Ấn tượng (Impressionism): Trường phái nghệ thuật đi đôi với sự lãng mạn

Ấn tượng (Impressionism) là trường phái nghệ thuật khởi nguồn tại Paris (Pháp) vào cuối thế kỷ XIX, đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa.

Tranh sơn dầu Cây cầu ở Villeneuve-la-Garenne. Tác phẩm do danh họa Alfred Sisley thuộc trường phái Ấn tượng vẽ năm 1872. 

Ngày nay, một bức tranh của các danh họa Ấn tượng thời kỳ đầu được bán với giá cả triệu đô-la Mỹ. Tuy nhiên, đây là con số không hề cao đối với giới hội họa và sưu tầm tranh. Từ lâu, nghệ thuật Ấn tượng đã được công chúng đón nhận và ưa chuộng rộng rãi.  

Thế mà, khi mới thành hình vào cuối thế kỷ XIX, trào lưu này đã bị giới nghệ thuật từ chối và chỉ trích dữ dội. Phải mất một thời gian dài, thế giới mới chấp nhận và hiểu được giá trị của Ấn tượng.

Khởi nguồn của trường phái Ấn tượng (Impressionism)

Giữa thế kỷ XIX, hoàng đế Napoléon III thực hiện nhiều cuộc cải cách quan trọng ở Pháp, đặc biệt là tại thủ đô Paris. Trong lĩnh vực nghệ thuật, Viện hàn lâm Mỹ thuật Pháp (Académie des Beaux-Arts) là cơ quan có thẩm quyền đưa ra những quyết định quan trọng đối với ngành nghệ thuật Pháp.

Mỗi năm, họ sẽ tổ chức triển lãm Salon de Paris để trưng bày những tác phẩm hội họa xuất sắc. Những họa sỹ muốn thành danh phải có tranh được trưng bày tại đây. Đặc biệt, Viện hàn lâm quan niệm tranh vẽ giống thật. Các tác phẩm phải có chủ đề thần thoại, tôn giáo hoặc lịch sử thì mới có giá trị. Còn tranh phong cảnh và tĩnh vật thì không.

Nhóm họa sỹ trẻ do Claude Monet khởi xướng đặt nền móng cho sự thay đổi

Tranh Người phụ nữ với chiếc ô (La femme à l'ombrelle) do danh họa Claude Monet vẽ năm 1875.

Tranh Người phụ nữ với chiếc ô (La femme à l’ombrelle). Người vẽ là danh họa Claude Monet, ra đời năm 1875.

Đầu những năm 1860, bốn chàng họa sỹ trẻ Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley và Frédéric Bazille lại rất thích vẽ cảnh vật. Tranh thường mô tả các hoạt động hằng ngày, gần gũi với cuộc sống. Cả bốn người gặp nhau khi cùng theo học thầy Charles Gleyre tại xưởng dạy vẽ hàng đầu Paris của ông.

Monet, Renoir, Sisley và Bazille thường hẹn nhau đến các miền quê nước Pháp để vẽ tranh ngoài trời. Nhóm dần dần thu nhận thêm thành viên. Đó là Édouard Manet, Camille Pissarro, Paul Cézanne, hay Arman Guillaumin. Về sau, tất cả họ đều trở thành những họa sỹ lừng danh của trường phái Ấn tượng. 

Trở thành trường phái nghệ thuật

Năm 1863, nhóm Monet gửi tranh cho Salon de Paris và bị từ chối. Nhưng hoàng đế Napoléon III đặc cách cho phép nhóm họa sỹ trẻ mở triển lãm riêng. Họ đã trưng bày những bức tranh phong cảnh này. Nhóm đặt tên triển lãm là Phòng triển lãm tranh bị từ chối (Salon des Refusés). Một cách giễu nhại và tự trào hóm hỉnh! 

Khán giả đến đây chỉ để mua vui, cười cợt. Tuy vậy, Salon des Refusés thu hút lượng khách tham quan còn nhiều hơn cả Salon chính thống. Triển lãm khiến công chúng chú ý đến sự tồn tại của một xu hướng mới trong nghệ thuật. 

Vì sao trường phái hội họa này tên là Ấn tượng?

Nói đến đây, phải kể tiếp đến năm 1873. Lúc này, tuy bị thành Paris chế giễu, nhóm Monet không nản chí. Họ còn tuyên bố sẽ tổ chức triển lãm độc lập đầu tiên và không thuộc khuôn khổ Salon. Họ tự gọi mình là Hiệp hội vô danh và hợp tác của các họa sỹ, nhà điêu khắc và thợ chạm trổ. Triển lãm này diễn ra vào tháng 4/1874. Địa điểm triển lãm là studio của nhiếp ảnh gia đam mê nghệ thuật Nadar. 

Lúc này, các họa sỹ nhóm Monet đã không còn quan tâm Viện hàn lâm nghĩ gì. Họ bán tranh trực tiếp cho những ai đến tham quan triển lãm và muốn sưu tập tranh. Đây là một ý tưởng cấp tiến. Vì thế nó đã bị những người theo chủ nghĩa truyền thống phản đối.

Ấn tượng

Tranh sơn dầu Ấn tượng mặt trời mọc (Impression, soleil levant). Tác phẩm do danh hoạ Claude Monet vẽ năm 1872.

Bức tranh của Claude Monet, “Ấn tượng mặt trời mọc” (Impression, soleil levant), bị nhà phê bình Louis Leroy châm biếm. Ông cho rằng nó chỉ là một tác phẩm cẩu thả, lòe nhòe, chưa hoàn thiện. Louis Leroy dùng chính cụm từ “Ấn tượng” (Impression) để đặt tên cho trường phái mà nhóm Monet theo đuổi. Chủ nghĩa “Ấn tượng” (L’ Impressionisme, tức Impressionism) cũng trở thành tên gọi chính thức cho trường phái nghệ thuật mới này từ đây. 

Lan rộng ảnh hưởng tại châu Âu và thế giới

Dù vấp phải các ý kiến trái chiều, các họa sỹ vẫn kiên trì theo đuổi trường phái nghệ thuật mới. Họ thực hiện tám buổi triển lãm từ 1874 đến 1886. Các buổi triển lãm tạo được tiếng vang, danh tiếng lan rộng từ Paris đến khắp châu Âu.  

Nếu Monet, Sisley và Pissarro trung thành với phong cách ngẫu hứng, thích vẽ ánh sáng tự nhiên và màu sắc sáng thì Édouard Manet chuộng màu đen. Tuy mỗi người một phong cách, các tác phẩm hội họa Ấn tượng thường có chủ đề gần gũi, tự nhiên. Ví dụ như hay vẽ nắng, gió, cuộc sống đời thường… hết sức lãng mạn, sinh động, tinh tế và tràn đầy xúc cảm. 

Ấn tượng

Tranh sơn dầu Quý cô Jeanne de Marsy (hay Mùa xuân/Le Printemps), do danh họa Edouard Manet, vẽ năm 1881. Jeanne de Marsy là một nữ diễn viên nổi tiếng người Paris Jeanne Demarsy. Trong tranh, cô mặc chiếc đầm hoa, trên vai là chiếc ô ren, chuẩn bị đón những giọt mưa xuân đầu tiên.

Đến thập niên 1890, trường phái Ấn tượng đã được chấp nhận rộng rãi ở mọi nơi. Riêng ở Pháp, trừ Alfred Sisley qua đời vì nạn đói năm 1899, Pierre-Auguste Renoir, Claude Monet, Camille Pissarro và một số những họa sỹ đầu tiên theo đuổi phong cách vẽ cấp tiến này đều đạt được công danh.

Nhược điểm của trường phái Ấn tượng

Tuy nhiên trường phái Ấn tượng cũng không tránh khỏi nhược điểm. Cụ thể, ranh giới, đường nét, hình khối bị xóa nhòa do họa sỹ không chú trọng xây dựng hình thể, bố cục. Đề tài chỉ là cái cớ để họa sỹ bày tỏ cảm xúc trước cảnh vật. Thông điệp thể hiện thường không mang tư tưởng nào quá phức tạp. 

Trường phái lấy cảm hứng từ thời trang 

Nửa sau thế kỷ XIX, ngành công nghiệp thời trang ra đời. Nhà thiết kế người Anh Charles Frederick Worth (cha đẻ của thời trang Haute Couture ngày nay) là người đầu tiên đã thay đổi cách sản xuất và tiếp thị quần áo. Các cửa hàng thời trang mọc lên, phục vụ nhu cầu mua sắm của giới tinh hoa và thị dân. Tạp chí thời trang bắt đầu phát triển. Những nghệ sỹ Ấn tượng cũng bị hấp dẫn bởi ngành công nghiệp này. 

Ấn tượng

Chiếc váy của nữ hoàng Áo Elizabeth trong tranh của danh họa Franz Xaver Winterhalter, là một trong những trang phục haute couture đầu tiên trên thế giới.

Chủ nghĩa Ấn tượng là sự cấp tiến, vì nó mô tả nhịp sống của cuộc sống hiện đại. Còn thời trang là sự năng động, lộng lẫy và đổi mới không ngừng. Vì thế, các họa sỹ muốn truyền tải tinh thần thời đại qua các tác phẩm hội họa đều lấy cảm hứng từ thời trang.

Thời trang đương đại (suit nam, áo choàng, đầm dạo phố, váy áo dạ hội… cùng các chất liệu như ren, lụa, nhung và satin, phụ kiện như mũ dù, găng tay, giày,…) trở thành chủ đề sáng tác của các danh họa Claude Monet, Edouard Manet, Pierre-Auguste Renoir hay James Tissot. 

Ấn tượng

Buổi khiêu vũ tại Moulin de la Galette (Bal du Moulin de la Galette) do danh họa Pierre-Auguste Renoir vẽ năm 1876.

Tranh Ấn tượng cho thấy thời trang của các giai cấp khác nhau

Qua các bức tranh, công chúng còn có thể nhận biết địa vị xã hội của nhân vật. Chẳng hạn, các quý bà vương giả thường diện váy lụa đen cao cấp để tôn lên nước da trắng. Bởi họ không phải làm việc nặng nhọc. Những người nhàn hạ lại thường mặc trang phục mát mẻ. Váy đầm của họ thường có hoa văn đậm, rực rỡ với màu sắc tươi sáng.

Tuy sau này, nhiếp ảnh được phát minh và ghi chép hình ảnh chính xác hơn. Nhưng chính chủ nghĩa Ấn tượng đã đưa ra ý tưởng tái hiện cuộc sống thường nhật, ngay từ những ngày đầu.  

>>> Xem thêm: KHÁM PHÁ NGHỆ THUẬT ĐIỂM CHẤM (POINTILISM) TẠI TRIỂN LÃM TRANH CỦA HỌA SỸ PHẠM KHÁNH THÀNH

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm