Thời trang bền vững là gì? Cách nhận diện thương hiệu bền vững

Harper's Bazaar mách bạn những cách nhận biết một thương hiệu phát triển theo phương diện thân thiện với môi trường

Harper's Bazaar_BST In Alignmet của NTK Xuân Thu Nguyễn_02

Thời trang bền vững là gì? Một thiết kế làm từ denim tái chế (upcycle) của NTK Xuân Thu Nguyễn được xem là bền vững vì tận dụng lại vải cũ, vải thừa để biến nó thành trang phục mới. Ảnh: Decembermedia

Khi ngành công nghiệp thời trang được nhận biết là ngành công nghiệp gây hại đến môi trường nhất thế giới, những từ ngữ như “thời trang bền vững” (sustainable fashion) hay “phát triển bền vững” (sustainable development) ngày càng được sử dụng nhiều bởi các thương hiệu chứng tỏ rằng mình đang đưa ra phương thức hoạt động thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thời trang bền vững thực sự là gì? Làm sao nhận biết liệu một thương hiệu thật sự hoạt động vì môi trường hay chỉ đang tẩy xanh (greenwashing)? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu tường tận về chủ đề này.

Thời trang bền vững (sustainable fashion) là gì?

Nói chung, thời trang bền vững là hướng phát triển trong thời trang giúp giảm thiểu tác động tới môi trường. Cụ thể là giảm hao hụt tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải và ô nhiễm môi trường, giảm stress đến con người tham gia sản xuất và sử dụng sản phẩm.

Sau khi thời trang nhanh (fast fashion) ra đời trong thế kỷ 20, sự hao hụt tài nguyên thiên nhiên (nước, nguyên vật liệu, dầu mỏ và nhiên liệu) tăng nhanh do khối lượng mặt hàng sản xuất tăng vọt. Song song, lượng rác thải từ ngành thời trang đổ ra những bãi rác ngày càng nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái xung quanh.

Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ làm cạn kiệt những nguồn lực cần thiết cho sự sống còn của con người trên Trái đất này trong tương lai. Do đó, sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang là bắt buộc.

Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Để thực sự theo đuổi đường hướng phát triển này không dễ dàng vì chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm thấp. Thậm chí, nhiều thương hiệu chỉ nói cửa miệng nhưng không thực sự làm đúng chỉ tiêu – hành động này được gọi là “tẩy xanh” (greenwashing).

>>> XEM THÊM: LỊCH SỬ NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỜI TRANG NHANH (FAST FASHION)

Những yếu tố quyết định tính bền vững của thời trang

1. Chất liệu và nguyên phụ liệu

Khi đặt ra câu hỏi “thời trang bền vững là gì”, nguyên liệu và chất liệu là câu trả lời dễ nhất.

Khả năng phân hủy thiên nhiên của một số loại vải thông dụng. Nguồn: Instagram @redcarpetgreendress

Những chất liệu vải thân thiện nhất với môi trường là loại vải có thể phân hủy thiên nhiên, thường là các loại vải nguồn gốc tự nhiên. Đó là cotton, đay, lanh, gai dầu, sợi lụa tơ tằm, sợi tre, sợi len. Ngoài ra các nhà hoạt động vì môi trường đang tận dụng nhiều hơn nguồn sợi từ cây cỏ thiên nhiên như sợi lá dứa, sợi lá chuối, viscose dệt từ xơ bã mía lau…

Ngược lại, thương hiệu phải ngừng sử dụng chất liệu gốc dầu mỏ trong thời trang. Sợi gốc dầu mỏ (nylon/ polyester/ polyamide/ acrylic/ spandex) không thể phân hủy trong thiên nhiên, do đó vĩnh viễn nằm lại trong các bãi rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Nhựa trong thời trang còn có thể được tìm thấy trong kim tuyến, cườm, kim sa… do đó hạn chế mặc thời trang lấp lánh là cách phát triển bền vững.

>>> ĐỌC TIẾP: ĐÃ ĐẾN LÚC NGÀNH THỜI TRANG THAY THẾ SEQUIN, KIM TUYẾN, HẠT BẸT NHỰA

Thời trang bền vững là gì? Một ví dụ là chiếc đầm làm từ denim dệt bằng sợi lá gai (ramie) của Vũ Việt Hà. Ảnh: Decembermedia

Kế đến, bạn nên ưu tiên những loại vải giúp hạn chế tiêu tốn nước sạch trong sản xuất. Nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm trên trái đất nên hạn chế hao phí nước là vô cùng quan trọng đối với thời trang bền vững. Sợi gai dầu (hemp), lanh (linen), sợi lá gai (ramie) hay sợi sen (lotus) là một số những loại sợi không tiêu tốn nhiều nước trong nuôi trồng, canh tác và thu hoạch sợi.

Vải Tencel cũng thuộc dạng này vì sử dụng xơ gỗ cây bạch đàn mọc nhanh và không tốn nước, lại được se sợi trong môi trường vô nước. Dung môi dùng se sợi được tái sử dụng vòng lặp, không bị hao phí, không bị thải ra môi trường.

Lưu ý rằng Tencel là một loại vải viscose/lyocell, nhưng không phải tất cả loại viscose/lyocell đều có tính chất thân thiện với môi trường như Tencel.

>>> XEM THÊM: CHẤT LIỆU TENCEL LÀ GÌ VÀ VÌ SAO VẢI TENCEL ĐANG ĐƯỢC GIỚI THỜI TRANG ƯA CHUỘNG?

Các thương hiệu xa xỉ lăng xê chất liệu Econyl, là loại nylon dệt từ nhựa thu hoạch từ rác thải biển khơi. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia không thật sự đồng ý với họ. Ảnh: Prada

Ngoài ra, sợi tái chế cũng được liệt kê vào nguyên liệu thân thiện với môi trường, nhưng các chuyên gia chưa thật sự đồng ý với nhau về nhóm chất liệu này.

Được đánh giá cao nhất là cotton tái chế, thường thấy trong denim hay áo thun. Cotton tiêu tốn rất nhiều nước sạch để trồng, do đó việc tái sử dụng cotton là quan trọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vải cotton tái chế không bền bằng cotton nguyên chất, dù có cảm giác mềm mại hơn nhưng lại làm giảm tuổi thọ sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều thương hiệu đang lăng-xê việc sử dụng sợi gốc dầu mỏ tái chế. Nylon/polyester tái chế từ rác thải nhựa được tung hô là giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên cấm sử dụng sợi gốc dầu mỏ trong thời trang vì gây ra hạt vi nhựa có tác động khó lường tới sức khỏe con người.

>>> THAM KHẢO: 6 LOẠI VẢI THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG CHO LỐI SỐNG SLOW FASHION

Góp phần quan trọng ở hạng mục nguyên liệu chính là màu nhuộm. Những loại màu nhuộm tổng hợp có thể gây ô nhiễm môi trường trong khâu sản xuất màu và khâu nhuộm vải, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sản xuất và chính người mặc. Một số những màu nhuộm tổng hợp hay chất chống nhăn vải có khả năng gây kích ứng da và đường hô hấp, do đó không phải là chất liệu bền vững hay thân thiện với môi trường.

2. Phương pháp sản xuất

Thời trang bền vững là gì? Dòng thời trang cao cấp (haute couture) được may đo, không sản xuất dư thừa là một cách tiếp cận. Trong hình là sản phẩm haute couture làm từ sợi lá chuối phân hủy thiên nhiên của Iris Van Herpen. Ảnh: ImaxTree

Những thương hiệu sản xuất vải vóc, hàng hóa chất lượng cao được xem là thân thiện với môi trường hơn thời trang nhanh (fast fashion). Sản phẩm càng chất lượng càng khó hư hỏng, lâu bền, do đó có thể được mặc nhiều hơn trước khi bị vứt bỏ.

Ngoài ra, các thương hiệu có thể áp dụng phương thức may đo theo đơn đặt hàng (made-to-order). Mô hình này chỉ sản xuất khi có đơn hàng. Thay vì sản xuất hàng loạt, dễ gây nên tình trạng tồn kho, lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng môi trường, thì đây là phương pháp hữu hiệu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm tồn kho.

3. Vận chuyển

Sợi lụa tơ tằm có thể phân hủy thiên nhiên, lại được sản xuất ở Việt Nam, là lựa chọn tuyệt vời cho người tiêu dùng Việt. Trong hình là thiết kế lụa tơ tằm dễ mặc từ thương hiệu Phoenix_V của Vũ Thu Phương. Ảnh: Decembermedia

Quá trình vận chuyển hao tốn nhiên liệu, chủ yếu là xăng dầu (cho tàu biển, máy bay) và than đốt (tàu hỏa). Đường vận chuyển càng dài thì lượng tài nguyên thiên nhiên càng nhiều. Lượng khí CO2 bị thải ra còn tạo ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên. Do đó, ưu tiên mua các sản phẩm được sản xuất tại địa phương sẽ rút ngắn quãng đường vận chuyển.

Một số thương hiệu cũng chọn giải pháp trồng cây gây rừng cho mỗi đơn hàng được bán ra. Cây xanh hấp thụ CO2 bị thải ra khi đốt nhiên liệu trong khâu vận chuyển, do đó phần nào giúp cân bằng lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển.

Đồng thời, chất liệu của bao bì trong khâu vận chuyển cũng được quan tâm. Bao bì chủ yếu được làm bằng nhựa. Nhiều thương hiệu đang tìm cách thay thế nhựa trong bao bì vận chuyển, ví dụ như dùng bìa carton. Quỹ từ thiện của Tom Ford cũng vừa trao giải cho nhiều đơn vị đang tìm cách dùng tảo biển để chế ra lớp màng bọc thay thế nhựa.

4. Xử lý rác thải

Ngoại trừ lượng hàng từ fast fashion bị đào thải hàng loạt, rác thải nhựa thông dụng trong thời trang cũng là thứ không phân hủy trong các bãi rác. Ảnh: Tom Ford Plastic Innovation Prize

Rác thải ở đây đến từ mọi khâu trong hành trình của sản phẩm. Từ xử lý nguồn nước thải cho các nhà máy dệt và nhuộm vải, cho đến xử lý bao bì dùng trong khâu vận chuyển sản phẩm. Và lớn nhất chính là xử lý lượng sản phẩm thời trang bị đào thải ra, hiện đang lấp đầy những bãi rác.

5. Nâng đỡ con người trong khâu sản xuất

Thời trang bền vững là gì? Không chỉ bền vững trong nguyên liệu hay chất lượng, lưu ý về rác thải và vận chuyển, các thương hiệu thời trang còn phải đảm bảo đạo đức đối với nhân viên tham gia xuyên suốt quá trình vận hành. Người lao động phải được trả lương hợp lý, làm việc trong môi trường đủ tiêu chuẩn an toàn lao động, đúng luật pháp được đề ra.

Để hiểu thêm về các điểm số 4 và 5, bạn có thể xem bộ phim tài liệu THE TRUE COST.

Những cách để người tiêu dùng có thể tham gia phong trào sống bền vững

1. Chọn tủ đồ linh hoạt, hợp với phong cách cá nhân

Nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị lay chuyển bởi trào lưu. Thời trang nhanh (fast fashion) phất lên vì những người liên tục thay đổi phong cách thời trang khi chạy theo xu hướng hot nhất. Do họ liên tục mua sắm và đào thải sản phẩm cũ, điều này dẫn đến lượng sản phẩm bị vứt đi tăng lên đáng kể hàng năm.

Việc mua sắm và đào thải sản phẩm thời trang sẽ được hạn chế, nếu bạn hiểu rõ phong cách cá nhân và xây dựng được tủ đồ phản ánh gu thẩm mỹ riêng. Cho dù đó là phong cách tối giản kiểu Nhật, French Chic như gái Pháp, cottagecore lãng mạn, hay preppy học đường… Hãy xác định phong cách mình sẽ mặc suốt 10 năm tới đề tìm ra tủ đồ linh hoạt cho riêng mình.

Tủ đồ linh hoạt là tủ đồ với những sản phẩm có thể kết hợp theo nhiều phong cách và nhiều dịp. Cách này vừa hạn chế việc tiêu thụ quá mức, hướng đến tính bền vững.

Thời trang cổ điển, không logo, mang vẻ đẹp vượt thời gian được xem là những item đáng đầu tư cho người ủng hộ thời trang bền vững. Ảnh: CONG TRI

2. Tăng cường sửa chữa trang phục

Khi phát hiện trang phục bạn bị rách một lỗ hay thiếu nút, thay vì vứt nó đi, bạn nên ưu tiên sửa chữa nó.

3. Ưu tiên thời trang second hand

Nếu bạn muốn thay đổi phong cách thường xuyên hoặc nghiện mua sắm quần áo mới, hãy đến các cửa hàng bán đồ vintage hoặc second-hand. Ngược lại, với người muốn loại bỏ trang phục trong tủ quần áo, hãy đến những cửa hàng này thanh lý tủ đồ. Dù là bên mua hay bán, người tiêu dùng đều có thể mang lại cơ hội thứ hai cho trang phục. Với người tiêu dùng tại Việt Nam, trên Facebook hiện có nhiều group thanh lý quần áo cũ bạn có thể tham gia.

4. Hãy thuê quần áo

Với những phong cách bạn đang muốn thử nghiệm nhưng chưa rõ liệu có hợp với mình không, hoặc cho trang phục bạn có thể chỉ mặc một lần trong đời (đầm cưới), bạn có thể chọn thuê quần áo.  Tại Việt Nam, hiện có các kênh cho thuê trang phục dự tiệc và cả thời trang cao cấp theo nhu cầu. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí, bảo vệ môi trường.

5. Bảo quản quần áo đúng cách

Dùng túi lưới bảo vệ đồ lót, đồ dệt kim, ren trong khi giặt là ý tưởng hay. Ảnh: Chammart

Việc giặt giũ và bảo quản quần áo đúng cách cũng là một cách tiếp cận thời trang bền vững không khó khăn. Bạn không nhất thiết phải giặt đồ sau mỗi lần mặc nếu nó chưa dơ hẳn. Giặt với nước lạnh/mát và chế độ nhẹ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của chất liệu. Dùng túi giặt bọc những trang phục dễ bị móc hỏng (như vải dệt kim, ren, lưới) để bảo vệ chúng trong quá trình giặt giũ.

>>> THAM KHẢO NHỮNG KINH NGHIỆM BẢO QUẢN HÀNG THỜI TRANG LÂU BỀN

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm