh thậm chí trong ánh sáng thấp. Cây lưỡi hổ có tác dụng lọc bỏ tốt nhiều chất độc hại có trong không khí từ fomandehit, benzen, tricloetylen, xylen và toluen.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này không chịu nước. Nếu tưới nhiều có thể gây úng rễ, úa lá. Chịu lạnh nên sẽ sống khỏe hơn trong môi trường có máy lạnh.

Ánh nắng: Không chịu ánh nắng trực tiếp. Nếu đặt trong khu vực có ánh nắng trực tiếp, ưu tiên nắng sớm, hạn chế tiếp xúc trong chỉ 2 đến 6 tiếng đồng hồ/ngày.

4. Cây Lan Ý (Peace Lily Spathiphyllum)

Ảnh: waitrosegarden

Lan ý hay huệ hòa bình là cây ưa môi trường ẩm, do đó phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Đây là loài cây đứng đầu trong danh sách những cây cảnh có khả năng làm sạch không khí trong nhà vì nó loại bỏ benzen – hóa chất dùng trong nhiều loại bột giặt, hồ dán, nhựa, sơn; formaldehyde – có trong nhiều loại vật liệu dán tường, lớp cách nhiệt; trichloroethylene – hóa chất dùng trong quá trình giặt khô và toluene.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này ưa đất ẩm. Bạn không nên để đất trồng cây bị khô hẳn giữa những đợt tưới nước, sẽ khiến lá mau úa vàng và rủ. Nếu dùng nước vòi để tưới, hãy để nước bay hơi chlorine trước khi tưới.

Ánh nắng: Sinh trưởng tốt khi đặt gần nguồn nắng mạnh. Do đó bạn nên trồng cây trong chậu đặt cạnh cửa sổ.

Lưu ý: Hãy thường xuyên lau lá (khoảng một lần/tuần) với khăn ẩm, một phần để loại bỏ bụi bẩn, một phần để chống côn trùng. Trong môi trường ẩm ướt, côn trùng thích làm ổ dưới mặt lá.

5. Cây lô hội/nha đam (Aloe Vera)

Ảnh: plantasjen

Ngoài tác dụng làm đẹp da, làm dịu vết bỏng, rát, giải nhiệt cơ thể… cây nha đam/lô hội còn có những tác dụng tuyệt vời như loại bỏ Fomandehit và Benzen trong không khí, giúp giảm tình trạng ẩm mốc. Vì vậy, trồng một cây nha đam trong nhà chính là ý tưởng tuyệt vời “một công đôi việc”.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Do là loài cây họ xương rồng, nha đam/lô hội đặc biệt dễ trồng. Chịu nước hơn các loại xương rồng khác. Tốt nhất, bạn tưới đẫm nước, cho phép đất khô hẳn trước khi tưới lần kế tiếp. Phương pháp tưới nước này hạn chế úng rễ.

Ánh nắng: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này yêu cầu nhiều nắng. Do đó bạn có thể trồng ngay ngoài ban công hoặc trên bậu cửa sổ để giúp cây đón nắng. Nếu đủ nắng, cây nha đam/lô hội sẽ nở hoa.

Lưu ý: Nếu cây mọc nhánh con, hãy phân nhánh và trồng sang chậu mới.

6. Cây hồng môn (Flamingo Lily hay còn gọi là Anthurium)

Ảnh: TheSill

Hồng Môn cũng là một trong những loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà đáng tin cậy. Cây hồng môn không chỉ giữ ẩm tốt mà còn hấp thụ nhiều chất độc như xylen, toluene trong không khí và chuyển đổi chúng thành các chất vô hại. Ngoài ra, hoa của hồng môn cũng có khả năng phản ánh tình trạng ẩm mốc trong nhà. Nếu hoa có màu vàng chứng tỏ không gian quá ẩm ướt. Và ngược lại, nếu hoa có màu nâu thì không gian khá khô ráo và thông thoáng.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này không chịu nước. Hãy chọn loại đất trồng cây mau thoát nước. Chờ đến khi mặt trên của đất khô hẳn trước khi tưới.

Ánh nắng: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này yêu cầu nhiều nắng. Bạn có thể đặt trên ban công hoặc bậu cửa sổ hướng Tây, Nam. Nếu không đủ nắng, cây sẽ không ra hoa.

Lưu ý: Hồng Môn có độc, nếu tay dính nhựa cây chạm vào mắt, mũi miệng có thể gây dị ứng. Ăn phải sẽ gây sưng miệng.

7. Cây nhện (Spider Plant)

Ảnh:balconygardenweb

Cây nhện có tên khoa học: Chlorophytum comosum, còn được gọi là cây cỏ nhện môn, lục thảo trổ. Loài cây này có thể hút lấy cacbonic và các chất độc hại trong không khí như fomandehit, benzene trong không khí mà không cần ánh sáng.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này ưa đất ẩm, nhưng có khả năng thoát nước tốt. Tuy nhiên, bạn nên tưới cây bằng nước đã đun sôi để nguội. Nước vòi có chlorine hay fluoride sẽ khiến đầu lá bị cháy vàng.

Ánh nắng: Loại cây này ưa sáng, nhưng cần tránh ánh sáng trực tiếp từ trưa đến chiều. Bạn có thể trồng cây trong nhà, ở chỗ râm mát như phòng ngủ nhưng cần cho cây hóng nắng 1 lần/tuần khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Gợi ý: Hãy thử trồng cây nhện trong chậu treo, những búi cây thả xuống vô cùng đẹp mắt.

8. Dương xỉ Kimberly Queen (Kimberly Queen Fern)

Ảnh: casa

Cây dương xỉ Kimberly Queen có tên khoa học là Nephrolepis obliterata, là một trong những loại cây cảnh dễ trồng nhất thuộc họ dương xỉ. Cây có thể chịu được điều kiện ánh sáng trực tiếp hoặc trồng trong nhà. Loại dương xỉ này có tác dụng lọc bỏ chất fomandehit, xylen khá tốt trong không khí.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này thích đất ẩm. Dương xỉ đòi hỏi nhiều nước do đó có thể chịu mưa nếu được trồng trên sân thượng. Khi trồng trong nhà, bạn cần tưới nước đều đặn. Có thể trồng trong phòng tắm hoặc phòng bếp – những khu vực ẩm hơn khi so với phòng ngủ hay phòng khách.

Ánh nắng: Loại cây này ưa sáng nên thích hợp để đặt cạnh cửa sổ.

9. Cây dương xỉ Mỹ (Boston Fern)

Cây dương xỉ Mỹ được xem là một trong những cây trồng lọc không khí tốt nhất. Ảnh: pinterest

Loại cây này có tên khoa học là Nephrolepis exaltata, là một trong những cây cảnh phổ biến được trồng trong nhà. Cây dương xỉ Mỹ có nhu cầu về độ ẩm cao nên cần được chăm sóc thường xuyên. Cây có thể loại bỏ phần lớn các hóa chất độc hại như fomandehut, xylen, toluene, thủy ngân và asen nên được coi là một trong những “máy lọc không khí” tự nhiên tốt nhất.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này thích đất ẩm. Dương xỉ đòi hỏi nhiều nước do đó có thể chịu mưa nếu được trồng trên sân thượng. Khi trồng trong nhà, bạn cần tưới nước đều đặn. Có thể trồng trong phòng tắm hoặc phòng bếp – những khu vực ẩm hơn khi so với phòng ngủ hay phòng khách.

Ánh nắng: Loại cây này ưa sáng nên thích hợp để đặt cạnh cửa sổ.

Lưu ý: Nên lau lá thường xuyên để tránh nhện làm tổ ở giữa những tán lá rậm rạp.

10. Trầu bà vàng (Golden Pothos hay còn gọi là Epipremnum aureum)

Ảnh: anselandivy

Trầu bà vàng là cây ưa sáng nhưng cần tránh ánh sáng trực tiếp, có tên khoa học là Epipremnum aureum. Cây dễ sống, không khó chăm sóc nên rất thích hợp để trồng trong nhà hoặc môi trường văn phòng, công sở. Trầu bà vàng có thể loại bỏ nhiều chất độc hại có trong không khí như benzene, fomandehit, tricloetylen, toluene và xylen.

CHÚ Ý GÌ KHI CHĂM SÓC CÂY?

Điều kiện đất và nước: Loài cây xanh thanh lọc không khí trong nhà này ưa đất khô cằn. Tưới nước quá tay sẽ dẫn đến úng rễ. Tuy nhiên, bạn có thể cắt cành và ngâm trong nước để kích thích ra rễ.

Ánh nắng: Có thể sống sót tốt trong điều kiện ít nắng.

Lưu ý: Lá trầu bà sáng bóng và to bản nên cần được lau thường xuyên, tránh để đóng bụi. Bạn có thể trồng trầu bà trong rổ treo và thả xuống để tạo những vườn cây treo xinh xắn trong nhà.

Lưu ý gì khi trồng cây xanh thanh lọc không khí trong nhà?

  • Một số cây cảnh có thể là chất độc đối với vật nuôi trong nhà như chó, mèo… Bạn nên kiểm tra danh sách những cây trồng có thể gây hại với thú cưng trước khi mang về trồng trong nhà.
  • Không nên trồng quá nhiều cây trong nhà. Tuy mốt “vườn trong nhà” rất hot, nhưng trồng nhiều cây xanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt của Việt Nam có thể tạo thành môi trường tốt cho nấm mốc mọc. Vườn cây um tùm còn là nơi trú ẩn của nhiều loài côn trùng. Nếu thích có nhiều cây thì bạn hãy đặt ngoài ban công, lan can hoặc trên sân thượng.
  • Chậu trồng cần có dĩa lót để nước tưới không chảy ra ướt sàn nhà.

Ảnh: Shutterstock

>>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: 6 MẸO TRANG TRÍ NHÀ CỬA KHIẾN CĂN HỘ NHỎ TRÔNG TO VÀ THOÁNG ĐÃNG HƠN

Trích dẫn NCSU.Edu
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm