10 bài hát thời trang lấy cảm hứng từ thương hiệu cao cấp

Trào lưu make up theo bài hát "Made You Look" của Meghan Trainor viral trên MXH, chứng thực cho mối liên hệ giữa thời trang và âm nhạc

Bài hát thời trang Made You Look gây bão mạng xã hội. Ảnh: YouTube

“Em có thể diện cả một cây Gucci hay vài bộ Louis Vuitton rực rỡ ấy. Nhưng dù không mặc gì em cũng sẽ khiến anh nhìn say đắm”

Bài hát Made you look với hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp đã gây bão cộng đồng mạng. Nó cũng nằm trong top 10 bản hit ở các quốc gia trên toàn cầu và tạo ra cơn sốt vũ đạo TikTok, thu hút người hâm mộ và cả những người nổi tiếng.

Lý do tại sao thời trang và âm nhạc trở nên có mối liên hệ phức tạp như vậy là cả hai đã trở thành một phương pháp thể hiện cá tính, niềm tin cuộc sống. Cách âm nhạc ảnh hưởng đến thời trang và ngược lại đã được chứng kiến ​​trong hầu hết các thập kỷ trước, cùng Harper’s Bazaar điểm qua 10 bài hát thú vị.

10 bài hát nổi tiếng điểm tên các thương hiệu thời trang cao cấp

Made You Look do Meghan Trainor thể hiện

Nội dung của ca khúc Made You Look nói về sự tự tin trong một mối quan hệ lâu dài. Lời bài hát nói nôm na rằng dù không mặc đồ hiệu, ngay cả khi cơ thể thay đổi sau nhiều năm kết hôn, nhưng người phụ nữ sẽ mãi quyến rũ và thu hút.

Mượn tên các nhà mốt Gucci, Louis Vuitton, Versace để diễn giải dù cho diện trên người quần áo đắt tiền hay rũ bỏ lớp bóng bẩy thì Meghan vẫn có thể thu hút sự chú ý của chồng. Bài hát thời trang này ngầm mang một thông điệp tích cực “bạn đẹp nhất khi là chính mình”.

Fashion Killa do A$AP Rocky thể hiện

Ra mắt vào năm 2013 với sự xuất hiện của Rihana vào vai bạn gái mình, Fashion Killa của A$AP Rocky là một bài hát về thời trang của người phụ nữ. Trong bài hát, Rocky rap về việc anh ấy bị thu hút bởi những cô gái ăn mặc đẹp. Anh ta nêu tên một số nhà thiết kế và nhãn hiệu cao cấp.

Mặc dù lời bài hát chắc chắn là phù phiếm nhưng nó cũng chứa đựng một thông điệp nghiêm túc về sức mạnh của trang phục. Trong một thế giới mà ấn tượng đầu tiên là tất cả, thời trang có thể được sử dụng như một công cụ để thu hút sự chú ý. Dù tốt hay xấu, cách chúng ta ăn mặc thường nói lên nhiều điều về chúng ta hơn là lời nói.

Fashion từ David Bowie

Fashion của David Bowie là một bài hát thời trang tinh hoa của thập niên 1980. Lời bài hát vui tươi và sôi nổi, nhưng chúng cũng chứa đựng những bình luận sắc bén về sự hời hợt của thế giới thời trang. Màn trình diễn giọng hát bí ẩn đặc trưng của Bowie làm tăng thêm sức hấp dẫn tổng thể của bài hát. Kết quả là một ca khúc vượt thời gian vẫn được yêu thích trong hơn ba thập kỷ.

Fashion được phát hành dưới dạng đĩa đơn chính trong album phòng thu thứ 13 của Bowie, Scary Monsters (and Super Creeps). Album là một thành công về mặt thương mại và phê bình, đứng đầu Bảng xếp hạng Album của Vương quốc Anh và bán được hơn hai triệu bản tại Hoa Kỳ.

Fashion của Lady Gaga

Năm 2013, Lady Gaga phát hành album phòng thu thứ ba  Artpop. Cô ấy đã hợp tác với will.i.am và David Guetta trong ca khúc Fashion. Lời bài hát nhắc đến những thương hiệu cao cấp như Gucci, Fendi, Prada, Valentino, Armani, Vivienne Westwood… Nhấn mạnh rằng khoác lên mình những trang phục hàng hiệu, bạn có thể trở thành bất kỳ ai và rạng rỡ chinh phục cả thế giới.

Please Stop Making Fake Versace thể hiện bởi Father

Vào tháng 5 năm 2015, Father đã  cho ra mắt Please Stop Making Fake Versace. Một cú nổ tuyệt đối, đó là tất cả những gì mà người yêu Versace thập niên 90 này có thể yêu cầu. Xuyên suốt bài hát, Father vạch mặt những kẻ mặc đồ Versace giả— một trong những thương hiệu xa xỉ thần thánh nhất trong ngành công nghiệp hip-hop.

All Designer từ HEDEGAARD, CANCUN?

Một tác phẩm xập xình cho các hộp đêm với lời nhạc kích thích các “con chiên ngoan đạo” của thời trang cao cấp muốn mở hầu bao đi mua sắm. Tuy đến từ một DJ underground nhưng ca khúc All Designer mau chóng được remix nhiều lần và lan truyền mạnh qua các nền tảng chơi nhạc số.

Come on a Cone do Nicki Minaj viết và rap

Come on a Cone, từ album Pink Friday: Roman Reloaded của Nicki Minaj có một số lời rap hay nhất của Nicki về thời trang trên nền nhạc điện tử rộn ràng. Nó chứa đầy những cái tên, quần áo hàng hiệu và sự khoe khoang hóm hỉnh của Nicki. Chỉ trong câu đầu tiên, cô ấy nói về việc biểu diễn tại một buổi trình diễn của Versace, xuất hiện trên Ellen và ngồi hàng ghế đầu với Anna Wintour tại buổi trình diễn Oscar de la Renta.

Phresh Out The Runway từ Rihanna

Rihanna tự tin và phô trương về phong cách của mình trong bài hát Phresh Out The Runway năm 2012. Cô ấy kể chi tiết về việc đeo kim cương, mặc những bộ lông thú đẹp nhất và đi giày cao gót của Givenchy trên đường đua. Rihanna từng trình diễn bài hát này trên sàn diễn Victoria’s Secret Fashion Show năm 2012, từng được mệnh danh là show thời trang lớn nhất thế giới vào lúc bấy giờ.

Chanel do Slim Jxmmi, Swae Lee kết hợp cùng Pharrell

Slim Jxmmi, Swae Lee của Rae Sremmurd và Pharrell Williams đã hợp tác để tạo ra Chanel, một ca khúc hấp dẫn chứa đầy lời bài hát ngất ngâyTrong bài ca ngợi nhãn hiệu thời trang mang tính biểu tượng này, bộ ba chiêu đãi các quý cô của họ những buổi làm móng và những chuyến đi mua sắm tại Chanel. Chỉ cần nghe một lần, bạn sẽ bị cuốn hút bởi phần điệp khúc lặp đi lặp lại và nhịp điệu điện tử đa sắc. Bản nhạc xuất hiện trên SremmLife 3, được phát hành vào tháng 4 năm 2018.

Thrift Shop bởi Macklemore và Davis Lewis

Tuy đã ra mắt được cả thập kỷ, bài hát Thrift Shop vẫn được liệt kê vào top những ca khúc hay nhất về thời trang khi chế giễu thú vui khoe hàng hiệu. Trong kỷ nguyên thời trang phong cách retro lên ngôi, những trang phục tưởng như đến từ tủ đồ cũ kỹ của ông bà lại hóa thành thời trang cool ngầu để đi quẩy. “Nhìn giống áo Gucci thế – không, thứ này chỉ 50 đô-la Mỹ thôi”, trích dẫn một đoạn rap.

Thời trang và âm nhạc: Mối lương duyên mang tính lịch sử

Ảnh hưởng của âm nhạc đối với thời trang đã được thể hiện rõ ràng trong suốt lịch sử phát triển. Âm nhạc, giống như thời trang, luôn được sử dụng như một cách thể hiện bản thân và cả hai đều là những hình thức nghệ thuật giàu cảm xúc và dễ dàng đạt được cảm tình của công chúng.

Thời trang cũng giống như âm nhạc, là một trong những dẫn chứng rõ ràng nhất của thời đại và nó nói lên nhiều điều về văn hóa. Chúng ta có thể dễ dàng phân biệt sự khác biệt giữa quần jean ống chuông mà giới hippie mặc năm 1969 so với quần jean bó sát mà thanh thiếu niên emo mặc vào năm 2005.

Thập niên 1920: Flapper và nhạc Jazz

Ảnh: Pinterest

Trong thời đại ngày nay, nhạc jazz được cho là nên thơ và giàu tư vị, nhưng nó đã cực kỳ tai tiếng trong những năm đầu tiên xuất hiện vì chất nhạc này chỉ được biểu diễn tại các hộp đêm và quán rượu. Nhạc jazz cũng có xu hướng mang âm hưởng nữ quyền mạnh mẽ, thay đổi cách phụ nữ cư xử và ăn mặc. Flapper là một từ lóng dùng để chỉ nhiều phụ nữ hâm mộ nhạc jazz và mặc đồ thời trang. Những nhà nữ quyền này đã thoát ra khỏi chuẩn mực mà xã hội đã đặt lên họ và thay vào đó họ chọn những chiếc váy ngắn, không mặc áo ngực và quần áo rộng giúp họ có thể di chuyển và tự do khiêu vũ suốt đêm.

Thập niên 1950: Teen pop

Ảnh: Pinterest

Lúc bấy giờ hầu hết các hãng thời trang lớn đều phớt lờ thanh thiếu niên và chỉ phục vụ thị hiếu của người lớn. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào những năm 1950, với sự ra đời của truyền hình và phim ảnh và tất nhiên âm nhạc trở nên phổ biến rộng rãi gần với công chúng. Với sự xuất hiện ngày càng tăng của các ngôi sao điện ảnh và nghệ sĩ nhạc rock and roll như Elvis Presley. Lúc này nhiều thanh thiếu niên khao khát những bộ quần áo giống với thần tượng yêu thích. Vì vậy thị trường tuổi teen phát triển đến mức các nhà thiết kế không còn có thể bỏ qua nó.

Thập niên 1960: Mod và Hippie

Ảnh: Pinterest

Trong thập niên 1960, Mod – một phiên bản nhạc jazz trẻ trung hơn với âm hưởng nhạc soul, R&B, ska – ra đời, son song với sự phát triển của phong trào chũ nghĩa hiện đại. Từ âm nhạc, Mod Style tràn qua thời trang để trở thành một trong những xu hướng lớn nhất trong lịch sử thời trang thế kỷ 20. Thậm chí ngày nay, cả âm nhạc và thẩm mỹ phong cách của thời trang Mod vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng vui tươi và trẻ trung cho các nhà thiết kế hàng đầu.

>>> XEM THÊM: MOD STYLE: PHONG CÁCH RETRO THẬP NIÊN 1960 CỦA GIỚI TRÍ THỨC

Ảnh: Pinterest

Trong khi thanh thiếu niên London đón nhận phong trào tích cực của Mod, thì thanh thiếu niên ở Mỹ lại có một cuộc cách mạng thời trang rất khác là Hippie. Các nhạc sĩ bắt đầu viết nhạc phản ánh thời kỳ phản đối chính quyền. Trong thời kỳ này, nhiều nhạc sĩ và người hâm mộ bắt đầu thử nghiệm các loại thuốc gây ảo giác như LSD và peyote. Kết quả là, cả âm nhạc và thời trang đều trở nên sôi nổi, dưới dạng họa tiết nhuộm màu, in hoa đậm, phụ kiện tinh xảo, móc, tua rua và quần jean đáy chuông nằm trong số những xu hướng lớn nhất thời bấy giờ.

Thập niên 1970: Punk và Glam Rock

Ảnh: Pinterest

Phong trào nhạc punk nhanh chóng phát triển để trở thành một phong trào xã hội. Do nhạc punk tập trung sâu vào tính cá nhân và tự do, nhiều người đã tham gia vào bối cảnh nhạc punk như một cách để thách thức và ngạo nghễ. Vì vậy, các lựa chọn hàng may mặc của họ luôn hướng đến những món đồ làm bằng tay như áo khoác da, tóc sáng màu, khuyên và bất cứ thứ gì trông khác với xu hướng thông thường.

Ảnh: Pinterest

Thập niên 70 là một trong những thập kỷ đầu tiên của khoa học viễn tưởng. Các nhạc sĩ như David Bowie, Marc Bolan và ban nhạc như Kiss, bắt đầu lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng lồng ghép vào nhiều  buổi biểu diễn, dẫn đến sự ra đời của Glam Rock. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều cửa hàng ngầm bắt đầu bán những món đồ phù hợp với gu thẩm mỹ của Glam Rock. Mặc dù, nhiều người yêu thích âm nhạc nhưng họ không coi glam rock là thời trang.

Thập niên 1980: Goth

Ảnh: Pinterest

Một trong những phân nhánh phụ nổi bật nhất của glam rock là nhạc goth. Hầu hết những thể loại âm nhạc ủ rũ này đều gắn liền với một vài thói quen “khác thường” như mặc toàn đồ đen, mê phim kinh dị, trang điểm mặt nhạt thếch nhưng lại tô son đỏ tía đậm. Sự khởi đầu của thời trang Gothic thường bắt chước các yếu tố rùng rợn giống như phù thủy hay nhiều nhân vật phản diện ma quái.

>>> XEM THÊM: GOTH: PHONG CÁCH THỜI TRANG CỦA TANG TÓC VÀ LÃNG MẠN

Thập niên 1990: Grunge và Hiphop

Ảnh: Pinterest

Vào những năm 1990, một loại âm thanh mới được sinh ra từ sự tức giận của thanh thiếu niên được gọi là nhạc Grunge. Thể loại nhạc này xuất hiện như cuộc nổi dậy chống lại lối sống bị thương mại hóa ở vùng ngoại ô. Những nghệ sĩ như Kurt Cobain cuối cùng đã trút bầu tâm sự đó qua âm nhạc và nó đã gây được tiếng vang với cả một thế hệ thanh thiếu niên.

Vẻ ngoài thô kệch của những bộ quần áo theo phong cách đó nhanh chóng thu hút nhiều tín đồ âm nhạc. Marc Jacobs là người sớm áp dụng phong cách này. Ngày nay, phong trào grunge của thập niên 90 vẫn là một xu hướng thời trang dễ nhận biết.

Ảnh: Pinterest

Vào cuối những năm tám mươi và đầu những năm chín mươi, hip-hop bùng nổ và trở thành một trong những loại hình âm nhạc phổ biến nhất. Văn hóa hip-hop ra đời trên đường phố của các khu đô thị như New York, Los Angeles và Detroit, nơi các trận đấu rap, breakdance và turntablism phổ biến. Khi tầm ảnh hưởng của hip hop được thanh thiếu niên trên khắp nước Mỹ đón nhận. Mọi người bắt đầu mô phỏng thời trang của các rapper. Một số xu hướng hip hop phổ biến nhất là quần baggy, logo đồ lót nổi bật, bộ đồ thể thao Adidas, áo thể thao ngoại cỡ, mũ xô và nhiều dây chuyền vàng.

Thập niên 2010: Nhạc điện tử EDM

Ảnh: Pinterest

Trong những năm 1990, thế giới ngầm của điện tử bùng nổ. Những buổi tiệc âm nhạc điện tử, được gọi là rave, là điểm tụ họp của giới trẻ cuồng loạn. Đến với rave, họ diện thời trang đường phố theo phong cách sport luxe, hoặc kết hợp với chất vị lai qua chất liệu bạc phản quang. Bên cạnh đó, phong cách Y2K của thập niên 2000 cũng được ưa chuộng tại rave.

Kết

“Tất cả nghệ thuật đều không ngừng hướng tới trạng thái âm nhạc.” Nhà phê bình nghệ thuật của thế kỷ 19, Walter Pater đã từng nói. Thật vậy, âm nhạc luôn là một trong những cách tuyệt vời nhất để thể hiện cảm xúc và sự sáng tạo. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tên tuổi thương hiệu đã trở thành một phần phổ biến trong lời các bài hát đứng đầu bảng xếp hạng trải dài suốt nhiều thập kỷ. Một cái tên xuất hiện đơn giản trong bài hát của một nghệ sĩ nổi tiếng sẽ khiến khán giả muốn mua trang phục sang trọng.

Ca khúc Made You Look của Meghan Trainor trở thành trào lưu thịnh hành trên TikTok. Sự kết hợp thú vị này đã một lần nữa đưa ra nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa âm nhạc và thời trang là “tri kỷ” không thể tách rời. Trong thời đại số, mối quan hệ này lại trở nên khắn khít hơn nữa giúp các nhà thời trang và nghệ sĩ làm nên những màn collab mang tính viral.

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm