Triển lãm Feel The Rainbow gợi mở đối thoại về hành trình chữa lành của cộng đồng LGBT

Mong muốn sự chấp nhận tính "queer" (queerness) trong mỗi con người, thay vì tập trung vào bản dạng giới và xu hướng tính dục (sexual/gender identity)

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_06

Tác phẩm “Growing Up I” của David Evans (2021) tham gia triển lãm “Feel the Rainbow” về cộng đồng LGBT

Triển lãm Feel The Rainbow nhân tháng LGBTQ+ nói lên hành trình chấp nhận tính “queer” (queerness) trong mỗi con người, thay vì tập trung vào bản dạng giới và xu hướng tính dục (sexual/gender identity).

Mong muốn của triển lãm là gợi mở cuộc đối thoại về căn tính nói chung (identity) để khuyến khích người xem nhìn nhận căn tính như một “phổ” (spectrum) mà chúng ta có thể di chuyển tự do từ vị trí này sang vị trí khác, thay vì tự giới hạn mình bởi các nhãn cố định như L-G-B-T-Q.

Nội dung triển lãm được chia làm 4 chặng, được xâu chuỗi chặt chẽ theo phong cách kể chuyện nhằm dẫn dắt khán giả tới những thông điệp chính của Feel The Rainbow: Sự đồng cảm (Empathy), Sự tự thừa nhận (Self-acknowledge), Sự chữa lành (Healing) và Sự tự hào (Pride) của các nghệ sĩ.

1. Sự đồng cảm

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_05

Growing Up II của David Evans (2021)

Triển lãm khởi đầu với sự đồng cảm qua series Growing up của nghệ sĩ người Mĩ David Evans sinh năm 1990. Tác phẩm gợi sự hồi tưởng về quá trình trưởng thành, khi chúng ta vẫn thường tập trung cho việc tìm kiếm và xây dựng căn tính cá nhân, chủ yếu thông qua sự thừa nhận từ môi trường bên ngoài như các thành viên trong gia đình, bạn bè, bạn học hay các thầy cô…

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_07

Growing Up III của David Evans (2021)

Hình ảnh con người nhỏ bé và mệt mỏi, bức tường chữ dày đặc và mảng màu tối mênh mông khiến ta đồng cảm với áp lực và cảm giác mơ hồ của người nghệ sĩ. Trong quá trình trưởng thành, sẽ không tránh khỏi những lúc lạc lõng, bất lực trước những dự định tương lai, hay chán chường trước những kỳ vọng và chuẩn mực của xã hội. Đồng thời, nỗi sợ đánh mất chính mình luôn thường trực khi ta cố gắng đáp ứng tất cả những điều này. Một lần nữa, David Evans đã cho thấy những tác phẩm của anh có thể chạm đến trái tim người xem chứ không chỉ tiêu khiển hời hợt về mặt thị giác.

2. Sự thừa nhận

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_03

Fluid portrait I của Sara Grötsch (2022)

Sau những đấu tranh, tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, và cố gắng hoà bình với những hỗn loạn và mâu thuẫn bên trong, giờ đây chúng ta đã có thêm sức mạnh để nhìn sâu vào nội tâm và chấp nhận tính “queer” (queerness), tính linh hoạt (fluidity) và cả sự mơ hồ (ambiguity) trong căn tính của chính mình.

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_02

Fluid portrait II của Sara Grötsch (2022)

Ở giai đoạn này, minh họa bởi tác phẩm Fluid Portrait của Sara Grostch (người Tây Ban Nha, sinh năm 1996) khuyến khích người xem đặt câu hỏi về những khuôn mẫu mà xã hội vẫn áp đặt lên mỗi người, những thứ vốn được coi là quy tắc, hiển nhiên. Bằng việc nhìn nhận căn tính như một tồn tại đầy tính linh hoạt, chúng ta có thể dần tự chấp nhận những ‘kỳ quặc’ ở bản thân ngay cả khi môi trường xung quanh còn chưa chấp nhận.

3. Sự chữa lành

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_09

Sách LGBT – Một quốc gia ẩn giấu của Hà Trung Hiếu

Quá trình tìm hiểu và chấp nhận bản thân ít nhiều sẽ để lại những sang chấn cho mỗi cá nhân. Để hàn gắn những “vết nứt trong tâm hồn” này, triển lãm Feel The Rainbow giới thiệu cho khán giả những “công cụ” nghệ thuật chữa lành đa chiều như văn học, bài viết và âm nhạc chứ không chỉ giới hạn ở nghệ thuật thị giác.

Playlist tổng hợp những cung bậc cảm xúc khi ta hiểu ra căn tính của mình, khi yêu, khi nhận ra tình yêu này phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ xã hội, từ những định kiến cũ. Khi cuối cùng họ thật sự thấu hiểu, chấp nhận và yêu thương bản thân mình, để có thể ’embrace’ những khía cạnh khác biệt và tự chữa lành. Hòa cùng không khí triển lãm, playlist này không chỉ khơi gợi sự đồng cảm từ cộng đồng LGBTQ+, mà hy vọng còn có thể chạm đến trái tim những khán giả thuộc cộng đồng dị tính, để có thể hiểu và chấp nhận tính ‘queer’ (queerness) trong mỗi con người.

Bổ trợ cho triển lãm là những cuốn sách như LGBT – Một quốc gia ẩn giấu của Hà Trung Hiếu hay Rắc rối giới của Judith Butler.

4. Sự tự hào

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_08

The Joy Of Living của Bach Vu (2020)

Sau khi chữa lành khỏi những chấn thương trong quá khứ, là giai đoạn tôn vinh, tự hào về vẻ đẹp của những điều mà ta từng chối bỏ.

Lines 1 của Lucyanne Terni (Brazil, sinh năm 1968) và The Joy of Living của Bach Vu (Việt Nam, sinh năm 1993) – dù có nhiều điểm khác biệt về phong cách biểu đạt – song đều chung một hòa ca: sự sống động (vividness), rung động (vibrance) và chuyển động (movement). Tác phẩm mang lại năng lượng tích cực, bởi hiện tại, chúng ta đã thực sự chấp nhận căn tính của bản thân, và ý thức được rằng căn tính (identity) là tồn tại không nên bị giới hạn bởi các nhãn (labels) mà hoàn toàn có thể di chuyển tự do trong một phổ (mà cụ thể trong triển lãm này, là phổ màu sắc rực rỡ của hai tác phẩm).

Harper's Bazaar_Triển lãm Feel The Rainbow của cộng đồng LGBT_04

Lines 1 của Lucyanne Terni (2022)

Lines 1 của Lucyanne Terni có thể chỉ là những dòng kẻ màu sắc đối với một vài người, nhưng với những người khác, điều này có thể mang lại cảm giác tự hào và kỷ niệm sâu sắc đối với sự đa dạng (của lá cờ LGBTQ+). Một số người có thể coi đây là một loại mã Mondrian do chính Terni phát minh ra, hoặc thậm chí, một bức tranh phong cảnh hoặc chân dung được mở ra thông qua các luồng màu sắc và năng lượng mà nghệ sĩ cảm nhận được.

THÔNG TIN VỀ TRIỂN LÃM

Thời gian bắt đầu từ 10/6 – 30/6/2023

Địa điểm: 17 Nhà Thờ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

CÁC TRIỂN LÃM CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm