Vụ việc Dear José: Cách nào ngăn chặn đạo nhái trong thời trang?

Những gì bạn cần biết về việc bảo vệ bản quyền trong ngành thời trang và may mặc

Nhà thiết kế Christina Blum cho rằng thương hiệu Dear José đã đạo nhái chiếc váy (phải) do mình thiết kế

Thương hiệu thời trang Việt Dear José vừa bị tố đạo nhái mẫu mã của hãng thời trang nước ngoài, dẫn đến một làn sóng miệt thị và tẩy chay thương hiệu này rất nặng trên mạng xã hội. Người tiêu dùng ùa vào các kênh mạng xã hội của hãng, phàn nàn rằng “thương hiệu làm xấu tiếng tăm Việt Nam trong thị phần các nhà thiết kế độc lập vừa và nhỏ”. Thực hư thế nào?

Tóm tắt những lùm xùm xung quanh vụ việc Dear José đạo nhái

Dear José là thương hiệu Việt do Nguyễn Thanh Dương thành lập năm 2018. Chàng trai tốt nghiệp khóa thiết kế thời trang của trường đại học Tôn Đức Thắng đã thành công tạo nên một thương hiệu Việt nổi tiếng với những mẫu đầm hoa lãng mạn rất thơ.

Cho mùa Xuân Hè 2022, Dear José tung ra hình ảnh một chiếc quần váy với những nếp gấp tạo hình bằng kỹ thuật smocking. Ngay lập tức, một nhà thiết kế người Mỹ mang tên Christina Blum đã tố cáo rằng Dear José đạo nhái thiết kế của mình. Cựu học sinh trường Parsons The New School của New York cho biết: Thiết kế của Dear José giống hệt mẫu váy Kassidy từ thương hiệu Christina Blüm Studio do mình sáng lập. Thương hiệu khởi nghiệp này chuyên sử dụng kỹ thuật smocking trong các mẫu thiết kế của mình.

Cân cảnh chi tiết smocking. Ảnh: Instagram @christinablumstudio

Nguyễn Thanh Dương phản bác rằng mình không phạm quy. Anh thừa nhận rằng mình đã lấy cảm hứng từ mẫu thiết kế của Christina Blum, nhưng giải thích rằng Dear José đã biến chân váy của NTK người Mỹ thành quần váy, do đó không giống 100% với mẫu nguyên bản.

Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh rằng kỹ thuật smocking khá thông dụng, không phải do Christina Blum lên ý tưởng hay sở hữu bằng sáng chế. “Tôi đã thấy mẫu thiết kế của cô khi tìm hiểu về kỹ thuật smocking của Alexander McQueen”, anh cho biết. Do đó anh cho rằng Dear José không vi phạm vấn đề bản quyền về mặt luật pháp.

Nguyễn Thanh Dương cho biết mình tham khảo nhiều sản phẩm smocking, trong đó có chiếc đầm tổ ong từ BST Alexander McQueen Xuân Hè 2013. Ảnh: Alexander McQueen

Trong khi đó, Christina Blum khẳng định rằng Dear José đã đạo nhái, do hai mẫu thiết kế trông giống nhau 100% khi nhìn thoáng qua. Cô đề nghị Dear José chia sẻ lợi nhuận thu được từ sản phẩm, hoặc trả tiền mua lại 100% bản quyền. Nguyễn Thanh Dương không đồng ý vì cho rằng thiết kế này không phù hợp để sản xuất hàng loạt.

Cuối cùng, Christina Blum tức giận đăng tải toàn bộ cuộc nói chuyện giữa đôi bên lên Instagram. Còn Dear José tuyên bố không sản xuất sản phẩm này và xóa đi tất cả những hình ảnh liên quan trên mạng xã hội.

Việc ăn cắp mẫu mã thời trang ít khi gặp vấn đề pháp lý?

Những ai theo học và làm việc trong ngành thời trang biết rằng hàng năm có vô vàn trường hợp đạo nhái mẫu mã. Các công ty kinh doanh thời trang nhanh (fast fashion) như H&M, Zara, Forever21… và thời trang siêu nhanh (ultra-fast fashion) như Shein, Boohoo, Fashion Nova… đều từng vướng vào những lùm xùm này. Hoặc họ bị lên án là ăn cắp mẫu mã của một nhà thiết kế độc lập, hoặc nhái theo thiết kế xa xỉ vừa ra mắt trên sàn diễn thời trang quốc tế, hoặc thậm chí tệ hơn là copy lẫn nhau.

Mới cách đây vài tuần, H&M bị tố đạo nhái của nhà thiết kế Chet Lo. Chet Lo nổi tiếng với các mẫu thiết kế dệt kim có gai đâm tua tủa như trái sầu riêng. Trái: Sản phẩm của Chet Lo. Phải: Sản phẩm của H&M. Ảnh: Thương hiệu cung cấp

Nhưng sở dĩ những tình trạng này nhiều nhan nhản không đếm xuể vì luật pháp ít sự bảo hộ cho tính độc quyền trong thiết kế thời trang may mặc.

Theo ngôn ngữ pháp luật, quần áo bị xem như sản phẩm ứng dụng, không phải tác phẩm nghệ thuật có tính bản quyền cao. Các yếu tố ứng dụng không thể được bảo hộ – ví dụ, không ai có thể đăng ký sở hữu phom dáng áo blazer và ngăn cấm người khác khai thác nó.

Shein nhiều lần đạo nhái Zara. Trên TikTok, hashtag #ZaraDupes thậm chí trở thành xu hướng. Ảnh: A Cups of Couture

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu nằm ở vấn đề kinh tế.

Theo nghiên cứu đăng tải trên Chuyên san Kinh tế, Luật và Khởi nghiệp từ trường đại học Pepperdine, việc đăng ký độc quyền sản phẩm ứng dụng có thể hạn chế sản xuất, từ đó gây thiệt hại kinh tế. Chí ít, đó là góc nhìn của nước Mỹ, quốc gia từng có ngành công nghiệp gia công may mặc đứng đầu thế giới. Tại đây, sản phẩm may mặc nằm ngoài lề phạm vi bảo vệ bản quyền.

Trong khi đó, Pháp và Ý, hai đất nước có bề dày lịch sử thời trang, lại có nhiều luật bảo vệ sản phẩm thời trang hơn. Luật pháp tại đây định nghĩa thời trang là tác phẩm nghệ thuật có thể mặc được. Dù vậy, sự bảo hộ này chỉ áp dụng cho công dân của các quốc gia này.

Tình trạng của Việt Nam cũng tương tự như Mỹ. Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt trong các lĩnh vực văn học, khoa học, công nghệ, chứ chưa thực sự bao trùm phạm trù thời trang.

Những phương pháp ngăn ngừa vấn đề đạo nhái, ăn cắp mẫu mã trong thời trang

Ngọc Trinh bị tố may hàng fake, giả mạo chiếc đầm từ nhà thiết kế Haixi Ren. Tuy nhà thiết kế phẫn nộ nhưng không thể tác động về mặt pháp lý đến “nữ hoàng nội y”. Ảnh: Instagram

Tuy đối mặt với pháp luật lỏng lẻo trong bảo hộ chất xám cho ngành thời trang, các thương hiệu trên thế giới đã tìm ra nhiều phương pháp để hạn chế vấn đề đạo nhái, ăn cắp mẫu mã. Sau đây là một số những giải pháp.

LOGO

Logo và tên thương hiệu là sản phẩm đầu tiên bất kỳ ai cũng nên đăng ký bản quyền khi vận hành doanh nghiệp. Tại Việt Nam, bạn có thể đăng ký tại IPVietnam.gov.vn

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA

Tuy khó có thể đăng ký bản quyền cho phom dáng sản phẩm, nhưng các thương hiệu có thể bảo hộ cho họa tiết, hình vẽ, hình thêu trên sản phẩm do mình sáng tạo ra. Trên thế giới, đây là một cách chủ đạo để các thương hiệu bảo đảm tính độc quyền cho sản phẩm của mình. Đó cũng là lý do các nhà mốt thường có vải in họa tiết monogram của riêng mình.

Diane Von Furstenberg là người đã sáng chế ra kiểu đầm wrap dress đắp chéo người. Tuy nhiên bà không thể bảo vệ bản quyền cho phom dáng này. Do đó bà “chơi chiêu” khi đăng ký bản quyền cho các họa tiết in trên đầm. Ảnh: Harper’s Bazaar Singapore

BẰNG SÁNG CHẾ

Những đơn vị lớn có khả năng chế tác nên chất liệu, máy móc hay kỹ thuật sản xuất sản phẩm may mặc mới luôn đăng ký tấm bằng sáng chế (patent). Các công ty phải chứng minh chưa có ai làm được sản phẩm tương tự như mình trước đây.

Tấm bằng sáng chế đôi khi sẽ là chìa khóa giúp khởi nghiệp thành công, ví dụ như Swarovski và máy cắt pha lê công nghiệp, hoặc công ty Lenzing AG sáng chế nên chất liệu Tencel.

TRADE DRESS

Những thương hiệu lâu năm với sản phẩm dễ nhận diện dù không có logo được quyền bảo hộ những chi tiết trang trí giúp định hình sản phẩm. Một vài ví dụ là đế đỏ của giày Christian Louboutin, phom dáng đặc trưng của túi Hermès Birkin và Kelly, hoặc màu xanh của Tiffany & Co.

Để đạt đến tầm bảo hộ của trade dress, thương hiệu phải kinh doanh sản phẩm lâu năm, đầu tư chi phí cho quảng cáo, để chứng tỏ sự quan trọng của những yếu tố trang trí này đối với sản phẩm.

Christian Louboutin phải đăng ký chính xác mã màu Pantone của đế đỏ để được nhận quyền bảo hộ Trade Dress. Bên cạnh đó, ông chỉ có thể thắng kiện trong các tình huống đế giày và mu giày có hai màu sắc khác nhau. Ảnh: Christian Louboutin

BẠN CÓ BIẾT?

Vì những yếu tố bản quyền kể trên, các thương hiệu thời trang xa xỉ chọn đầu tư cho phụ kiện hơn là quần áo.

Túi xách, giày dép khó chế tác hơn nên sẽ ít bị cạnh tranh hơn, có tuổi đời lâu dài do không dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng. Do đó, khi chi nhiều tiền bạc bảo vệ bản quyền cho túi xách hay giày dép, các thương hiệu sẽ có cơ hội thu lại vốn đầu tư cao hơn khi so sánh với bảo hộ sản phẩm thời trang may mặc.

Sản phẩm may mặc (ready-to-wear) và những sàn catwalk hoành tráng thường bị xem là chi phí quảng cáo hơn là chi phí sản xuất.

Luật pháp là tiêu chuẩn kinh doanh thấp nhất

Quay trở lại với chiếc váy mà nhà thiết kế Christina Blum cho rằng Dear José đã đạo nhái. Chiếc váy này không có logo thương hiệu, không có chất liệu in độc quyền, không sử dụng kỹ thuật do chính Christina Blum sáng chế ra. Khả năng nó được bảo vệ bản quyền là rất thấp. Do đó, Dear José không thực sự phạm luật khi chế tác nên một mẫu thiết kế na ná.

Nhưng, tôi còn nhớ khi theo học lớp luật tại trường, giáo sư tôi từng phát biểu: “Luật pháp luôn là lằn ranh thấp nhất. Hãy để đạo đức là tiêu chuẩn cao hơn”. Việc Dear José đạo nhái không phạm luật, nhưng cách hành xử khiến người ta chạnh lòng.

Trích dẫn The Fashion Law, Copyright Alliance, International Trademark Association
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm