Tenniscore: Khi thời trang và thể thao của giới thượng lưu hòa nhập

Phong cách thời trang tenniscore, kết hợp thời trang cao cấp với trang phục thể thao, dường như là một phong cách trendy nhờ sức ảnh hưởng từ bộ phim Challengers: Những kẻ thách đấu cùng loạt thời trang thảm đỏ của Zendaya. Tuy nhiên, nó thực tế đại diện cho thẩm mỹ trâm anh thế phiệt (old money) của giới thượng lưu

Zendaya diện thời trang thảm đỏ may đo riêng từ Lacoste lấy cảm hứng từ lưới sân tennis. Ảnh: Instagram @warnerbrosau

Từ khi bắt đầu quảng bá bộ phim Challengers: Những kẻ thách đấu, “nữ hoàng thảm đỏ Gen Z” Zendaya đã giúp thu hút sự quan tâm cho phong cách thời trang tenniscore, lối ăn mặc lấy cảm hứng từ thẩm mỹ của bộ môn thể thao quần vợt. Nhưng từ trước đó, tenniscore đã là một trào lưu nhờ vào sự ảnh hưởng của các siêu sao quần vợt.

Các số liệu thống kê đã chứng minh điều này. Chỉ riêng trong năm ngoái, lượt tìm kiếm trên Pinterest cho “tennis aesthetic” (thẩm mỹ bộ môn quần vợt) đã tăng 37.5%. Lượt tìm kiếm cho “cute tennis outfit” (trang phục quần vợt đáng yêu) tăng 69.65%, trong khi “tennis clothes” (quần áo quần vợt) tăng mạnh đến 150%.

Tài khoản Instagram @databutmakeitfashion cũng đã xác nhận xu hướng này, cho biết sự yêu thích đối với phong cách tennis đã tăng thêm 80% chỉ trong tháng gần đây.

Ảnh: Miu Miu

Điều gì tạo nên sức hút cho phong cách thời trang tenniscore? Trên hết, đó là vì tenniscore thoải mái, mang tới vẻ khỏe khoắn trẻ trung và tạo sự đơn giản trong cách phối trang phục. Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng không kém là vì bộ môn này gắn liền với giới thượng lưu.

Sau khi phong cách sang trọng thầm lặng (quiet luxury) và trâm anh thế phiệt (old money) lên ngôi mạnh mẽ trong 2023, những gì liên quan đến thú vui của giới sang giàu cũng đều trở thành xu hướng.

Tennis: Bộ môn thể thao yêu thích của hoàng thất và giới thượng lưu

Bức họa vẽ lại “Lời Thề Sân Tennis – The Tennis Court Oath” vào ngày 20/6/1789 do Louis Charles Auguste Couder thực hiện. Ảnh: Fine Art Images/Heritage Images

Bộ môn tennis được cho là có xuất xứ từ châu Âu thời Trung Cổ. Đây từng là môn thể thao yêu thích của những thành viên hoàng tộc châu Âu, thu hút từ vua Henry VIII nước Anh đến Mary, nữ hoàng xứ Scot.

Giai đoạn nước Pháp trải qua cuộc cách mạng năm 1789, những sân bóng quần vợt bị đóng cửa khi thành viên hoàng thất tháo chạy. Thậm chí, trong khoảnh khắc đánh dấu tầm quan trọng của cuộc Cách mạng Pháp, các đại biểu cho thường dân nước Pháp đã kéo nhau ra sân tennis gần đó và thề nguyện là sẽ không tha cho nhà vua (khi đó là Louis XVI) cho tới khi một hiến pháp mới được thông qua. Lịch sử nhớ đến khoảnh khắc này với tên gọi “Lời thề sân tennis”.

Sau đó, khi giải đấu quần vợt đầu tiên và cổ xưa nhất, Wimbledon, ra đời năm 1877 ở Anh Quốc, nó tiếp tục kéo dài truyền thống gắn kết tennis và giới thượng lưu. Cùng với bộ môn polo, cưỡi ngựa, chèo thuyền và săn bắn, tennis được xem là một bộ môn thể thao yêu thích của các thành viên vương thất Anh.

Ảnh: Racket Sports World

Nhìn vào số tiền thưởng của giải Wimbledon, ta có thể thấy được sự giàu có của môn thể thao này. Thập niên 2020, tổng số tiền thưởng của mùa giải này lên đến 44,7 triệu Euro. Con số này cao gấp nhiều lần so với tiền thưởng cho các bộ môn kết hợp bóng và vợt khác như cầu lông, squash, bóng bàn hay pickleball (ảnh trên).

Tiền giải thưởng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nguồn thu của các vận động viên tennis không chỉ phụ thuộc vào tiền thưởng từ các giải đấu mà còn đến từ những hợp đồng quảng cáo. Ví dụ, Roger Federer có hợp đồng với Rolex và Uniqlo. Còn Rafael Nadal thì có hợp đồng với Richard Mille, Emporio Armani, thậm chí gần đây còn trở thành đại sứ Vương quốc Ả Rập Xê Út.

Phim King Richards (2021). Ảnh: Warner Bros

Vì những lý do trên, không ngạc nhiên khi phần lớn tay vợt đều xuất thân từ gia đình có điều kiện.

Khác với các môn thể thao như bóng rổ hay bóng đá, nơi các hợp đồng mang lại lợi nhuận cho vận động viên ở mọi cấp độ (ngay cả những người chơi xếp hạng thấp cũng có thể kiếm được số tiền lớn), tennis là một môn thể thao cá nhân nơi thành công phụ thuộc vào năng lực của vận động viên. Chỉ những người đạt thứ hạng mới có thể nhận tiền thưởng.

Để có thể chuyên tâm vào việc tập luyện, các vận động viên phải rèn luyện từ khi còn nhỏ. Họ chỉ có thể tập trung cho bộ môn này nếu được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình. Mọi chi phí đều đắt đỏ: trang thiết bị, đồng phục, phí thuê sân và giáo viên… Thậm chí chỉ một số ít mới có cơ hội được huấn luyện bởi các chuyên gia với mức phí hàng nghìn đô-la Mỹ mỗi giờ.

Sự đắt đỏ của bộ môn này được miêu tả rõ nét trong bộ phim King Richard (2021), bộ phim tiểu sử nói về người cha vĩ đại đã xây dựng nên hai cô con gái là Venus và Serena Williams dù gia đình hoàn toàn khó khăn.

Khi các ngôi sao tennis cũng là biểu tượng thời trang

tenniscore

Lea Pericoli (bên trái) cùng nhà thiết kế Ted Lining, năm 1968. Ảnh: Mirrorpix/Getty Images

Do bộ môn tennis có tính cá nhân cao nên các vận động viên chạm đến đỉnh vinh quang của bộ môn này cũng là một ngôi sao, một biểu tượng có sức ảnh hưởng trong làng thời trang.

Quay ngược thời gian về năm 1920. Tại giải đấu Wimbledon, Suzanne Lenglen, vận động viên quần vợt người Pháp, đã tạo nên dấu ấn lịch sử khi cô xuất hiện với chiếc váy tennis ngắn trên đầu gối và băng đô kiểu flapper do Jean Patou thiết kế, phá vỡ những chuẩn mực trang phục cứng nhắc của thời đại. Đây là bước tiến nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn hướng tới sự thoải mái và tự do cho phụ nữ, mở ra con đường cho nhiều vận động viên quần vợt nữ sau này.

Chris Evert đeo vòng tay tennis trong một trận đấu ở Wimbledon năm 1975. Ảnh: Shutterstock

Sau đó là Chris Evert, tay vợt hàng đầu của Mỹ vào thập niên 1970 từng 18 lần chiến thắng giải Grand Slam ở hạng mục đánh đơn nữ. Cô từng yêu cầu hoãn trận đấu vì làm rơi lắc tay kim cương của mình. Từ đó, kiểu vòng tay bản nhỏ nạm kim cương, đá quý này được gọi là vòng tay tennis.

Ai có thể quên Lea Pericoli với những bộ trang phục gợi cảm, điểm xuyết ren và lông vũ, nơ bản to và đá rhinestone do Ted Tinling thiết kế. Maria Sharapova dịp những năm 2000 với trang phục lấy cảm hứng từ vest tuxedo do Nike thiết kế. Hay Venus Williams với những bộ catsuit trên sân đấu. Mỗi người trong số họ không chỉ tỏa sáng với tài năng trên sân cỏ mà còn với phong cách thời trang độc đáo của mình.

>>> KHẢM PHÁ: VÒNG TAY VÀ DÂY CHUYỀN TENNIS LÀ GÌ MÀ GIỚI HIP HOP YÊU THÍCH?

Phong cách Tenniscore: Khi thời trang cao cấp tìm cảm hứng ở môn thể thao của giới siêu giàu

Ảnh: Miu Miu

Ngành công nghiệp thời trang đã không ít lần tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những bộ đồng phục màu trắng tinh tươm của quần vợt. Tuy nhiên, việc bộ đồng phục tập thể thao được cách tân thành một gu thẩm mỹ phổ biến và hiện đại phải cảm ơn công lao của Miuccia Prada và Câu lạc bộ Quần vợt Miu Miu (Miu Miu Tennis Club).

Kể từ bộ sưu tập Thu Đông 2022, Miu Miu đã không ngừng vay mượn những yếu tố đặc trưng từ đồng phục của tennis. Thương hiệu tái hiện chân váy ngắn xếp ly, áo polo, áo len quàng qua vai… tất nhiên không để tập luyện trên sân bóng xanh mà cho những người muốn đắm mình vào phong cách thượng lưu của bộ môn này.

Áo len vắt vai, chân váy xếp ly kiểu dân chơi tennis trong BST Fendi Thu Đông 2023. Ảnh: ImaxTree

Nhờ Miu Miu tenniscore đã nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang. Ngay lập tức, những thương hiệu khác như Lacoste, Ralph Lauren, hay Sporty & Rich cũng theo sát. Những thương hiệu thời trang này đã có sự liên kết sẵn có với giới thể thao và họ thuận nước đẩy thuyền cho xu hướng tenniscore thêm làn tỏa. Stella McCartney, Sandy Liang, Jacquemus và Fendi cũng không bỏ qua cơ hội.

Những bộ cánh biến tấu từ đồng phục tennis của Lacoste mùa Thu Đông 2024. Áo polo, chân váy xếp ly, vải dệt kim chevron… là một số biểu tượng điển hình cho phong cách này. Ảnh: ImaxTree

Áo polo cổ điển, áo len chevron, váy xếp ly, và tất tennis không chỉ giới hạn trong sân cỏ nữa mà đã trở thành những item thời trang căn bản được săn đón bởi giới mộ điệu. Giống như cô gái mặc đồ tập yoga chưa chắc chuẩn bị đến phòng tập, thì cô gái diện đầm tựa tay đấu quần vợt có thể đang chuẩn bị đi ăn trưa! Và chẳng ai cảm thấy điều này lạ lùng cả.

Lấy cảm hứng từ phong cách old money và sự thoải mái của giới thượng lưu, tenniscore đã nổi lên như một biểu tượng của sự sang trọng tinh tế, một lần nữa được tôn vinh qua điện ảnh, thời trang, và các ngôi sao như Bella Hadid, Kylie Jenner, và Sofia Richie.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm