Vì sao New York là một trong bốn kinh đô thời trang của thế giới?

Có một vài kinh đô thời trang trên toàn thế giới, nhưng có bốn thành phố đã trở thành thủ phủ thời trang ngày nay. Paris, Milan, London và New York.

Những tòa nhà chọc trời của kinh đô thời trang New York làm nền cho show diễn Coach. Ảnh: ImaxTree

Người ta biết đến New York như một thành phố không ngủ với hộp đêm xập xình, một thủ phủ tài chính với sàn chứng khoán Wall Street, một địa điểm du lịch hoa lệ với nhiều nhà hàng chuẩn sao Michelin.

Nhưng bạn có bao giờ băn khoăn vì sao New York lại là một kinh đô thời trang, là một trong “Big 4” tuần lễ thời trang có sức ảnh hưởng nhất ở thời điểm hiện tại? Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng ta phải quay ngược dòng lịch sử về thế kỷ 19, khi sự mai mối của thời trang và New York bắt đầu.

Tương lai ngành công nghiệp may mặc đến từ dân nhập cư

Hai nhân viên của một xưởng chế tác lông thú tại Fur District, thành phố New York

Những năm 1860, nhu cầu cho thời trang may sẵn (ready-to-wear) bùng nổ tại Mỹ. Có 2 lý do chính. Một là vì máy may có kích thước ngày càng nhỏ dần, giá cả trở nên phải chăng. Thứ hai vì trong giai đoạn nội chiến Mỹ (1861 – 1865), phục trang quân đội thu thập được hàng triệu số đo của nam giới, tạo nên hệ thống tỷ lệ kích thước khá chuẩn cho thời trang nam, từ đó hỗ trợ lớn đến ngành hàng may mặc sẵn.

Cũng vào giai đoạn này, thành phố New York tiếp nhận hàng triệu người do Thái ở Đông Âu tràn vào nước Mỹ. New York là cảng gần nhất với châu Âu, do đó cũng là địa điểm tiếp nhận làn sóng nhập cư lớn từ châu Âu này. Những người nhập cư này xem như đã đến đúng nơi đúng lúc vì đa phần họ là công nhân dệt may. Hàng trăm cửa hàng, xưởng may bắt đầu mọc lên.

Tuy nhiên lúc này thì chưa có hệ thống kiểm soát sự nở rộ của các xưởng may. Chúng chật chội, có thông gió kém và rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Tầng lớp thượng lưu tại New York còn lo sợ rằng dịch bệnh sẽ lây lan qua những sản phẩm may mặc này. Vì vậy, thành phố áp đặt các quy chế nghiêm ngặt hơn và các cơ sở may mặc phải chuyển về làng Greenwich, một địa phận chếch về hướng Bắc của Wall Street.

Cháy nhà máy Triangle Shirtwaist ở làng Greenwich tạo dựng một ngành may mặc an toàn cho công nhân ở New York

BZ-thanh-pho-thoi-trang-new-york-03

Hầu hết công nhân may mặc tại Triangle Shirtwaist ngày đó là phụ nữ trẻ tuổi. Ảnh: Alamy

Năm 1911, tại nhà máy Triangle Shirtwaist cao 10 tầng, có hơn 500 người, chủ yếu là phụ nữ, đang may và cắt quần áo. Một điếu thuốc được vứt bỏ một cách cẩu thả trên đống phế liệu dưới bàn cắt. Và ngọn lửa bùng lên, lan ra sàn gỗ và hàng loạt sản phẩm may khác.

Thời đó, một thực tế phổ biến là các công nhân luôn bị khóa nhốt trong xưởng, ngăn họ nghỉ việc trái phép và lấy cắp sản phẩm. Vì vậy, cửa lúc nào cũng khóa và đương nhiên, những công nhân hoảng loạn không tìm được lối thoát. Họ tìm đến cầu thang bộ, thang máy, nhưng ngọn lửa dần lan đến khắp nơi. Trong cơn tuyệt vọng, họ nhảy xuống thang máy, cửa sổ hay bất cứ nơi nào họ cảm thấy có thể cho mình cơ hội thoát ra. Cảnh tượng kinh hoàng đó khiến 146 người tử vong, 123 trong số đó là phụ nữ.

Từ đó, ngành công nghiệp may mặc lại một lần nữa phải tuân theo những quy tắc khắc khe hơn. Đòi hỏi các xưởng may, nhà máy phải chống cháy, có lối thoát hiểm, cửa sổ lớn và những quy định nhân văn hơn. Tạo dựng nên một ngành công nghiệp may mặc tiêu chuẩn giúp biến New York thành một kinh đô thời trang.

Sự trỗi dậy của khu mua sắm Ladies Mile, xây dựng hình ảnh kinh đô thời trang cho New York

BZ-thanh-pho-thoi-trang-new-york-04

Khu mua sắm lịch sử Ladies Mile tại Mahattan, New York những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ảnh: Beyond my Ken

Vào cuối thế kỷ 19 trở đi chính là sự trỗi dậy của hàng loạt các khu mua sắm tại New York, đặc biệt là khu Ladies Mile. Đánh dấu sự ra đời của hàng loạt tên tuổi lớn. Như Bergdorf Goodman, Lord & Taylor, Tiffany & Co., và Macy’s. Những quý bà, quý ông ở tầng lớp thượng lưu sải bước dọc đoạn đường này thưởng ngoạn và mua sắm.

Dần dà, các xưởng may mở ra bên cạnh những cửa hàng. Mặc dù chi phí di chuyển giảm thiểu đáng kể, nhưng một mối lo khác xảy đến. Hầu hết ngành công nghiệp may mặc tai New York do người Đông Âu sở hữu và điều hành. Giới quý tộc lo sợ vào giờ ăn trưa, tan tầm, hàng loạt những công nhân nam tràn ra Ladies Mile sẽ “gây nguy hiểm” đến an toàn của người dân nơi đó. Dưới sức ép của những người có quyền lực, một lần nữa, các xưởng may lại dời đến nơi hẻo lánh hơn – The Tenderloin.

Dệt nên một đế chế toàn cầu: Trung tâm may mặc (Garment District)

Tenderloin là nơi đông đúc nhất Manhattan nhưng tồn tại nhiều tệ nạn, là khu vực không an toàn. Ở đây không thể thấy bóng dáng của bất kỳ quý ngài giới thượng lưu nào. Chính vì vậy, giá đất rất rẻ.

Hai nhà máy may mặc đầu tiên đi lên là Trung tâm may mặc Capitol (The Garment Capitol Center) nằm bên Đại lộ số bảy trên đường 37. Lần lượt là tòa nhà 14 và 21 tầng. Mở ra kỷ nguyên của tòa nhà công nghiệp chọc trời. Chỉ trong vòng 10 năm, hơn 130 xưởng may đã được xây dựng tại đây.

Đến năm 1960, 75% quần áo phụ nữ và trẻ em bán ở Mỹ được sản xuất tại đây.

BZ-thanh-pho-thoi-trang-new-york-05

Ảnh: Billie G. Ward

Các biểu tượng thời trang như Ralph Lauren, Calvin Klein và Donna Karan đều khởi nghiệp ở New York vào những năm 1960. Tất cả đều là người Mỹ gốc Do Thái. Sau đó, các NTK từ các thành phố khác đã đến Đại lộ số bảy, trong đó có cả Oscar De La Renta. Họ biến nơi này trở thành trung tâm thời trang và đưa giá trị thương hiệu phủ sóng toàn cầu, trị giá hàng tỷ USD.

Nhắc đến tài chính sẽ nhớ đến Wall Street, còn nói đến thời trang phải nghĩ ngay đến Đại lộ số bảy.

BZ-thanh-pho-thoi-trang-new-york-07

Tác phẩm điêu khắc “The Garment Worker” (Người thợ may) của nghệ sỹ Judith Weller, nằm ở số 555 Đại lộ số bảy (Đại lộ Thời trang), giữa đường số 39 và 40 trung tâm Manhattan. Bức tượng là một sự tôn vinh về lịch sử phát triển thời trang của khu vực. Ảnh: Urbanist

Khi thời trang kết hợp với năng lượng sáng tạo của âm nhạc, thể thao, New York trở thành một kinh đô thời trang

Là một trong những nơi có đa dạng sắc tộc, New York chính là thiên đường của sự sáng tạo, của phong cách độc đáo. “Thành phố không ngủ” đã đóng góp vào ngành thời trang thế giới một phong cách mang đậm chất Mỹ: Thời trang thể thao. Không chỉ tồn tại, xu hướng này còn tạo nên một làn sóng lớn trong lịch sử thời trang. Không chỉ ứng dụng trong thể thao, nó còn hiện hữu trong trang phục hàng ngày, video âm nhạc,…

Văn hóa nhạc hip-hop cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thời trang thể thao. Các nhà thiết kế chuyên về sportwear gồm Calvin Klein, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger vì vậy mà nhanh chóng phát triển.

BZ-thanh-pho-thoi-trang-new-york-06

Ảnh: Martinroll

Có thể thấy, ngành công nghiệp may mặc theo thời gian đã phủ sóng rộng khắp New York. Đến ngày nay, không thể phủ nhận New York chính là một trong những vùng đất cập nhật xu hướng nhanh nhất thế giới. Không chỉ cửa hàng mà còn có nhà sản xuất, xưởng may hàng đầu, trường học thời trang và nhiều trụ sở của các thương hiệu, nhà bán lẻ thời trang nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trong quốc gia. Với ngành công nghiệp sử dụng 4,6% lực lượng lao động khu vực tư nhân của thành phố, thời trang là động lực chính của nền kinh tế Thành phố New York.

Không thể bàn cãi, New York đích thị là một kinh đô thời trang.

Nhưng không chỉ riêng New York, thành phố này phải đối mặt với những “đối thủ cạnh tranh xứng tầm”. Paris, London và Milan chính là ba cái tên luôn kề cạnh cùng New York góp mặt vào “Big 4” làng thời trang. Là bốn thành phố tổ chức Tuần lễ thời trang lớn nhất hai lần một năm và là trụ sở của nhiều thương hiệu toàn cầu.

>>> XEM THÊM: TRẢI NGHIỆM CỦA MỘT CÔ GÁI HÀN THEO ĐUỔI SỰ NGHIỆP THIẾT KẾ THỜI TRANG Ở NEW YORK

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm