TÌNH YÊU THỜI COVID-19: LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỐI QUAN HỆ VƯỢT BÃO THÀNH CÔNG?

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe của chúng ta, nó còn thách thức cả mối quan hệ của những cặp đôi trong giai đoạn giãn cách xã hội.

COVID-19 khiến con người phải giãn cách xã hội và làm việc tại nhà. Liệu nó có giúp chúng ta gắn kết với gia đình hơn? Ừm, một vài cập nhật trên Facebook thì có vẻ thế thật. Thế nhưng thực tế thì có vẻ hơi bi đát! Dường như việc sinh hoạt 24/7 với người yêu, gia đình hoặc bạn bè đang khiến nhiều người… phát rồ.

Rất nhiều cặp đôi trên khắp thế giới đã chia tay chỉ vì… chợt nhận ra không hợp nhau. Kể cả các đôi vợ chồng đã chung sống hơn 3-5 năm cũng đệ đơn ly hôn sau hàng tá cuộc cãi vã mỗi ngày. Chuyên gia về mối quan hệ kiêm tác giả cuốn cẩm nang Stop Arguing, Stop Talking – Susan Quilliam, sẽ chỉ bạn bí kíp vượt qua giai đoạn căng thẳng thời Covid-19 này. Cũng như hỗ trợ để giúp mọi mối quan hệ của bạn trở nên bền vững và nồng nhiệt hơn.

 

Lắng nghe sức khỏe tinh thần của bạn

Có câu nói “tâm tĩnh khí hòa”. Khi tinh thần an nhiên, bạn sẽ nhìn mọi chuyện với con mắt tích cực và vui vẻ hơn. Hãy viết một danh sách những điều khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Chẳng hạn như là đọc tin lướt facebook 1-2 lần một ngày – thiền định – làm vườn, trồng thêm cây. Hoặc thưởng thức cuốn sách, bộ phim yêu thích.

Và quan trọng nhất, bạn cần chia sẻ nó với người cùng nhà. Họ sẽ lắng nghe – có thể hưởng ứng theo – thậm chí là tham gia vào hoạt động đó cùng bạn.

Ngay cả khi chỉ một người làm điều đó, nó vẫn có tác động tích cực đến toàn bộ hộ gia đình.

HÃY NHỚ…

Nếu bạn cảm thấy cảm xúc bất ổn, đừng lờ hay cố kìm nén nó đi. Hãy thả lỏng, mở lòng và học cách đối mặt với nỗi lo lắng. Điều đó sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn.

Trên hết, hãy nhớ rằng, hầu hết mọi người đều hoang mang về những gì đang diễn ra trên hành tinh này. Chưa bao giờ chúng ta phải chịu quá nhiều căng thẳng trong một khoảng thời gian dài như vậy. Thế nên nếu bạn cảm thấy cảm xúc trồi sụt, nó hoàn toàn bình thường.

 

Cố gắng thể hiện tình cảm nhiều hơn

“Sự tử tế là chìa khóa để vượt qua thời điểm khó khăn – thứ mà tất cả chúng ta đều có sẵn” Susan nói. Hãy thể hiện sự quan tâm cho nhau từ các việc nhỏ khi ở nhà. Đồng thời san sẻ cho cả những người khác trong cuộc sống của bạn nếu có thể. Ví dụ như: gọi điện cho một người bạn hiện đang sống một mình; quyên góp đồ dùng cho một tổ chức từ thiện; hoặc mua nhu yếu phẩm cho một người hàng xóm lớn tuổi.

HÃY NHỚ…

Chúng ta ai cũng có sự tự tế và đồng cảm bên trong mình. Khó khăn khiến con người trở nên đoàn kết và phát huy tinh thần tương thân tương ái. Quan trọng nhất, nó giúp chúng ta cảm thấy được kết nối.

 

Luôn duy trì cuộc trò chuyện trong ngày 

Tất cả chúng ta đều phản ứng với thời kỳ khủng hoảng theo cách riêng của mình. Vì vậy, nếu người thương hoặc bạn bè của bạn có vẻ nóng nảy hơn bình thường, hãy kiên nhẫn.

“Chủ động mở lời và duy trì giao tiếp. Bạn nên hiểu rằng, những gì người thân của bạn đang cần sẽ không (nhất thiết) giống như những gì bạn cần; và ngược lại. Hãy cố gắng hiểu người bạn yêu bằng cách lắng nghe cảm xúc của họ và chấp nhận nó. Đừng bảo họ ‘cố lên”, ‘ráng vượt qua đi’. Lời nói ấy sẽ khiến họ bị tổn thương. Tệ hơn, họ sẽ càng cảm thấy trống vắng và không bao giờ muốn tâm sự với bạn thêm một lần nữa”.

HÃY THỬ…

Nếu bạn là người không giỏi giãi bày cảm xúc của mình bằng ngôn từ, hãy viết nó ra. Điều ấy sẽ cho phép những người thân thấu hiểu tình cảnh rõ hơn. Họ sẽ biết phải làm gì tiếp theo để vỗ về bạn.

 

Tạo một thói quen (nhưng đừng dính chặt vào nó!)

“Một thói quen hàng ngày rất hữu ích trong việc giữ tinh thần của bạn ổn định, bình thường. Như là chọn bộ cánh tinh tươm cho ngày mới, gấp chăn giường gọn gàng. Hay thay đổi vị trí làm việc tại nhà, từ phòng ra ban công chẳng hạn. Điều đó sẽ giúp kích thích sự hứng khởi bên trong bạn”.

Với cặp đôi đã có con, việc thiết lập thói quen mới khi cả hai đều ở nhà sẽ có đôi chút khác biệt. Hai người cần đàm phán với nhau để có chung một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên. Bạn có thể chia giờ và thay phiên nhau để làm việc riêng, việc gia đình và chăm trẻ.

HÃY THỬ…

Tìm cách thi vị hóa cuộc sống hàng ngày của bạn. Một sở thích mới, xem bộ phim cả hai chưa từng xem hoặc thảo luận về các chủ đề mà ai cũng khao khát. Chúng ta sẽ ghé nhà hàng đây nào khi họ mở cửa trở lại? Ta sẽ đi du lịch vùng nào khi mọi chuyện kết thúc anh/em nhỉ? Vân vân và mây mây.

Cho nhau một khoảng thời gian và không gian riêng

Covid-19 khiến chúng ta cảm thấy quý trọng sức khỏe và thời gian của mình hơn. Điều này có thể tạo ra hiểu lầm rằng bạn thấy chán ngán sự có mặt của nửa kia. Bạn cứ thoải mái nói nhu cầu của mình, chắc chắn người ấy sẽ hiểu. Ai cũng cần có không gian riêng cho bản thân, dù là 30 phút hay một giờ đồng hồ.

>>> Xem thêm: 5 ĐỘNG TÁC THỂ DỤC BẠN CÓ THỂ LUYỆN NGAY KHI XEM PHIM, QUÁ DỄ MÀ HIỆU QUẢ

 

Và khi gần nhau, hãy yêu hết mình!

“Tình dục có thể được xem là liệu pháp an ủi, làm dịu căng thẳng trong khủng hoảng. Sự bùng nổ trẻ em xảy ra sau sự cố mất điện ở New York năm 1977; hoặc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là minh chứng rõ ràng nhất. Đối với một số người, tình dục là cách hâm nóng và trấn an tâm trí. Trong khi số còn lại, lo lắng và căng thẳng có nghĩa là tình dục là điều cuối cùng trong tâm trí của họ.”

HÃY NHỚ…

Sẽ có sự khác biệt trong vấn đề này giữa bạn và nửa kia. Có thể họ sẽ không muốn hoặc muốn… nhiều hơn bình thường. Với chuyện này, đừng ngần ngại nói ra với nhau. Cũng đừng phán xét người thương của bạn. Chung quy cũng chỉ vì họ tin tưởng và muốn bạn yêu họ nhiều hơn mà thôi!

>>> Xem thêm: YÊU BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?

 

Cùng tích cực nhìn về tương lai

“Khi xảy ra xung đột, bạn cần tách mình và người thân ra một lúc, rồi hãy quay lại nói chuyện. Các nghiên cứu cho thấy cần 20 đến 30 phút cho hệ thống thần kinh của chúng ta để bình tĩnh và nhịp tim chậm lại bình thường sau một cuộc cãi vã.

Một khi cả hai đều bình tĩnh, hãy quay lại. Hãy yêu cầu đối tác của bạn lắng nghe, không chen ngang. Tương tự như vậy khi tới phiên của họ. Kết quả, cả hai cần đi đến một cách giải quyết chung để thay đổi vấn đề.”

Cuối cùng, hãy nhớ rằng dịch bệnh Covid-19 này sẽ qua đi. Và những căng thẳng đặt lên mối quan hệ của bạn sẽ được gỡ bỏ. Hãy giữ vững điều bạn đang có, rồi cuộc sống của chúng ta sẽ cân bằng trở lại sớm thôi mà!

>>> Xem thêm: LÀM THẾ NÀO ĐỂ LOẠI BỎ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC TRONG THỜI GIAN CÁCH LY?

Theo Harper’s Bazaar Anh
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm