Rolex

Giá cả vô cùng đắt đỏ, thiết kế tinh xảo và chất lượng được hứa hẹn là vô cùng vượt bậc. Còn điều gì thú vị ở những chiếc đồng hồ Rolex?

Qua hơn 110 năm lịch sử, điều mà Rolex để lại không chỉ là những kiệt tác thời gian. Những chiếc đồng hồ Rolex cũng đồng hành cùng nhiều tên tuổi lớn. Sản phẩm này cũng nổi tiếng bởi mức giá vô cùng đắt đỏ. Và không phải cứ có tiền là mua được!

Chiếc đồng hồ Rolex đã trở thành biểu tượng của kỹ thuật chế tác đồng hồ đỉnh cao cũng như sự xa hoa, thời thượng của người dùng. Cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu 5 điều có thể bạn chưa biết về thương hiệu đồng hồ này.

Thương hiệu Thụy Sỹ, ra đời ở Anh, có “cha đẻ” là người Đức

Chân dung cha đẻ của Rolex, Hans Wilsdorf

Đến đầu thế kỷ 20, đồng hồ bỏ túi vẫn là phương thức duy nhất để xem giờ một cách thuận tiện. Nhưng nhịp sống ngày một thay đổi. Người ta cần một món đồ vừa tiện theo dõi giờ giấc, lại có tính thời trang. Suy nghĩ này đã giúp Hans Wilsdorf nảy ra ý tưởng làm đồng hồ đeo tay.

Hans Wilsdorf đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các hãng sản xuất đồng hồ. Thời gian học việc này đã giúp chàng trai trẻ hiểu hơn về cách chế tác đồng hồ cao cấp. Sau nhiều năm tích cóp, cùng với anh rể Alfred Davis, Hans Wilsdorf đã mở ra hãng đồng hồ của riêng mình, gọi là Wilsdorf & Davis. Về sau, công ty đổi tên thành Rolex S.A.

Ban đầu, Wilsdorf & Davis được đặt ở London. Về sau này, hãng chuyển về Geneva, Thụy Sỹ, để gần hơn với xưởng chế tác. Quả là một thương hiệu quốc tế khi được sáng lập ở Anh, vận hành ở Thụy Sỹ và có cha đẻ người Đức!

Rolex, cái tên vô nghĩa mà ý nghĩa

Ý nghĩa đằng sau cái tên Rolex - Logo Rolex

Bạn có từng tò mò, cái tên Rolex mang ý nghĩa gì?

Có khá nhiều giả thuyết về ý nghĩa cái tên Rolex. Nhiều người cho rằng, đó là cách viết vắn tắt của “horlogerie exquise” (tinh hoa chế tác đồng hồ); “horlogerie extrême” (nghệ thuật chế tác cường đại); hay “horlogerie d’excellence” (nghệ thuật chế tác đỉnh cao) trong tiếng Pháp. Tựu trưng là những từ ngữ hoa mỹ, khen ngợi chất lượng của đồng hồ Rolex.

Thế nhưng, thực chất, Rolex là cái tên vô nghĩa! Hans Wilsdorf đã nghĩ ra cái tên này năm 1908. Ông muốn một thương hiệu có cái tên dễ nhớ, dễ đọc. Nó phải đủ ngắn để xuất hiện trọn vẹn trên mặt đồng hồ. Hai âm Rolex gợi nhớ tiếng động đang lên dây cót đồng hồ, nghe vui tai.

Ngay lập tức, Wilsdorf & Davis đã đăng ký bản quyền thương mại cho cái tên này. Sau đó, khi đài thiên văn Kew ở Anh Quốc cấp bằng chứng nhận tính chuẩn xác của chức năng giữ giờ cho đồng hồ Rolex, công ty đã thuận tiện đổi tên luôn theo thương hiệu.

Quy trình chế tác bí ẩn, số lượng sản xuất giới hạn

Đồng hồ Rolex Daytona 116500 LN

Đồng hồ Rolex Daytona bằng sứ trắng 116500 LN là một trong những mẫu khan hiếm nhất thị trường. Muốn đặt mua, bạn phải là khách hàng trung thành, có lịch sử sở hữu nhiều mẫu đồng hồ Rolex.

Ông lớn đồng hồ Thuỵ Sỹ hẳn không phải là thương hiệu duy nhất thích giữ bí mật. Thế nhưng, những điều còn chưa rõ tường về Rolex thì thật sự không ít.

Người ta không bao giờ biết chính xác có bao nhiêu chiếc đồng hồ Rolex được sản xuất mỗi năm. Cũng như có bao nhiêu chiếc cho mỗi mẫu hay phiên bản. Chỉ biết rằng, ước tính một chiếc đồng hồ Rolex mất gần một năm để sản xuất. Bao gồm từ khâu sản xuất nguyên vật liệu cho đến khi đến tay người mua trong chiếc hộp màu xanh trứ danh.

Chính vì vậy, đôi khi, muốn mua một chiếc đồng hồ Rolex cũng khó như mua túi Hermès Birkin! Đặc biệt, các mẫu có vỏ thép luôn được các nhà sưu tầm quan tâm nhất. Đôi khi, bạn phải xếp hàng cả nhiều năm để được sở hữu một mẫu. Các dòng được săn đón nhất là dòng Daytona và Submariner.

Những cam kết về chất lượng đồng hồ

Huy hiệu mang sắc xanh biểu tượng của Rolex là minh chứng cho chất lượng của mỗi chiếc đồng hồ. Ảnh: Time and Tide Watches

Rolex tuy “kín tiếng” về quy trình sản xuất của mình, nhưng lại không hề kiệm lời về chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, Rolex là một trong những thương hiệu chế tác đồng hồ sản xuất từ A đến Z trong nội bộ. Hãng không nhờ vả đến bất kỳ nhà cung cấp nào. Rolex cũng thường xuyên sáng chế ra những bộ máy đồng hồ tối tân và độc quyền. Đây là cách duy nhất Rolex có thể kiểm soát 100% quy trình và chất lượng sản phẩm.

Điều kiện thử nghiệm chất lượng đồng hồ cũng vô cùng nghiêm ngặt. Mỗi chiếc đồng hồ lặn đều được thử nghiệm trong buồng áp suất với áp lực tương đương ở độ sâu 1200 mét. Hay chiếc Oysterlock phải trải qua 26 lần ném, ngâm trong nước mặn chứa clo và đóng gập nắp khoảng chục triệu lần. Vượt qua hết những phép thử này, mỗi chiếc Rolex sẽ được bán kèm một phong ấn màu xanh – biểu tượng uy tín của thương hiệu.

Giải quyết những vấn đề hóc búa bằng tính năng vượt trội

Cái tên Oyster (con hàu) ám chỉ khả năng chống nước của chiếc đồng hồ Rolex: Khép kín và vẫn hoạt động ổn định dù ở lâu dưới nước.

Lý do Rolex trở thành thương hiệu nổi bật trong số hàng loạt các hãng đồng hồ Thụy Sỹ vì suy nghĩ cấp tiến của hãng. Rolex không chỉ đơn thuần muốn chế tác nên đồng hồ chuẩn xác. Thương hiệu còn muốn đưa ra giải pháp cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của khách hàng.

Đơn cử như, hãng đã tiên phong đẩy mạnh trào lưu đồng hồ đeo tay của đầu thế kỷ 20.

Sau đó, Rolex nhận ra rằng đồng hồ có thể bị hư hại khi bị thấm ướt. Suy nghĩ này khiến hãng cho ra đời dòng đồng hồ Oyster năm 1926. Nó là mẫu đồng hồ chống thấm, chống bụi đầu tiên.

Để quảng bá cho tính năng đặc biệt này, Rolex từng đặt những bể cá trong cửa hàng. Nằm trong bể cá, dĩ nhiên là chiếc đồng hồ Oyster chống nước! Vận động viên Mercedes Gleitze cũng đã đeo chiếc đồng hồ này để bơi qua eo biển Manche. Sau 10 tiếng đồng hồ ngụp lặn cùng nữ vận động viên, chiếc Rolex Oyster vẫn hoạt động bình thường.

Rồi Rolex cũng là thương hiệu đầu tiên ra mắt bộ máy lên dây tự động cho đồng hồ cơ. Danh sách những sáng kiến của hãng vẫn tiếp tục kéo dài.

Kỷ lục đấu giá của Rolex

Paul Newman và chiếc Rolex Daytona yêu thích của mình. Ảnh: Everett Collection

Ngày 26/10/2017, một chiếc đồng hồ Rolex Daytona (Ref. 6239) từng trực thuộc gia tài của Paul Newman đã thu về số tiền 17,8 triệu đô-la Mỹ tại một buổi bán đấu giá tại New York.

Chiếc đồng hồ này do vợ của nam tài tử Paul Newman mua tặng chồng năm 1968. Paul Newman là một nhân vật quan trọng đối với lịch sử Rolex. Tuy là một nam diễn viên, nhưng lại đam mê đua xe tốc độ cao. Và cũng là một người yêu mến chất lượng của đồng hồ Rolex. Bất cứ khi nào Paul Newman đua xe, trên cổ tay ông cũng đeo một chiếc Daytona.

Vì vậy, phiên đấu giá này cực kỳ đặc biệt. Số tiền thu về cũng khiến giới mộ điệu ngỡ ngàng. Một chiếc Daytona, vào năm 1968, chỉ có mức giá 200 đô-la Mỹ (tương đương khoảng 1,400 đô-la Mỹ ngày nay). Đấy là chiếc đồng hồ đắt đỏ nhất mọi thời đại từng được bán ra tại một phiên đấu giá! Nó giữ kỷ lục này cho đến tận năm 2019; khi kỷ lục bị phá vỡ bởi một chiếc đồng hồ Patek Philippe.

>>> Xem thêm: TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT VỀ ĐỒNG HỒ DAYTONA, MẪU ĐỒNG HỒ BÁN CHẠY NHẤT CỦA ROLEX

Ảnh: Rolex
Harper’s Bazaar Vietnam

Mới nhất về Rolex

Xem thêm

Thương hiệu

Năm thành lập: 1905
Địa điểm : London, Anh Quốc
Nhà sáng lập : Hans Wilsdorf và Alfred Davis
Chủ sở hữu: Rolex