Concept Store: Cửa hàng bán lẻ của tương lai

Concept Store là một hình thức bán lẻ hiện đại phù hợp với các thương hiệu thời trang nhắm đến khách hàng trẻ cấp tiến

Cửa hàng Nike House of Innovation là một điển hình phải nhắc đến khi đặt câu hỏi Concept Store là gì. Ảnh: Nike

Khi mở một cửa hàng, cho dù là cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, hay điện tử, thì bạn cũng có nhiều lựa chọn về mặt thể loại. Cửa hàng Flagship, Concept, Pop-Up, Outlet…

Tại Việt Nam, khái niệm Flagship store đã phần nào định hình. Các loại cửa hàng Pop-Up cũng được vận dụng thường xuyên. Nhưng Concept store còn là một khái niệm khá mù mờ. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu thêm về Concept Store là gì và cách ứng dụng nó vào chiêu thức kinh doanh sao cho hiệu quả.

Cửa hàng Concept store là gì?

Cửa hàng Dover Street Market ở London có kèm không gian đủ rộng để tổ chức party, show thời trang. Ảnh: Dover Street Market

Trong tiếng Anh, Concept có nghĩa là “Khái niệm”. Đúng với cái tên này, thể loại cửa hàng này không đại diện cho thương hiệu của bạn. Mà đại diện cho một lối sống tương lai.

Nếu Flagship store là loại cửa hàng đại diện cho thương hiệu của bạn, truyền tải hình ảnh bạn muốn thương hiệu cá nhân hướng đến, trưng bày những mặt hàng đinh làm nên tên tuổi của thương hiệu. Thì Concept store lại trưng bày những vật phẩm mới lạ, khó tìm được ở đâu khác. Đến với cửa hàng Concept store, khách hàng có thể phát hiện ra những sản phẩm mới, suy nghĩ về ý niệm sống mới.

Để hoàn thiện câu chuyện xung quanh một lối sống đặc thù mong muốn truyền tải cho khách hàng, Concept Store có thể đi kèm quán café nhỏ, không gian trưng bày triển lãm nghệ thuật, hay địa điểm tổ chức sự kiện thân mật. Điểm này giúp tạo nên một sân chơi, kiến tạo nên một cộng đồng trung thành với phong cách sống mà Concept store muốn truyền tải.

Sự tiến hóa của thể loại cửa hàng Concept store

Thuở ban đầu, Concept store thường thuộc dạng boutique nhỏ, trưng bày hàng hóa từ nhiều thương hiệu hay nhà thiết kế đa dạng. Không quan trọng các thương hiệu này to nhỏ, miễn sao sản phẩm phù hợp với lối sống mà Concept store hướng đến. Các sản phẩm được bày biện thật nghệ thuật, khiến khách hàng chỉ muốn khám phá mọi ngóc ngách của cửa hàng.

Khi hỏi Concept store là gì, không thể không nhắc đến chuỗi cửa hàng L’Usine. Ảnh: L’Usine

Tại Việt Nam, một ví dụ đặc thù là L’Usine. Tôn chỉ của L’Usine là sẻ chia lối sống hiện đại của Sài Gòn đến bạn bè quốc tế, giới thiệu các mặt hàng artisan của Việt Nam đến khách quan. Sản phẩm được chọn lọc để đến từ các nhà sản xuất địa phương, ví dụ như socola Marou hay túi đan Ladan. Đồng thời L’Usine cũng có sản phẩm đến từ các thương hiệu ngoại quốc phù hợp với lối sống của giới trẻ thành thị Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua xuất hiện một thể loại Concept store khác. Đây là kiểu cửa hàng mới mẻ đến từ từng thương hiệu riêng. Họ chỉ trưng bày hàng hóa của riêng mình, nhưng với những phương thức khác lạ so với những điểm bán hàng truyền thống.

Khu vực cho phép người dùng thiết kế đôi giày thể thao theo ý thích tại Nike House of Innovation ở Thượng Hải. Ảnh: Nike

Một ví dụ là cửa hàng Nike House of Innovation cao đến 6 tầng lầu. Tại cửa hàng này, người tiêu dùng không chỉ mua giày dép của Nike, mà còn có lựa chọn thay đổi dây giày, thêm decal lên sản phẩm của mình. Tại tầng 4, khách hàng có thể thăm Sneaker Lab, quan sát cách thương hiệu áp dụng những công nghệ mới vào sản phẩm của mình.

Trong giới chuyên gia, một số người không cho rằng Nike House of Innovation có thể được liệt kê là cửa hàng Concept store. Vì tuy nó giới thiệu một phong cách bán hàng mới, nhưng các sản phẩm không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của ngành bán lẻ, tìm ra những phương pháp mới lạ để mời chào khách hàng đến cửa hàng vui chơi thay vì chỉ shopping qua mạng, thì loại Concept store như Nike sẽ ngày một thịnh hành hơn.

Vì sao cửa hàng Concept store ngày một hưng thịnh?

yohei-yama-profile

L’Usine tạo cơ hội cho các họa sỹ triển lãm. Ảnh: Họa sỹ Yohei Yama và triển lãm Season Energeia tại L’Usine

Khi khách hàng ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi của mua sắm qua mạng, các cửa hàng truyền thống ngày một mất đi sự cạnh tranh. Vì vậy, các cửa hàng vật lý không thể chỉ đơn giản là nơi mua sắm nữa. Nó phải tạo nên một trải nghiệm có một không hai, tạo cảm giác nhung nhớ để khách hàng luôn muốn ghé cửa hàng dạo chơi. Phong cách Concept store hoàn toàn phù hợp cho nhu cầu này.

Yếu tố làm nên một Concept store thành công là gì?

Chắc chắn là khả năng tạo nên một trải nghiệm độc bản cho khách hàng. Từ thể loại hàng hóa, dịch vụ cho đến không gian.

Một yếu tố chắc chắn đến từ lối thiết kế cửa hàng.

Cửa hàng Concept store có thể được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng. Khách hàng tiềm năng có thể không biết đến Concept store, nhưng lại biết đến kiến trúc sư, nên sẽ tò mò muốn đến đây tham quan.

Không gian của Comme Des Garçons tại Dover Street Market ở London. Ảnh: Dover Street Market

Ví dụ như cửa hàng Dover Street Market ở London, Anh. Cửa hàng này do Rei Kawakubo, nhà sáng lập Comme des Garçons, thân chinh thiết kế. Giới yêu thời trang có thể không biết Dover Street Market nhưng chắc chắn phải quen thuộc với Rei Kawakubo!

Hoặc, cửa hàng phải có phong cách thiết kế vô cùng đẹp, vô cùng ăn ảnh trên Instagram, khiến ai ai cũng phải muốn vào đây check-in.

Không gian uống trà chiều trong cửa hàng Hermès 17 Rue des Sevres

Một ví dụ điển hình là cửa hàng Hermès ở số 17 Rue de Sèvres ở Paris, Pháp. Cửa hàng này được xây dựng trên nền tảng hồ bơi Lutetia nổi danh từ đầu thế kỷ 20 của Paris. Trong không gian Art Deco hoành tráng này, Hermès thiết lập một không gian ăn uống nghệ thuật với những  kiến trúc mô phỏng giỏ mây đan khổng lồ.

Một yếu tố khác đến từ các thể loại dịch vụ trong cửa hàng.

Bên trong nhà hàng, café Louis Vuitton tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Louis Vuitton

Ví dụ, đầu năm 2020, Louis Vuitton khai trương nhà hàng–café đầu tiên trên toàn thế giới tại cửa hàng mới ở Osaka, Nhật Bản. Bếp trưởng là anh Yosuke Suga, một Iron Chef và đệ tử chân truyền của bếp trưởng hạng sao Michelin Joël Robuchon. Nhà hàng này được trang trí với các món đồ nội thất Objets Nomades cực sang của Louis Vuitton. Chắc chắn ai cũng phải muốn đến đây một lần để chiêm ngưỡng không gian ăn uống sang trọng, thưởng thức các món ăn ngon tuyệt hảo.

Mặt tiền cửa hàng Nippon Made của Onitsuka Tiger tại Tokyo. Ảnh: Onitsuka Tiger

Hoặc, tại cửa hàng Concept Store Nippon Made ở Omotesando, Tokyo, thương hiệu thời trang Nhật Bản Onitsuka Tiger cho phép khách hàng thiết kế nên một đôi giày Mexico 66 theo phong cách riêng. Bạn có thể thay đổi combo màu sắc, chất liệu… mà không thể thực hiện qua mạng hay tại bất kỳ cửa hàng Onitsuka Tiger nào khác trên toàn thế giới.

Concept Store là tương lai của ngành bán lẻ

Nhà hàng, café Louis Vuitton tại Osaka, Nhật Bản có lối thiết kế đặc thù, khác lạ. Ảnh: Louis Vuitton

Một không gian đong đầy cảm xúc, kết nối với khách hàng từ trong sâu thẳm nội tâm, là cách giữ chân khách hàng tốt nhất.

Điều này đặc biệt quan trọng với lứa khách hàng trẻ, những người lớn lên trong kỷ nguyên Internet và mạng xã hội. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy, mạng xã hội không giúp con người bớt cô đơn, vì khiến chúng ta dễ tủi thân, ganh ghét, so bì bản thân với những người có cuộc sống “hoàn hảo” trên mạng xã hội.

Những người vì cô đơn sẽ luôn tìm đến một nơi mà họ có thể gặp gỡ những người chung sở thích. Các cửa hàng Concept store, nếu có thể tạo được sân chơi này, tựu trung sẽ xây dựng một cộng đồng bền vững và gắn kết. Từ đó tạo được nhóm khách hàng trung thành với thương hiệu lâu dài.

>>> Xem thêm: BẠN BIẾT GÌ VỀ POP UP STORE?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Concept Store: Cửa hàng bán lẻ của tương lai

Xem thêm